Dự luật bầu cử liên bang bị tắc do các nghị sĩ Cộng Hòa phản đối

voting act
Minh hoa: Tại cuộc họp báo trước trụ sở Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm 12 tháng Tám, các dân biểu Texas và các nhà hoạt động đưa kiến nghị lên Thượng viện Mỹ yêu cầu thông qua luật bầu cử liên bang và khôi phục luật quyền bầu cử 1965. Ảnh Kevin Dietsch/Getty Images

Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã lần thứ ba thành công trong việc ngăn cản Thượng Viện Hoa Kỳ thảo luận và thông qua một dự luật mới về quyền bầu cử của công dân, dự luật được coi là nền tảng của thể chế dân chủ. 

Sáng nay thứ Tư 20 tháng Mười, Thượng Viện đã tổ chức bỏ phiếu để quyết định xem có đưa dự luật Quyền Tự Do Bầu Cử (the Freedom To Vote Act) ra thảo luận và thông qua tại Thượng Viện hay không. Với số phiếu 49-51, yêu cầu của các thượng nghị sĩ Dân Chủ đưa dự luật ra Thượng Viện đã bị bác bỏ.

Dự luật Quyền Tự Do Bầu Cử là phiên bản mới nhất của dự luật Vì Nhân Dân (For the People Act) đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua trước đây; với nội dung là xác lập một đạo luật bầu cử cấp liên bang cho toàn thể công dân Hoa Kỳ, phủ quyết những đạo luật hạn chế bầu cử mà các quốc hội tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát đã thông qua sau những cáo buộc sai lầm của cựu Tổng thống Donald Trump rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị gian lận tràn lan.

Sự kiện nổi bật nhất liên quan tới luật lệ về quyền bầu cử là cuộc di tản ra khỏi tiểu bang của hơn 50 vị dân biểu thuộc đảng Dân Chủ của Hạ Viện tiểu bang Texas hồi giữa tháng Bảy để phản đối một dự luật bầu cử của tiểu bang này mà nội dung chính là hạn chế việc bỏ phiếu của cử tri, nhắm vào thành phần cử tri là người da màu, người có thu nhập thấp.

Theo thông tin của Trung tâm Tư pháp Brennan thuộc trường Luật Đại học New York, đến ngày 24 Tháng Ba 2021, đã có 361 dự luật được trình ra Quốc Hội 17 tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát có nội dung hạn chế việc bỏ phiếu qua thư bưu điện, củng cố luật về thẻ căn cước (buộc cử tri trình thẻ ID có dán ảnh khi nhận phiếu bầu hoặc bỏ phiếu), rút ngắn thời gian bỏ phiếu sớm, bãi bỏ việc ghi danh cử tri tự động và ghi danh ngay trong ngày bỏ phiếu; hạn chế việc sử dụng thùng thư để bỏ phiếu và tăng việc kiểm tra danh sách cử tri, loại bỏ những cử tri “không đủ chuẩn”…

Áp lực từ các đạo luật bầu cử cấp tiểu bang đã thôi thúc đảng Dân Chủ soạn thảo và ban hành một đạo luật cấp liên bang nhằm pháp chế hóa quy trình và phương thức bầu cử sao cho thuận tiện và thống nhất cho toàn bộ cử tri Mỹ. Dự luật Vì Nhân Dân (For the People Act) và dự luật Quyền Bầu cử John Lewis (John Lewis Voting Right Act) ở Hạ Viện và dự luật Quyền Tự Do Bầu cử (the Freedom To Vote) là những đạo luật như vậy. Nếu được Quốc Hội thông qua và được Tổng Thống Joe Biden ký thành luật, các luật liên bang này có thể vô hiệu hóa các đạo luật hạn chế bầu cử mà các tiểu bang Cộng Hòa đã hoặc sẽ ban hành.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra sáng nay, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ – New York) lãnh đạo khối Dân Chủ đa số tại Thượng Viện, phát biểu: “Những đạo luật đó làm cho hàng triệu người Mỹ gặp khó khăn hơn khi tham gia chính quyền… Nếu như có việc gì đó đáng để Thượng Viện chú ý, nếu có vấn đề gì đó đáng được bàn luận ở viện này, thì đó là việc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta khỏi những thế lực đang cố gắng làm cho nó thất bại từ bên trong”.

Nhưng thực tế chia rẽ sâu sắc của chính trường Mỹ – mỗi đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều giữ 50 ghế tại Thượng Viện – khiến cho việc soạn thảo và ban hành một đạo luật quan trọng đối với nền dân chủ như vậy hầu như không tiến triển được. Sáng nay cả 50 thượng nghị sĩ Dân Chủ đều đồng ý đưa dự luật Freedom To Vote ra thảo luận, nhưng cả 50 thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chống; trong khi để đề nghị thảo luận được thông qua, Thượng Viện cần đạt kết quả bỏ phiếu 60-40 theo một thủ tục lâu đời gọi là filibuster. Vào phút cuối, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đã bỏ phiếu “No” cùng với Cộng Hòa, điều đó cho phép ông tiếp tục theo đuổi dự luật này trong tương lai, dẫn tới kết quả bỏ phiếu 49-51 nói trên.

Cũng cần để ý rằng, so với dự luật For The People Act của Hạ Viện, dự luật The Freedom To Vote của Thượng Viện đã được chỉnh sửa khá nhiều, loại bỏ những điều khoản được cho là “quá cấp tiến” và giữ lại những quy định tối cần thiết cho việc bảo đảm quyền bầu cử tự do và công bằng của mọi công dân. Dự luật mới đặt ra những tiêu chuẩn chung, thống nhất trong toàn liên bang đối với việc bỏ phiếu sớm (early voting), bầu cử qua thư bưu điện (vote-by-mail) thay vì để cho mỗi tiểu bang quy định một kiểu. Dự luật đặt ra yêu cầu mới về công khai minh bạch tiền đóng góp vào quỹ tranh cử của các đảng phái, chính trị gia và ấn định ngày bầu cử là ngày nghỉ lễ quốc gia. Ngoài ra, dự luật cũng bắt buộc cử tri phải cung cấp một hình thức nhận diện nào đó, xuất trình thẻ căn cước chẳng hạn, trước khi bỏ phiếu – một quy định mà trước đây các nghị sĩ Dân Chủ phản đối. Những điều khoản bị lược bỏ liên quan tới việc tổ chức ủy ban bầu cử liên bang (tổ chức bầu cử là thẩm quyền của tiểu bang), đặt ra hệ thống tài chính công mới để tài trợ cho cuộc bầu cử quốc hội, thiết lập ủy ban phi đảng phái để ấn định ranh giới các khu vực bầu cử và bãi bỏ yêu cầu xem xét đạo đức những người ứng cử vào chức vụ dân cử.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin III (Dân Chủ – West Virginia) – người đang gây xôn xao dư luận vì chống lại các kế hoạch chi tiêu ngân sách của Tổng thống Joe Biden, cũng là nghị sĩ Dân Chủ duy nhất không tán thành dự luật Vì Nhân Dân – đã bỏ ra cả tháng trời để soạn thảo dự luật mới của Thượng Viện và vận động sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng Hòa để vượt qua thủ tục filibuster. Nhưng cuộc bỏ phiếu sáng nay thứ Tư 20 tháng Mười cho thấy không có nghị sĩ Cộng Hòa nào đứng về phía các đồng viện Dân Chủ để thúc đẩy dự luật. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa – Kentucky) lãnh đạo khối thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện, hôm thứ Tư nói rằng, “cái lõi thối nát [của dự luật] vẫn như cũ” và nhấn mạnh đảng Cộng Hòa vẫn cương quyết chống lại việc ban hành luật bầu cử cấp liên bang.

Cách thức duy nhất để đảng Dân Chủ vượt qua sự phản đối và cản trở của đảng Cộng Hòa trong Thượng Viện Hoa Kỳ để thực hiện chương trình xây dựng luật pháp, ban hành luật về bầu cử, phê chuẩn ngân sách và trần nợ và hàng chục dự án luật pháp khác là vận động bãi bỏ thủ tục filibuster để các dự luật có thể được thảo luận và thông qua Thượng Viện chỉ với đa số đơn giản như thủ tục hiện hành ở Hạ Viện và các định chế khác. Trong trường hợp số phiếu của các thượng nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa ngang bằng nhau 50-50 thì Phó Tổng thống sẽ là người bỏ lá phiếu quyết định với tư cách chủ tịch Thượng Viện.

Tuy nhiên, trong tình thế đảng Dân Chủ chỉ có một đa số mong manh tại Thượng Viện, ý tưởng bãi bỏ thủ tục filibuster xem ra cũng khó khăn không kém so với việc thông qua một đạo luật liên bang bảo vệ quyền bầu cử tự do và công bằng cho mọi công dân Mỹ, dù ai cũng thấy nhiều quy định và thủ tục trong hệ thống chính trị Mỹ đã tỏ ra lạc hậu và bất công, đòi hỏi phải thay đổi.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: