Gia đình Việt Nam và thân phận đàn bà

Phụ nữ miền Tây Nam bộ quanh năm lam lũ (ảnh: pexels-văn-long-bùi)

Ngày 28 tháng Sáu hàng năm được Nhà nước Việt Nam quy định là Ngày gia đình Việt Nam, quyết định do Thủ tướng Việt Nam ký vào năm 2001 nhằm nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, no ấm cho người dân. Thế nhưng, hiện nay gia đình Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng bởi những tệ nạn, bởi hoàn cảnh kinh tế chung và bởi sự phi lý của pháp luật trong việc bảo vệ người phụ nữ…

Tệ nạn rượu chè

Tệ nạn rượu chè chủ yếu xảy ra ở miền Tây Nam bộ. Nếu như Hà Nội chỉ có rượu Nếp Mới, thì miền Nam có rất nhiều loại rượu đế đặc sản vùng miền: rượu Nàng Hương của Bình Tây, rượu Gò Đen của Long An, Phú Lễ của Bến Tre, Xuân Thạnh của Trà Vinh… Ngoài ra còn vô số loại rượu ngâm như rượu rắn, rượu tắc kè, bìm bịp, bổ củi, rượu ong vò vẽ, rượu ngâm thuốc bắc; ngâm cây cỏ như rượu đinh lăng, đông trùng hạ thảo, rượu nhàu, rượu quách…

Đi cùng với vô thiên lủng rượu đặc sản là tệ nạn rượu chè be bét. Đàn ông miền Tây gần như không ai không biết nhậu. Đó cũng được xem là “đặc sản” vùng miền, là “bản lãnh đàn ông”, với “văn hóa” phổ biến bằng lập luận “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Nếu đi về miền Tây, khách du lịch sẽ phải ngạc nhiên thấy quán nhậu san sát nhau, nườm nượp khách. Nhà nước dường như khuyến khích mở quán nhậu để thu thuế dưới hình thức tổ chức những khu “Phố ẩm thực”. Tỉnh nào cũng có khu phố như vậy.

Đàn ông miền Tây chiều đi làm về, đa số không về nhà mà đi thẳng ra quán nhậu – từ nhà hàng đến quán nhậu bình dân. Họ nhậu be bét đến khuya mới mò về. Mọi việc trong nhà vợ lo hết, thậm chí các ông đi nhậu về còn hoạnh họe đánh đập vợ con, say xỉn ói mửa bắt vợ phải chăm sóc dọn dẹp. Cha chồng tôi, đi nhậu ở đâu cũng đi tới nơi; nhưng về tới nhà là nhất định nằm lăn quay ra trước cửa bắt vợ con phải khiêng vô, cạo gió, lau rửa, nấu cháo đậu xanh cho ăn giã rượu, pha nước chanh cho uống.

Nhậu phải “nhậu tới bến” là “nét quê” phổ biến của miền Tây (minh họa: YouTube)

Nhậu mới chỉ là “tăng một”, chưa kể chuyện đi “tăng hai, tăng ba”: Tăng hai là bia ôm, karaoke ôm; tăng ba là đi chơi bời (mua dâm). Vợ con của những ông chồng ma men khổ trăm bề, nhưng họ chịu đựng được hết, chịu đựng triền miên ngày này qua tháng nọ, cả một đời người. Thậm chí chồng chơi bời họ cũng chấp nhận cho “ăn bánh trả tiền” như một lẽ thường tình. Chỉ khi chồng mê đắm, cặp bồ một người đàn bà khác, là “gái quán”, thì họ mới đau khổ và chia tay, gia đình tan vỡ.

Do cuộc sống ở nông thôn bế tắc không phát triển, nông dân không có nghề nghiệp gì khác ngoài làm ruộng. Người đông ruộng ít, lại bị mất đất mất nhà do Nhà nước lấy đất làm khu công nghiệp theo định hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế”. Thế là người dân đổ về thành thị kiếm sống, để lại vợ con ở nhà. Có những vùng quê vắng tanh chỉ còn đàn bà, người già và trẻ con ở lại. Thậm chí, phụ nữ phải gửi con cho ông bà nội ngoại, rời quê hương đi kiếm sống; được ở gần chồng là may. Đa số chồng một nơi vợ một ngã, do công ăn việc làm bắt buộc. Xa vợ, nhiều đàn ông thay lòng đổi dạ. Họ đi luôn, không trở về gia đình nữa. Nhà tan cửa nát chỉ bởi cuộc mưu sinh.

Bạo lực gia đình – tình trạng ngày càng tồi tệ

Đây là một vấn nạn xã hội không dễ giải quyết. Truyền thống văn hóa Á Đông “chồng chúa vợ tôi”, “trọng nam khinh nữ”, thuyết “Tam tòng tứ đức” của Nho giáo vẫn ăn sâu trong đầu óc đàn ông Việt Nam, cộng với sự xuống cấp của đạo đức xã hội và nạn rượu chè khiến cho tình trạng đàn ông cư xử tệ bạc trong gia đình chưa bao giờ chấm dứt.

Quê tôi có một vụ án chồng đốt vợ chấn động dư luận. Đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện dự tính chi phí điều trị bốn chục triệu đồng. Gia đình quá nghèo đành đưa người đàn bà xấu số về nhà chờ chết. Khi nhà báo đến điều tra, công an xã và gia đình đều báo rằng người vợ bị phỏng bếp gas, nhưng điều vô lý là chỉ phỏng phía trước thân thể mà hai bàn tay không hề hấn gì.

Bác sĩ bệnh viện và hàng xóm cho biết, thằng chồng tàn ác bất nhân đã trói quặt hai tay vợ ra sau lưng rồi châm lửa đốt phía trước. Vấn đề đặt ra là tại sao gia đình lại bao che cho tội ác? Cả công an xã và gia đình nạn nhân đều bảo vệ cho thằng chồng bởi gia đình nạn nhân quá nghèo, vợ chết chồng đi tù thì không ai nuôi hai đứa con nhỏ của họ. Tội ác sinh ra trong nghèo khó dốt nát và sự khó nghèo bao che cho tội ác.

Minh họa

Tôi từng gặp một phụ nữ tàn phế, tay chân bị co quắp. Chị cho biết chính người chồng chung sống nhiều năm đã âm mưu giết chị và khiến chị tàn phế. Chị kể, trong một lần vợ chồng cãi nhau, chị buồn giận bỏ sang nhà hàng xóm. Chập sau khi chồng đi khỏi, chị mới trở về nhà, thấy chồng tuôn hết quần áo trong tủ ra ném một đống giữa nhà và còn tưới nước ướt nhẹp. Chị bèn bước tới định ôm quần áo đi phơi, vừa rờ vô thì bị điện giật té xuống bất tỉnh. May mắn người hàng xóm đi theo đã cứu chị thoát chết. Thằng chồng khốn kiếp đã bẫy chị, phía dưới đống quần áo ướt, hắn cài sợi dây điện nhằm giết chị.

Vậy sao chị không tố cáo cho hắn đi ở tù mà còn chung sống với hắn? Tôi hỏi.

Chị tàn tật, nếu ‘nó’ đi ở tù thì ai nuôi chị đây. Đành chung sống với kẻ thù chứ biết sao – Chị trả lời.

Tôi có một cô bạn rất xinh đẹp, bị tên chồng ghen tuông đánh đập hàng ngày. Cô đưa đơn ra tòa ly dị, với lý do bị bạo hành. Tòa bác đơn vì “không có chứng cớ”. Chứng cớ nghĩa là phải có biên bản do công an lập, có nhân chứng là hàng xóm chứng kiến vụ bạo hành ký vào biên bản thì mới được. Mỗi lần đánh cô, thằng chồng khóa trái cửa lại, đánh tối mắt tối mũi, làm sao cô gọi công an và hàng xóm đến chứng kiến với lập biên bản? Hơn nữa, ở Việt Nam, chuyện chồng đánh vợ được xem là “chuyện gia đình”, “vấn đề riêng tư”, tự giải quyết. Có gọi công an cũng chả thèm đến.

Ra tòa thì tên chồng leo lẻo “Không hề đánh vợ, vẫn yêu thương, không muốn ly dị xin tòa kéo dài thời gian hòa giải”; ra khỏi tòa thì hắn lại đánh bầm đánh dập; đánh thê đánh thảm. Khi về nhà cha mẹ, hễ cô bước chân ra đường thì hắn lại chặn đánh. Thậm chí hắn xông cả vào nhà cha mẹ cô để đánh cô trong khi hai ông bà già chỉ kêu trời chứ không làm gì được. Cuối cùng, thương con gái, cha cô vay mượn một trăm triệu đồng lo lót, năn nỉ thằng con rể ký đơn ly dị, buông tha cho cô.

Lần khác, chính tôi chứng kiến tận mắt một phụ nữ mặt mày sưng húp, thâm tím vì bị chồng đánh. Chị đến gặp chủ tịch xã, đưa đơn tố cáo chồng bạo hành. Chị kể, hàng ngày chị phải đi bốc vác thuê ở kho vật liệu xây dựng, mệt mỏi rã rời nhưng chỉ được ngủ tới ba giờ sáng là phải dậy đi làm ở lò bánh mì. Làm hai việc để nuôi chồng thất nghiệp. Trong khi đó, hắn không làm gì giúp vợ mà còn thường xuyên kiếm chuyện đánh đuổi chị…

Chủ tịch xã cười hề hề trong khi chị đang khóc nức nở, không thèm nhận đơn của chị, bảo: “Việc gia đình về mà tự giải quyết, thưa gởi lộn xộn chi hè”. Vấn đề ở đây chính là cái bệnh thành tích. Xã này là “xã văn hóa”, đã được nhà nước công nhận thì không thể ghi nhận có chuyện bạo lực gia đình xảy ra trong địa phương mình. Chính quyền địa phương thật ra không hề có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ. Họ xem đàn bà bị chồng đánh là chuyện riêng, ai chịu đựng được thì ráng chịu chứ chính quyền không can thiệp.

Lam lũ cực khổ quanh năm và còn bị ngược đãi là nỗi khổ “truyền thống” của phụ nữ nhiều vùng quê khắp Việt Nam (minh họa: VNE)

Ai bảo vệ phụ nữ?

Có thể nói, phụ nữ Việt Nam chịu đựng đến kiệt cùng vì họ sợ mang tiếng bỏ chồng – chồng bỏ, họ sợ dư luận, sợ con không cha, sợ đổ vỡ, sợ cô đơn. Đạo đức xã hội xuống cấp, người đàn ông càng tệ bạc thì người đàn bà càng chịu đựng, đa số là phụ nữ nông thôn thiếu ý thức về địa vị bản thân và mang nặng ảnh hưởng văn hóa Á Đông.

Những người vợ dám đưa đơn ly dị hoặc nhờ chính quyền can thiệp chống bạo hành thì không được luật pháp bảo vệ, dư luận xã hội thì vùi dập, không chỉ vùi dập người phụ nữ mà cả con cái họ. Trong nhà trường, những đứa trẻ có cha mẹ ly dị bị bạn bè và thầy cô xem là “học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”; người xung quanh có câu cửa miệng “Con không cha như nhà không nóc”. Đó là những áp lực vô hình ngăn cản phụ nữ đi tìm lối thoát cho cuộc đời thống khổ của mình.

Người ta thấy gia đình vẫn tồn tại nhưng đó chưa chắc là tổ ấm, con cái có đủ cha đủ mẹ nhưng chưa chắc đó là môi trường tốt cho đứa trẻ phát triển. Hàng năm, cứ tới ngày 28 tháng Sáu thì khắp nơi ra rả tuyên truyền về gia đình Việt Nam “no ấm, hạnh phúc, bình đẳng”, nhưng ai cũng thấy rõ rằng sự khủng hoảng gia đình là phổ biến và là một vấn nạn xã hội cần giải quyết, giải quyết từ cái cốt lõi là bảo vệ phụ nữ bằng giáo dục và luật pháp. Khi phụ nữ còn chịu đựng quá nhiều bất công, đau khổ thì xã hội đó khác gì một bộ lạc hoang dã thời mông muội?!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: