Không ai có quyền làm tổn thương người Sài Gòn

Các món quà cứu trợ của chính quyền luôn đi kềm sự phô trương chính trị và tuyên truyền

Chính quyền này, trong đợt phòng chống dịch có đúng là họ đang tiến về phía trước và muốn ban phát việc “Không bỏ ai ở lại phía sau”?

Quả là họ có nghĩ và có làm, nhưng với những người đang cầu cứu được chữa trị coronavirus, những hộ gia đình đang không còn thực phẩm cho bữa ăn hôm sau, các phố hẻm, chung cư đang hốt hoảng trong cảnh phong thành dài ngày; thì xin thưa lòng tự trọng truyền đời của người Sài Gòn, người phương Nam là giá trị họ phải từ bỏ, xếp mình vào đoàn người cơ khổ mong được không bị chế độ bỏ lại phía sau.

Trên truyền hình tuyên truyền mấy tháng dịch bệnh, người ta thấy cảnh các quan chức lãnh đạo, đi thăm, đi cho quà cứu đói, đi kiểm tra bệnh viện, người bệnh. Có những cảnh góc máy quay lặp đi lặp lại để dư luận thấy người được cứu vớt. Những người khốn khổ của xứ Sài Gòn, từ trẻ con đến người già đều lắp bắp nói cám ơn, rồi quan chức giữ khoảng cách phòng dịch nói vài lời an ủi nhanh gọn và ít khi nghe được tiếng cám ơn từ miệng họ.

Mà sao quan lại cám ơn dân? Cho quà cứu đói, chịu xuống tận nơi để bày tỏ thương xót, cứu giúp đã là ban phát “đặc ân” còn đòi gì nữa!

Dư luận cũng dễ chấp nhận, đồng tình thỏa hiệp, thôi thì cho dẫu các quan chức đang cứu vớt người dân cũng là một cách trọng yếu cứu chế độ, bởi lịch sử các dân tộc trên thế giới đã cho thấy, bỏ mặc dân trong thiên tai dịch hại, đói khổ chính là tự hủy hoại chế độ cai trị.

Đương nhiên từ nhân sĩ đến thường dân đều biết tiền thuế, tài nguyên quốc dân được giới cai trị xuất kho cứu vớt cho chính người đóng thuế đang khổ nạn; vậy thì sao có thể chấp nhận được thái độ, cách cho ban phát kiểu thương hại đến tiếng cảm ơn dân cũng làm lơ, đó là chưa nói tới các kiểu làm cao trịch thượng khác.

Những cách hành xử đó là cách lấy tiền thuế dân kèm sự thương hại đem cho lại người dân.

Qua trăm năm người Sài Gòn, người miền Nam luôn truyền cho nhau rằng: Chúng ta đều là người lưu phương không hào hiệp với đồng bào tứ xứ, không giữ phẩm giá trước danh vọng và vật chất, không tự trọng giữ danh dự trước miếng ăn lợi lộc thương hại, phi pháp thì lấy giá trị làm người nào để đùm bọc cho nhau và hào hiệp đùm bọc với người tha hương mới đến.

Để cho người Sài Gòn và phương Nam vào cảnh túng cùng, cảnh hiểm hoạ đã là chuyện bất nhân và hơn hết, để người Sài Gòn và phương Nam trong cảnh phải hạ mình đánh đổi tánh tự lập, lòng tự trọng gốc cội phẩm giá vốn có, để nhận cứu vớt thuốc men, thực phẩm dù là trong cảnh ngặt nghèo thì cũng là hủy hoại văn hóa-văn minh truyền đời trăm năm kể từ khi các Chúa Nguyễn vào Nam.

Lúc này, thật không đáng gì khi kể “Thành phố Sài Gòn kiếm tiền nhiều nhất nước. Thành phố mà dân cả nước đổ xô vào làm việc, tìm kiếm tương lai. Thành phố đóng góp nhiều tiền nhất cho “trung ương.” Nhưng đến cơn đại dịch, phải đi “xin trung ương” gạo, tiền để nuôi những người trong suốt bao nhiêu năm qua “nuôi trung ương.”

Bây giờ hãy nhìn mà coi. Từng gói quà cứu sinh nhỏ in biểu tượng nhà cầm quyền, từng hành vi quan chức thăm hỏi hối hả. Thôi thì đất nước còn nghèo, thôi thì phải chịu vì đang trong cảnh dịch bệnh nặng nề chưa từng có tiền lệ, thôi thì hãy dẹp tự ái, dẹp tự trọng, dẹp phẩm giá qua một bên. Có thể đó là cách nghĩ thỏa hiệp mà mọi người đều đồng tình. Nhưng sao có thể ngang nhiên cố ý hoặc làm bộ vô ý, coi rẻ, xem thường, các giá trị tự trọng của người Sài Gòn.

Một thanh niên Sài Gòn vốn là thợ sửa xe, sau năm 1975, đi nghĩa vụ quân sự, anh được đưa ra Bắc học kỹ thuật công binh. Hà Nội năm tháng đó các cửa hàng mậu dịch, ăn uống người dân phải xếp hàng mua tem phiếu, rồi tự phục vụ. Một hôm anh vào cửa hàng bia hơi, thấy đề bảng: Học tập TPHCM, cửa hàng hôm nay phục vụ tại bàn. Nhưng lần sau trở lại cái quán có khẩu hiệu văn minh, anh ngồi hoài mà không thấy nhân viên ra phục vụ. Anh hỏi thì được biết do khách được phục vụ tại bàn (tính tiền sau) rồi vô tư bỏ đi (không trả tiền) nên không “học tập TPHCM” nữa. Anh nói, tôi từ bé, cha mẹ nghèo thì nấu ăn ở nhà, khá tiền đưa con đi ăn quán, tiệm dẫu ở đâu cũng được dạy lòng tự trọng không lấy không của cho, không nhận của thương hại nếu mình còn sức khoẻ, còn minh mẫn; lòng tự trọng được người lớn dạy qua câu nói đơn giản mà bồi đắp nhân cách lương thiện tự lập rằng: Tay làm hàm nhai!

Mấy hôm nay, hình ảnh một người đàn ông tóc bạc mái đầu, quỳ dập đầu tạ ơn người hảo tâm đến cứu giúp thực phẩm. Hình ảnh xúc động cộng đồng mạng xã hội đó cho thấy điều gì? Lòng tri ân và cả sự tổn thương nữa. Nếu không hiểu thấu lẽ: Của cho không bằng cách cho trong văn hóa của người Sài Gòn thì mọi sự trợ giúp bằng vật chất không bao giờ làm nhẹ được gánh nặng tổn thương do bị thương hại.

Mở kho từ tiền thuế dân giúp dân không cần lên tiếng cám ơn dân vì coi đó là tài lực của riêng chính quyền. Huyênh hoang, ồn ào lấy lòng tự trọng của dân làm đối tượng khoe khoang việc từ thiện là cách nghĩ, cách làm là không chút liêm sỉ.

Ngay lúc này và những ngày phong thành tới đây, số người cần được cứu giúp có quy mô lớn nhất lịch sử, điều đó cũng có nghĩa đây là lần duy nhất trong suốt lịch sử, người Sài Gòn phải chịu sự tổn thương nặng nề vì bị tước mất quyền tự lập, bất lực phải đành lòng ngửa tay nhận cứu giúp. Nhưng dù nhân danh bất cứ luận điểm gì cũng không ai có quyền làm tổn thương người Sài Gòn!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: