Bán bà con xa, mua láng giềng gần

Thế giới và toàn cầu 
Share:
Minh họa: Pexels

Tủ đựng quần áo của bạn đầy quần áo may ở các nước khác; điện tử và xe hơi có thể lắp ráp cách xa nơi bạn sinh sống. Đầu tư Hoa Kỳ chảy mạnh vào thị trường châu Á; và người Ấn Độ lũ lượt đến Hoa Kỳ để học và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây chỉ là một ít điển hình cho thấy tầm quan trọng của trao đổi quốc tế. Tuy nhiên, thế giới đang ít nhiều trở nên phi toàn cầu… 

Vẫn lòng vòng “nửa Trái đất”

Hoạt động thương mại giữa các quốc gia hiện dao động khoảng $20 ngàn tỷ, tăng gần 10 lần so với năm 1980. Dòng vốn quốc tế cũng tăng theo cấp số nhân trong cùng thời kỳ, từ $500 tỷ một năm lên hơn $4 ngàn tỷ! Số người ra ngoài biên giới quốc gia cũng cao gần gấp năm lần so với bốn thập niên trước. Tuy nhiên, thật sai lầm khi nói rằng luồng hàng hóa, dịch vụ và con người dịch chuyển có quy mô “toàn cầu”. Toàn cầu hóa, như cách thường được hiểu, là một khái niệm không đúng tuyệt đối; mà thật ra – trong thực tế – là “khu vực hóa”. 

Khi các công ty, chuỗi cung ứng và cá nhân đi ra nước ngoài, họ thường không đi đâu xa cả mà chỉ đến những nước láng giềng khá gần nhà! Một nửa số hàng hóa được bán ra nước ngoài có hành trình ít hơn 3,000 dặm, không quá xa so với một chuyến bay xuyên nước Mỹ, và chắc chắn không đủ xa để băng qua các đại dương. Một nghiên cứu của công ty DHL và Trường Kinh doanh NYU Stern kết luận: “Sự gần gũi thương mại hàng hóa giữa một cặp quốc gia tăng gần gấp ba lần, so với cặp quốc gia xa gấp đôi”. 

Hoạt động thương mại giữa các quốc gia hiện dao động khoảng $20 ngàn tỷ, tăng gần 10 lần so với năm 1980 (ảnh: Ken Jack/Getty Images)

Lợi nhuận của các công ty đa quốc gia cũng đến từ khu vực hơn là toàn cầu. Một nghiên cứu danh sách các công ty lớn nhất thế giới trong Fortune Global 500 cho thấy cứ ba đôla doanh thu thì có hai đôla đến từ… quê hương của chúng. Một nghiên cứu về 365 công ty đa quốc gia nổi tiếng cho thấy chỉ chín trong số đó thực sự là “toàn cầu” với việc kết nối châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Mỗi công ty này có ít nhất 20% doanh số đến từ toàn cầu. 

Thuật ngữ “chuỗi cung ứng toàn cầu” cũng bị hiểu sai. Việc chế tạo những thứ gọi là xuyên biên giới thực ra là trong khu vực với các linh kiện hay thành phẩm được vận chuyển giữa các quốc gia láng giềng. Dòng vốn quốc tế cũng mang tính khu vực hơn toàn cầu. Những người mua cổ phiếu, trái phiếu và các công ty tài chính xuyên biên giới không đầu tư quá xa hay toàn cầu như người ta nghĩ mà thật ra khoảng cách trung bình không vượt quá khoảng cách giữa Tokyo và Singapore. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng theo sau thương mại. Hơn một nửa tổng số tài chính xuyên biên giới chỉ lưu hành trong Liên minh Châu Âu (EU). Mọi người cũng có xu hướng định hướng cuộc sống theo khu vực và đa số không bao giờ rời khỏi đất nước mình. Đối với những người đi du lịch nước ngoài, hơn một nửa không bao giờ ra khỏi khu vực của họ. Phần lớn du khách đi nghỉ ở châu Âu là người… châu Âu! Điều tương tự cũng xảy ra với người châu Á và Bắc Mỹ. Những người thường xuyên di chuyển ra nước ngoài cũng có xu hướng không đi quá xa nơi họ sinh ra. 

Dù sinh viên du học có xu hướng đi xa hơn nhưng 40% không rời khỏi khu vực địa lý của mình. Hơn một nửa dòng chảy quốc tế của hàng hóa, tiền bạc, thông tin và con người diễn ra trong ba trung tâm khu vực chính: Châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cũng bắt đầu từ các khoản đầu tư trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng nhanh của Đông Âu đến từ việc liên kết gần với Tây Âu. 

Các nước láng giềng nói chung vẫn có khuynh hướng giao thương gắn bó với nhau (ảnh: Peng Huan/VCG via Getty Images)

Lợi thế của láng giềng gần

Viết trên Foreign Affairs, Shannon K. O’neil, tác giả quyển The Globalization Myth: Why Regions Matter (phát hành Tháng Mười 2022), cho biết, từ năm 1993 đến năm 2007, kinh tế Mexico đã tăng gấp đôi quy mô, phần lớn nhờ vào Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ban hành năm 1993 với Canada và Hoa Kỳ. Dù NAFTA đã được sửa đổi vào năm 2020 thành Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA), ba đối tác gần Bắc Mỹ vẫn chưa hoạt động giống mô hình đối tác gần của Đông Á và châu Âu. 

Thực tế cho thấy, một chuyến đi xuyên Đại Tây Dương mất một tuần và một chuyến đi xuyên Thái Bình Dương mất một tháng để các bộ phận hoặc hàng hóa đến được các nhà kho và nhà máy của Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất và cửa hàng cần duy trì lượng hàng tồn kho lớn hơn đến từ các nước xa như Trung Quốc, Việt Nam. Và không chỉ hàng hóa có thể bị chậm trễ hoặc thất lạc trong thương mại xa mà ngay cả các cuộc gọi, video, chia sẻ dữ liệu trong không gian và thời gian xa cũng làm tăng chi phí kinh doanh. 

Ngôn ngữ và văn hóa mỗi nước mỗi khác, và những khác biệt này thường lớn dần theo khoảng cách, chẳng hạn giữa Mỹ-Trung Quốc và giữa Mỹ-Anh. Đây là một trong những lý do mà một phần tư thương mại được thực hiện giữa các quốc gia có chung ngôn ngữ. Các quy tắc pháp lý và quy phạm hành chính cũng có xu hướng giống nhau hơn ở các quốc gia gần nhau hơn, nên không cần đội ngũ luật sư, kế toán và chuyên gia nhân sự của nước kia. Tìm kiếm những điểm chung, xây dựng niềm tin và sự hiểu biết, làm việc nhóm giữa những người láng giềng gần cũng dễ hơn láng giềng xa. 

Sự trỗi dậy kinh tế của những quốc gia như Việt Nam cũng bắt đầu từ các khoản đầu tư trong khu vực (ảnh: Linh Pham/Getty Images)

Xu hướng khu vực của các hiệp định thương mại

Thập niên 1990 chứng kiến ​​sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kết nạp thêm thành viên và quyền giám sát của tổ chức này, nhưng điều quan trọng không kém (nếu không muốn nói là quan trọng hơn) trong 30 năm qua là sự phổ biến của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương liên quan đến các nước trong cùng khu vực. EU ưu tiên kết nối thương mại “nội khối”. Brazil tham gia cùng Argentina, Paraguay và Uruguay. 

Sau khi đạt được thỏa thuận thương mại song phương với một quốc gia xa là Israel, Hoa Kỳ quay sang Canada và Mexico và sau đó là 10 quốc gia khác ở Tây Bán cầu. Các quốc gia châu Á liên kết thương mại tự do thông qua Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và sau đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thỏa thuận mang tính toàn cầu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hậu thân của hiệp ước được Washington thiết lập nhưng từ bỏ, cho đến nay vẫn là một ngoại lệ. 

Các công ty nhận thấy lợi nhuận tăng giảm tùy thuộc vào cự ly địa lý. Nhiều công ty Mỹ chấp nhận đi xa như đến Trung Quốc để tăng thu nhập, hưởng lợi từ sự dồi dào lao động và mức lương rẻ. Tuy nhiên, khoảng cách đang trở thành bất lợi khi phí vận chuyển tăng trong khi lương cũng tăng. 

Năm 2010, nghiên cứu 123 công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ cho thấy lợi nhuận được cải thiện khi các công ty chuyển ra quốc tế, nhưng việc dịch chuyển trong khu vực vẫn được lợi hơn là mạo hiểm đến tận Trung Quốc. Tập đoàn tư vấn quản lý McKinsey gọi đây là “hình phạt toàn cầu hóa” và phát hiện thêm rằng, một cuộc khảo sát 500 tập đoàn đa quốc gia cho thấy họ có thu nhập giảm dần khi đưa nhà máy quá xa quê nhà.

Tăng kết nối trong các khu vực 

Sức mạnh của các kết nối khu vực rất quan trọng. Các nước châu Âu đang có vị thế tốt. Dù Brexit và “chủ nghĩa hoài nghi châu Âu” gia tăng khiến EU có vẻ mong manh, nhưng trên thực tế, châu Âu là khu vực hội nhập nhất thế giới. Mối quan hệ sâu sắc kết nối các quốc gia châu Âu bắt nguồn từ hơn nửa thế kỷ với các thỏa thuận ngoại giao đã tạo ra một thị trường duy nhất, một hộ chiếu chung và một đồng tiền chung. Ngày nay, người châu Âu làm mọi thứ cùng nhau và bán cho nhau, với gần 2/3 thương mại của EU là “nội khối”. 

Tương tự, đầu tư bên trong châu Âu vượt quá 50% so với phần còn lại của thế giới. Châu Á cũng hội nhập khu vực rất tốt. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tỷ trọng thương mại giữa các nước đã tăng từ 45% vào năm 1990 lên gần 60% hiện nay, vượt qua Bắc Mỹ. Nhiều thập niên phát triển theo định hướng xuất khẩu được thúc đẩy bởi các lãnh đạo doanh nghiệp châu Á và được hỗ trợ bởi các quan chức đã gắn kết quốc gia này với quốc gia khác thông qua chuỗi cung ứng sản xuất. Các nước châu Á làm mọi thứ cùng nhau và ngày càng mua của nhau. 

Gần một phần ba thành phẩm của châu Á được bán cho người tiêu dùng trong khu vực. Các quốc gia Bắc Mỹ cũng tương tự. Sau NAFTA, thương mại giữa Canada, Mexico và Hoa Kỳ đã tăng gấp bốn, vượt xa thương mại với các quốc gia ngoài khu vực. Đầu tư cũng mang tính khu vực hơn, đặc biệt là đối với Mexico, nơi mà từ sau khi NAFTA hiệu lực năm 1993, cứ hai đôla chảy vào thì có một đôla đến từ các nước láng giềng. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nông nghiệp và sản xuất tiên tiến của Bắc Mỹ đã mở rộng và tăng trưởng mạnh trong thập niên 1990, đẩy thương mại khu vực tăng hơn 1/4. 

Ta về ta tắm ao ta

Trong đại dịch Covid-19, việc đóng cửa biên giới và chi phí vận chuyển tăng mạnh đã khiến các công ty quyết định đưa việc sản xuất về nhà hay gần nhà. Các chính phủ cũng muốn kiểm soát nhiều hơn chuỗi cung ứng quốc tế đối với những sản phẩm dược phẩm và y tế. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ liên tục đã giúp khu vực tư nhân dễ dàng mở rộng sản xuất ra các vùng cận địa lý.

Đặc biệt, việc tự động hóa nở rộ khiến các nhà máy và chuỗi cung ứng xa nhà trở nên không cần thiết nữa và ít sinh lời hơn so với trước. Khi hệ thống cảm biến giám sát các dây chuyền lắp ráp hoàn hảo hơn và robot cùng các hình thức cơ giới hóa khác đảm nhiệm tốt nhiều quy trình và công đoạn sản xuất, tiền lương chỉ còn chiếm phần nhỏ trong tổng chi phí. Hệ quả là các quốc gia xa có lao động rẻ không còn sức thu hút như trước. 

Khi người tiêu dùng muốn được giao hàng nhanh, thậm chí gần như ngay lập tức, thời gian giao hàng lâu của hàng hóa được sản xuất bởi các nhà máy cách xa hàng ngàn dặm sẽ đồng nghĩa với doanh số bán hàng giảm. Hơn nữa, sự thay đổi nhân khẩu học đã làm tăng mức lương tại các nước đang phát triển. Ở Trung Quốc, cuộc di cư của 200 triệu người từ sâu trong nội địa đến các trung tâm sản xuất gần như đã kết thúc. Số người rời khỏi thị trường lao động nhiều hơn số tham gia mới. Lực lượng lao động dự kiến ​​sẽ giảm 100 triệu người trong 20 năm tới. 

Châu Á cũng bị hạn chế nguồn lao động khiến tỷ lệ tiền lương trên một sản phẩm điện tử tăng. Ở châu Âu, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu suy giảm. Hàng triệu người Hungary, Romania và những người Đông Âu khác chỉ bổ sung được một phần. Một yếu tố khác kìm hãm toàn cầu hóa là biến đổi khí hậu. Thời tiết khắc nghiệt sẽ làm tăng chi phí vận chuyển do các cảng biển bị ngập lụt, đường ray bị hỏng và máy bay thường xuyên nằm ụ hơn. Chuỗi cung ứng dài đứt gẫy càng làm trầm trọng vấn đề. Trong khi đó, các chính sách được thiết kế để làm chậm sự ấm lên của Trái đất bằng cách cắt giảm khí thải cũng làm tăng giá vận tải toàn cầu, khuyến khích các công ty sản xuất hàng hóa gần người mua hơn. 

Với vai trò đầu tàu thế giới trên gần như mọi lĩnh vực, Mỹ – theo nhiều ý kiến – nên duy trì việc theo đuổi toàn cầu hóa hơn là co lại với các giao dịch khu vực hóa (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Với Mỹ, chọn toàn cầu hay khu vực?

Có ý kiến rằng Hoa Kỳ không nên khu vực hóa mà nên tiếp tục theo đuổi toàn cầu hóa để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và duy trì các mục tiêu địa chính trị, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc tại các khu vực địa lý khác. Khi tiếp cận rộng hơn thị trường toàn cầu, Hoa Kỳ sẽ tránh bị mất lợi thế cạnh tranh vào tay các quốc gia đang mở rộng ảnh hưởng của họ trong một khu vực nào đó, đặc biệt là Trung Quốc. 

_________________ 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: