Elon Musk mua Twitter có phải vì tự do ngôn luận?

Mua mạng xã hội Twitter với giá $44 tỷ, ông Elon Musk nói ông không quan tâm nhiều đến giá trị kinh tế của nó.
Ông Elon Musk sở hữu 9% cổ phần của Twitter, có hơn 80 triệu người theo dõi. Sự kiện ông bỏ ra $44 tỷ để thâu tóm mạng xã hội này đang gây chấn động trên thị trường tài chính và truyền thông. Ảnh minh họa của Scott Olson/Getty Images.

Tỷ phú Elon Musk đã đạt được thỏa thuận mua mạng xã hội Twitter Inc với giá $44 tỷ tiền mặt. Giao dịch được quyết định vào hôm nay Thứ Hai 25 Tháng Tư 2022 sẽ chuyển giao vào tay người giàu nhất thế giới quyền kiểm soát nền tảng truyền thông xã hội có hàng triệu người dùng và các nhà lãnh đạo toàn cầu.

Twitter Inc, có trụ sở tại San Francisco là một công ty truyền thông 16 năm tuổi nhưng đã nổi lên như một “quảng trường công cộng” có ảnh hưởng nhất thế giới nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Giá cổ phiếu của Twitter đã rớt từ mức $70 mỗi cổ phiếu năm ngoái xuống mức dưới $50 hiện nay.

Vì sao Twitter bị thâu tóm?

Ý định của Musk mua lại mạng Twitter rồi biến nó thành một công ty tư nhân đã được ông công bố đầu tuần trước và gây nên những chấn động lớn cả trong giới bình luận chính trị lẫn trên thị trường chứng khoán. Cuộc thâu tóm Twitter được tăng tốc vào cuối tuần sau khi Musk thuyết phục các cổ đông Twitter bằng việc cung cấp các chi tiết tài chính trong lời đề nghị của mình.

Theo đó, Musk sẽ mua lại công ty với giá $54.20 mỗi cổ phiếu. Mức giá này cao hơn 40% so với giá giao dịch khi ý định của Musk được công bố. Hai tuần trước, giá cổ phiếu của Twitter là $45.85 vào ngày 13 Tháng Tư, tăng lên $47.39 ngày 18 Tháng Tư nhưng giảm xuống $46.04 ngày 19 Tháng Tư. Hôm nay Thứ Hai 25 Tháng Tư, sau khi vụ thâu tóm của Musk được kết luận, giá cổ phiếu Twitter tăng 5.7% nhưng vẫn chỉ $51.7, thấp hơn giá mà Musk chào mua khá nhiều, vì thế việc ban quản trị Twitter đồng ý “bán mình” không gây ngạc nhiên và không khó hiểu với nhà đầu tư. 

Giao dịch Twitter đã được hội đồng quản trị của công ty phê chuẩn và bây giờ còn tùy thuộc vào một cuộc bỏ phiếu của cổ đông. Trong hoàn cảnh không có nhà đầu tư nào khác chào giá hoặc tỏ ý định mua Twitter, các nhà phân tích cho biết sẽ không có rào cản pháp lý nào.

Việc Musk thâu tóm Twitter và chuyển nó thành một công ty tư nhân có mang lại hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư giàu nhất thế giới này hay không là điều chưa biết chắc được. Nhưng trong một tuyên bố, ông Musk – mà tài sản được định giá khoảng $268 tỷ theo tạp chí Forbes – cho biết ông không quan tâm nhiều đến giá trị kinh tế của Twitter.

Vì tự do ngôn luận chứ không vì tiền?

Ông Musk – một người dùng Twitter có 84 triệu người theo dõi – đã nhiều lần chỉ trích sự kiểm duyệt của Twitter, dù bản thân ông cũng thường xuyên chặn (block) những người có ý kiến trái với ông trên mạng xã hội này. Ông tự cho mình là một người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận, ông nói rằng thuật toán của Twitter nên được công khai và ông chỉ trích việc trao quá nhiều quyền ưu tiên cho các tập đoàn quảng cáo. 

“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động, và Twitter là quảng trường thị trấn kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng của tương lai của nhân loại được tranh luận”, Musk nói trong một tuyên bố. “Có một nền tảng công cộng được tin cậy và bao trùm rộng rãi là điều hết sức quan trọng đối với tương lai của nền văn minh. Tôi không quan tâm đến kinh tế học”, ông nói trong một cuộc nói chuyện công khai gần đây. Tuy vậy, những tuyên bố này của ông Musk thường bị nhiều người nghi ngờ, cũng như người ta đã nghi ngờ các tuyên bố về tự do ngôn luận của những người giàu nhất thế giới sở hữu các cơ quan truyền thông lớn, chẳng hạn ông Jeff Bezos sở hữu báo The Washington Post, ông Mark Zuckerberg sở hữu Facebook, cùng các ông chủ của Google, Bloomberg v.v…

Các nhà hoạt động chính trị đoán rằng Twitter dưới sự điều hành của Musk sẽ bớt ôn hòa hơn, cực đoan hơn và ông ta sẽ khôi phục tài khoản của các cá nhân bị cấm, bao gồm cả cựu Tổng thống Donald Trump. Những người bảo thủ thì hoan nghênh viễn cảnh kiểm soát ít hơn trong khi một số nhà hoạt động nhân quyền lo ngại về sự gia tăng ngôn từ thù địch trên mạng xã hội này. 

“Một khi thỏa thuận kết thúc, chúng tôi không biết nền tảng sẽ đi theo hướng nào”, Giám đốc điều hành hiện nay của Twitter, ông Parag Agrawal, nói với các nhân viên vào hôm Thứ Hai. 

Ông Trump sẽ không quay lại Twitter

Ông Musk là Giám đốc điều hành của cả nhà sản xuất ô tô điện Tesla Inc và công ty hàng không vũ trụ SpaceX, và không rõ ông ta sẽ dành bao nhiêu thời gian cho Twitter hay sẽ làm gì với mạng xã hội này.

Edward Moya, một nhà phân tích tại nhà môi giới tiền tệ OANDA, nói rằng các cổ đông của Twitter sẽ vui mừng vì tài sản của họ gia tăng nhưng các cổ đông của Tesla sẽ lo khi Musk sẽ phải chuyển sự chú ý khỏi việc giành chiến thắng trong cuộc đua xe điện.”

Mặc dù có quy mô chỉ bằng một phần mười so với các nền tảng truyền thông xã hội lớn hơn nhiều như Facebook của Meta Platforms Inc, hay YouTube của Google, Twitter được cho là đã giúp gây ra cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập và cũng bị cáo buộc đã đóng một vai trò trong vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 ở Điện Capitol Hoa Kỳ.

Lúc Twitter quyết định cấm ông Trump do lo ngại ông ta kích động bạo lực sau khi những người ủng hộ ông ta tấn công Quốc hội Hoa Kỳ, ông Musk đã đăng tweet: “Nhiều người sẽ không hài lòng khi một công ty công nghệ cao ở Bờ Tây (West Coast) sắm vai trò trọng tài thực tế của quyền tự do ngôn luận.” 

Những người bảo thủ hy vọng, tài khoản Twitter của ông Trump sẽ được phục hồi sau khi ông Musk nắm được quyền kiểm soát công ty. Nhưng ông Trump, người đang xây dựng một nền tảng làm đối thủ của Twitter có tên là Truth Social, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm Thứ Hai rằng ông ta sẽ không quay lại Twitter.

Hôm Thứ Hai, Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về thương vụ của Musk, nhưng cho biết Tổng thống Joe Biden từ lâu đã lo ngại về sức mạnh của các nền tảng truyền thông xã hội. Trong bài nói chuyện gần đây ở Đại học Stanford, cựu Tổng thống Barack Obama cũng bày tỏ lo ngại các nền tảng truyền thông xã hội đang làm suy yếu nền dân chủ và đề nghị có các chính sách giám sát bằng pháp luật.

Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết: “Những lo ngại của chúng tôi không mới. Từ lâu Tổng thống [Biden] đã bày tỏ mối lo ngại của ông về sức mạnh của các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm Twitter và các nền tảng khác, trong việc lan truyền thông tin sai lệch.” Bà nói thêm rằng các nền tảng cần phải chịu trách nhiệm về thông tin của họ. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: