Nhóm VietBay ở San Jose trả ân tình cho Sài Gòn giữa đại dịch

Hơn mười năm trước, một nhóm các bạn trẻ người Việt sau khi học xong, không hẹn mà gặp, đã chọn định cư ở Bay Area và phát triển sự nghiệp. Giờ đây, họ thành lập VietBay Group gây quỹ hơn 200 ngàn USD giúp Sài Gòn giữa đại dịch
Nhóm VietBay Group mừng năm mới. (Ảnh: Dương Ngọc Thái)

SAN JOSE, California – VietBay Group, một nhóm người Việt ở vùng Vịnh San Francisco (Bay Area), miền Bắc California, đã quyên góp được hơn $200 ngàn để hỗ trợ cho người dân nghèo ở Sài Gòn trong những ngày thành phố bị “lockdown” vì COVID-19. Nhóm VietBay Group quyên góp bằng hình thức kêu gọi cộng đồng và sử dụng chính sách đối ứng (Charity donation matching program) vốn rất phổ biến ở các công ty lớn ở Mỹ.

Từ những người bạn sống xa quê hương

Hơn mười năm trước, một nhóm các bạn trẻ người Việt sau khi học xong, không hẹn mà gặp, đã chọn định cư ở Bay Area và phát triển sự nghiệp. Từ mục đích ban đầu là chia sẻ, giúp nhau hoà nhập tốt, sống ý nghĩa nơi vùng đất mới, nhóm VietBay đã ra đời với 25 thành viên. Là những thế hệ lớn lên và rời quê hương khi chiến tranh đã kết thúc, họ có sự đồng cảm và tình yêu mãnh liệt của những người nhìn về quê hương với tâm niệm yêu thương và ơn nghĩa. Chính vì vậy, nhóm VietBay ngay từ ban đầu đã thực hiện các đợt gây quỹ nhỏ giúp bà con ở Việt Nam trong những trận lũ lụt, giúp quán cơm Nụ Cười ở Sài Gòn, giúp cơ sở nuôi trẻ mồ côi, trẻ em miền núi. Cùng với các đối tác phi chính phủ trong nước, toàn bộ tiền gây quỹ của VietBay đã đến được đúng người, đúng chỗ.

Vào khoảng cuối Tháng Năm, 2021, Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Nhóm VietBay, một lần nữa, từ các đợt gây quỹ trên Facebook đã nhận được hơn $200,000 từ đồng bào khắp mọi nơi. Anh Bình Lê, cựu học sinh trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong, “đầu tàu” của VietBay Group và là thành viên của Board of Director of VietBay Inc., cho biết thêm:

“Qua theo dõi tin tức từ báo chí cũng như người thân, bạn bè ở Việt Nam, chúng tôi hiểu là bà con nghèo ở Sài gòn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thành phố bị lockdown lần nữa, trong tình huống là công ăn việc làm của họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ đầu dịch năm trước và cuộc sống sẽ chỉ khó hơn chứ không dễ hơn. Vì vậy, nhóm quyết định sẽ kêu gọi gây quỹ giúp bà con một lần nữa. Lời kêu gọi được gửi ra trên Facebook và nhờ bạn bè gần xa đóng góp cũng như giúp lan tỏa để được biết đến nhiều hơn, và được đóng góp nhiều hơn.”

Theo anh Bình, dự án thiện nguyện của VietBay Group ra đời với mục đích duy nhất là giúp được những người nghèo đang gặp khó ở quê nhà, càng nhiều càng tốt. “Chúng tôi chủ trương hoạt động phi chính phủ và làm việc qua các kênh phi chính phủ, board member hoạt động 100% tự nguyện không có lương và expense account. Chúng tôi kêu gọi ai thấy phù hợp chủ trương này thì phụ giúp một tay,” anh Bình nói.

Anh Dương Ngọc Thái, cũng là cựu học sinh Lê Hồng Phong, một trong các Board of Director of VietBay Inc., chia sẻ: “Anh Bình sửa tới sửa lui lời kêu gọi quyên góp sao cho thật chân thành và tường minh mới chịu. Khi đăng lên mạng xã hội, có người nhắm ngay ‘ai viết mà dễ thương quá vậy?’ Người đàn ông trung niên này đã rời Sài Gòn du học mấy chục năm trước, nhưng nhìn cách anh ấy tìm kiếm, kêu gọi, rồi cảm ơn từng người đóng góp mới thấy dù ở đâu, làm gì, anh vẫn là người Việt.”

“Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi kêu gọi dự án hỗ trợ cho đồng hương trong nước. Năm ngoài, khi Việt Nam bị ảnh hưởng (không nặng nề như hiện nay), nhóm có tổ chức một đợt gây quỹ trên Facebook giúp bà con mưu sinh đường phố ở Việt Nam bị ảnh hưởng do lockdown, và đã nhận được hơn $34,000 đóng góp từ mọi nơi, bao gồm cả đối ứng từ các công ty. Nhóm cũng cùng với VietSeeds tổ chức gây quỹ hỗ trợ giáo viên mầm non bị mất việc trong cùng hoàn cảnh. Ngoài ra, nhóm cũng đóng góp ủng hộ quê hương thứ hai bằng cách mua thực phẩm cho frontline workers thông qua Frontline Foods, mua thức ăn cho người nghèo thông qua Second Harvest of Silicon Valley,” anh Bình Lê cho biết.

Lần kêu gọi quyên góp “bao thương Sài Gòn” này (theo cách nói của anh Dương Ngọc Thái), mục tiêu của nhóm chỉ “dám” dừng ở con số $24,000, tương đương 3,000 phần quà, mỗi phần gồm năm cân gạo, một chai dầu ăn, một chai nước mắm và một lốc cá hộp.

Nhưng, tổng số tiền quyên góp đến nay nhóm VietBay nhận được gấp chín lần mục tiêu họ đề ra.

“Tổng số tiền quyên góp cho tới nay là $185,997.64 và khoảng 160 triệu đồng. Con số này gần gấp 9 lần mục tiêu $24,000 chúng tôi đề ra ban đầu. Đặc biệt trong hai, ba ngày vừa qua, nhờ sự chung tay chia sẻ của nhiều người, chúng tôi đã quyên được hơn $50,000 từ 300, 400 nhà hảo tâm,” anh Bình cho biết.

“Thành công bước đầu của chúng tôi một phần nhờ chính sách thuế của Mỹ. Luật Mỹ quy định, tiền đóng góp cho các hoạt động cứu trợ, từ thiện hay phi lợi nhuận đều được miễn trừ thuế. Nhờ đó, nhiều công ty ở đây có chính sách đối ứng. Nhân viên không cần giấy tờ thủ tục gì, chỉ cần gửi yêu cầu là công ty chuyển tiền. Hơn một phần ba số tiền mà chúng tôi đã quyên được đến từ đối ứng của các tập đoàn ở Thung lũng Silicon,” theo chia sẻ của kỹ sư Dương Ngọc Thái.

“Chính sách đối ứng” là một chính sách rất phổ biến và được các công ty lớn ở Mỹ áp dụng nhiều năm nay, nhằm khích lệ nhân viên đóng góp cho các chương trình nhân đạo. Theo đó, cứ một đồng nhân viên đóng góp, công ty sẽ cho thêm một đồng nữa, hoặc có thể nhiều hơn tuỳ theo từng công ty.

“Google tuần trước cũng đã đối ứng cho tôi $5.000,” anh Thái cho biết. Ngoài Google, các “ông lớn” công nghệ như Facebook, Adobe, Twitter, Cisco, Juniper Networks, KLA-Tencor, Applied Materials, NVDA, Apple, Cocacola, Prudential, Medtronic, vv.. cũng từng áp dụng chính sách này. Điều quan trọng, các công ty không bao giờ hỗ trợ cho các dự án hoặc đối tác không hợp lệ.

Do đó, ý tưởng tận dụng lợi điểm “Chính sách đối ứng” đã tạo cho người quyên góp sự tin tưởng, hết lòng ủng hộ chương trình thiện nguyện của VietBay. Chỉ sau vài ngày mời gọi, VietBay nhận được tấm lòng của đồng hương không chỉ Mỹ, Việt Nam, mà còn khắp thế giới như Anh, Úc, Ba Lan, Singapore, Thuỵ Sĩ… Nơi nào có cộng đồng người Việt, nơi đó có trái tim hướng về Việt Nam.

Họ đã “chung tay” như thế nào?

Những ai theo dõi thời sự trong nước, hẳn chưa quên cơn bão thị phi về lòng từ thiện xảy ra không lâu trước đợt bùng nổ dịch COVID-19 vào cuối Tháng Năm. Niềm tin của con người về ba chữ “làm từ thiện” trở nên rụt rè. Tuy nhiên, nhóm VietBay đã vượt qua “cửa ải” ấy nhận được niềm tin tuyệt đối từ đồng hương trên khắp thế giới. Anh Bình cho biết:

“Trong nhóm đã từng có các đợt gây quỹ giúp các chương trình thiện nguyện ở Việt Nam trước đó. Các đợt gây quỹ đó đã làm rất rõ ràng, minh bạch. Chúng tôi được bạn bè cũng như những người đã ủng hộ trước đó tin tưởng khi kêu gọi gây quỹ cho mục đích họ ủng hộ. Họ đã giúp đóng góp và chia sẻ chương trình tới những người khác. Về phía mình, VietBay cố gắng hết sức để cung cấp tất cả các thông tin về số tiền nhận được, chi ra và quá trình đưa đóng góp của mọi người tới tay bà con nghèo một cách đầy đủ và rõ ràng nhất.”

VietBay Group kêu gọi quyên góp qua các kênh Facebook, Zelle, Venmo, PayPal, đóng góp qua Benevity (https://benevity.com/) với đối ứng từ công ty, và trực tiếp vô Quỹ Bông Sen ở Viet Nam. Anh Bình Lê nói về lý do nhóm VietBay chọn Quỹ Bông Sen (tiền thân là Quỹ Từ Thiện Tình Thương trong Sài Gòn) làm đối tác ở Việt Nam:

“Họ hoạt động minh bạch, rõ ràng, giấy tờ sổ sách đầy đủ, được Ernst & Young audit định  kỳ. Tầm hoạt động của Quỹ Bông Sen phủ khắp Việt Nam và đội ngũ tình nguyện viên đông đảo, bảo đảm toàn bộ đóng góp của các nhà hảo tâm sẽ đến tay mọi người chứ không bị khấu trừ chi phí vận hành.”

Cũng theo anh Bình, thành viên của VietBay và những người điều hành, quản lý Quỹ Bông Sen đã cùng làm việc với nhau trong các chương trình từ thiện từ rất lâu nên mọi người tin tưởng nhau và biết cách hợp tác với nhau. Cho đến giữa Tháng Bảy, Quỹ Bông Sen đã đi khảo sát vùng ven Sài Gòn, nơi có nhiều bà con lao động nghèo cư trú nhưng ít được quan tâm giúp đỡ do ở xa và chọn ra ba khu vực cần giúp đỡ nhất: Bà Điểm, Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Trị Đông (Bình Tân.)

Theo luật, số tiền quyên góp của người hảo tâm khi chuyển về Việt Nam sẽ phải mất một thời gian từ sáu đến tám tuần mới được giải ngân. Nhưng, “cứu người như cứu hoả,” người dân không thể chờ đợi giữa đại dịch, VietBay luôn ứng trước để chuyển về Việt Nam. Tiền được chuyển khoản về Việt Nam qua hệ thống ngân hàng với đầy đủ giấy tờ hợp lệ.

“Lệ phí chuyển tiền do VietBay trả chứ không trừ vào tiền đóng góp của mọi người,” anh Bình Lê cho biết.

VietBay Group và chương trình thiện nguyện của Quỹ Bông Sen  – theo một cách hiểu nhân văn khác, đó là nghĩa cử trao trả ân tình của những người con xa quê hương, cùng hướng về một thành phố, một đất nước, một dân tộc, một mảnh đất mà họ đã được sinh ra và lớn lên.

Chưa bao giờ câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” lại cụ thể như lúc này.

***

Thông tin chi tiết và cách thức ủng hộ:

 – Facebook: https://www.facebook.com/donate/4166163110137071/

– Zelle: (669) 290-9498  (Name: VietBay Inc)

– Venmo: @VietBay-Inc  (Name: VietBay Inc)

– PayPal: https://www.paypal.com/donate/…, hoặc gửi trực tiếp đến [email protected] bằng option “Sending to a friend”

– Googlers có thể đóng góp qua Benevity: https://google.benevity.org/campaigns/6340

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: