Trung Cộng liên tục răn đe, buộc CSVN phải thần phục tuyệt đối

Ông Lương Cường tiếp Thượng Tướng Trương Hựu Hiệp, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc. (Hình: báo Nhân dân)

Chuyến đi Mỹ và Pháp mới đây của Tô Lâm có lẽ đã khiến Trung Cộng “quan ngại,” nên suốt một tháng qua “người bạn vàng cùng chung vận mệnh” liên tục có nhiều động thái “thử lòng” CSVN.

Quan chức CSVN thi nhau nịnh nọt phương Tây

Trong chuyến đi Mỹ, Tô Lâm đã tìm mọi cách nịnh nọt chính quyền ông Biden, thậm chí là đã sửa lại lịch sử. Ví dụ trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Asia Society, New York, ngày 23 Tháng Chín, Tô Lâm đọc: “Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mời tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và chứng kiến Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Hôm đó, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu ‘Hoan nghênh phái đoàn Mỹ.’”

Hai tuần trước đó, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng đi Mỹ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Ngũ Giác Đài để bàn về việc hợp tác quân sự giữa hai bên. Có thông tin Việt Nam muốn mua máy bay vận tải C-130 để vận chuyển quân đội và vật tư tới các đảo ở Trường Sa. Mục tiêu là gia cố cơ sở hạ tầng và binh lực tại khu vực này, cân bằng quân sự với phía Trung Cộng.

Những rục rịch này của hai đại tướng Việt Cộng chắc chắn đã khiến triều đình Trung Cộng phẫn nộ. Bởi vậy ngay trước lúc Tô Lâm chuẩn bị bay qua Pháp thì Trung Cộng đã răn đe bằng cách cho tấn công tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi tại quần đảo Hoàng Sa, ngày 29 tháng 9. Báo chí Việt Nam mô tả là 10 ngư dân bị trấn áp đánh đập dã man, xối xả, kinh hoàng, phá hoại toàn bộ ngư cụ.

Bộ ngoại giao Việt Nam đã phản ứng một cách mạnh mẽ với từ ngữ “giao thiệp nghiêm khắc” để phản đối cách hành xử thô bạo của Trung Quốc. Đây là một động thái bất thường, vì trước nay CSVN hiếm khi dám kêu thẳng tên Trung Quốc, mà chỉ dùng từ “tàu lạ” trong những vụ ngư dân Việt Nam bị tấn công, hoặc nặng nhất thì cũng chỉ là “tỏ ra quan ngại”…

Bị Trung Cộng mạnh tay dằn mặt thẳng tay như vậy nhưng Tô Lâm vẫn ráng gồng mình đi nịnh phương Tây. Vừa đáp xuống Paris, Tô Lâm ca ngợi tiếng Pháp là ngôn ngữ tuyệt vời: “Tiếng Pháp cần phải trở thành ngôn ngữ của kinh doanh, sáng tạo, tri thức, đổi mới và khởi nghiệp. Đó chính là điều bảo đảm cho sự sống động và tính gắn kết của ngôn ngữ tuyệt vời này. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ cũng như đóng góp vào các nỗ lực chung của Pháp ngữ vì hòa bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ.”

Gặp tổng thống Pháp thì Tô Lâm lại tiếp tục chúc mừng, khen Pháp đã tổ chức thành công Olympic, Paralympic… Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng. Tô Lâm cũng nhắc tới vấn đề biển Đông với tổng thống Macron và muốn được Pháp ủng hộ xử lý tranh chấp trên biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Cũng dễ hiểu cho nước đi này của Tô Lâm, vì Việt Nam đang ngập trong nợ công, nền kinh tế lao đao sau dịch cúm Tàu, và bị ảnh hưởng bởi chiến tranh tại Ukraine và Trung Đông. Đã vậy, bong bóng bất động sản đang có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Việt Nam thấy rõ rằng nếu cứ dựa vào Trung Quốc thì chắc chắn sẽ đói, khi nền kinh tế Trung Cộng cũng đang gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản tại Trung Quốc hiện không khác gì Việt Nam, thậm chí còn tệ hơn. Cho nên việc nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với các nước phương Tây là bắt buộc với CSVN.

Phan Văn Giang gặp Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (Hình: mod.gov.vn)

Quan lớn Trung Cộng vi hành

Trung Quốc có lý do để lo ngại động thái này của Việt Nam vì cả hai nhà nước cộng sản này đã xác định với nhau mối quan hệ “cộng đồng cùng chung vận mệnh” mật thiết. Trung Cộng coi Mỹ là đối thủ hàng đầu trên mọi phương diện. Còn CSVN thì từ trước tới nay vẫn coi Mỹ là kẻ thù số một lịch sử. Bây giờ bỗng dưng đại tướng Phan Văn Giang lại muốn hợp tác quốc phòng với Mỹ; còn đại tướng Tô Lâm lại hết lời ca ngợi Pháp và Mỹ thì quá tráo trở, bất trung bất nghĩa với người anh lớn Trung Cộng.

Thêm nữa, Trung Cộng và Việt Cộng vốn có mối quan hệ chủ-tớ. Vì ông Hồ Chí Minh từng có thời gian phục vụ cho quân đội Trung Cộng, với bí danh Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá phụ trách vệ sinh tại văn phòng Bát Lộ Quân. Cha già của CSVN phải đi làm lính, dọn vệ sinh cho Trung Cộng, mà giờ con cháu ông Hồ lại muốn bắt tay với kẻ thù của Trung Cộng, thì có khác nào chó cắn chủ.

Ngay sau khi Tô Lâm đi Pháp về (07 Tháng Mười), thì ngày 12 Tháng Mười, Lý Cường, thủ tướng Trung Cộng phải bay sang Việt Nam gấp để nói chuyện phải-quấy. Đây là lần đầu tiên ông Lý Cường sang Việt Nam kể từ lúc nhận chức (Tháng Ba 2023), cũng là lần đầu tiên sau 11 năm mới có một thủ tướng Trung Quốc tới thăm chính thức Việt Nam.

Nhấn mạnh điểm này để thấy rõ ràng rằng Trung Cộng tỏ ra lo lắng trước các động thái và phát ngôn của Việt Cộng. 11 năm nay không có thủ tướng Trung Quốc nào qua, đó là một sự coi thường, khinh bỉ của thiên triều với các thái thú Việt Cộng. Trước đây chỉ cần Việt Nam rục rịch, Trung cộng cho hải quân tấn công tàu cá là Việt cộng sợ hãi. Bây giờ Việt cộng tỏ ra “nghiêm khắc” thì phải gấp rút bay qua để thăm dò. Điều này chứng minh Trung Cộng cũng đang suy yếu và cần sự trung thành của người em cùng chung vận mệnh.

Nói vậy không phải là tâng bốc Tô Lâm và Việt Cộng, vì CSVN vẫn phải tiếp Trung Cộng ở tâm thế kẻ bề dưới tiếp quan bề trên. Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trần Thanh Mẫn tiếp Lý Cường mà không dám nhắc gì tới vụ tàu cá Việt Nam bị tấn công. Đã vậy Tô Lâm còn tiếp tục xài câu nói quen thuộc của Việt Cộng xưa nay là “nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.” Tức là lâu lâu anh đánh em thì em phải chịu, chứ em sợ mích lòng, cùng chung vận mệnh mà anh đánh em cãi thì số phận anh em mình sẽ ra sao. Sau này anh có đánh nữa thì em cũng không cãi anh đâu, đánh dân em chứ có phải đánh em đâu mà em giận, thà chết dân, mất nước chứ không để mất đảng!

Ngoài ra, để tỏ lòng trung thành thuần phục, các “thái thú” Việt cộng cũng đã ký nộp 10 văn kiện thỏa thuận về chính trị, đường sắt, thương mại, tài chính với thủ tướng Trung cộng. Qua đó, tăng cường sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc trên mọi phương diện. Kinh tế đã khó khăn, mới qua Tây phương xin được làm đối tác toàn diện, bây giờ lại phải nhượng bộ người anh láng giềng, thì coi như lấy đằng Tây bù vô đằng Đông. Ngoại giao cây tre, xin bên này để cống nạp cho bên kia, rồi cuối cùng đem nợ đổ lên đầu người dân.

CSVN thà mất nước chứ không để mất chế độ

Không phải chỉ 10 thoả thuận ở trên là xong. Thủ tướng Lý Cường về, thượng tướng Trương Hựu Hiệp lại qua tiếp (ngày 24 Tháng Mười). Tướng Hiệp là phó chủ tịch Quân Uỷ Trung Ương Trung Quốc.

Đại Tướng Phan Văn Giang (phó bí thư Quân Uỷ Trung Ương Việt Nam) là đại diện tiếp ông Hiệp trong ngày đầu tiên. Tướng Hiệp đã nhắc nhở người đứng đầu quân đội Việt Nam về nhận thức chung trong hợp tác quốc phòng. Tức là phía Trung Cộng muốn biết Việt Cộng có nhận thức đầy đủ về vấn đề mối quan hệ anh em giữa hai nước không. Phan Văn Giang trả lời rằng “luôn trân trọng, ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của đảng, chính phủ, quân đội và nhân dân Trung Quốc.”

Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam cam kết “sát cánh kiên trì” với Trung Quốc để hướng tới “cộng đồng chia sẻ tương lai cùng chung vận mệnh.” Ông Giang cũng hứa là sẽ “tăng cường hợp tác biên giới trên bộ,” “thúc đẩy hợp tác hải quân, cảnh sát biển” để cụ thể hoá phương hướng “tin cậy chính trị cao hơn.” Ông Giang khẳng định “quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.”

Sau Phan Văn Giang, cũng trong ngày 24 Tháng Mười, tới lượt Tô Lâm “bái kiến” Trương Hựu Hiệp. Tô Lâm cũng khẳng định là Việt Nam luôn nhớ ơn Trung Quốc trong suốt sự nghiệp cách mạng từ trước đây cho tới khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Tổng bí thư CSVN cam kết sẽ phối hợp, trao đổi thường xuyên để củng cố tình đoàn kết giữa hai nước. Giống như bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang, cựu bộ trưởng công an Tô Lâm cũng nói với Trương Hựu Hiệp rằng “quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.”

Sang ngày 25 Tháng Mười, tân chủ tịch nước Việt Nam, Lương Cường bái kiến Phó chủ tịch Quân Uỷ Trung Ương Trung Quốc. Đại Tướng Lương Cường tỏ ra là người nịnh Trung Quốc nhất trong các lãnh đạo Việt Nam tiếp ông Hiệp lần này. Trong lời đầu tiên, Lương Cường gửi lời thăm chân tình và lời cảm ơn sâu sắc tới Tập Cận Bình về những tình cảm mà ông Bình dành cho Việt Nam và cho cá nhân Lương Cường.

Không biết ơn sao được, vì để có chức chủ tịch nước Việt Nam thì Lương Cường đã phải qua xin Tập Cận Bình “sắc phong” vào ngày 11 Tháng Mười vừa qua. Sau khi Tập Cận Bình đồng ý thì ngày 21 Tháng Mười, Lương Cường mới được nhận chức chủ tịch nước Việt Nam. Đây là quy trình bắt buộc, bất cứ đảng viên cộng sản nào muốn lên chức chủ tịch nước Việt Nam thì đều phải đi sứ qua hỏi ý Trung Quốc trước, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm mới đây cũng đều phải vậy.

Quay lại chuyện chủ tịch nước Việt Nam tiếp Trương Hựu Hiệp. Chủ tịch nước Việt Nam nhấn mạnh là nhận thức rõ rằng phải luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ Tập Cận Bình. Lương Cường khẳng định sẽ kế thừa tình anh em đồng chí của Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Và như hai người trước, Lương Cường cam kết với Trương Hựu Hiệp rằng: “quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính yết kiến Trương Hựu Hiệp trong ngày cuối cùng ông Hiệp ở Việt Nam (26 Tháng Mười). Ông Chính nhắc lại lời của Hồ Chí Minh cách đây 65 năm rằng: “Chúc mừng Trung Quốc, cảm ơn Trung Quốc, học tập Trung Quốc.” Thủ tướng Việt Nam cũng cam kết luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Đặc biệt là ông Chính nhắc lại câu nói của Phan Văn Giang, Tô Lâm, Lương Cường rằng “quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.”

Phía Việt Nam hiểu rõ rằng, với chuyến vi hành này Trương Hựu Hiệp muốn kiểm chứng lòng trung thành của các thái thú CSVN với thiên triều Trung cộng. Bởi vậy bất cứ quan chức nào của Việt Nam ra tiếp ông Hiệp cũng đều phải lặp đi lặp lại câu “quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.” Những cam kết này cho thấy sự thần phục tuyệt đối của CSVN vào Trung Cộng. Không thể tách rời và không thể phản bội, vì đã là anh em cùng chung vận mệnh.

Dù lạc quan cách mấy thì cũng không mong chờ gì vào chiến lược “ngoại giao cây tre” của CSVN. Dù là có bắt tay với Pháp Mỹ Nhật gì thì cũng chỉ vì tiền, còn với Trung Cộng thì khác. Tre có thể nghiêng theo chiều gió, nhưng Trung Cộng không phải là gió, nếu họ dùng dao để chặt thì không có chuyện nghiêng, mà là ngã, gãy ngang, họ gài mìn là nổ cả bụi tre. Với tôn chỉ thà mất nước chứ không để mất đảng, CSVN không bao giờ có thể trở mặt với người anh em tàn bạo kia được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: