Nếu bom rơi đạn lạc ở Ukraine, kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng như thế nào?

Lính biên phòng Ukraine tại khu vực biên giới có tên Ba Chị Em (Three Sisters) giữa Ukraine, Nga và Belarus; ngày 14 Tháng Hai 2022 (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Mỹ và Canada đã di tản các nhà ngoại giao khỏi Kyiv, khi Nga đang dồn hơn 130,000 quân vây kín biên giới Ukraine. Tòa Bạch Ốc cảnh báo một cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hoặc chính xác là thứ tư 16 Tháng Hai 2022 – như lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Oleksandrovych Zelenskyy…

Trống trận vang ầm ĩ

Các khách sạn và hộp đêm tại thủ đô Kyiv đã vắng bóng du khách và doanh nhân nước ngoài bắt đầu rời đi. Nhiều doanh nghiệp cho biết các đối tác nước ngoài đang tạm dừng giao dịch với họ. Dù tỷ giá hối đoái của đồng hryvnia hiện chưa nhảy múa, nhờ sự can thiệp Ngân hàng Trung ương nhưng người dân đang rút tiền ào ạt. Chủ nhật 13 Tháng Hai, Kyiv đã gấp rút tài trợ $583 triệu cho ngành hàng không sau khi một trong những hãng hàng không chính của nước này, Sky Up, cho biết họ tạm ngừng hoạt động vì các công ty bảo hiểm từ chối bảo hiểm các chuyến bay trong không phận Ukraine. Andriy Sadovyi, Thị trưởng Lviv, thành phố lớn nhất tại miền Tây Ukraine, cho biết thành phố đang chuẩn bị dọn chỗ sẵn cho hàng trăm nghìn người có thể tản cư đến, nếu chiến tranh toàn diện nổ ra. Ukraine cũng tiến hành liên tục tập trận tại Kalanchak, thị trấn cách bán đảo Crimea khoảng 20 dặm về phía Bắc.

Dù mùi thuốc súng chưa nghe khét lẹt nhưng bóng ma chiến tranh đã phủ kín đời sống Ukraine. Wall Street Journal (ngày 14-2-2022) cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Denis Moosystemrski, người chỉ huy lực lượng cảnh sát và lực lượng Vệ binh Quốc gia, nói cứng cựa trong bài phát biểu hôm nay 14 Tháng Hai, rằng chính phủ sẽ không cho phép lặp lại bi kịch 2014, khi những chiến binh do Nga hậu thuẫn chiếm giữ hoặc cố gắng chiếm các tòa nhà chính phủ bằng vũ lực ở một số thành phố trên khắp miền Đông và miền Nam Ukraine. Lần này, “chúng sẽ bị các lực lượng đặc biệt của chúng ta bắn gục ngay tại chỗ mà không có bất kỳ cảnh báo hay do dự nào”.

Làn sóng di tản bắt đầu bùng mạnh tại nhiều phi trường, khi ngày 14 Tháng Hai 2022, báo chí Ukraine viết rằng việc đóng cửa hàng không có thể xảy ra (trong ảnh là Phi trường Quốc tế Boryspil ngày 14 Tháng Hai – Stringer/Anadolu Agency/Getty Images)

Lực lượng quân đội Ukraine, với khoảng 260,000 người, đã được cải thiện đáng kể, kể từ năm 2014, khi Nga tấn công vào Crimea. Sáu năm qua, quân đội Ukraine liên tục được phương Tây tăng cường hỗ trợ. Tuy nhiên, quân đội Ukraine sẽ bị kéo mỏng nếu họ phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga trên nhiều trục. Lực lượng thiện chiến nhất của Ukraine được bố trí ở biên giới Donbas, nơi họ giằng co với phe ly khai được Nga hỗ trợ suốt từ năm 2014 đến nay.

Mỹ và các đồng minh NATO đã đưa vũ khí chống tăng, tên lửa phòng không Stinger và nhiều khí tài khác đến Ukraine. Nước này cũng mua máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Tuy nhiên, vũ khí mà Mỹ và phương Tây cung cấp lại không có hệ thống phòng không hoặc tên lửa chống hạm để chống lại Nga. Theo Phillip Karber thuộc Potomac Foundation, một tổ chức nghiên cứu chính sách, nếu xảy ra chiến tranh toàn diện, Ukraine không đủ sức chống trả.

Hỏa lực đáng kể của Nga là các lữ đoàn tên lửa đất đối đất Iskander mà lực lượng này tăng gấp ba kể từ Tháng Mười 2021 với việc triển khai phạm vi hoạt động bủa vây Ukraine. Cùng với hỏa tiễn hành trình Kalibr trên các tàu chiến ở Hắc Hải, tên lửa Iskander có thể tấn công sân bay, kho chứa đạn dược, hệ thống phòng không, căn cứ quân đội và trung tâm chỉ huy trên khắp Ukraine. Nga còn có thể sử dụng máy bay ném bom để bắn tên lửa hành trình phóng từ trên không. Nếu Nga tấn công, chiến đấu cơ Su-35 và hệ thống phòng không S-400 mà Moscow triển khai ở Belarus có tầm hoạt động rộng tới Ukraine sẽ mang lại cho Nga nhiều lợi thế nữa. Nhiều tàu chiến cũng tiến về Hắc Hải sẵn sàng phong tỏa các cảng Ukraine.

Kinh tế Mỹ và thế giới bị ảnh hưởng ra sao nếu chiến tranh bùng nổ?

Đầu tiên là giá dầu và khí đốt tăng, giáng thêm một cú vào tình trạng lạm phát. Ngay thời điểm hiện tại, theo New York Times (ngày 14-2-2022), giá dầu và khí đốt đã tăng trong nhiều tháng do các nước xuất khẩu như Libya phải vật lộn với các vấn đề liên quan sản xuất và cung ứng sau hai năm đại dịch. Hiện giá dầu đã tăng lên hơn $90/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2014.

Nga sản xuất 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 10% nhu cầu toàn cầu và là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu. Mỹ không phải là nước mua nhiều dầu của Nga (chỉ nhập khoảng 700,000 thùng/ngày, tương đương 3% nhu cầu). Tuy nhiên, kinh tế Mỹ sẽ bị tổn thương ít nhiều khi giá dầu thế giới đồng loạt tăng. Giới chuyên gia năng lượng dự báo nếu cuộc tấn công quân sự của Nga xảy ra, giá dầu chắc chắn vọt lên trên $100/thùng. Giá trung bình đối với xăng thông thường tại Mỹ vốn đã lên gần $3.50, tăng gần 20 cent so với tháng trước và gần $1 so với một năm trước. Giá dầu diesel đã tăng một cent/gallon/ngày thời gian gần đây. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 150% trong những tháng gần đây, đe dọa tăng giá thực phẩm, hóa chất, đồ nhựa…

Sư đoàn Không kỵ 82 của Hoa Kỳ chuẩn bị được đưa đến Ba Lan từ căn cứ Fort Bragg, North Carolina; ngày 14 Tháng Hai 2022 (ảnh: Melissa Sue Gerrits/Getty Images)

Giá nhiên liệu cao hơn hiển nhiên sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất đến nông dân và tầng lớp lao động Mỹ vì họ chi tiêu phần trăm thu nhập lớn hơn cho năng lượng. Theo Tom Kloza, trưởng nhóm phân tích năng lượng toàn cầu của Dịch vụ Thông tin Giá Dầu (Oil Price Information Service), cứ mỗi cent mà một gallon xăng thông thường tăng, người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn $4 triệu một ngày.

Theo phân tích của cây bút kinh tế lão làng Rick Newman, nếu Nga tấn công toàn diện, châu Âu và Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế hoặc chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu của Nga đối với các mặt hàng quan trọng bao gồm nhôm, nikel, palladium, bạch kim và một số loại ngũ cốc. Khổ nỗi, đây lại là những sản phẩm quan trọng trong chuỗi cung ứng đối với các nhà sản xuất Hoa Kỳ và châu Âu. Điều này càng làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm ở Mỹ và nhiều nước phương Tây. Nhìn chung, như cách nói của các nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, cuộc đụng độ Nga-Ukraine “có thể tạo ra hiệu ứng con bướm, khiến giá hàng hóa tăng cao khi nguồn cung tăng; các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, khiến giá cả hai mặt hàng này đều vọt cao”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: