Mãi mãi là nước Việt buồn

Sài Gòn vào những ngày trước Tết cổ truyền dân tộc 20 Tháng Giêng, 1970. Ảnh: Bettmann Archive via Getty Images

Xin/Cho – Được/Không

Năm 2008, phòng trà Văn Nghệ, Sài Gòn có một vị khách đặc biệt. Ông là một trong những văn nghệ sĩ thế hệ trước 1975 trở về tái ngộ khán giả trên quê hương: Nhạc Sĩ Từ Công Phụng. Đêm đó, người đến phòng trà phần lớn là những người tóc đã pha sương, sống qua “hai chế độ.” Họ đã nghe và yêu nhạc Từ Công Phụng qua những ca khúc như “Mắt lệ cho người”, “Mưa trên ngày tháng đó”, “Trên ngọn tình sầu”…

Phòng trà tràn ngập hoa. Buổi diễn không có ca sĩ khách mời. Duy nhất, chỉ là Từ Công Phụng. Không ít người yêu nhạc của ông đã nói rằng: “chỉ có Từ Công Phụng hát nhạc của ông ấy là hay nhất.” Đêm đó, ông hát tất cả những bài hát gắn liền với một trời kỷ niệm của ông, của khán giả, của Sài Gòn. Dĩ nhiên, đó là những bài ông ĐƯỢC PHÉP hát, trên mảnh đất Việt Nam.

Cho đến khi vừa kết thúc một bài hát, ông nhận được tấm giấy ca khúc yêu cầu từ khán giả. Nhạc sĩ họ Từ quay lại, có vẻ như ông cần trao đổi tiết tấu với ban nhạc. Sau đó, ông cất tiếng hát. Câu hát đầu tiên chưa trọn thì một người bước lên sân khấu, nói nhỏ vào tai ông. Ban nhạc cũng ngừng chơi. Từ Công Phụng ngập ngừng nói với khán giả: “Xin lỗi quý vị, bài hát này tôi chưa được phép.” Đó là ca khúc “Xứ thâm trầm.”

“Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này / Sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên và hết nhân duyên / tôi trở về kết đọng linh hồn làm mặt đá xây hồ lãng quên.”

Rồi cũng là nhạc sĩ Từ Công Phụng, trong đêm nhạc khác ở Sài Gòn, một vị khán giả trẻ yêu cầu ông hát bài “Đêm không cùng.” Ca khúc này cũng cùng chung “số phận” với “Xứ thâm trầm” nên ông phải từ chối chéo là “Xin lỗi, tôi không nhớ lời.”

Trong suốt 14 năm qua, quy chế bất thành văn “xin/cho” – “được/không” đối với các ca khúc thuộc về nền văn hoá VNCH trước 1975 như sợi dây thòng lọng vô hình treo lơ lửng trên sân khấu. Sự kiện mới nhất, nóng hổi trong đêm nhạc “Dấu chân địa đàng” của Khánh Ly vừa qua tại Đà Lạt không làm cho triệu người dân trong xã hội “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” ngạc nhiên, sửng sốt, khó chịu, tức giận. Trái lại, họ bình thản đón nhận như một sự đã rồi, đã quá quen thuộc. Họ bình luận trào phúng, phanh phui những hạt sạn của một kịch bản tồi.

Không có bất kỳ lý do cụ thể nào được nêu ra trong văn bản “mời” làm việc của Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, đơn giản chỉ là “Gia tài của mẹ” không nằm trong danh mục 24 ca khúc được duyệt. Nếu nói “Gia tài của mẹ” bị cấm vì nằm trong tuyển tập phản chiến “Ca khúc da vàng” thì không đúng vì trong danh mục 24 bài có ca khúc “Người con gái Việt Nam da vàng.” Báo chí, mạng xã hội cho rằng “của đáng tội” là “hai mươi năm nội chiến” với gia tài là “một bọn lai căng” là “lũ bội tình”.

Nhưng ai cũng biết, “Gia tài của mẹ” được sáng tác vào năm 1965. Tháng Ba năm 1965, đơn vị thuỷ quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đổ bộ bãi biển Đà Nẵng, chính thức can thiệp cuộc chiến ở Việt Nam. Do đó “20 năm nội chiến” theo đúng nguyên tắc cộng trừ của thời điểm sáng tác thì đó là 20 năm giai đoạn 1945-1965. Trong đó có cuộc chiến tranh Đông Dương (1946 -1954) và đặc biệt, giai đoạn nhuốm máu đồng bào từ cuộc cải cách ruộng đất (1953 – 1956).

Cho dù 20 năm của giai đoạn nào, thì cũng là người cùng dân tộc, cùng màu da, cùng ngôn ngữ, cùng lãnh thổ tham gia vào cuộc chiến gây tương tàn, chỉ vì khác quan điểm, khác giá trị. Đó là nội chiến!

Mãi mãi là nước Việt buồn

Ca khúc “Gia tài của mẹ” vốn đã nổi tiếng, nay càng phổ biến. Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch tỉnh Lâm Đồng đã giúp cho thế hệ sau tìm lại “Gia tài của mẹ.”

Và họ tìm thấy gì?

Có phải là những người nhân danh nghệ sĩ, đại diện nền văn hoá và nghệ thuật của một xã hội “Tự do – Dân chủ đi rải đống tro tàn khắp nơi, để một ngày hiện diện trên báo chí trời Âu với “cáo buộc tội hiếp dâm”? Ê chề, nhục nhã.

Hai nghệ sĩ Việt Nam bị cáo buộc hiếp dâm một thiếu nữ 17 tuổi ở Tây Ban Nha

Có phải họ đã chứng kiến những phận đời bỏ nước bỏ quê, chạy thật xa mong tìm cuộc sống ấm no, rồi phơi xác trong thùng hoang giữa đất khách? Những ngư dân phải đánh tàu ra khỏi lãnh hải quốc gia vì biển đã chết, cá đã hết.

Có phải ngày ngày họ chứng kiến những dối lừa, những bất công, hèn hạ, nhưng bảo nhau “đấy chẳng phải chuyện mình”? Câu chuyện những kẻ đã bám vào một cơn đại dịch chấn động toàn cầu để làm giàu trên xương máu của chính dân tộc mình.

Có phải họ đang nhận một gia tài hoang phế, mục nát của nền giáo dục “xin và cho”? Những đứa trẻ sẵn sàng khóc oà trước nhóm nhạc thần tượng nào đó nhưng hoàn toàn vô cảm với một xã hội đang bị bào mòn đạo đức.

Có phải ngày ngày họ đang đọc, đang nghe, đang nói một ngôn ngữ pha trộn, lai căng không cần biết “Tiếng Việt còn là nước Việt còn”? Những băng rôn biểu ngữ căng đầy đường phố với một loại ngôn ngữ lắp ghép quái thai như kiểu “Cái Mu VN“. Đến nỗi, khi giới thiệu tài năng của một thí sinh Việt Nam trong cuộc thi nhan sắc, người ta nói cô ta có khả năng nói lưu loát ba thứ tiếng nước ngoài, trong đó có…tiếng Việt.

“Gia tài của mẹ”: Mãi mãi là nước Việt buồn.

___

ĐỌC THÊM:

Ca sĩ Khánh Ly bị công an “làm việc” vì hát bài ‘Gia Tài Của Mẹ’

“Nội chiến” bị Hà Nội coi là phản tuyên truyền và kích động hận thù?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: