“Sắp vào vùng thời tiết xấu, xin cài dây an toàn”!

Bình luận cuối tuần
Share:
Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đang vận chuyển gạo xuống tàu dù đầu năm thiếu đơn hàng – Ảnh: BỬU ĐẤU/ Tuổi Trẻ

Những ngày Tết Quý Mão rồi cũng đi qua. Hoa đã tàn, rượu đã cạn; những đòn bánh tét bánh chưng rồi cũng hết. Mọi người lại bước vào một năm cày bừa mới. Ai cũng hy vọng năm mới hanh thông, vạn sự như ý như những lời chúc nhau trong ngày Tết.

Nhưng với những người theo dõi tình hình thời sự chính trị kinh tế, niềm hy vọng đó quá mong manh! Những tín hiệu đầu năm cho thấy năm mới Con Mèo có thể là một năm hết sức khó khăn cho người dân trong nước. Như chuyến bay sắp vào vùng thời tiết xấu, “xin thắt dây an toàn”! 

Sức mua cạn kiệt

Tết là khoảng thời gian được các kinh tế gia coi là “thời kỳ kích cầu” – lúc người dân sẵn sàng dốc hầu bao mua sắm để đón một mùa xuân mới. Trước tết nhiều tháng, giới nông gia, tiểu thương và cả các chuỗi siêu thị đã chuẩn bị hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng năm nay, tình hình chung được ghi nhận là “ế ẩm”, “ảm đạm”: Không chỉ các chợ hoa nhiều người bán ít người mua mà cả những siêu thị tráng lệ ở đô thị cũng vắng vẻ.

Tình trạng ế ẩm của các chợ hoa tết được khá nhiều YouTuber tường thuật trên các kênh của họ vào những ngày cận tết. Hiện tượng hoa tết ế ẩm tới mức người trồng hoa cam tâm đập chậu, bẻ hoa thay vì tốn thêm tiền thuê xe chở hoa trở lại vườn năm nào cũng diễn ra vào chiều 30 Tết, nhưng năm nay hiện tượng đó có ở khắp nơi. Trang Zingnews chạy hẳn một phóng sự nhiều hình ảnh: “Mười mấy năm bán hoa Tết chưa năm nào ế như năm nay”

Báo VNExpress có nhiều bài tường thuật cảnh mua sắm tết nhộn nhịp ở Hà Nội nhưng đìu hiu ở Sài Gòn; một phần do người dân tạm cư ở Sài Gòn đã trở về quê đón tết với gia đình, một phần dường như người Sài Gòn đã nghèo đi sau mấy năm dịch giã, không còn nhiều tiền để mua sắm. Những ngày sau tết tình hình buôn bán cũng không khá hơn dù công nhân và người lao động đã lục tục quay lại Sài Gòn và đi làm trở lại.

Báo cáo từ các cơ quan chức của chính quyền cho thấy, từ cuối Quý 3 – tức ba tháng cuối năm 2022, có hơn nửa triệu người lao động trong khu vực chính thức đã mất việc, hoãn việc, giãn việc khi nền kinh tế bắt đầu xấu đi. Các báo cáo này không đề cập tới tình cảnh của người lao động khu vực phi chính thức, lao động tự do, mà cảnh mất việc chắc chắn còn trầm trọng hơn người làm ở các nhà máy và công sở. Mất việc, mất thu nhập  

Số liệu thống kê chính thức do nhà nước Việt Nam công bố ngày 29 tháng Giêng 2023 nói rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01-2023 tăng 0.52% so với tháng trước, tăng 4.89% so với tháng Giêng năm trước và nhận định nhu cầu mua sắm tết Nguyên đán khiến chỉ số CPI tăng! Báo chí truyền thông cũng phụ họa bằng những bài tường thuật nạn kẹt xe, quá tải ở các cửa ngõ ra vào thành phố, các phi trường, coi đó là dấu hiệu của kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Phải hết sức để ý mới thấy thống kê ghi nhận rằng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 (tháng Tết) chỉ bằng 88.1% quy mô của chỉ tiêu này trong thời kỳ trước đại dịch. Điều đó có nghĩa là sức mua của người dân đang kiệt quệ đi. Hàng hóa nhiều nhưng sức mua kém nên lạm phát không tăng mạnh và nhà cầm quyền coi đó như một thành tích điều hành kinh tế.

Thị trường xuất cảng bị thu hẹp

Với khối lượng thương mại lên tới 150% tổng sản lượng quốc gia GDP, Việt Nam là nền kinh tế có mức độ giao thương hàng hóa lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Thương mại (xuất cảng, nhập cảng) của Việt Nam khá sôi động trong nửa đầu năm 2022 nhờ thị trường phương Tây hồi phục mạnh sau hai năm đóng cửa vì đại dịch, nhưng sang cuối năm đã bắt đầu chững lại và đi xuống. 

Thống kê của nhà nước nói, trong tháng 1-2023, tổng kim ngạch xuất, nhập cảng hàng hóa đạt $46.56 tỷ, giảm hơn 17% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này xuất cảng đạt $25.08 tỷ, giảm 21%; nhập khẩu giảm gần 29%. 

Nguồn: VnEconomy.

Phương thức vận hành chính của kinh tế Việt Nam là các nhà máy có vốn nước ngoài (FDI) nhập cảng nguyên vật liệu, thiết bị từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, sử dụng nguồn năng lượng và lao động giá rẻ của Việt Nam để sản xuất thành hàng hóa, xuất cảng sang các thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ và châu Âu. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất cảng một ít nguyên liệu thô, gạo, nông sản và thủy hải sản có giá trị thấp. Trong cách làm ăn này, tiền lời rơi vào tài khoản của các nhà tư bản, phần tiền công trả cho người lao động chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng khi việc tiêu thụ bị chậm lại hoặc sút giảm thì người lao động “lãnh đủ”, sẽ bị mất việc hoặc giảm giờ làm.

Thống kê cho thấy, tất cả các mặt hàng xuất cảng có giá trị trên $1 tỷ mỗi tháng, chủ yếu là hàng công nghiệp như điện thoại – điện tử và máy móc, dệt may, đồ gỗ và xe hơi, đều giảm mạnh trong tháng 01/2023, đặc biệt hàng dệt may và đồ gỗ giảm tới 30%. Sự suy giảm này liên quan với tình trạng sa thải hàng loạt đến nửa triệu công nhân trong những tháng cuối năm 2023.

Hoa Kỳ là khách hàng mua nhiều hàng hóa xuất cảng của Việt Nam nhất và thặng dư trong buôn bán với Mỹ – lên tới $95 tỷ năm 2022 – giúp Việt Nam bù lại khoản thâm hụt với Trung Quốc. Tuy kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh, GDP quý 4/2022 tăng 2.9% so với quý trước, trong đó chỉ số tiêu thụ của người dân tăng 2.1% nhưng xuất cảng hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã không tăng tương ứng mà ngược lại còn giảm mạnh. Xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ trong tháng 01/2023 chỉ đạt $7.6 tỷ, giảm 24.5%. Mức sụt giảm xuất cảng vào thị trường châu Âu của Việt Nam còn thê thảm hơn, giảm tới 32.7%, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Tình hình những ngày tới chưa có vẻ sáng sủa. Sau Tết Quý Mão, nhiều “doanh nghiệp khai xuân rồi ngóng vì… thiếu đơn hàng”, theo nhan đề một phóng sự của báo Tuổi Trẻ hôm 29 tháng Giêng 2023.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều gấp ba doanh nghiệp mới lập

Sức mua kém và thị trường bị thu hẹp làm cho giới kinh doanh đứng ngồi không yên. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận trong tháng 01/2023, cả nước có 10,800 doanh nghiệp được thành lập, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước; nhưng có đến 34,994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn gấp ba lần so với tổng số doanh nghiệp được thành lập trong tháng.

Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng không sáng sủa. Việt Nam được cho là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc, nhờ môi trường chính trị ổn định, giá nhân công rẻ và luật lệ về môi trường lỏng lẻo. Đã có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng Việt Nam sắp thay Trung Quốc đóng vai trò công xưởng mới của thế giới, cung cấp các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ. Nhưng thực tế cho thấy hãy còn quá sớm để lạc quan như vậy.

Trong tháng 01/2023, Việt Nam chỉ mời gọi được $1.69 tỷ vốn FDI, bao gồm vốn mới cam kết, vốn điều chỉnh tăng lên và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 19.8% so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc tranh giành quyền lực cấp cao ở cung đình Hà Nội, trong đó ông chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng bị mất chức trong thời gian ngắn đã làm các nhà đầu tư lo ngại về một sự mất ổn định chính trị ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng tới các chính sách về kinh tế – tài chính. Nỗi lo ngại đó khiến nhiều công ty phải tính lại kế hoạch, thay vì chuyển tới Việt Nam họ có thể chọn Indonesia hay Ấn Độ – những quốc gia có thị trường rộng lớn hơn, ổn định hơn.

Chiến dịch “đốt lò” sôi động trong những ngày cuối năm cũng làm cho guồng máy chính quyền các cấp bị tê liệt, cán bộ công chức lo sợ không biết lửa lò bao giờ bén tới chiếc ghế của mình và có tâm lý ngồi im chờ xem thế cuộc xoay vần thay vì nỗ lực làm việc theo chức trách.

***

Những thực tế trên cho phép dự đoán kinh tế Việt Nam năm Con Mèo sẽ rất khó; tác động tới đời sống, việc làm và thu nhập của mọi người. Trừ một số ít gia đình thuộc thành phần quan chức, cán bộ hưu trí, chủ công ty v.v… có cuộc sống ổn định, phần lớn người dân ở các tầng lớp lao động tay chân và trí óc đều phải đối mặt với những thách thức khó lường. Như hành khách một chuyến bay sắp vào vùng bão táp, cần cài chặt dây an toàn; mọi người nên tính tới chuyện thắt lưng buộc bụng để sống sót qua thời gian khó.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: