Nhìn lại cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ

Binh sĩ Hoa Kỳ thuộc Sư đoàn 10 Sơn Cước hành quân tìm diệt Taliban ở tỉnh Zabul, Afghanistan ngày 22 Tháng Sáu 2006; có 4 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc hành quân này. Ảnh John Moore/Getty Images

Cuộc chiến dài nhất của Mỹ vừa kết thúc thất bại trước kẻ thù đã từng bị đánh bại ở Afghanistan gần 20 năm trước. Sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính phủ và quân đội Afghanistan được Mỹ huấn luyện và hỗ trợ cùng với các hoạt động di tản hỗn loạn đã gây sốc cho cả thế giới.

Chỉ hai tuần nữa, nước Mỹ sẽ kỷ niệm 20 năm ngày al-Qaeda tấn công khủng bố tại New York và Washington, làm hơn 3,000 người chết và khiến lịch sử thế giới chuyển sang một hướng khác. Vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín 2001 là nguyên nhân trực tiếp khiến Hoa Kỳ tấn công hang ổ của al Qaeda ở Afghanistan và xóa sổ chế độ thần quyền Taliban dung dưỡng khủng bố.

Nhưng lần kỷ niệm ngày 11 Tháng Chín năm nay 2021 sẽ được đánh dấu bằng việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan; làm cho nhiều người đau đớn nhận ra rằng sự hy sinh của hơn 3,500 quân nhân Mỹ và đồng minh, cùng hàng chục ngàn dân thường Afghanistan, nhiều máu và nước mắt và chi phí hơn $2 nghìn tỷ là một nỗ lực vô ích!

Nhìn lại cuộc can dự của Hoa Kỳ ở Afghanistan, một quan chức cao cấp của quân đội Mỹ nói với hãng tin Reuters: “Đây không phải là cuộc chiến 20 năm mà cuộc chiến kéo dài một năm, lặp đi lặp lại trong suốt hai thập niên”. Ý của ông ta là lối suy nghĩ ngắn hạn, nhiều sai lầm và sự thiếu nhất quán của bốn chính quyền Hoa Kỳ liên tiếp nhau đã dẫn đến thất bại chung cuộc ngày hôm nay.

Các cuộc phỏng vấn của hãng Reuters với gần chục quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ hiện tại và trước đây đã nêu bật những sai lầm đã làm tê liệt các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc ổn định tình hình Afghanistan trong suốt bốn đời tổng thống ngự trị ở Washington.

Hai chính quyền của đảng Cộng Hòa (George W. Bush, Donald Trump) và hai chính quyền của đảng Dân Chủ (Barack Obama, Joe Biden) đã nỗ lực chống lại tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chính quyền Afghanistan ngay cả khi họ vẫn phải nuông chiều các chính quyền đó, phải chấp nhận tham nhũng và vi phạm nhân quyền để tìm cách nuôi dưỡng nền dân chủ và pháp quyền, xây dựng một quân đội mạnh mẽ và huy động những người Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh.

Họ đã thúc đẩy một chính quyền trung ương mạnh ở một đất nước mà trong nhiều thế kỷ các bộ lạc địa phương thuộc nhiều sắc tộc khác nhau được hưởng quyền tự trị rộng rãi. Các chương trình của họ xóa bỏ ma túy càng gây bất mãn cho người dân ở vùng nông thôn – thành trì của Taliban, vốn dựa vào việc trồng cây thuốc phiện để sống.

Những thiếu sót trong công tác tình báo cũng có phần trách nhiệm. Mới tuần trước chính quyền của Tổng thống Joe Biden dự đoán sẽ vài tháng nữa Taliban mới có thể tiến vào Kabul nhưng thực tế họ chỉ mất vài ngày.

Có một số thành công không thể phủ nhận. Hoa Kỳ và các đối tác đã giúp cải thiện vô số cuộc đời ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái, hỗ trợ truyền thông độc lập, xây dựng trường học, bệnh viện và đường sá. Tất cả những thành công đó hiện đang bị đe dọa.

Bị Iraq chia lửa

Ngay sau vụ 11 Tháng Chín, Tổng thống George W. Bush tuyên bố bắt đầu “cuộc chiến chống khủng bố” và lật đổ chính phủ Taliban ở Kabul, kẻ đã tiếp tay cho tổ chức al-Qaeda chịu trách nhiệm tấn công bằng cách lao phi cơ hành khách cướp được vào các cao ốc ở New York và Washington. Chiến dịch đã thành công, chỉ một thời gian ngắn sau đó Taliban bị đánh tan tác còn al-Qaeda chạy trốn.

Tuy nhiên, các cựu quan chức và chuyên gia cho rằng thay vì nỗ lực bảo vệ Afghanistan trước sự trỗi dậy và quay lại của Taliban, chính quyền Bush đã chuyển hướng nguồn lực, nhân sự và thời gian cho cuộc xâm lược Iraq, với tuyên bố sai lầm rằng chính phủ độc tài của Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bà Lisa Curtis, một cựu chuyên viên phân tích của CIA từng phục vụ trong các đời Tổng thống Bush và Trump và hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận định: “Hoa Kỳ đã bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Iraq trong vài năm. Lật đổ Taliban là điều đúng đắn phải làm. Thật không may, ngay sau khi chúng tôi đánh đuổi Taliban thì sự chú ý lại bắt đầu đổ dồn về cuộc chiến ở Iraq”.

Các quan chức hiện tại và cựu quan chức nói rằng nỗi ám ảnh của chính quyền Bush đối với Iraq đã khiến chiến lược Afghanistan của họ bị đình trệ. “Chúng tôi thực sự đang cố gắng giúp xây dựng và cải cách quốc gia này (Afghanistan) hay chúng tôi chỉ đang cố gắng thoát ra?” Jonathan Schroden, một chuyên gia tại viện chính sách CNA, người từng là cố vấn cho Bộ Tư lệnh trung ương của quân đội Hoa Kỳ, đặt câu hỏi.

Khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào năm 2009, thông điệp bất nhất về Afghanistan vẫn tiếp tục đưa ra. Ông Obama vừa tìm cách giảm bớt lực lượng của Mỹ ở Afghanistan nhưng lại đồng ý tăng cường nỗ lực quân sự để gây áp lực buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Trong một bài phát biểu tại Học viện Quân sự West Point vào Tháng Mười Một năm 2009, ông Obama nói rằng ông sẽ gửi đi 30,000 quân, nhưng nói thêm rằng “sau 18 tháng, quân đội của chúng ta sẽ bắt đầu trở về nhà.” Phát biểu đó của ông Obama nhằm xoa dịu dư luận trong nước, nhưng lại gửi cho Taliban một tín hiệu rằng họ có thể chờ đợi ngày Hoa Kỳ rút đi, cũng không còn lâu lắm.

Dịch tham nhũng

Khi còn là một ứng cử viên tổng thống, ông Obama gọi Afghanistan là “cuộc chiến tốt đẹp” (a good war)tương phản với thảm họa quân sự ở Iraq.

Quân số của Hoa Kỳ ở đó đã tăng lên hơn 90,000 người, ngân sách tài trợ cũng tăng tương ứng vào năm 2010.

Cần có một chính phủ ổn định ở Kabul, Hoa Kỳ đã làm việc cả với những người Afghanistan có ảnh hưởng nhưng đầy tai tiếng tham nhũng và vi phạm nhân quyền. 

Ông Peter Galbraith, cựu Đại sứ Hoa Kỳ, từng là phó đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan, cho biết học thuyết chống nổi dậy của Hoa Kỳ nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “đối tác địa phương”. Điều đó đã khiến Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác hợp pháp hóa các chính phủ kế tiếp của Afghanistan, thực tế là chấp nhận tham nhũng tràn lan ngay cả khi họ thúc đẩy các nỗ lực chống tham nhũng.

Ông nói, chính sách đó được minh họa bằng sự công nhận mà Washington, các quốc gia khác và Liên Hiệp Quốc dành cho các cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan năm 2009, 2014 và 2019 mặc dù biết có gian lận lớn và nhiều chuyện bất thường khác.

Một cựu quan chức chính phủ cấp cao nói với Reuters với điều kiện giấu tên: “Chúng ta không có bộ công cụ để loại bỏ tận gốc nạn dịch tham nhũng tràn lan trong xã hội đó.”

Tham nhũng cũng lây lan mạnh vào quân đội Afghanistan, lực lượng được Hoa Kỳ phân bổ $88 tỷ trong hai thập niên qua. Ví dụ, Hoa Kỳ chưa bao giờ giải quyết được vấn đề “lính ma” (ghost soldiers), tức là những binh sĩ không tồn tại mà chỉ được các sĩ quan chỉ huy kê vào danh sách để nhận tiền lương. Vì vậy, lực lượng an ninh Afghanistan có 300,000 quân trên giấy tờ, nhưng con số thực tế thấp hơn rất nhiều. Một báo cáo năm 2016 của một cơ quan giám sát của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy chỉ riêng ở tỉnh Helmand, có đến 40- 50% lực lượng an ninh là “lính ma”.

Binh lính Taliban tuần tra đường phố Kabul hôm 16 Tháng Tám sau khi binh lính chính phủ cởi bỏ quân phục và Tổng thống Ashraf Ghani đào thoát khỏi đất nước. Ảnh Sayed Khodaiberdi Sadat/Anadolu Agency via Getty Images

Vấn đề Pakistan

Các quan chức hiện tại và cựu quan chức Hoa Kỳ nói rằng Taliban sẽ không thể thắng nếu các chính quyền Hoa Kỳ liên tiếp có hành động để buộc Pakistan chấm dứt sự tồn tại của các khu trú ẩn an toàn và các sự hỗ trợ khác mà chính quyền Pakistan và cơ quan Tình báo ISI của họ dành cho quân nổi dậy Taliban.

Christine Fair, một chuyên gia của Đại học Georgetown về quân đội Pakistan cho biết: “Nếu không có Pakistan, Taliban sẽ đơn giản là một mối phiền toái. Họ sẽ không phải là một lực lượng chiến đấu có năng lực.”

Islamabad liên tục phủ nhận việc ủng hộ Taliban như một phần trong cái mà các chuyên gia gọi là chiến lược nhằm bảo đảm một chính phủ đồng minh ở Afghanistan sẽ không rơi vào vùng ảnh hưởng của Ấn Độ – đối thủ số một của Pakistan.

Công chúng chán ghét chiến tranh

Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào năm 2017 đã cam kết chấm dứt điều mà ông gọi là “những cuộc chiến tranh bất tận và vô lý”.

Một phần, tính toán của ông Trump là người Mỹ không quan tâm nhiều đến Afghanistan để chính phủ phải tiêu hàng tỷ đô la hàng năm và quân lính Mỹ bị chết.

Quan điểm đó dẫn đến một thỏa thuận với Taliban vào Tháng Hai năm 2020 để rút hoàn toàn quân đội Hoa Kỳ nếu lực lượng nổi dậy đáp ứng các điều kiện nhất định. Chính phủ Afghanistan đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán.

Ông John Bolton, cựu Cố vấn An ninh quốc gia, một cựu binh trong các chính quyền của Tổng thống Bush và Trump, nói với Reuters rằng thỏa thuận với Taliban là sai lầm lớn nhất của Trump và lẽ ra Biden nên đánh giá lại nó.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã tiếp tục quyết định rút hết quân Mỹ theo lời khuyên của các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ và không phân loại hồ sơ xin thị thực đặc biệt (SIV) từ những người Afghanistan đang gặp rủi ro vì họ làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, dẫn đến một hoạt động di tản hỗn loạn.

Sau chuyến đi đến Kabul năm 2009, ông Biden đã bắt đầu nghi ngờ về nỗ lực quân sự ở Afghanistan; và tin rằng Hoa Kỳ đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến không thể thắng được.

Một quan chức giấu tên của Hoa Kỳ nói với Reuters rằng cuộc thăm dò nội bộ của tổ chức Ipsos vào Tháng Tư cho thấy đa số dân Mỹ ủng hộ việc rút quân ra khỏi Afghanistan, càng khiến ông Biden đẩy mạnh quyết định của mình. 

Điều chưa rõ là người dân Mỹ sẽ nhìn nhận quyết định của ông Biden như thế nào sau khi truyền hình đưa nhiều hình ảnh trực thăng quân sự di tản nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Kabul và hình ảnh người Afghanistan tràn ra sân bay cố gắng ra đi trong tuyệt vọng.

Ông Biden từng khẳng định Kabul sẽ không lặp lại hình ảnh cuộc di tản khét tiếng của Hoa Kỳ khỏi Sài Gòn năm 1975. “Sẽ không có trường hợp nào cho thấy mọi người bị nhấc ra khỏi mái nhà của đại sứ quán Hoa Kỳ ở Afghanistan,” ông Biden nói vào Tháng Bảy. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.

(theo Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: