Cuộc chiến chung quanh quyền bầu cử

Một cuộc chiến đang diễn ra ngày càng gay gắt và chưa có hướng giải quyết giữa đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa về quyền bầu cử của công dân Mỹ.
Ảnh minh họa Pixabay.

Một chuyện phi lý nghe như đùa nhưng đã xảy ra ở nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị: Hôm thứ Hai đầu tuần, hơn 50 vị dân biểu thuộc đảng Dân Chủ của Hạ Viện tiểu bang Texas đã đồng loạt “di tản” ra khỏi tiểu bang để tránh phải dự một kỳ họp đặc biệt của Hạ Viện vào ngày hôm sau. Đa số ra đi trên hai chiếc phi cơ tư nhân được bí mật thuê trước, một số người chạy xe hơi xuyên bang; một số nữ dân biểu mang theo cả con nhỏ… và tất cả đều bỏ lại nhà cửa, cha già mẹ yếu cùng những công việc làm ăn khác.

Tối ngày thứ Hai 12 Tháng Bảy, sau khi đến được phi trường Dulles International ở thủ đô Washington, các dân biểu Dân Chủ Texas đã tổ chức họp báo và cho biết họ sẽ không trở về trước ngày 7 Tháng Tám, ngày kết thúc kỳ họp đặc biệt của Quốc Hội tiểu bang. Kịch tính tăng cao thêm khi ngày hôm sau, thứ Ba, Thống Đốc Texas Greg Abbott (Cộng Hòa) ra lệnh cho vệ binh quốc gia Texas phải truy lùng và bắt giữ những vị dân biểu này khi họ quay trở lại lãnh thổ Texas. Một cuộc đối đầu căng thẳng giữa những vị dân cử Cộng Hòa và Dân Chủ đã sôi sục ở tiểu bang lớn thứ hai của Hoa Kỳ, cũng là tiểu bang có những cách hành xử độc đáo, khác lạ với các tiểu bang còn lại, với biệt danh tiểu bang “Ngôi Sao Cô Đơn”.

Tại sao dân biểu Texas phải di tản?

Vấn đề bắt đầu ở chỗ, sau cuộc tổng tuyển cử gây nhiều tranh cãi ngày 3 Tháng Mười Một năm ngoái, Texas cùng với một số tiểu bang khác – mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong Quốc Hội tiểu bang – đã đưa ra một số dự luật nhằm hạn chế việc bỏ phiếu của cử tri, nhắm vào thành phần cử tri là người da màu, người có thu nhập thấp. Họ cho rằng, cuộc bầu cử năm ngoái, với những luật lệ bầu cử được nới lỏng do yêu cầu của thực tế phòng dịch COVID-19, đã dẫn tới tình trạng gian lận, làm cho ứng cử viên của đảng Cộng Hòa Donald Trump, tổng thống khi ấy, bị thất bại trước đối thủ thuộc đảng Dân Chủ Joe Biden. 

Cho đến nay, không có bằng chứng khả tín nào chứng tỏ cuộc bầu cử năm ngoái bị gian lận có hệ thống; và thực tế, ngoài trường hợp ông Trump, nhiều ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử vào Hạ Viện liên bang đã giành được thắng lợi trước các đối thủ Dân Chủ. Nhưng mối lo thất cử vẫn ám ảnh các chính trị gia Cộng Hòa. Họ cho rằng, để giành thắng lợi cho đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, và xa hơn là cuộc bầu cử tổng thống 2024, cần nhanh chóng sửa đổi luật lệ về bầu cử. Quốc Hội do Cộng Hòa kiểm soát ở Texas, cùng với Georgia và một số tiểu bang khác, đã vội vã soạn thảo và trình ra những dự luật sửa đổi thể thức bầu cử, mà truyền thông gọi chung là những “luật hạn chế bỏ phiếu” (voting restriction law). Theo thông tin của Trung tâm Tư pháp Brennan thuộc trường Luật Đại học New York, đến ngày 24 Tháng Ba 2021, đã có 361 dự luật được trình ra Quốc Hội 17 tiểu bang có nội dung hạn chế việc bỏ phiếu qua thư bưu điện, củng cố luật về thẻ căn cước (buộc cử tri trình thẻ ID có dán ảnh khi nhận phiếu bầu hoặc bỏ phiếu), rút ngắn thời gian bỏ phiếu sớm, bãi bỏ việc ghi danh cử tri tự động và ghi danh ngay trong ngày bỏ phiếu; hạn chế việc sử dụng thùng thư để bỏ phiếu và tăng việc kiểm tra danh sách cử tri, loại bỏ những cử tri “không đủ chuẩn”…

Trong một bầu không khí chính trị bị phân cực sâu sắc, những dự luật hạn chế này được các vị dân cử Cộng Hòa đưa ra và ủng hộ, nhưng bị các vị dân cử Dân Chủ phản đối quyết liệt vì cho rằng chúng hạn chế quyền bỏ phiếu của các cử tri da màu, thiểu số và trẻ tuổi – những thành phần cử tri có khuynh hướng bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ – đi ngược với quyền bình đẳng được ghi trong Hiến Pháp và gây nguy hiểm cho nền dân chủ. 

Ở Texas, dự luật được phê chuẩn theo quy trình lập pháp thông thường: đưa ra thảo luận và biểu quyết ở Hạ Viện, sau đó chuyển đến Thượng Viện xem xét, bỏ phiếu; cuối cùng Thống Đốc tiểu bang sẽ ký ban hành thành luật. Hạ Viện Texas có 150 dân biểu, gồm 83 Cộng Hòa và 67 Dân Chủ; một cuộc bỏ phiếu chỉ có thể thực hiện khi có ít nhất hai phần ba số dân biểu tham dự, tức là từ 100 dân biểu trở lên, gọi là quorum (túc số).

Hôm 30 Tháng Năm, trong phiên họp thường kỳ của Hạ Viện Texas, khi đến mục thảo luận và bỏ phiếu về dự luật bầu cử mới, cả 67 dân biểu Dân Chủ đã đồng loạt đứng dậy bỏ ra khỏi nghị trường, làm cho cuộc bỏ phiếu không tiến hành được. Thống Đốc Greg Abbott đã sử dụng quyền hiến định triệu tập một kỳ họp bất thường của Hạ Viện Texas từ ngày thứ Ba 13 tháng Bảy để tiếp tục thảo luận về dự luật bầu cử mới, đặt các dân biểu Dân Chủ vào một tình huống khó xử: nếu họ dự họp thì dự luật có nhiều khả năng sẽ được thông qua với đa số phiếu thuận của đảng Cộng Hòa; cách duy nhất để ngăn chặn điều đó là phá vỡ túc số (bolting quorum); chỉ cần 51 dân biểu Dân Chủ không dự họp thì cuộc bỏ phiếu sẽ không hợp lệ nữa. Điều đó có nghĩa là các dân biểu Dân Chủ phải tạm thời rời khỏi tiểu bang nếu không muốn bị cảnh sát “áp tải” tới phòng họp.

Dự luật bầu cử mới của Texas nói gì?

Để biết phản ứng của đảng Dân Chủ có hợp lý không cần xem nội dung của dự luật mà họ phản đối. Người viết bài này chưa được nghiên cứu dự luật bầu cử mới ở Texas vì nó chưa được ban hành thành luật, nhưng qua giải thích của hãng tin AP – hãng truyền thông Mỹ có uy tín hàng đầu về các vấn đề bầu cử – thì dự luật đặt ra nhiều hạn chế đáng kể. “Nếu các đề nghị được thông qua, việc bỏ phiếu ở Texas sẽ trở nên khó khăn hơn và thậm chí rủi ro hơn về mặt pháp lý”, hãng AP nhận định và cho biết một số thay đổi lớn.

Theo AP, trước hết dự luật gia tăng quyền hạn cho các “giám sát viên bầu cử”. Giám sát viên là những người được hai đảng cử ra để theo dõi việc tổ chức bầu cử; họ túc trực tại các phòng bỏ phiếu để quan sát việc bầu cử của cử tri và việc kiểm đếm phiếu bầu của các nhân viên bầu cử. Trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã căn cứ vào các quan sát chưa được xác minh từ những người giám sát bầu cử thuộc đảng Cộng Hòa để gieo rắc nghi ngờ về kết quả bầu cử và đưa ra những tuyên bố sai sự thật về hành vi gian lận. Dự luật của Texas trao cho các giám sát viên bầu cử những quyền hạn mới như “tầm nhìn của giám sát viên không thể bị cản trở”, “những người theo dõi cuộc bầu cử có quyền ngồi hoặc đứng đủ gần để nghe hoặc nhìn thấy hoạt động của nhân viên bầu cử”. Giám sát viên cũng có quyền khởi kiện hình sự chống lại những viên chức bầu cử mà họ cho rằng đã cản trở công việc của họ. 

Đảng Cộng Hòa cho rằng thay đổi này là cần thiết vì cử tri chỉ tin tưởng vào cuộc bầu cử nếu các giám sát viên đại diện cho họ có quyền truy cập tự do vào mọi khía cạnh của bầu cử và kiểm phiếu. Nhưng các dân biểu Dân Chủ và các tổ chức dân quyền lo lắng những người bảo thủ ở Texas sử dụng các giám sát viên để đe dọa các cử tri thiểu số. Trong lịch sử, gần đây nhất là năm 1962, các giám sát viên bầu cử của đảng Cộng Hòa ở một số vùng của Texas đã buộc các cử tri da đen và gốc Mỹ Latinh phải đọc và giải thích Hiến Pháp Hoa Kỳ trước khi cho họ bỏ phiếu, như một phần của chiến dịch có tên “Chiến dịch Mắt Chim Ưng” (Eagle Eye). 

Dự luật làm cho cử tri khó bỏ phiếu hơn; cấm sử dụng các thùng thư để cử tri bỏ phiếu vào, cấm gửi đơn xin bỏ phiếu vắng mặt cho tất cả các cử tri đủ điều kiện, cấm bỏ phiếu theo hình thức lái xe ngang qua (drive-thru) và không cho phép các địa điểm bỏ phiếu mở cửa suốt 24 giờ. Trong cuộc bầu cử năm ngoái, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, các hình thức bỏ phiếu này đã được áp dụng. Tại Harris County, bao gồm cả thành phố Houston lớn nhất Texas, đã có 140,000 cử tri bỏ phiếu bằng cách lái xe qua (drive-thru), bỏ phiếu vào thùng thư ở các phòng phiếu mở cửa 24 giờ.

Đảng Cộng Hòa cho rằng những phương thức này chỉ nên áp dụng trong một trận đại dịch thế kỷ và không phải là hình thức bỏ phiếu thường xuyên. Đảng Dân Chủ và các nhóm bảo vệ quyền bầu cử thì cho rằng những biện pháp đó chỉ đơn giản là giúp người dân bỏ phiếu dễ dàng hơn và đặc biệt là giúp tầng lớp lao động và cử tri trẻ tuổi thực hiện quyền bỏ phiếu.

Cho đến nay Texas là một trong những tiểu bang khó bỏ phiếu nhất cả nước; cử tri chỉ được bỏ phiếu qua thư bưu điện nếu là người già từ 65 tuổi trở lên, người có lý do phải rời khỏi tiểu bang trong thời gian bầu cử hoặc người bị tàn tật. Nhưng sau khi ông Trump phản đối việc bỏ phiếu qua thư trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, đảng Cộng Hòa ở Texas và các nơi khác đã phản đối biện pháp bỏ phiếu qua thư và muốn siết chặt các quy định.

Dự luật của Texas yêu cầu cử tri gửi phiếu bầu qua thư phải ghi số nhận dạng (số ID) trên phong bì và phiếu phải trùng khớp với dữ liệu cử tri của họ. Để nhận được phiếu bầu qua thư, cử tri phải kê khai số giấy phép lái xe hoặc bốn chữ số cuối của số An Sinh Xã Hội. Điều khoản này tương tự với một điều khoản vừa được thông qua ở tiểu bang Georgia. Những người phản đối nói rằng nó đang tạo ra cơ hội cho cử tri mắc những sai lầm nhỏ và làm tăng nguy cơ lá phiếu bị loại bỏ.

Dự luật “hình sự hóa” một số vi phạm liên quan tới bầu cử – những hành vi vi phạm đó được định nghĩa khá rộng rãi và có thể khiến cử tri bị mắc bẫy; và hình phạt cũng được tăng nặng. Một ví dụ, những người giúp cử tri điền phiếu bầu phải ghi rõ chữ ký, họ tên, địa chỉ, mối quan hệ với cử tri và phải khai chi tiết là có được trả công bởi một chiến dịch tranh cử hay ủy ban chính trị hay không. Những người không điền các thông tin này có thể bị truy tố hình sự. Trước đây, luật cho phép miễn truy tố đối với người giúp điền phiếu bầu, nhưng dự luật mới chỉ miễn truy tố cho người giúp điền phiếu bầu là người cùng gia đình hoặc sống cùng nhà với cử tri, ví dụ như con cái điền phiếu giúp cha mẹ lớn tuổi. Ở tiểu bang Georgia lân cận, luật bầu cử mới thậm chí còn kết tội hình sự những ai tiếp tế thức ăn và nước uống cho các cử tri đang xếp hàng chờ bỏ phiếu!!!

Đảng Cộng Hòa cho rằng việc xử phạt là cần thiết để ngăn chặn hành vi gian lận hoặc ảnh hưởng không thích hợp đến cử tri. Nhưng đảng Dân Chủ lưu ý, gian lận cử tri là cực kỳ hiếm. Texas đã dành hàng triệu đôla để điều tra gian lận cử tri trong cuộc bầu cử năm ngoái nhưng chỉ phát hiện một số trường hợp rất ít trong số hơn 11 triệu cử tri đã bỏ phiếu tháng Mười Một vừa qua.

Dự luật cũng tạo ra một tội hình sự mới với những người nhận tiền để bỏ giúp các lá phiếu đã điền và đã niêm phong từ các cử tri. Tổ chức Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) phàn nàn rằng điều khoản này quá mơ hồ và có thể hình sự hóa các hoạt động bỏ phiếu thông thường. 

Quốc Hội liên bang nói gì về quyền bầu cử?

Trong khi các tiểu bang mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Quốc Hội cố gắng thông qua các đạo luật hạn chế bầu cử mới như trên thì Quốc Hội liên bang Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ chiếm đa số cũng nỗ lực ban hành những đạo luật bầu cử mới nhằm pháp chế hóa quy trình và phương thức bầu cử sao cho thuận tiện hơn. Hiện có hai dự luật quan trọng liên quan tới quyền bầu cử đang được Quốc Hội xem xét: dự luật Vì Nhân Dân (For the People Act) và dự luật Quyền Bầu cử John Lewis (John Lewis Voting Right Act). Nếu được Quốc Hội thông qua và được Tổng Thống Joe Biden ký thành luật, các luật liên bang này có thể vô hiệu hóa các đạo luật hạn chế bầu cử mà các tiểu bang Cộng Hòa đã hoặc sẽ ban hành.

Đạo luật Vì Nhân Dân (For The People Act) mã hiệu H.R.1 ở Hạ Viện và S. 1 ở Thượng Viện là dự luật về mở rộng quyền bầu cử, thay đổi luật lệ về tài trợ cho các chiến dịch tranh cử để làm giảm ảnh hưởng của đồng tiền vào chính trị, cấm việc vẽ lại bản đồ khu vực cử tri (gerrymandering) theo ý đồ đảng phái và đặt ra những quy tắc đạo đức mới cho các quan chức trong chính quyền liên bang.

Theo thông tin của Văn phòng Quốc Hội, về quyền bầu cử, dự luật mở rộng việc ghi danh của cử tri (ví dụ ghi danh tự động, ghi danh ngay trong ngày bỏ phiếu), và mở rộng việc bỏ phiếu (bỏ phiếu qua thư, bỏ phiếu sớm). Dự luật hạn chế việc loại bỏ cử tri khỏi danh sách cử tri. Về tài trợ tranh cử, dự luật mở rộng việc cấm các công dân ngoại quốc đóng góp vào các quỹ tranh cử, bắt buộc công khai hóa các hoạt động gây quỹ và chi tiêu liên quan tới tranh cử, minh bạch hóa quảng cáo chính trị và thiết lập một hệ thống tài trợ tranh cử thay thế cho một số cơ quan liên bang.

Về đạo đức, dự luật đặt ra các quy tắc ứng xử cho cả ba nhánh công quyền, quy tắc ứng xử của các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, cấm các thành viên Hạ Viện tham gia điều hành các công ty và tổ chức vì lợi nhuận, đặt ra các điều khoản bổ sung để xử lý tình trạng mâu thuẫn lợi ích (conflict-of-interest) của các công chức hành pháp liên bang và Tòa Bạch ốc. Dự luật bắt buộc tổng thống, phó tổng thống và các ứng cử viên vào các chức vụ này phải công khai hồ sơ thuế 10 năm.

Đạo luật Vì Nhân Dân (For The People Act) được Dân biểu John Sarbanes (Dân Chủ – Maryland) giới thiệu lần đầu ở Hạ Viện Hoa Kỳ năm 2019, được Hạ Viện của Quốc Hội khóa 116 thông qua ngày 8 Tháng Ba 2020 với số phiếu theo lằn ranh đảng phái: 234 phiếu thuận của Dân Chủ và 193 phiếu chống của Cộng Hòa. Tuy nhiên, sau đó dự luật không được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại Thượng Viện khóa 116 vì lãnh đạo phe Cộng Hòa đa số tại Thượng Viện khi ấy là Mitch McConnell ngăn cản.

Khi Quốc Hội khóa 117 bắt đầu nhiệm kỳ năm 2021, dự luật H.R.1 lại được các dân biểu Dân Chủ đem ra bàn bac. Ngày 3 Tháng Ba 2021, dự luật H.R.1 được thông qua Hạ Viện, cũng theo lằn ranh đảng phái, với 220 phiếu thuận và 210 phiếu chống. Dự luật được chuyển sang Thượng Viện, được toàn bộ 50 nghị sĩ Dân Chủ ủng hộ, nhưng không hội đủ túc số 60-40 để được thông qua.

Dự luật John Lewis Voting Act mang tên Dân Biểu da đen John Lewis của tiểu bang Georgia, người đã dành suốt đời đấu tranh cho quyền bầu cử của người da màu, vừa tạ thế năm ngoái. Dự luật này không hẳn là đạo luật mới mà chỉ phục hồi và củng cố một số điều khoản của Luật Bầu cử 1965 (Voting Rights Act of 1965) ban hành dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson. Đó là những điều khoản đã bị Tối Cao Pháp Viện hủy bỏ trong vụ án Shelby County v. Holder năm 2013. Điều khoản chính mà dự luật John Lewis nhắm tới là khôi phục thẩm quyền của liên bang được soát xét và phê chuẩn những điều khoản sửa đổi trong luật bầu cử của các tiểu bang sao cho luật bầu cử của tiểu bang không trái ngược với luật bầu cử của liên bang, nhằm bảo đảm công dân Hoa Kỳ dù thuộc thành phần nào, dù sinh sống ở tiểu bang nào cũng được hưởng những điều kiện như nhau trong việc thực thi quyền bầu ra người đại diện cho mình để quản lý đất nước.

Chưa có con đường ra khỏi bế tắc

Qua những thông tin trình bày ở trên, rõ ràng vấn đề quyền bầu cử của người dân Mỹ đang trở thành trận chiến mới ngày càng gay gắt giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, cả ở cấp liên bang và tiểu bang.

Hơn 50 dân biểu Dân Chủ của Hạ Viện Texas “di tản” tới thủ đô Washington hôm thứ Hai vừa qua không chỉ nhằm mục đích tránh tham dự một kỳ họp phê chuẩn một dự luật mà họ phản đối, mà còn gây tiếng vang, tạo áp lực lên Quốc Hội liên bang để thúc đẩy việc thông qua các dự luật H.R.1 và S.1. Phát biểu với báo chí khi đến phi trường Dulles International của thủ đô Washington, Dân Biểu Chris Turner, trưởng khối Dân Chủ Hạ Viện (Texas) nói: “Chúng tôi cần Quốc Hội hành động ngay bây giờ để thông qua Luật Vì Nhân DânLuật Quyền Bầu Cử John Lewis để bảo vệ cử tri Texas – và tất cả công dân Hoa Kỳ – khỏi cuộc chiến toàn quốc chống dân chủ từ những người Cộng Hòa của Trump”. Trong những ngày qua ở thủ đô Washington, nhóm dân biểu Dân Chủ Texas đã có những cuộc tiếp xúc và làm việc với các thượng nghị sĩ và dân biểu liên bang, với Phó Tổng Thống Kamala Harris – người được Tổng Thống Biden giao nhiệm vụ lãnh đạo nỗ lực thông qua dự luật H.R.1 và S.1 ở Quốc Hội – và các nhóm xã hội dân sự để thúc đẩy mục tiêu của mình.

Một ngày sau khi đoàn dân biểu Dân Chủ Texas di tản đến Washington, Tổng Thống Joe Biden đến thăm thành phố Philadelphia – nơi khởi thảo và ban hành hai trong số các văn kiện pháp lý nền tảng của quốc gia là Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ – và đọc bài diễn văn đầy nhiệt huyết về quyền bầu cử. Hôm thứ Ba, 13 Tháng Bảy, ông Biden nói rằng thông qua các dự luật về quyền bầu cử đang bị đình trệ tại Thượng Viện là “một mệnh lệnh quốc gia”. “Vì vậy, hãy nghe tôi nói rõ: có một cuộc tấn công đang diễn ra ở Mỹ ngày hôm nay, nhằm đàn áp và lật đổ quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử công bằng và tự do”, ông Biden nói với một đám đông ủng hộ ở Philadelphia. 

Tuy không nhắc tên ông Trump, nhưng trong bài diễn văn, ông Biden đã chỉ trích mạnh mẽ những tuyên bố vô căn cứ của ông Trump và các đồng minh của ông ta rằng cuộc bầu cử năm ngoái đã bị gian lận. Ông đồng thời lên án gay gắt những dự luật ở các tiểu bang Cộng Hòa mà ông gọi là nỗ lực làm suy yếu quyền bỏ phiếu, so sánh chúng với các luật ngăn cản người da đen và phụ nữ bỏ phiếu ở Hoa Kỳ trước đây. “Họ muốn gây khó khăn … họ hy vọng nhiều người sẽ không bỏ phiếu được. Đó là những gì đang xảy ra”, ông Biden nói. “Chúng ta phải thông qua ‘Đạo luật Vì Nhân dân.’ Đó là mệnh lệnh quốc gia,” ông nói thêm về dự luật đang bị tắc ở Thượng Viện. Ông thậm chí kêu gọi các đảng viên Cộng Hòa “Vì Chúa, hãy đứng lên” chống lại việc hạn chế quyền bỏ phiếu. “Các bạn không thấy xấu hổ sao?” ông nói.

Nhưng ngoài những lời kêu gọi thống thiết, Tổng Thống Biden không đưa ra được phương cách nào để đảng Dân Chủ có thể vượt qua quy định “filibuster” ở Thượng Viện, để có thể thông qua các dự luật với đa số phiếu thông thường thay vì phải hội đủ 60-40, một điều vô cùng khó trong bối cảnh số ghế Thượng Viện Hoa Kỳ được chia đều cho hai đảng hiện nay.

Và như vậy, cuộc chiến giữa Dân Chủ và Cộng Hòa chung quanh quyền bỏ phiếu của cử tri Hoa Kỳ, có ảnh hưởng sâu sắc đến quyền chính trị thiêng liêng của tất cả mọi công dân, có thể sẽ còn kéo dài và ngày càng gay gắt hơn nữa, mà cuộc “di tản chiến thuật” của các dân biểu Dân Chủ Texas chỉ là bước khởi đầu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: