Điện đàm với Biden, Tập Cận Bình dọa Mỹ “đừng đùa với lửa”

Cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ 17 phút ngày 28 Tháng Bảy giữa ông Biden và ông Tập không đạt tiến bộ cụ thể
Truyền hình Trung Quốc trình chiếu cảnh điện đàm qua video giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung vào Tháng Mười Một năm ngoái. Ảnh Kevin Frayer/Getty Images)

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc đã có một cuộc điện đàm video kéo dài tới hai giờ 17 phút vào hôm nay 28 Tháng Bảy giữa lúc quan hệ giữa hai nước đang rất căng thẳng trước chuyến đi thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi.

Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung trong bốn tháng qua và cả hai bên đều không thông báo bất kỳ tiến bộ cụ thể nào.

Đài Loan: Ông nói gà, bà nói vịt

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi họp báo ngày 21 Tháng Bảy. Bà Pelosi dự tính đi thăm 5 nước Á Châu bao gồm Đài Loan vào đầu Tháng Tám, làm Trung Quốc hết sức tức giận. Ảnh Nathan Howard/Getty Images.

Về vấn đề Đài Loan, như tin đã đưa, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) – nhân vật sẽ lên nắm quyền tổng thống trong tình huống bất trắc mà cả Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris đều không tiếp tục làm việc được – có kế hoạch đi thăm các nước châu Á và ghé tới Đài Loan vào đầu Tháng Tám. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ với chuyến thăm mà họ coi là thể hiện sự ủng hộ Đài Loan độc lập. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Mỹ “phải chịu mọi hậu quả” nếu chuyến đi của bà Pelosi diễn ra như kế hoạch.

Trong cuộc điện đàm hôm 28 Tháng Bảy với Tổng thống Biden, ông Tập Cận Bình tiếp tục cảnh báo mạnh mẽ Hoa Kỳ không nên can thiệp vào cuộc xung đột với Đài Loan – một đảo quốc tự trị mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ và quyết “thâu tóm”, kể cả bằng sức mạnh quân sự.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc điện đàm cho biết ông Tập nói với ông Biden rằng Trung Quốc “cương quyết” phản đối “sự can thiệp của các thế lực bên ngoài” vào tình hình Đài Loan và rằng Trung Quốc sẽ “không bao giờ chừa lại bất kỳ khoảng trống nào cho các lực lượng đòi độc lập Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào.” “Đùa với lửa sẽ chết cháy,” Bộ này nhấn mạnh, lặp lại một phép ẩn dụ mà Trung Quốc đã sử dụng vào Tháng Mười Một. 

Về phần Hoa Kỳ, “Tổng thống Biden nhấn mạnh [với Tập Cận Bình] rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi và Hoa Kỳ cực lực phản đối bất kỳ ai thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan,” Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói với phóng viên sau cuộc điện đàm. 

Hồi Tháng Năm, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan khi hòn đảo bị Trung Quốc tấn công như tình huống đang xảy ra ở Ukraine hay không, ông Biden đáp rằng “có”. Và ông đã ba lần nói tới chuyện dùng quân đội để bảo vệ Đài Loan; nhưng lần này có vẻ như ông tổng thống Mỹ muốn làm dịu căng thẳng khi chỉ đòi hỏi Bắc Kinh tôn trọng hiện trạng và hòa bình ở eo biển.

Trung Quốc trở chứng, Tòa Bạch Ốc gặp khó

Quốc Hội Hoa Kỳ chưa chính thức công bố chuyến công du nào của nhà lãnh đạo Hạ Viện, nhưng báo chí cho biết bà Pelosi đã yêu cầu các thành viên khác của Quốc Hội tham gia cùng bà vào tháng tới trong chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ trong 25 năm tới các nước Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo dưới thời Tổng thống Trump, thuộc đảng Cộng Hòa, đã tỏ ý muốn tháp tùng bà Chủ tịch Hạ Viện và hẹn gặp bà Pelosi ở Đài Bắc. Nên để ý, một phái đoàn các thượng nghị sĩ và dân biểu lưỡng đảng của Quốc Hội Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Loan hồi Tháng Tư năm nay mà không gây ra “sóng gió” gì. Bản thân Chủ tịch Pelosi cũng đã có kế hoạch thăm Đài Loan hồi Tháng Tư, nhưng hoãn lại sau khi bà xét nghiệm dương tính với COVID-19. 

Lần này thì Trung Quốc tự dưng trở chứng, đưa ra những lời đe dọa trả đũa đáng ngại nếu bà Pelosi tiếp tục chuyến đi. Cũng nên để ý là ngay tại thời điểm này, một phái đoàn của Quốc Hội Nhật Bản đang viếng thăm Đài Loan và có cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo của đảo quốc, Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), theo thông tin và hình ảnh từ trang Twitter của bà Thái.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) tiếp Bộ trưởng Quốc Phòng và đoàn nghị sĩ đa đảng của Quốc Hội Nhật Bản hôm nay 28 Tháng Bảy 2022. Ảnh Twiiter của bà Thái

Tòa Bạch Ốc lo ngại chuyến đi sẽ kích động Trung Quốc một cách không cần thiết vào lúc Hoa Kỳ và châu Âu đang nỗ lực giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ông Biden công khai nói với báo chí, giới quân đội nghĩ rằng dự định thăm Đài Loan của bà Pelosi không phải là một ý tốt.

Tuy nhiên, do thể chế tam quyền phân lập, Tòa Bạch Ốc không thể cản trở công việc của Quốc Hội mà chỉ “tư vấn” để bà chủ tịch tự quyết định. Hàm ý bất thành văn là Tòa Bạch Ốc vận động, thuyết phục để bà Pelosi gạt chặng Đài Loan ra khỏi chuyến công du châu Á của bà.

Cái khó của Tòa Bạch Ốc là nếu bà Pelosi hủy bỏ chuyến đi Đài Loan sau khi báo chí đã bàn luận sôi nổi suốt tuần qua thì dư luận sẽ hiểu rằng Washington “sợ hãi” hoặc mềm yếu với Trung Quốc, rằng thủ đoạn hù dọa của Trung Quốc có hiệu quả, và như thế uy tín của Mỹ trong các đồng minh châu Á sẽ sứt mẻ.

Nếu chuyến đi bị hủy bỏ thì đảng Dân Chủ cầm quyền sẽ khó ăn khó nói với đảng Cộng Hòa đối lập, vốn ủng hộ chuyến đi của bà Pelosi, coi đó là biểu hiện lập trường chống Trung Quốc của người Mỹ. Còn nếu chuyến đi Đài Loan vẫn diễn ra đúng kế hoạch thì xung đột với Trung Quốc là khó tránh.

Liệu Bắc Kinh có dám động thủ?

Mỹ gần đây cảm thấy khó chịu trước việc Trung Quốc không chỉ từ chối tham gia nỗ lực cấm vận Nga do cuộc xâm lược Ukraine mà còn tỏ ra ủng hộ hành động của Vladimir Putin, đổ lỗi cho Mỹ và NATO kích động Nga động thủ. Ở châu Á, Bắc Kinh liên tục đưa ra những hành động gây hấn như tuyên bố Eo biển Đài Loan rộng 100 dặm không phải là vùng biển quốc tế như nhận thức của thế giới mà là “nội hải” của Trung Quốc, đưa phi cơ lên gây rối các chuyến bay tuần tiễu trên không phận quốc tế của Mỹ, Canada và Úc v.v…

Hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc có thể biểu thị khó khăn của ông Tập khi ông ta phải đối mặt với những rắc rối đáng kể ở trong nước trước một sự kiện quan trọng là đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào Tháng Mười Một, nơi ông dự kiến ​​sẽ được bầu vào vào nhiệm kỳ thứ ba.

Các chính sách “zero Covid” đang bị phản đối và nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang gia tăng, các cuộc khủng hoảng nợ và thị trường địa ốc đang ảnh hưởng đến tất cả các thành phần dân chúng. Trong tình hình đó, ông Tập muốn chứng tỏ cho 1.4 tỷ dân nước này rằng ông có thể chống lại Hoa Kỳ, vuốt ve cái tâm lý dân tộc chủ nghĩa của họ.

Trung Quốc không nói rõ họ sẽ có hành động trả đũa gì, Hoa Kỳ phải “chịu hậu quả gì” nếu Chủ tịch Pelosi vẫn đến Đài Loan như dự tính. Giáo sư Sử Ngân Hồng (Shi Yinhong), giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng lời lẽ mạnh mẽ của Trung Quốc là nhằm ngăn cản bà Pelosi thực hiện chuyến đi, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực. “Người Trung Quốc đã nói rõ rằng họ muốn chuyến thăm của Pelosi bị hủy bỏ, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không muốn xung đột quân sự ngay bây giờ,” ông Sử nói. Nhưng bầu không khí bây giờ “tồi tệ hơn đáng kể” so với Tháng Ba, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung nói chuyện qua video, ông Sử nói thêm.

Quân đội Mỹ chuẩn bị

Kết quả cuộc điện đàm hôm 27 Tháng Bảy còn có thể ảnh hưởng tới việc liệu ông Biden và ông Tập có gặp nhau vào cuối năm tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, được gọi là APEC, tại Bangkok, Thái Lan vào Tháng Mười Một hay không. Đây có thể là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với ông Tập kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống cách đây 18 tháng.

Ngày 15 tháng Bảy, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cập cảng Singapore lần đầu tiên kể từ năm 2019 nhưng sau đó đã vội vã ra đi ngày 27 tháng Bảy do tình huống mới. Ảnh US Navy Photo.

Trong một diễn biến liên quan, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã rời Singapore hôm thứ Ba và đi về phía bắc theo hướng eo biển Đài Loan. Trung tá Hayley Sims, phát ngôn viên của Hạm đội Bảy, nói việc di chuyển của tàu Ronald Reagan là “hoạt động bình thường, theo lịch trình như một phần của cuộc tuần tra định kỳ nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Bà Sims từ chối cho biết liệu hoặc khi nào tàu sân bay sẽ đến khu vực lân cận Đài Loan hay không.

Trong khi đó, báo The Washington Post (WP) hôm 27 Tháng Bảy nói quân đội Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch bảo đảm an ninh và an toàn cho chuyến công du Đài Loan của bà Chủ tịch Hạ Viện. Theo tường thuật của WP, “Nếu bà Pelosi đi Đài Loan thì quân đội sẽ tăng cường điều động các lực lượng và chiến cụ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngũ Giác Đài từ chối cung cấp chi tiết nhưng nói rằng các chiến đấu cơ, chiến hạm, phi cơ trinh sát và các hệ thống quân sự khác đều được huy động để cung cấp nhiều lớp bảo vệ cho chuyến bay của bà chủ tịch tới Đài Loan và trong thời gian bà làm việc ở đó”.

Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, hôm qua thứ Tư nói rằng hãy còn sớm để thảo luận về chuyến công du. Nhưng ông nói thêm: “Nếu bà Chủ tịch Pelosi quyết định thực hiện chuyến đi, và yêu cầu quân đội hỗ trợ thì chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc cần thiết để bảo đảm an ninh an toàn cho chuyến đi của bà. Tôi chỉ có thể nói như vậy”.

Thuế quan và luật CHIPS

Các quan chức Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm hôm 28 Tháng Bảy, hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung cũng đã thảo luận về các mức thuế quan mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald J. Trump và ông Biden đang xem xét dỡ bỏ chúng, nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận nào trong quá trình đàm phán.

Trung Quốc dường như khó chịu với dự luật công nghiệp được Quốc Hội thông qua hôm nay thứ Năm 28 Tháng Bảy nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và các nhà sản xuất nước ngoài khác, gọi tắt là đạo luật CHIPS.

“Những nỗ lực nhằm tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng bất chấp các luật cơ bản sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ. Chúng sẽ chỉ làm cho nền kinh tế thế giới dễ bị tổn thương hơn,” tuyên bố của Trung Quốc cho biết. Trung Quốc đã rất tích cực vận động các thành viên Quốc Hội Mỹ bác bỏ dự luật này nhưng đã không thành công; dự luật đang chờ được Tổng thống Biden ký ban hành trong hôm nay hoặc ngày mai.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: