Làm ăn với Trung Quốc: Có phải là “nối giáo cho giặc”?

Nhà tài trợ Omega: “Chúng tôi chân thành tin rằng Thế vận hội là cơ hội hoàn hảo để tất cả cùng gặp gỡ trên tinh thần đoàn kết” (ảnh: Costfoto/Future Publishing/Getty Images)

Yaxue Cao (*), biên tập trang web ChinaChange.org nơi chuyên tường thuật những vấn đề xã hội dân sự và nhân quyền, đã dùng lối diễn đạt cực mạnh khi tường trình trước Quốc hội Hoa Kỳ ngày 3 Tháng Hai 2022 rằng: “Có một điều mà các doanh nghiệp, đại học và liên đoàn thể thao của chúng ta (Mỹ) dường như hoàn toàn không hiểu thấu suốt rằng để ăn cái máng của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì họ sẽ biến thành lợn”.

Chưa bao giờ kể từ sau Chiến tranh lạnh mà sự căng thẳng Mỹ-Trung lên đến mức như hiện nay. Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 rồi đây sẽ luôn được nhớ đến như là sự kiện thể thao trong đó yếu tố chính trị trở nên gay gắt nhất lịch sử Thế vận hội. Nó cho thấy sự có mặt của những tập đoàn đa quốc gia trong tư cách nhà tài trợ là điều cũng sẽ được nhắc đến không chỉ như là một sự kiện thể thao mà họ có thể khai thác kinh doanh mà còn là vết nhơ ô uế cho danh tiếng bóng lộn của họ.

Theo trang web Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC), những nhà tài trợ hàng đầu bao gồm: Intel, Omega, Panasonic, Samsung, P&G, Toyota, Visa, Airbnb, Atos, Bridgestone, Coca-Cola, Allianz… Tất cả đã đến Trung Quốc trong bối cảnh cơn bão chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt khi Mỹ và nhiều nước phương Tây chỉ trích gay gắt tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của Bloomberg về việc tham gia Thế vận hội 2022, hãng đồng hồ Omega cho biết: “Là một thương hiệu toàn cầu, chúng tôi chắc chắn nhận thức được những căng thẳng quốc tế và theo dõi chúng một cách cẩn thận… Chúng tôi chân thành tin rằng Thế vận hội là cơ hội hoàn hảo để tất cả cùng gặp gỡ trên tinh thần đoàn kết”. Trong khi đó, Airbnb phân trần: “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc là một phần quan trọng trong sứ mệnh của mình để kết nối mọi người từ khắp nơi trên thế giới…”.

Toyota – một trong những nhà tài trợ lớn của Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 (ảnh: Meng Tao/Xinhua/Getty Images)

Báo Time cho biết, từ Tháng Bảy 2021, nhiều thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã kêu gọi các giám đốc điều hành Coca-Cola, Visa, Procter & Gamble và Airbnb cần cân nhắc lại vấn đề tài trợ cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Cuối Tháng Một, thượng nghị sĩ Marco Rubio thậm chí gửi một bức thư “nhức nhối” tới các nhà tài trợ Olympic, trách cứ việc họ phớt lờ nạn diệt chủng mà Trung Quốc gây ra ở Tân Cương và nhắm vào “mục tiêu lợi nhuận một cách mù quáng”.

Sức mạnh kim tiền cuối cùng chiến thắng. Tuy nhiên, chưa bao giờ các nhà tài trợ phải “lén lén lút lút” đến Trung Quốc như năm nay. Năm 2018, Visa thực hiện chiến dịch quảng bá tại Thế vận hội Mùa Đông ở Pyeongchang (Hàn Quốc) bằng việc đếm ngược 100 ngày trên tài khoản Twitter của họ. Một trăm ngày trước Thế vận hội 2018, nhà tài trợ Procter & Gamble tung ra chiến dịch quảng cáo rầm rộ “Love over Bias”; trong khi đó, Coca-Cola Co cũng gây náo động với những chương trình quảng cáo truyền hình cùng lúc đưa hình vận động viên trượt băng nghệ thuật Nathan Chen (Trần Nguy, người Mỹ gốc Hoa) lên bảng quảng cáo khổng lồ ở Times Square, New York City. Với Thế vận hội Bắc Kinh 2022, họ lặng lẽ hơn. Họ không dám “thở mạnh”. Họ không “chạy” bất cứ chương trình quảng cáo nào liên quan Thế vận hội Bắc Kinh 2022 ở Mỹ.

Điều đáng chú ý là trong khi hầu hết đại công ty liên quan Thế vận hội Bắc Kinh 2022 im lặng trước những vấn đề nhân quyền thì họ lại “đấu tranh” cho nhân quyền ở những nơi khác. Chẳng hạn, Wall Street Journal (ngày 23-1-2022) cho biết, Coca-Cola đã bày tỏ “bức xúc” vấn đề vi phạm nhân quyền của Qatar, nơi tổ chức giải bóng đá World Cup 2022 (diễn ra từ ngày 21 Tháng Mười Một đến ngày 18 Tháng Mười Hai năm nay) – sự kiện thể thao mà họ cũng tham gia với tư cách nhà tài trợ. Tại phiên điều trần vào Tháng Bảy của Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc, thượng nghị sĩ Tom Cotton còn cật vấn Coca-Cola rằng tại sao họ công khai phản đối luật bỏ phiếu gây tranh cãi của tiểu bang Georgia vào năm ngoái nhưng lại không mở miệng trước những vụ vi phạm nhân quyền tàn bạo ở Trung Quốc.

Và để tránh sức ép từ Mỹ, các công ty thậm chí vận động hành lang quyết liệt tại Mỹ để không bị “phạt”. The New York Times ngày 18-2-2022 cho biết, năm ngoái, Procter & Gamble đã chi hàng triệu đôla thuê giới vận động hành lang Washington DC để chống lại đạo luật cấm các nhà tài trợ Thế vận hội Bắc Kinh bán sản phẩm của họ cho các cơ quan trực thuộc chính phủ Hoa Kỳ…

Dân Đức biểu tình phản đối tập đoàn Allianz Insurance và những nhà tài trợ của Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 (ảnh: Christophe Gateau/picture alliance/Getty Images)

Áp lực không chỉ đến từ Mỹ. Các công ty ngày càng phải đối mặt với sự phức tạp toàn cầu liên quan các hạn chế xuất khẩu và luật lưu trữ dữ liệu, đặc biệt tại Liên minh Châu Âu. Một số công ty, như Cisco, đã thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc. Một số “dọn đồ” đi hẳn khỏi nước này. Micron Technology, nhà sản xuất chip từng là nạn nhân của hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ ở Trung Quốc, đang rút nhóm thiết kế chip (làm việc ở Thượng Hải) ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều đại gia khác vẫn hăm hở phát triển kế hoạch làm ăn với Bắc Kinh. Tháng Một 2022, Tesla đã khai trương một phòng trưng bày ở Tân Cương.

Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc, nói: “Chúng tôi không thể rời Trung Quốc, vì Trung Quốc đại diện cho một số ngành công nghiệp chiếm tới 50% nhu cầu toàn cầu; và chúng tôi có mối quan hệ sâu chặt trong việc cung cấp và bán hàng với nước này”. Allen nhấn mạnh rằng, các công ty Mỹ coi thị trường Trung Quốc là chỗ đứng vững để từ đó cung ứng cho thị trường châu Á; trong khi nền kinh tế trị giá $17 nghìn tỷ của Trung Quốc vẫn cho thấy nó có “một số triển vọng tăng trưởng tốt nhất so với bất kỳ nơi nào khác”.

Bất luận thế nào, giới chính trị gia Mỹ của cả hai đảng ngày càng có xu hướng buộc các công ty phải chọn một bên. Ở đây cần rõ ràng hơn trong nhận thức, chứ chẳng phải là chuyện “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, trong khi Trung Quốc đã không còn là con ma mà đã là một con quỷ với sức mạnh đe dọa Mỹ ngày càng hiển hiện. Điều cần thấy nữa là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề không còn đơn giản là chuyện “win-win”. Chỉ có một bên “win” và một bên “loss”. Việc kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc không phải là việc kiếm tiền của cá nhân công ty. Nó hiển nhiên mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc, cho nền kinh tế cho Trung Quốc, cho đảng cai trị Trung Quốc; và điều này – một cách nhìn ngày càng phổ biến đối với không ít người Mỹ – chẳng khác gì “nối giáo cho giặc”.

______

Yaxue Cao (*):

Website https://chinachange.org được thành lập Tháng Sáu 2013 bởi Yaxue Cao và Tom M. Yaxue. Yaxue Cao trưởng thành tại Bắc Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa, học Đại học Bắc Kinh; đến Mỹ học văn chương năm 1991 và ở lại Mỹ. Bà hiện sống tại Washington DC.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: