Ông Trọng đi Trung Quốc và chủ nghĩa dân tộc

BÌNH LUẬN CHỦ NHẬT
Share:
Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội ngày 5 Tháng Mười Một 2015 (ảnh: Xinhua/Li Tao via Getty Images)

Truyền thông trong nước đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã lên đường đi thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng bí thư đảng CSTQ Tập Cận Bình. Chuyến thăm của ông Trọng kéo dài từ ngày 30 tháng Mười đến 1 tháng Mười Một. 

Tháp tùng ông Trọng có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và và Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương.

Ông Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh, một tuần sau khi đảng CSTQ kết thúc đại hội toàn quốc lần thứ 20, ở đó ông Tập Cận Bình được bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, triệt hạ các phe phái chống đối và thiết lập một bộ sậu lãnh đạo tối cao gồm những người thân tín với với ông.

Có nhà bình luận cho rằng, ông Trọng sang thăm ông Tập sớm như vậy là nhằm học tập chiêu thức của ông Tập trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo đảng Cộng sản, loại bỏ phe phái. Việc bà Mai tháp tùng ông Trọng có thể nhằm mục đích đó.

Nhưng xa hơn có thể ông Trọng muốn học tập đường lối trị quốc của ông Tập, cụ thể là mô phỏng mô hình “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” để vận dụng ở Việt Nam. Ông Tập cũng đang đẩy mạnh việc “xuất cảng” mô hình Trung Quốc ra các nước đang phát triển, coi đó là một sự lựa chọn để đi tới hiện đại hóa, thay thế cho mô hình dân chủ tự do của phương Tây mà quân sư của ông, ông Vương Hỗ Ninh, đánh giá là chứa nhiều mâu thuẫn, rối loạn chức năng và đang suy tàn. Ông Thưởng, trùm tuyên giáo của đảng CSVN, đi cùng ông Trọng có thể để dàn xếp chuyện này. 

Việt Nam có thể là “thị trường thích hợp”, không chỉ cho hàng hóa giá rẻ phẩm chất kém mà cả cho mô hình chính trị kiểu Trung Quốc. Thực tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm chung về ý thức hệ, thể chế chính trị và cả thể chế kinh tế. Cả hai nước đều do đảng Cộng sản cai trị độc tôn, đều theo kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” – đề cao vai trò kiểm soát của nhà nước. Việt Nam gần như bản sao thu nhỏ của Trung Quốc; hễ Bắc Kinh làm gì thì Hà Nội cũng sẽ làm theo như vậy sau một thời gian và với quy mô nhỏ hơn. Ví dụ, ngay sau khi lên cầm quyền tối cao năm 2012 ông Tập Cận Bình phát động “đả hổ, diệt ruồi” để bài trừ tham nhũng thì năm sau 2013, ông Trọng cho lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và bắt đầu “đốt lò”. 

Tuy “photocopy” Trung Quốc nhưng Việt Nam không thành công như nước đàn anh và có thể chẳng bao giờ được như vậy. Bởi vì, bên cạnh những điểm tương đồng, giữa hai nước vẫn có một số khác biệt. Có rất nhiều nguyên nhân, cả xa lẫn gần, giải thích cho sự lệch pha này mà nếu nghiên cứu thấu đáo hẳn phải mất rất nhiều thời gian và sức lực. 

Chỉ xét riêng về chủ nghĩa dân tộc – động lực tinh thần của cả người Trung Hoa lẫn người Việt Nam – đã có những điểm khác nhau đáng chú ý. 

Ở Trung Quốc, sau khi chủ nghĩa cộng sản, với tư cách là hệ tư tưởng chủ đạo, bị thay bằng lý thuyết thực dụng “mèo trắng mèo đen” của Đặng Tiểu Bình, và chỉ còn là một mô hình nhà nước chuyên chính kiểu Lenin, đảng CSTQ đã “lấp chỗ trống” tinh thần của người dân bằng chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Các nhà tuyên giáo của đảng CSTQ ra sức khơi dậy nỗi đau tập thể “một thế kỷ nhục nhã” của dân tộc Trung Hoa để kích thích người dân đoàn kết chung quanh đảng CSTQ. Người Trung Quốc thường xuyên được nhắc nhở về nỗi nhục của cha ông, về dã tâm của đế quốc phương Tây và Nhật Bản lạm dụng sự yếu kém của Trung Quốc thời nhà Thanh để xâu xé đất nước họ. Từ đó họ đi theo đảng CSTQ để đưa đất nước tiến lên đuổi kịp và vượt qua Hoa Kỳ, Nhật Bản, làm cuộc “trẻ hóa vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” như lời ông Tập Cận Bình.

Theo dõi đại hội 20 của đảng CSTQ mới đây, dễ dàng nhận thấy đề tài xuyên suốt trong chỉ đạo của ông Tập là thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” – khôi phục vị thế của Trung Quốc như là quốc gia trung tâm trên vũ đài chính trị thế giới. Đại ký sự (narrative) đó của đảng CSTQ có sức thuyết phục 1.4 tỷ dân của nước này, và cả Hoa Kiều ở nước ngoài, làm thành một sức mạnh lớn của đảng CSTQ. Nếu con người sống cần có lý tưởng thì lý tưởng của người Trung Quốc bây giờ là thực hiện giấc mơ của ông Tập.

Người Việt Nam cũng có máu dân tộc chủ nghĩa không kém. Trong quá khứ, đảng CSVN đã dựa chủ yếu vào lòng yêu nước của người dân để thực hiện các cuộc chiến tranh và “cách mạng” tốn nhiều xương máu. Hàng triệu thanh niên Việt Nam ngã xuống ở khắp các chiến trường được thôi thúc bởi khát vọng độc lập dân tộc chứ không phải vì sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản. 

Nhưng khi đảng CSVN phải mở cửa cho kinh tế thị trường họ không có một lý thuyết nào để lấp chỗ trống tinh thần, không tạo ra được một đại ký sự có sức thuyết phục để tập hợp người dân, không đề ra được một lý tưởng để phấn đấu. Đảng CSVN chỉ đưa ra những câu khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng, nghe rất kêu nhưng hoàn toàn rỗng tuếch và mâu thuẫn với thực tế. Lý tưởng “dân giàu nước mạnh” ư? Xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” ư? Họa may chỉ những kẻ thiểu năng trí tuệ mới tin vào các khẩu hiệu đó. Đảng cố gắng đánh bóng thành tích quá khứ, đánh thắng cuộc “chiến tranh chống Mỹ cứu nước” bằng những lễ lạc rình rang mỗi dịp 30 tháng Tư, nhưng giọng điệu tuyên truyền của đảng càng ngày nghe càng chối, càng phản tác dụng. Có tới 84% người Việt có thiện cảm và tin tưởng ở nước Mỹ, cao nhất khu vực, theo kết quả khảo sát ý kiến đầu năm nay của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.

Tại sao đảng CSVN không khai thác chủ nghĩa dân tộc như đàn anh Trung Quốc? Nếu người Hoa có tư tưởng Đại Hán thì người Việt cũng có thể có tư tưởng Đại Việt? 

Cái khó là ở chỗ, nếu tinh thần dân tộc của người Hoa nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản và phương Tây tư bản thì chủ nghĩa dân tộc của người Việt lại nhắm vào Trung Quốc – kẻ thù truyền kiếp suốt hai ngàn năm và hiện đang tiếp tục xâm lấn bờ cõi đất nước. Nước Việt từng bị đô hộ bởi thực dân Pháp, phát-xít Nhật, từng bị Mỹ ném bom rải thảm trong cuộc nội chiến hai mươi năm nhưng bây giờ đa số người Việt không thù ghét Pháp, Nhật, Mỹ bằng Trung Quốc.

Đảng không thể khai thác chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc làm nền tảng tinh thần; thậm chí đảng CSVN vì tình đoàn kết với đảng CSTQ mà không ngần ngại đàn áp thẳng tay những người Việt Nam yêu nước phản đối Trung Quốc.

Không có lợi thế chủ nghĩa dân tộc, đảng CSVN mất tính chính danh cai trị và không thể đưa ra được một đại ký sự (narrative) thuyết phục. Đảng CSVN chỉ còn trông mong vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống vật chất của người dân để biện minh cho sự cai trị. Nếu có một thứ lý tưởng ở người Việt bây giờ thì có lẽ đó là lý tưởng làm giàu cho bản thân, gia đình, dòng họ, bất chấp thủ đoạn. Đạo đức xã hội suy đồi cũng vì thứ lý tưởng giả hiệu này.

Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi. Việt Nam không nhất thiết phải xây dựng một thứ chủ nghĩa Đại Hán như Trung Quốc, nhưng thiếu một nền tảng tinh thần để cố kết xã hội thì khó mà phát triển bền vững và ổn định. Đảng CSVN là bản sao thu nhỏ của đảng CSTQ nhưng ông Trọng, ông Thưởng còn lâu mới có được một chút năng lực tư duy của Vương Hỗ Ninh, Tập Cận Bình; bây giờ dẫn bầu đoàn sang Bắc Kinh học tập thì e đã muộn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: