Tô Lâm đi Mỹ và ‘cơ hội bị bỏ lỡ’

Ông Tô Lâm tại buổi lễ kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện ở New York vào ngày 22 Tháng Chín. (Hình: TTXVN)

Ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, vừa lên máy bay sang Hoa Kỳ nhưng chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông trong cương vị nguyên thủ quốc gia có vẻ không thuận lợi như kỳ vọng do chính sách “ngoại giao cây tre” nghiêng nghiêng ngả ngả của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Một nhà phân tích đánh giá thêm một “cơ hội bị bỏ lỡ.”

Ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước đầu Tháng Năm, làm tổng bí thư đảng CSVN vào đầu Tháng Tám, và dự kiến sẽ là nguyên thủ quốc gia Việt Nam kiêm tổng bí thư đảng CSVN đầu tiên hội đàm với tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu Dục. Ông Nguyễn Phú Trọng, người tiền nhiệm của ông, từng có “cuộc gặp lịch sử” với Tổng Thống Barack Obama trong Tòa Bạch Ốc năm 2015 nhưng khi ấy ông Trọng chưa phải là chủ tịch nước Việt Nam.

Lỡ cơ hội

Đến lúc này có thể biết chắc ông Tô Lâm không có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và không được Tổng Thống Joe Biden đón tiếp ở Tòa Bạch Ốc dù hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ có thể sẽ gặp nhau bên lề hội nghị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) khoá 79 tại New York. Sau đó phái đoàn ông Tô Lâm có chương trình làm việc với một số đại diện doanh giới Mỹ trước khi lên đường đi Cuba.

Ông Tô Lâm đến Mỹ đúng vào dịp kỷ niệm một năm ngày Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên mức cao nhất – đối tác chiến lược toàn diện. Giáo Sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam ở đại học University of New South Wales của Úc, cho rằng hiện nay là “cơ hội quá tốt” mà chính quyền Biden không thể bỏ qua. Một cuộc gặp chính thức Biden-Tô Lâm sẽ củng cố các cam kết mà ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra Tháng Chín năm ngoái, theo Giáo Sư Thayer. Nhưng đáng tiếc là cả phái đoàn Việt Nam lẫn nước chủ nhà đã không có chương trình hoạt động nào quảng bá cho dịp kỷ niệm này.

Trong năm qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ cũng đã không tiến triển nhiều có phần do Việt Nam lún sâu vào cuộc tranh giành quyền lực dai dẳng ở thượng tầng chính trị mà hậu quả là cả chủ tịch nhà nước và chủ tịch Quốc Hội đều bị mất chức, còn tổng bí thư đảng đột ngột qua đời và cuối cùng quyền lực rơi vào tay ông Tô Lâm, cựu bộ trưởng Công An.

Theo Giáo Sư Alexander Vuving từ Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), qua hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên này, ông Tô Lâm phải “xây dựng quyền lực mềm” ở trong nước và thể hiện “hình ảnh một nhà lãnh đạo có năng lực” ở nước ngoài. Một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới thủ đô Washington của ông Tô Lâm sẽ chứng tỏ Việt Nam có khả năng cân bằng các mối quan hệ quốc tế với các cường quốc sau khi ông Tô Lâm đã đi thăm Trung Quốc tháng trước và tiếp đón trọng thị ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, tại Hà Nội hồi Tháng Sáu.

“Chuyến thăm [Hoa Kỳ] cung cấp một cơ hội độc đáo để gây ấn tượng lâu dài… về cách ông [Tô Lâm] giao thiệp với các siêu cường và chèo chống qua vùng nước xoáy của quan hệ quốc tế; nói ngắn gọn là thể hiện trình độ ngoại giao của nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam,” ông Vuving nói với báo The South China Morning Post (SCMP).

Trong bối cảnh như vậy, Giáo Sư Zachary Abuza, chuyên gia hàng đầu về chính trị Việt Nam tại National War College ở thủ đô Washington, nhận định: “Hai nhà lãnh đạo không nhất thiết phải gặp nhau nhưng với Hà Nội, không có một cuộc gặp như vậy là một cơ hội bị bỏ lỡ,” ông với SCMP.

Việt Nam đã cố gắng…

Giải thích nguyên nhân đằng sau việc ông Tô Lâm không viếng thăm chính thức Hoa Kỳ và gặp Tổng Thống Joe Biden như đã định, một nguồn tin ẩn danh trong nước nói rằng Hà Nội không muốn dính dáng vào chính trị Mỹ trong lúc Hoa Kỳ đang trong mùa tranh cử “nóng bỏng” này, và ngụ ý Việt Nam muốn chờ kết quả bầu cử để biết ai sẽ là người mà Hà Nội cần giao thiệp.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng Hà Nội đã đặt cược nhiều vào chuyến thăm Mỹ của ông Tô Lâm. Là người đầu tiên chính thức ngồi vào hai chiếc ghế lãnh đạo đảng và nhà nước cùng một lúc, ông Tô Lâm muốn mở ra một “kỷ nguyên mới,” “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” xa rời di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.

Để thay đổi như vậy, Việt Nam phải quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và Tây phương. Đảng CSVN vẫn phải dựa vào Trung Quốc để bảo vệ chế độ, nhưng cũng muốn tận dụng Tây phương cho việc phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Một mặt, Việt Nam cần các thị trường Mỹ, Liên Âu và Nhật tiếp tục mở rộng cửa cho hàng hóa xuất cảng của mình, mang lại cho Hà Nội nguồn ngoại tệ “xuất siêu” vô cùng quý giá. Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, trong tám tháng đầu năm nay, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ, EU và Nhật đã vượt mức $100 tỷ, trong đó xuất siêu sang Mỹ là $68.1 tỷ và EU $23.6 tỷ. Trong thời gian đó Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc $54.4 tỷ, tăng 69.6%; nhập siêu từ Nam Hàn $20 tỷ, tăng hơn 12% và nhập siêu từ ASEAN $5.8 tỷ, tăng 14.8%.

Thứ đến, Việt Nam rất cần vốn liếng và công nghệ của Tây phương để phát triển công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân. Dù rất bận rộn ở New York nhưng phái đoàn ông Tô Lâm vẫn thu xếp gặp gỡ đại diện các tập đoàn công nghệ lớn như Alphabet (Google), Meta (Facebook) và tham dự diễn đàn doanh nghiệp Mỹ-ASEAN để trấn an giới đầu tư về mục tiêu lâu dài của Việt Nam là trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại có thu nhập cao vào năm 2045, theo Giáo Sư Thayer.

Về an ninh quốc phòng, trước khi ông Tô Lâm đến Mỹ, Việt Nam đã cử ông Phan Văn Giang, bộ trưởng Quốc Phòng, đến Washington, hội đàm với người tương nhiệm là ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, về hợp tác an ninh giữa hai nước. Cuộc đàm phán Giang-Austin tuy chưa đi tới quyết định Việt Nam sẽ mua vũ khí Mỹ như đồn đoán nhưng đã có dấu hiệu Mỹ bật đèn xanh cho các nhà thầu quốc phòng hợp tác với các đối tác Việt Nam để “phục hồi công nghiệp quốc phòng” của quốc gia Đông Nam Á này. Tướng Giang có mặt trong phái đoàn tháp tùng ông Tô Lâm, trở lại Mỹ lần thứ hai trong vòng một tháng, có thể để tiếp nối những câu chuyện còn dang dở…

Và dường như để tỏ thiện chí với thế giới bên ngoài, nhà cầm quyền Việt Nam đã bất ngờ trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức – tù nhân lương tâm, một doanh nhân công nghệ nổi tiếng nhất Việt Nam – sớm hơn tám tháng so với bản án 16 năm tù giam mà họ đã áp đặt cho ông một cách bất công và phi lý.

Rõ ràng, ngành ngoại giao Việt Nam đã cố gắng để ông Tô Lâm có một chuyến viếng thăm chính thức đến Tòa Bạch Ốc nhưng cuối cùng nỗ lực đó đã không thành và một cơ hội quý giá đã bị lỡ.

… nhưng phía Mỹ chưa sẵn sàng?

Không thể trách ông Tô Lâm và bộ máy giúp việc của ông. Tổng Thống Joe Biden được biết đã từ chối tiếp đón chính thức phái đoàn của nhà lãnh đạo Việt Nam một phần vì ông quá bận rộn với hội nghị thường niên của UNGA tại New York và hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia khối Bộ Tứ QUAD tại Delaware quê nhà ông; phần khác vì những yêu cầu mà phía Hoa Kỳ đưa ra trong suốt một năm qua đã không được Hà Nội đáp ứng.

Dù Hoa Kỳ đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam từ thời Tổng Thống Barack Obama nhưng cho đến nay chưa có một hợp đồng mua bán vũ khí nào được tiến triển. Hà Nội một mặt than phiền vũ khí Mỹ giá quá đắt, không tương thích với vũ khí Liên Xô mà Việt Nam đang sử dụng; mặt khác các quan chức phụ trách mua sắm của quân đội Việt Nam thường đòi một khoản tiền “lại quả,” có tài liệu nói là đến 25% giá trị đơn hàng, trái với luật lệ và quy định của Hoa Kỳ. Nguyên nhân bao trùm là Việt Nam vẫn sợ Trung Quốc trả đũa nếu Hà Nội mua vũ khí của Mỹ, hiển nhiên là để phòng thủ trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc. Hà Nội lo sợ đến mức chuyến đi vừa qua của Bộ Trưởng Giang được biết có bàn việc mua phi cơ vận tải quân sự C-130 của Mỹ mà không đề cập tới các loại vũ khí quan trọng khác như xe tăng, phi pháo và chiến đấu cơ F-16 như đồn đoán của giới quan sát.

Lập trường nghiêng về Trung Quốc của đảng CSVN làm cho các chính trị gia ở Washington không thể tin vào thiện chí hợp tác của Hà Nội dù hai nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Ngay trước lúc lên phi cơ sang Mỹ, ông Tô Lâm đã cam kết với ông Hà Vĩ, tân đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, rằng “Đảng, nhà nước, nhân dân Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam,” theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Trong cuộc đối đầu chính trị giữa dân chủ và độc tài hiện nay, Hà Nội càng ngày càng thể hiện rõ là họ chỉ lợi dụng Mỹ và Tây phương để trục lợi về thương mại và đầu tư, không chia sẻ hệ giá trị và tầm nhìn chung về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nói cách khác, ngày nào “cây tre” Việt Nam còn ngả về phía Trung Quốc thì khó mà tạo dựng được lòng tin chiến lược ở Washington.

Cuộc tranh giành quyền lực gay gắt trên thượng tầng chính trị Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi ông Tô Lâm tỏ dấu hiệu hòa hoãn thì phe giáo điều và cứng rắn trong đảng CSVN và trong quân đội vẫn chưa tâm phục khẩu phục, đôi khi lộ rõ bàn tay giật dây của Bắc Kinh ở phía sau, mà chiến dịch “đấu tố” Đại Học Fulbright Việt Nam là – cơ sở đào tạo bậc cao hợp tác giữa hai chính phủ Việt-Mỹ – là một ví dụ.

Trong một hoàn cảnh phức tạp như hiện nay, ông Tô Lâm cần thực hiện một cách hiệu quả quyết tâm “đổi mới,” “cải cách” mà ông đã nhiều lần tuyên bố thì mới có cơ may đưa quan hệ song phương Việt-Mỹ đi vào thực chất vì lợi ích của cả hai nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: