Bãi nhiệm Thống đốc Newsom có phải là lựa chọn đúng?

Nhân viên bầu cử của hạt Santa Clara sắp xếp phiếu bầu để gửi cho cử tri tại thành phố San Jose hôm 25 tháng Tám; chuẩn bị cho cuộc bầu cử bãi nhiệm Thống Đốc Gavin Newsom vào ngày 14 Tháng Chín tới. Ảnh Justin Sullivan/Getty Images.

Chỉ còn ba tuần nữa cử tri California sẽ đi bỏ lá phiếu quyết định số phận chính trị của Thống đốc Gavin Newsom. Hiện phiếu bầu đã được gửi tới nhà các cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu và bưu điện đã bắt đầu nhận chuyển những lá phiếu bầu sớm, dù một đơn kiện về tính chất hợp hiến của vụ bầu cử đã được nộp lên tòa án và đang được xem xét.

Vụ bỏ phiếu bãi nhiệm Thống đốc Gavin Newsom là một sự kiện hy hữu, trong lịch sử Hoa Kỳ mới chỉ có bốn vụ bãi nhiệm như vậy. Ở tiểu bang California từ năm 1913 đến nay đã có ít nhất 55 vụ đề nghị bãi nhiệm thống đốc nhưng chỉ có hai vụ huy động đủ số chữ ký. Luật tiểu bang quy định một đề nghị bãi nhiệm thống đốc chỉ được xem xét và tổ chức trưng cầu dân ý nếu có được số chữ ký tán đồng tương đương 12% tổng số cử tri, vào khoảng 1.5 triệu người.

Vì sao bãi nhiệm Thống đốc Newsom?

Đề nghị phế truất ông Newsom được đưa ra trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 khi chính quyền California ban hành những biện pháp phong tỏa (lock-down) khắc nghiệt để ngăn chặn đà lây lan thần tốc của coronavirus. Rất nhiều nhà máy, cửa tiệm, nhà hàng phải đóng cửa, hàng triệu người lao động bị mất việc, tiểu bang đối diện với một tương lai thật ảm đạm. Ông Elon Musk, ông chủ của tập đoàn xe điện Tesla, đe dọa sẽ đóng cửa và dời nhà máy lắp ráp xe tại thành phố Fremont ở phía Bắc California sang tiểu bang Texas nếu các quan chức y tế California không dỡ bỏ lệnh đóng cửa nhà máy của ông. Hàng ngàn người thợ làm nail, nhân viên nhà hàng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa  của chính quyền, đòi mở cửa doanh nghiệp và đòi ông Newsom phải từ chức.

Phong trào vận động bãi nhiệm ông Newsom càng được tiếp thêm sức mạnh, khi ông phát biểu hớ hênh rằng những tiệm làm nail là nơi truyền nhiễm virus, và người ta phát hiện ông đi ăn tiệc ở một nhà hàng sang trọng ở San Francisco trong lúc hàng ngàn nhà hàng khác phải đóng cửa, người dân tiểu bang được yêu cầu “ở yên một chỗ”. Mặc dù ông Newson đã công khai xin lỗi, nhưng dưới mắt nhiều người dân đang khốn khổ vì dịch, ông ta là một kẻ đạo đức giả không chấp nhận được. Những điểm vận động chữ ký để bãi nhiệm ông thống đốc được dựng lên ở nhiều nơi và đề nghị bãi nhiệm nhanh chóng thu hút được 1.7 triệu chữ ký, vượt quá con số 12% tổng số cử tri cần thiết.

Bãi nhiệm và sự phân cực đảng phái

Những biện pháp phòng dịch khắc nghiệt thật ra chỉ là giọt nước làm tràn ly sau khi có khá nhiều người dân California bất mãn với cách điều hành của chính quyền Newsom và đảng Dân Chủ mà ông ta là đại diện. Những người phản đối ông Newsom nhìn thấy một tiểu bang California đang “xuống dốc”, không còn là tiểu bang vàng (Golden State) ngày xưa nữa. Mặc dù California vẫn là tiểu bang dẫn đầu Hoa Kỳ về phát triển kinh tế, nhưng những năm gần đây đã xuất hiện nhiều hiện tượng đáng lo ngại: Số người vô gia cư (homeless) rất đông đảo và ngày càng tăng do giá nhà lên cao chót vót; mức chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng ra; đặc biệt là chi phí sinh hoạt tăng phi mã, thuế và giá cả hàng hóa đã vượt ra ngoài tầm tay của hầu hết các gia đình có thu nhập thấp v.v… Những hiện tượng đó thúc đẩy một làn sóng di cư ra khỏi California; trong cuộc tổng kiểm tra dân số 2020, California bị giảm một số lượng cử tri tương đương với một ghế dân biểu trong Hạ Viện liên bang.

Nhìn rộng ra, cuộc vận động bãi nhiệm Thống đốc Newsom còn phản ánh tình trạng chia rẽ sâu sắc về chính trị của đất nước. California là tiểu bang đông dân nhất, với 55 phiếu cử tri đoàn, luôn là một “chiến trường” tranh giành ảnh hưởng giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Sự kiện hai nhà lãnh đạo cao nhất của Hạ Viện Hoa Kỳ đều là người California – bà Nancy Pelosi (Dân Chủ, Chủ tịch Hạ Viện) và ông Kevin McCarthy (Cộng Hòa, lãnh đạo khối thiểu số Hạ Viện) – cho thấy vị thế chính trị to lớn của tiểu bang trong cơ cấu quyền lực của nước Mỹ. Cuộc đối đầu giữa Dân Chủ và Cộng Hòa đặc biệt gay cấn ở California, và cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Thống đốc Newsom có thể nói là một đòn chính trị của đảng Cộng Hòa nhằm loại bỏ một thống đốc Dân Chủ, giành lại cứ điểm chính trị quan trọng hàng đầu này.

Đại dịch COVID-19 là dịp để những mâu thuẫn giữa hai đảng bộc lộ rõ xoay quanh sự điều hành của ông Newsom và chính quyền tiểu bang. Trong quyết định lựa chọn chống dịch vì sức khỏe toàn dân hay duy trì các hoạt động kinh tế thương mại, chính quyền Newsom đã thiên về chống dịch, như đã nói trên, trong khi đa số các thống đốc Cộng Hòa chủ trương ưu tiên cho hoạt động kinh tế, thậm chí không bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không khuyến khích tiêm ngừa. Đáng chú ý là cho đến nay, tình trạng tử vong và nhiễm COVID của người dân ở các tiểu bang Cộng Hòa như Florida, Texas đã vượt xa California mà các thống đốc Ron DeSantis (Florida), Greg Abbott (Texas) vẫn chưa hề bị cử tri đề nghị bãi nhiệm như ông Gavin Newsom.

California vượt qua hoạn nạn

Trong khi đó, sau mấy tháng chông chênh hồi đầu đại dịch, California đã dần dần khôi phục lại các sinh hoạt bình thường: Nhà máy, cửa hàng mở cửa trở lại, người thất nghiệp tìm được việc làm, tuy chưa bằng thời trước đại dịch nhưng về căn bản tình hình đang tốt dần lên, nhờ các biện pháp phòng dịch hiệu quả, ý thức của người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo về y tế và chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg hôm 14 Tháng Sáu, kinh tế California đang bùng nổ. “Trong số các nền kinh tế phát triển của thế giới, California hầu như không có đối thủ ngang tầm xét về mức tăng trưởng tổng sản lượng GDP, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập của hộ gia đình, mở rộng sản xuất công nghiệp, đầu tư vào sáng tạo, sản xuất năng lượng sạch và tích lũy của cải nhờ đà tăng giá cổ phiếu, trái phiếu,” Bloomberg viết. 

Đáng chú ý là chỉ một năm trước, khi dịch COVID-19 hoành hành dữ dội và đề nghị bãi nhiệm Thống đốc Newsom lên tới cao trào, truyền thông Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo về sự sụp đổ của California. Hồi Tháng Năm 2020, hãng tin AP đưa tin: “California sụp đổ: thâm thủng ngân sách $54 tỷ đến gần”; hàng loạt báo làm phóng sự về chuyện người dân California lũ lượt rời bỏ miền đất nhiều cơ hội để di cư tới những tiểu bang có thuế thấp hơn, ít quy định ràng buộc việc kinh doanh hơn.

Nhưng những lời tiên tri đó đều… trật lất. Bài báo dẫn trên của Bloomberg ghi nhận từ Tháng Tư năm ngoái đến Tháng Sáu năm nay, California đã tạo thêm 1.4 triệu việc làm mới ngoài lĩnh vực nông nghiệp – bằng toàn bộ lực lượng lao động của tiểu bang Nevada; thu nhập của các gia đình tăng thêm $164 tỷ – bằng mức tăng của ba tiểu bang Cộng Hòa Texas, Florida và Pennsylvania cộng lại. California vẫn giữ vững vị trí là tiểu bang đóng góp 14% vào tổng sản lượng quốc gia của Hoa Kỳ dù chỉ chiếm 12% tổng dân số, và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức) nếu tính như một quốc gia riêng.

Nhờ sự bùng nổ kinh tế ngay trong thời đại dịch, ngân khố của California chẳng những không bị thâm thủng mà còn có mức thặng dư mà nhiều tiểu bang khác phải mơ ước: Theo tính toán của văn phòng thống đốc, số thặng dư ngân sách của California trong năm tài chính hiện thời là khoảng $76 tỷ. Có nhiều tiền, chính quyền tiểu bang đã bắt đầu chia sẻ cho những cư dân yếu thế bằng các khoản trợ cấp $600/gia đình, hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền chăm sóc trẻ em, bữa ăn miễn phí cho học sinh… ngoài những chính sách tài trợ để chống dịch COVID-19 khá hào phóng của chính quyền liên bang.

Phiếu bầu và tài liệu hướng dẫn bầu bãi nhiệm thống đốc Newsom đã được gửi tới nhà cử tri.

Ông Newsom lành ít dữ nhiều

Đánh giá hiệu năng của bộ máy chính quyền và khi cần thì bãi nhiệm các quan chức lãnh đạo là một sinh hoạt bình thường của xã hội dân chủ. Cử tri California sắp thực hiện quyền chính trị căn bản là bỏ lá phiếu quyết định xem ông Thống đốc Newsom có đáng bị cho về vườn hay không. Cái quyền này người dân các nước độc tài như Việt Nam nằm mơ cũng không thấy được. 

Hiện nay, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy số phận ông Newsom lành ít dữ nhiều, phụ thuộc vào việc đi bầu của cử tri hai đảng. Với những người ghét ông Newsom thì đây là cơ hội để họ loại bỏ ông ta khỏi chính trường trong khi những người ủng hộ ông ta ít quan tâm tới cuộc bầu cử. Và đó là mối nguy mà ông thống đốc đang đối mặt. 

Thăm dò của Viện nghiên cứu Chính sách Công California hồi Tháng Năm 2021 ghi nhận 54% số cử tri ủng hộ cách làm việc của ông Newsom, 57% phản đối việc bãi nhiệm ông nhưng những người đòi phế truất ông có thể đi bầu đông hơn 15%. Mới đây nhất, cuộc thăm dò của hãng CBS News công bố hôm 15 Tháng Tám ghi nhận có 52% cử tri ủng hộ ông Newsom, 48% phản đối, nhưng trong đảng Cộng Hòa có 78% chắc chắn sẽ bỏ phiếu, con số này ở đảng Dân Chủ chỉ là 73%; tính tổng quát, tỷ lệ ủng hộ ông Newsom hiện đang ở mức 57%. Nếu cử tri ủng hộ ông Newsom không đi bầu hoặc đi bầu với số lượng thấp thì khả năng ông Newsom bị bãi nhiệm là rất cao. 

Giải các bài toán của tiểu bang

Nếu như cách đây một năm, cư dân California có nhiều chuyện để “hận” ông Thống Đốc và lo âu cho tương lai, thì hôm nay mà tỷ lệ phản đối ông thống đốc còn cao như vậy (43%) là điều rất đáng suy ngẫm. California đã gần như hồi phục từ đại dịch, cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế phát triển mà người dân vẫn lựa chọn “thay ngựa giữa dòng”, đòi phế truất lãnh đạo là một chuyện lạ. Về phần ông Newsom, cho dù ông may mắn vượt qua được cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm thì ông vẫn phải đối diện với cuộc bầu cử thống đốc vào năm tới, thời gian tại vị của ông chỉ còn hơn một năm nữa. Nếu trong thời gian đó tình hình California không tốt lên thì cử tri vẫn có thể dùng lá phiếu, dùng quyền bầu cử để loại ông ta khỏi vị trí thống đốc một cách dân chủ và chính đáng. Việc tiểu bang bỏ ra $276 triệu để tổ chức trưng cầu dân ý bãi nhiệm ông thống đốc vào thời điểm hiện nay rõ ràng là lãng phí, không thật cần kíp.

Những nan đề của tiểu bang California như tình trạng người vô gia cư tràn lan, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thuế cao và nhiều quy định hành chính cứng nhắc gây khó cho doanh nghiệp là “chuyện dài nhiều tập”, đã nhiều đời thống đốc cả Dân Chủ và Cộng Hòa đều chưa tìm ra lời giải phù hợp. Để giải quyết những vấn đề mà California đang đối mặt đòi hỏi phải có những sự thay đổi căn cơ hơn trong chính trị và luật pháp của tiểu bang, thậm chí của cả liên bang, chứ việc thay đổi một ông thống đốc chưa chắc đã là giải pháp đúng.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: