Lựa chọn ‘Tự hào là người gốc Việt’

Ke Huy Quan, tài tử gốc Việt đoạt giải Quả Cầu Vàng. (Ảnh: Michael Kovac/Getty Images for Champagne Collet & OBC Wines)

Chấm dứt tranh cãi nguồn gốc di dân của Huu Can Tran

Cuối cùng, Washington PostNYTimes đều xác nhận sát thủ của vụ xả súng kinh hoàng ở vũ trường Star Ballroom Dance Studio vào đêm Giao thừa Tết Nguyên Đán là người gốc Việt, Huu Can Tran.

“Theo một tài liệu nhập cư, ông Trần, sinh ra ở Việt Nam, di dân sang Hoa Kỳ vào cuối những năm 1980. Ông nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1990 hoặc 1991, theo tài liệu. Ông Trần kết hôn vào tháng Sáu năm 2001 và ly dị vào tháng Năm 2006, theo hồ sơ tòa án” (trích NyTimes).

Còn theo Washington Post, sát thủ được cảnh sát xác định là Huu Can Tran, một di dân từ Việt Nam, làm nghề lái xe tải và thỉnh thoảng khiêu vũ ở Star – đã bắn hơn 20 người, làm cho 11 người chết. Số còn lại bị thương. Hầu hết nạn nhân là người gốc Á.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc kết thúc những tranh cãi: hung thủ là “người gốc gì?”. Những tranh cãi đó, phần nhiều xuất hiện trên hai trang mạng xã hội lớn nhất là Facebook và Twitter, giữa hai cộng đồng gốc Á ở Mỹ: Việt và Hoa.

Thật ra, ngay từ khi tên của tay sát thủ được truyền thông Mỹ đăng tải đồng loạt bằng chữ Latin: Huu Can Tran, thì bất cứ ai, biết và hiểu tiếng Việt, cũng có ngay trong tâm trí cách đọc là Trần Hữu Cần, như một quán tính khi nhìn thấy ngôn ngữ mẹ đẻ. Chính vì âm tiếng Việt, nên có thể sẽ là Trần Hữu Cận; Trần Hữu Can; Trần Hựu Cẩn…

Cái quán tính đọc lên theo ngôn ngữ mẹ đẻ đã nhanh chóng bị “lòng dân tộc” dập tắt. Thay vào đó là nghi vấn “người Tàu có họ Trần”; hoặc dựa theo khuôn mặt của sát thủ để kết luận: “Gương mặt này Tàu chắc.”

Huu Can Tran (ảnh của cảnh sát Monterey Park, California)

Cho đến khi CNN đăng một chi tiết nhỏ, “Tran was an immigrant from China, according to a copy of his marriage license that his ex-wife showed to CNN” thì khá nhiều người Việt trên mạng xã hội Facebook dùng đó để khẳng định Huu Can Chan là người Tàu. Kết luận được đưa ra và nhanh chóng bắt lấy niềm tin của người quan tâm. Họ quên mất, di dân từ một đất nước nào đó không thể chứng minh người đó được sinh ra ở quốc gia đó. Họ cũng quên mất sự hiện diện của người Hoa trên đất Việt đã có từ hơn 200 năm trước. “Chợ Lớn” là khu phố người Hoa rất lớn ở Sai Gòn, cũng giống như là quận 13 của Paris vậy.

Chợ Lớn thưở sơ khai. (Ảnh: HinhanhVietNam)

Biến cố 1975 đã làm cho hơn nửa triệu người Việt gốc Hoa bỏ nước đi. Rất nhiều trường hợp ra đi, như người thì trở về Tàu, người thì vượt biển. Chỉ có thể nói trong phạm vi nhỏ này, đó là lịch sử người Hoa ở Việt Nam vô cùng phong phú.

Trở lại câu chuyện Huu Can Tran, cộng đồng sử dụng Twitter phân biệt rõ và cụ thể hơn người dùng Facebook. Mặc dù những người tranh luận trên Twitter phần lớn thuộc các sắc dân khác, nhưng họ có vẻ hiểu câu chuyện lịch sử người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn. Họ dùng kiến thức lịch sử đó, dù là không khẳng định, nhưng thể hiện quan điểm cho thấy, Huu Can Tran là người gốc Việt.

Bên cạnh đó, một số không nhỏ người Hoa bày tỏ thẳng thắn trên Twitter rằng: “Ông ta không phải người Tàu (He is not Chinese)”; hoặc “Làm sao có thể nói ông ta là người Tàu với cái tên như thế? (I can judge that he is Vietnamese when I see his full name)”; hoặc “Cái tên của ông ta cho thấy ông ta là người Việt (His name can say he is Vietnamese)…

Lựa chọn ‘Tự hào là người gốc Việt’

Trường hợp của Huu Can Chan hoàn toàn đối lập với thông tin tài tử Ke Huy Quan đoạt giải Quả Cầu Vàng (Golden Globe) cho vai nam phụ xuất sắc nhất trong phim “Everything Everywhere All at Once”. Khi tin vui của nam tài tử này được truyền thông đăng tải, báo chí Việt ngữ hải ngoại và cả trong nước nhanh chóng ghi rõ “Quan Kế Huy, diễn viên gốc Việt đầu tiên đoạt giải Quả Cầu Vàng”, “Diễn viên gốc Việt Quan Kế Huy thắng giải Quả cầu vàng”… Tên họ của nam tài tử cũng được báo chí “mặc định” là Quan Kế Huy. Họ “quên” mất tên đầy đủ của ông là Jonathan Luke Ke Huy Quan.

Tài tử Ke Huy Quan và giải thưởng Quả Cầu Vàng. (Hình: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Sự thật là rất nhiều tài liệu đều đề cập Ke Huy Quan là diễn viên người Mỹ gốc Việt. Ông được sinh ra ở Việt Nam, nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và Phổ Thông. Tìm mãi không thấy chi tiết Ke Huy Quan có thể nói tiếng Việt.

Chắc chắn, đối với nhiều người Việt, điều đó không quan trọng, bằng chi tiết “sinh ra ở Việt Nam.”

“Ke Huy Quan sinh năm 1971 ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam. Cha mẹ của ông là người Việt gốc Hoa. Gia đình ông buộc phải rời bỏ đất nước của mình khi Sài Gòn sụp đổ. Năm 1978, ông cùng với cha và năm anh chị em vượt biển đến trại tị nạn Hong Kong, trong lúc người mẹ và ba anh chị em khác đến Malaysia. Cả gia đình họ đoàn tụ ở Hoa Kỳ năm 1979.

Ke Huy Quan trở thành một diễn viên nhí và ở tuổi 12, đóng vai phụ trong Indiana Jones and the Temple of Doom. Sau khi thử vai và được chọn, gia đình đã đổi tên ông thành Ke Huy, là nghệ danh ông dùng cho sự nghiệp điện ảnh.”

Bản tin về giải thưởng Quả Cầu Vàng của Ke Huy Quan tràn ngập báo chí tiếng Việt. Sự thật ông là người gốc Việt, vì ông sinh ra ở Việt Nam. Nhưng chắc chắn, cộng đồng người Hoa cũng hoàn toàn được gọi ông là tài tử người Mỹ gốc Hoa. Vì Ke Huy Quan có thể trò chuyện lưu loát với họ bằng ngôn ngữ của dân tộc họ. Thêm nữa, cha mẹ của ông là người gốc Hoa.

Khi tiếng súng của Huu Can Tran nổ lên làm chết 11 người gốc Hoa, trong đó có ít nhất một người gốc Việt, thì báo chí trong nước “lặng lẽ” bỏ qua chi tiết về nguồn gốc của hung thủ. Báo chí Việt ở hải ngoại vài ngày sau đó mới dám đăng rõ “hung thủ gốc Việt” sau khi nhìn thấy hồ sơ nhập tịch nộp ngày 13 Tháng Sáu, 1990, ký tên Huu Can Tran, sinh tại Việt Nam. Đến lúc này, sự tranh cãi về nguồn gốc của Huu Can Tran mới chấm dứt. Không ai còn đặt nghi vấn “hình như người Tàu có họ Trần”.

Hồ sơ nhập tịch của Huu Can Tran. (Ảnh: Twitter)

Không khó để định nghĩa thế nào là “Tự hào dân tộc”. Trong một quốc gia dân chủ, tự do, tiến bộ, một đứa trẻ đã được dạy về lòng “tự hào dân tộc.” Nó đơn giản chỉ là trang nghiêm đứng chào khi thấy quốc kỳ, hoặc vào ngày Veterans Day ở Mỹ (Ngày Cựu Chiến Binh), một em học sinh sẽ chạy đến chào một người lính khi tình cờ gặp. Sự tuân thủ qui định, luật lệ tại những nơi công cộng cũng là một hành vi của lòng “tự hào dân tộc.”

Một cuộc đàm phán nảy lửa, kéo dài để mang một người phạm tội ở quốc gia về nước, dù với mục đích nào khác, cũng là “Tự hào dân tộc.” Nó không giống với một âm mưu ngang nhiên bắt cóc kẻ phạm tội ở xứ người.

Khi một quốc gia xây dựng “lòng tự hào dân tộc” thành công, người dân của họ không cần phải lựa chọn để tự hào dân tộc!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: