Cả thế giới quay lưng với Putin, chỉ còn Tập ở lại

Tập không ưa gì Putin. Nhưng ông ta cần Putin để củng cố quyền lực và đối phó với thế giới dân chủ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng Thống Putin tại Điện Kremlin ngày 20 Tháng Ba, 2023. Ảnh: Shen Hong/Xinhua via Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
Cả thế giới quay lưng với Putin, chỉ còn Tập ở lại
/

Trưa Thứ Hai, 20 Tháng Ba (giờ địa phương), chiếc Boeing 747 chở  Tập Cận Bình đáp xuống phi trường Vnukovo International Airport. Tuy nhiên, người đứng chờ để chào đón Chủ tịch Trung Quốc bước ra khỏi phi cơ không phải là Tổng Thống Vladimir Putin như lời “người” đã hứa, mà đó, là một trong 10 phó thủ tướng của Nga, ông Dmitry Chernychenko – phụ trách vấn đề du lịch, thể thao, văn hoá.

Trưa Thứ Hai, 20 Tháng Ba (giờ địa phương), chiếc Boeing 747 chở  Tập Cận Bình đáp xuống phi trường Vnukovo International Airport. Ảnh: Xie Huanchi/Xinhua via Getty Images

Trong chương trình Fox News Sunday, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby, cho biết Nga và Trung Quốc “là hai quốc gia đang chống lại trật tự quốc tế” mà Hoa Kỳ và rất nhiều đồng minh đã xây dựng kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến.

Theo ông Kirby, Hoa Kỳ sẽ thận trọng theo dõi diễn tiến từ cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin trong tuần này tại Nga.” Phát biểu trên chương trình ‘Face the Nation’ của CBS, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia thời chính quyền Trump, H.R. McMaster, nhấn mạnh tình bằng hữu của Tập Cận Bình và Putin ngày càng bền chặt hơn bao giờ hết.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby trong chương trình “Fox News Sunday” tại trụ sở đài truyền hình FOX News D.C. hôm 19 Tháng Hai, 2023. Ảnh: Shannon Finney/Getty Images

Nga và Trung Quốc thân thiết ra sao?

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng thân thiết trong những năm gần đây, tuy nhiên không phải lúc nào cũng khăng khít như vậy. Trong thập niên 1960, Trung Quốc và Nga từng là đối thủ gay gắt và đã đụng độ nhau vào năm 1969 vì tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới.

Dưới thời Lê Duẩn thập niên 1970, Việt Nam chọn đứng về phía Liên Xô và xa rời Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc đã mất đi khả năng can thiệp và gây ảnh hưởng đến các quyết định của chế độ cộng sản Hà Nội. Lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, Đặng Tiểu Bình, đã giải thích lý do xâm lược Việt Nam năm 1979: “Việt Nam là một đứa trẻ không nghe lời và cần bị đánh đòn.

Trung Quốc và Nga không ký cam kết bảo vệ lẫn nhau bằng quân sự. Nhưng hai quốc gia này lại là đối tác chiến lược thân thiết khi cả hai đều xem thể chế dân chủ là mối đe dọa đối với quyền lực. Tập Cận Bình thường mô tả Putin là người bạn thân nhất của mình. Vào sinh nhật lần thứ 66 của Tập năm 2019, Putin đã tặng Tập một chiếc bánh và một hộp kem khổng lồ.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga tăng cường đáng kể kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào Crimea, Ukraine năm 2014. Lúc đó, Trung Quốc đã giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt do chính quyền Obama áp đặt nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của Nga.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga tăng cường đáng kể kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào Crimea, Ukraine năm 2014. Trong hình là chuyến viếng thăm Nga ba ngày vào Tháng Sáu, 2019 của Tập Cận Bình. Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

Trước các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga sau khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine vào năm ngoái, Trung Quốc đã giúp cung cấp nhiều sản phẩm mà Nga trước đây đã mua từ các nước đồng minh phương Tây, bao gồm vi mạch điện tử , điện thoại thông minh, và nguyên liệu thô cần thiết cho thiết bị quân sự. Tổng thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng mạnh trong năm ngoái.

Trung Quốc và Nga đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung. Năm ngoái, khi Tổng thống Biden tới Tokyo, máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã phối hợp thực hiện một phi vụ gần không phận Nhật Bản để phô trương lực lượng. Bộ Quốc Phòng Nhật sau đó cũng cho biết một tàu khu trục của Trung Quốc và Nga cũng đã đến gần cụm đảo Senkaku, nơi mà cả Trung Quốc và Nhật Bản cùng khẳng định chủ quyền.

Tập Cận Bình muốn gì từ Putin?

Tập Cận Bình muốn Putin đứng cùng chiến tuyến để đối đầu với sự thống trị của Hoa Kỳ và đồng minh. Trong một bài viết đăng trên một tờ báo Nga trước chuyến thăm Nga, Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Nga cần hợp tác chặt chẽ để vượt qua các thách thức đối với an ninh quốc gia, bao gồm “các hành vi bá quyền, thống trị và bắt nạt gây thiệt hại.

Từ khi lên nắm quyền, Tập đã theo đuổi lập trường cứng rắn chống lại nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo Giám đốc nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc tại Viện Brookings, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang theo đuổi chiến lược chiếm ưu thế toàn cầu và tìm cách áp đặt phiên bản trật tự toàn cầu của nước này, bằng cách khiến nhiều quốc gia phải phụ thuộc vào Trung Quốc và tách châu Âu ra khỏi Hoa Kỳ.

Mục tiêu lâu dài của Nga và Trung Quốc ?

Mục tiêu tối thượng của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga là để củng cố quyền lực và phá hoại các nền dân chủ. Theo báo cáo của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), Nga và Trung Quốc đẩy mạnh việc tận dụng công nghệ mới nổi, đặc biệt trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), để theo dõi và đàn áp bất đồng chính kiến, cũng như lan truyền các thông tin sai lệch và định hướng dư luận.

Putin đã chủ động cải tổ và đặt ra các quy định mới để tạo điều kiện cho Dịch Vụ An ninh Liên bang (Federal Security Service) dễ dàng thu thập, phân tích, và lưu trữ tất cả các hình thức liên lạc thông qua mạng Internet ở Nga. Theo dự án Computational Propaganda Project của Đại học Oxford, chính phủ Nga tận dụng công nghệ thông tin để định hướng dư luận nhằm tranh thủ sự ủng hộ với chế độ Putin.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phần nào thành công sử dụng công nghệ số để củng cố quyền lực. Mặc dù Internet đã giúp giới bất đồng chính kiến phơi bày bộ  máy độc đoán của Trung Quốc, nhưng các công nghệ mới nổi đã giúp ĐCSTQ còn kinh khủng hơn nữa. Tăng cường kiểm duyệt, tuyên truyền, và giám sát các hoạt động của các nhà hoạt động đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết đối với ĐCSTQ.

Cuốn sách của Tập Cận Bình trưng bày ở Hội chợ Sách Quốc tế Non/fiction22, vào ngày 25 Tháng Ba, năm 2021 tại Moscow, Nga. Khoảng 300 nhà xuất bản từ 29 quốc gia đã giới thiệu sách của họ tại triển lãm sách hàng năm ở Gostinny Dvor, gần điện Kremlin. Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

Theo Cơ quan Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), bức Tường lửa Vĩ đại (Great Firewall ) của hệ thống Internet bị kiểm duyệt ở Trung Quốc ngày càng được hiện đại hóa để giám sát hoạt động của người dùng, định hình thông tin, và theo dõi thói quen hàng ngày của người dân.

Điều này được kết hợp với một hệ thống giám sát và nhận dạng khuôn mặt được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo, theo dõi các hoạt động ngoại tuyến, được kích hoạt bởi các camera quan sát ở mọi góc đường của các thành phố Trung Quốc. Đáng ngại hơn, năm 2014, ĐCSTQ đã công bố hệ thống kiểm soát che đậy dưới danh nghĩa “tín dụng xã hội” (Social Credit System – SCS) để theo dõi những gì người dân đăng tải, tiếp cận với ai, hoặc quan tâm tới vấn đề gì trên mạng xã hội.

Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tích cực ‘xuất khẩu’ công nghệ giám sát tới hàng loạt các quốc gia khác ở châu Phi, châu Á, và châu Mỹ Latinh. Chiến lược này của Bắc Kinh không chỉ mang tới lợi ích thương mại, nhưng còn tạo ra sự phụ thuộc vào công nghệ và cung cấp dữ liệu cho Trung Quốc. Ví dụ, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã giúp chính phủ Zambia truy cập điện thoại và Facebook của một nhóm các blogger ủng hộ phe đối lập, dẫn đến việc họ đã bị an ninh bắt giữ.

Tập không ưa gì Putin. Nhưng ông ta cần Putin để củng cố quyền lực và đối phó với thế giới dân chủ. Mặc dù Putin và Tập có chiến lược khác nhau, nhưng cả hai cùng đoàn kết trong một mục tiêu chung: biến thế giới thành một nơi an toàn hơn cho độc tài chuyên chế. Bởi thế, một trong những điều giản dị, nhưng tối quan trọng mà thế giới dân chủ có thể làm để gửi thông điệp mạnh mẽ cho Tập và Putin: hợp tác chặt chẽ cùng nhau để bảo vệ nền dân chủ non trẻ Ukraine.

Ukraine không chỉ đấu tranh cho tự do của mình, mà còn cho thế giới dân chủ. Hầu hết chuyên gia đều nhận định rằng kẻ thù Ukraine cũng chính là kẻ thù của liên minh dân chủ. Bảo vệ Ukraine là bảo vệ các giá trị cao đẹp của thế giới dân chủ tự do. Dân chủ không thể tự tồn tại trước những lãnh đạo độc tài như Tập và Putin. Sự tồn tại của dân chủ phụ thuộc vào sự liên kết có chiến lược và liên tục từ các nhà lãnh đạo, các tổ chức dân sự, và đông đảo cử tri ở Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: