Chiến dịch đánh tư sản mới trong chế độ Cộng sản

Tập Cận Bình: quyền lực chính trị của Đảng vẫn được ưu tiên hơn cả sức mạnh kinh tế (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Nhắm vào các tập đoàn khổng lồ giàu có, kế đến là giới nhà giàu tư bản đỏ, nhà cầm quyền Cộng sản đang mở chiến dịch lấy bớt của cải từ đó, để gọi là “đóng góp và các ngân khoản xây dựng xã hội”.

Dĩ nhiên, chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc, bậc sư phụ chủ nghĩa Cộng sản hôm nay, vốn luôn được các quốc gia thân cận học hỏi nhanh chóng. Nhà báo Jane Cai từ SCMP (trong bài China’s path to common prosperity puts pressure on private enterprise) đã mô tả điều mới nhất đang làm rúng động những người làm ra tiền của ở Trung Quốc – lớp người suốt trong nhiều chục năm vẫn tin rằng nếu ra vẻ thần phục chế độc tài, chịu khó làm giàu và gần gũi với các quan chức thì sẽ được yên ấm viên mãn.

Thế nhưng qua đại dịch COVID-19, mọi thứ đã thay đổi. Với tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng trầm trọng, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đang khéo léo đẩy sự khốn khó và tức giận của người nghèo vào hình ảnh giai cấp giàu có trong nước. Lời kêu gọi của Bắc Kinh gửi đến giới đại gia, giai cấp tư bản đỏ hãy bỏ tiền ra, đóng góp tái thiết xã hội đang được hưởng ứng nồng nhiệt từ đám đông mãi mãi thiếu thốn ở quốc gia tỷ dân này. Nói là “kêu gọi” về mặt đạo đức, nhưng ngầm sau đó là cả một chiến dịch để tạo cớ, soi mói cho ra tội, trừng phạt nếu ai đó phản ứng.

Nói một cách khác, cuộc đánh tư sản công khai và hợp pháp hóa bằng ý nghĩa xã hội đang diễn ra rầm rộ. Nhưng điểm dừng của nó thì chưa biết đến khi nào.

Đại dịch mở ra những khung cảnh nghèo khó. Và những người giàu trên thế giới nói chung đều chịu áp lực này. Không phải tài năng hay sản nghiệp dày công tạo dựng có thể giữ vững tên tuổi của họ lúc này, mà sự hào phóng mới xoa dịu được các cơn đau tập thể đang lan tràn. Mới đây, Giám đốc điều hành của Tesla và người sáng lập SpaceX, Elon Musk; và người sáng lập Amazon.com, Jeff Bezos, đã được Giám đốc chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, David Beasley, kêu gọi đích danh. Trong một tuyên bố của mình, ông David Beasley nói rằng những người giàu như họ nên quyên góp một phần tài sản của họ để giúp chống lại nạn đói và cứu rỗi thế giới.

Nhưng tại Trung Quốc, không phải là chuyện đạo đức cá nhân đơn thuần mà thôi. Việc hưởng ứng “đóng góp” được các doanh nhân ghi danh với các con số hàng chục tỷ nhân dân tệ, với lời thề hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình – một sáng kiến ​​mới nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội, đi kèm các cuộc điều tra rầm rập ngày đêm “chống độc quyền”, thắt chặt giám sát an ninh dữ liệu và các số tiền phạt khổng lồ. Các báo cáo mật được chuyển đi tới tấp, đánh giá về lòng nhiệt thành của các công dân trong chế độ Cộng sản, xem là họ có háo hức được đóng góp cho chế độ hay không.

Ông Tập đã nêu ra tầm nhìn “thịnh vượng chung” của mình tại cuộc họp với Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương vào Tháng Tám, trong đó ông ta nói đến tận dụng nguồn “Phân phối thứ ba” (tertiary distribution) là một trong những hệ thống cơ bản để giải quyết khoảng cách giàu nghèo, và khuyến khích những người có thu nhập cao, và các công ty để “trả lại nhiều hơn cho xã hội”. Khái niệm “Phân phối thứ ba” lần đầu tiên được nhà kinh tế học Lại Dĩ Trữ (Li Yining) của Đại học Bắc Kinh đưa ra vào những năm 1990 và đề cập đến các hoạt động từ thiện – quyên góp, tổ chức từ thiện và tình nguyện – diễn ra sau các hình thức phân phối lại của cải thông qua thu nhập và thuế.

Mặc dù chuyện “Phân phối thứ ba” đã được đề cập trong các cuộc họp toàn đảng năm 2019 và 2020, và xuất hiện trong bản kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 2021-2025 của đất nước được công bố vào Tháng Ba năm ngoái, nhưng chuyện này đã tạo ra rất ít sự chú ý cho đến khi ông Tập công khai vào mùa Hè này. Rất đơn giản: Ông Tập nhìn ra rằng nguồn tiền khổng lồ trong dân chúng được hợp pháp chuyển giao cho nhau, trợ giúp liên thông trong đất nước lâu nay là cần phải được kiểm soát, và lấy lại theo hướng của chính quyền.

Hàng năm, các quỹ từ thiện và nguồn quyên góp từ các người nổi tiếng của Trung Quốc được đánh giá là không thua các quỹ đầu tư lớn nhất, nên phải ra luật kèm hình ảnh đạo đức để chuyển về nhà nước kiểm soát. Luật thì khá dễ dàng. Còn đạo đức? Cũng đơn giản không kém khi cố tạo ra những vụ bê bối về thâm lạm tiền quyên góp hay vấn đề đạo đức nào đó của chính nơi kêu gọi.

Kể từ khi Jack Ma, Triệu Vy được lấy là hình mẫu của cuộc đánh tư sản kiểu mới, các doanh nhân Trung Quốc đã vô cùng bận rộn dành các quỹ đặc biệt cho chương trình thịnh vượng chung, hỗ trợ tài chính cho các mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, v.v. Sự tràn lan của lòng nhân từ và sự hào phóng chắc chắn có thể thúc đẩy tinh thần từ thiện, nhưng nó cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các hoạt động quyên góp từ thiện theo hướng chính sách có thể hiệu quả trong việc giúp giảm bất bình đẳng giàu nghèo hay không. Bởi, mọi nguồn tiền rồi cũng quy về sự kiểm soát của nhà nước.

Những kiểu quyên góp tự nguyện – nhưng không góp không xong như vậy sẽ không bao giờ dừng lại. Ông Steve Tsang, Giám đốc SOAS của Đại học London, nhận định với ý trên. Mỉa mai hơn, nó giống như một kiểu mua bảo hiểm để tồn tại trong lòng chế độ.

Chính quyền Trung Quốc giới thiệu sức mạnh của mình qua cuộc điều tra và tuyên bố công ty Alibaba đã bị phạt mức phạt kỷ lục $2.8 tỷ với tội phát hiện lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Các nạn nhân khác từ chương trình đánh tư sản kiểu mới này còn có nhà phát hành trò chơi Tencent, công ty giao thức ăn trực tuyến Meituan, nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và ứng dụng gọi xe Didi. Tất cả đều bị phạt, hoặc chấm dứt hợp đồng do vi phạm luật chống độc quyền, hoặc an ninh mạng.

Ernan Cui, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics ở Hong Kong, cho biết nhiều người làm việc trong các công ty internet của Trung Quốc tin rằng lời kêu gọi của ông Tập về việc đóng góp nhiều hơn cho xã hội là nhắm vào họ. Bà nói: “Cảm thấy áp lực chính trị, các tỷ phú công nghệ đã tăng cường đóng góp từ thiện trong năm nay. Tổng số tiền quyên góp năm ngoái của 100 doanh nhân trong Danh sách từ thiện tại Trung Quốc của Forbes lên tới 24.51 tỷ nhân dân tệ ($3.8 tỷ), tăng 37% so với năm trước. Ngành công nghiệp công nghệ, với số tiền quyên góp là 7.8 tỷ nhân dân tệ – chiếm 32% tổng số – được xếp hạng là làm từ thiện nhiều nhất của đất nước. Trong tám tháng đầu năm nay, năm tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã cam kết ít nhất $13 tỷ từ tài sản cá nhân hoặc công ty của họ cho các quỹ và sáng kiến ​​từ thiện.

Rất nhiều nhà quan sát đã tự hỏi rằng sự hào phóng và lòng yêu chế độ giả tạo này có thể kéo dài trong bao lâu, trong các cuộc đánh tư sản hết sức mềm dẻo và không có hồi kết này của chính quyền cộng sản.

Tom Wang, 45 tuổi, đồng sáng lập của một công ty sản xuất quy mô vừa ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, cho biết anh đã phải quyên góp tổng cộng 1 triệu nhân dân tệ cho một số dự án trong năm nay của chính quyền. “Thật khó mà nói rằng chúng tôi đã bị ép buộc. Giới làm ăn chúng tôi được mời trò chuyện với các quan chức địa phương hàng tháng. Khi bạn được hỏi công khai có quyên góp hay không, bạn không thể nói nào mà nói “không”. Chính quyền giữ thể diện cho chúng tôi bằng cách gửi giấy triệu tập và nói riêng”, Tom Wang nói, “không khí của các buổi trao đổi thường xuyên đó làm cho mình giống như không có lương tâm nếu từ chối. Nhưng dù có nói không quyên góp, tôi vẫn cảm thấy sự bất an trước áp lực”.

Các dự án, hay nhu cầu phát triển, hỗ trợ… được nhà nước đưa ra dễ dàng, nhưng trước đây là dựa vào kinh phí do trung ương rót xuống. Giờ thì dễ dàng và nhiều hơn, khi các địa phương tự đưa ra các kế hoạch và gọi từng gia đình giàu có, các doanh nghiệp đến để yêu cầu đóng góp. Không khác gì các cuộc đánh tư sản bất ngờ đã từng xảy ra, nhưng mọi thứ giờ đây thâm hiểm và dai dẳng hơn: Những cuộc rút rỉa đó không thể tránh khỏi, nhưng nó không biết khi nào mới dừng. Từ chối, bạn có thể bị trả thù ngấm ngầm vào lúc nào đó, kiểu nào đó. Bên cạnh việc truyền thông của chính quyền sẽ chụp mũ bạn về sự ích kỷ đạo đức với cộng đồng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: