Cuộc thi “Giai điệu Thần chết”

Một người đàn bà nghèo khổ tận cùng đã chứng kiến sự ra đi của người chồng mình trên chiếc xe lăn (ảnh: MXH)

Không cần ở ngay tại Sài Gòn người ta cũng biết được tình trạng thực sự của dịch bệnh hiện nay, bất kể nỗ lực giấu diếm thông tin của nhà nước. Từ mạng xã hội, từ lời kể của thân nhân hiện sinh sống tại Việt Nam, từ nguồn báo chí tuy có giới hạn, và từ những trang blog độc lập khắp mọi nơi trên thế giới.

Không cần ở ngay Sài Gòn người ta cũng biết có hàng ngàn người bình thường đang kêu gọi quyên góp ở khắp nơi để giúp đỡ những gia đình cùng cực. Họ âm thầm bỏ công sức, bất kể hiểm nguy bị lây dịch để chở từng gói thực phẩm thiết yếu tới từng con hẻm để phân phát cho người nghèo. Họ cũng sợ chết, cũng lo lắng cho bản thân nhưng sự thê lương của đồng bào cùng khổ đã thúc bách họ trên con đường mà sống và chết chỉ là sợi tơ chính giữa.

Trong khi đó một bản tin làm người có lương tâm phải nóng mặt: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu và Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đồng chủ trì buổi họp báo cho Cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Giai điệu nơi tuyến đầu” và “Thời khắc khó quên” do Tổng LĐLĐVN phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Giải thưởng lên tới 500 triệu đồng. Mới nghe có vẻ nhà nước muốn nhân giải thưởng này tuyên truyền cho nỗ lực mà các thành phố đang thực hiện quyết định 16, phòng toả dài hạn để chống dịch… Nhưng  “tuyến đầu” ở đây có gì đáng nói?

Cái đáng nói thứ nhất là lực lượng y tế, họ đang oằn mình cùng bệnh nhân bất kể hiểm nguy lây lan và khó khăn do thiếu thốn vật tư y tế. Họ là đội ngũ y bác sĩ đã và đang tận tụy ở tuyến đầu. Tuy nhiên khi viết về đề tài này không khéo lại làm họ đau hơn, giận hơn vì như mọi lần khi nhà nước tụng ca một đơn vị hay cá nhân nào đó thì y như rằng đơn vị cá nhân đó bị phiền hà thêm chứ chẳng lợi lộc gì.

Lực lượng chống dịch thứ hai là ai và họ đang làm gì? Họ là công an, dân phòng, quân đội. Họ đang giăng kẽm gai khắp nơi, họ đang chận người dân lại đóng phạt với lý do rất hàm hồ. Họ đang truy lùng mọi ngõ ngách để tìm bắt người nhiễm bệnh như truy lùng tội phạm. Những nạn nhân ấy sẽ bị cách ly tại các trung tâm như dành cho súc vật mà báo chí từng mô tả, ở Bình Dương chẳng hạn… Thế nhưng nhà nước vẫn ngước mặt lên trên con đường ấy của họ. Con đường duy nhất mà hôm nay được quân đội với xe bọc thép yểm trợ khiến cho ý chí ấy sắt đá và kinh hoàng hơn.

Đó là sự thật mà người dự thi cần biết để sáng tác cho “Giai điệu nơi tuyến đầu” một giai điệu bi tráng mà dân tộc này sẽ ghi nhớ mãi.

Cái mà người Việt sống xa quê muốn biết nhất là tình trạng người chết vì Covid-19 hiện tại. Con số sẽ nói lên thực trạng hiểm nghèo mà dân tộc đang gánh chịu. Con số mà người sống cần biết để chuẩn bị cho chính bản thân mình, và con số cũng chứng minh thành quả chống dịch của chính quyền, bất kể những “tuyên ngôn” ngạo mạn đang phai dần trong những ngày này.

Từ mạng xã hội, người ta nhìn thấy hàng trăm tình cảnh của người chết lẫn những người phụ trách tẩm liệm đồng bào mình trong tâm thế khó diễn tả nỗi bằng chữ viết. Những con người mà nghề nghiệp đã làm cho họ chai lì cảm xúc nhất vẫn phải kinh hãi khi nhận ra họ đang sống giữa bủa vây của xác chết. Những túi nilon trắng hếu đầy đe dọa cho bản thân họ vào một ngày không xa.

YouTube chia sẻ không ít hình ảnh cả gia đình phải vào lò thiêu Bình Hưng Hòa trong khi chỉ còn một người đứng xa xa gạt nước mắt.

Người chết cuối cùng vẫn là một mớ xương thịt bất động, chỉ có người sống là tiếp tục quằn quại trong nỗi đau đứt ruột. Không có loại nước mắt nào làm giảm được nỗi đau tàn khốc khi thân nhân bị chôn vùi trong lò lửa mà người thân không được kề bên từ giã cho trọn tình máu mủ.

Hình ảnh mới nhất về cái chết của một người vô gia cư, chết ngồi trên chiếc xe lăn giữa phố đã chấn động tâm can người xem. Người vợ của nạn nhân quỳ trước thân xác của chồng úp mặt xuống lòng đường như cố tránh gương mặt quéo quắt lại vì thiếu ăn, thiếu thuốc và thiếu cả sự thương xót của nhân quần. Cái chết của ông ấy không làm cho bất cứ một đơn vị phường khóm nào của chính quyền lay động, bởi chúng xảy ra gần như hàng ngày hàng giờ vào lúc này, vào cái lúc mà “phong toả” trở thành câu thần chú duy nhất cho chống dịch, và đồng nghĩa với chống lại đồng bào mình.

Đây phải chăng chính là niềm cảm hứng cho người sáng tác cuộc thi chủ đề “Thời khắc khó quên”. Cái thời khắc ấy không chỉ xảy ra một lần mà là nhiều lần ở nhiều tình huống, thời khắc của thống khổ, bi ai ấy nếu được viết thành nhạc, thành giai điệu thì khó có người cầm được nước mắt, trừ những ‘nhạc sĩ quốc doanh’ với những ngón tay chỉ biết viết những lời tụng ca chế độ.

500 triệu đồng có thể giúp được bao nhiêu người cơ nhỡ không biết, nhưng có điều chắc chắn ràng 500 triệu đồng giải thưởng hát hò ấy sẽ giúp cho hai cái tên Ngọ Duy Hiểu và Đỗ Hồng Quân ‘sống mãi’ trong lòng quần chúng Sài Gòn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: