Truy tố ông Trump: Tiền lệ và hậu quả

Bình luận Chủ nhật
Người ủng hộ ông Trump tập trung bên ngoài dinh thự của ông ở Florida sáng Chủ Nhật 2 tháng Tư để bày tỏ sự ủng hộ sau khi ông ta bị đại bồi thẩm đoàn New York truy tố tội hình sự. Ảnh Alex Wong/Getty Images

Như tin đã đưa, hôm thứ Năm 30 tháng Ba 2023, cựu Tổng thống Donald Trump đã bị đại bồi thẩm đoàn tiểu bang New York quyết định truy tố hình sự. 

Theo lịch trình ông Trump sẽ phải ra trình diện thẩm phán của tòa hình sự quận Manhattan vào ngày thứ Ba 4 tháng Tư; ở đó ông ta sẽ được chụp hình, lấy dấu vân tay, làm thủ tục của một nghi phạm trước khi tòa bắt đầu công mở cuộc tranh tụng giữa các luật sư biện hộ và các công tố viên thuộc Văn phòng Biện lý quận Manhattan, New York. Cuộc tranh tụng có thể kéo dài, sẽ quyết định bước tiếp theo của vụ án, có đưa ra xét xử hay hai bên dàn xếp ngoài tòa.

Hiện nay, cáo trạng của vụ án vẫn còn bị niêm phong nên chưa ai biết chính xác ông Trump sẽ phải đối mặt với những tội danh gì. Đài CNN dẫn nguồn tin nội bộ cho biết ông Trump sẽ bị cáo buộc 34 tội danh, trong đó có 1 trọng tội (felony).

Theo truyền thông, vụ án tập trung vào cáo buộc ông Trump dùng tiền mua sự im lặng của một nữ diễn viên phim khiêu dâm từng có quan hệ tình dục với ông ta, xảy ra trong thời gian ông Trump tranh cử tổng thống năm 2016 – một hành vi được coi là không trung thực với cử tri. Thêm vào đó, để che giấu khoản tiền này, ông Trump và công ty của ông đã “hạch toán” nó vào khoản chi phí pháp lý không có thực trả cho luật sư Michael Cohen – cựu luật sư riêng của ông Trump, phạm tội làm sai lạc sổ sách tài chính – một tội trọng theo luật của tiểu bang New York.

Vì hành vi đưa tiền mua sự im lặng này, ông Cohen đã bị kết án và đã thi hành xong án tù còn ông Trump vẫn vô can dù ông Cohen khẳng định rằng ông ta chỉ làm theo lệnh của ông Trump.

Vụ truy tố hình sự ông Donald Trump, cựu tổng thống thứ 45 của Mỹ, đang gây nên một cơn chấn động trong nền chính trị chia rẽ sâu sắc của Mỹ, và đặt ra tiền lệ nguy hiểm cho tương lai.

Trước tiên, ông Trump là cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị truy tố tội hình sự sau khi rời Tòa Bạch Ốc. Ông ta còn nhiều “cái đầu tiên” khác, chẳng hạn như tổng thống Mỹ đầu tiên bị Hạ viện luận tội hai lần, tổng thống đầu tiên gây bạo loạn chống lại Quốc hội để đảo ngược kết quả bầu cử v.v… 

Nhưng vụ bị truy tố hình sự có lẽ là dấu ấn pháp lý ô nhục nhất mà ông ta phải đối mặt cho đến nay. Ngoài vụ truy tố ở tòa án quận Manhattan, ông Trump còn phải đối phó với các vụ điều tra đang diễn ra liên quan tới việc ông lưu giữ bất hợp pháp hồ sơ mật của chính phủ, kích động bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021, âm mưu gian lận phiếu bầu ở Georgia v.v… mà tội trạng – nếu được tòa án công nhận – còn nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ “tiền bịt miệng” hiện nay.

Tuy ông Trump là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố nhưng trên thế giới, những trường hợp các cựu nguyên thủ quốc gia phải tra tay vào còng không phải là hiếm. Trong 15 năm qua, các cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và Jacques Chirac của Pháp, Park Geun-hye và Lee Myung-bak của Hàn Quốc, cựu thủ tướng Silvio Berlusconi của Ý… đều đã bị kết án vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Danh sách những người đứng đầu chính phủ bị bỏ tù, dù là những người được bầu lên một cách dân chủ, còn có cả các cựu lãnh đạo của Đài Loan, Argentina, Brazil, Pakistan, Peru, Nam Phi, Nhật Bản, thậm chí thủ tướng đương nhiệm của Israel, ông Benjamin Netanyahu, vẫn đang bị tòa xét xử về tội tham nhũng giữa lúc ông ta đang đứng đầu chính phủ.

Bình luận về chuyện ông Trump bị truy tố, nhiều người cho rằng trường hợp của ông là đầu tiên nhưng chắc chắn không phải là trường hợp cuối cùng trong một đất nước thượng tôn pháp luật. Những người ủng hộ vụ truy tố nói rằng, cuối cùng thì công lý cũng sẽ được thực thi và nền dân chủ lâu đời nhất thế giới của Mỹ vẫn rất mạnh mẽ khi chứng tỏ không ai đứng trên pháp luật cho dù có quyền lực và ảnh hưởng xã hội đến đâu. Truy tố hình sự một cựu tổng thống là chuyện chưa có tiền lệ và có thể gây sốc nhưng xem ra trong lịch sử Mỹ cũng chưa tổng thống nào có hành vi coi thường pháp luật như ông Trump và việc không truy cứu trách nhiệm của ông ta còn gây hại cho nước Mỹ nhiều hơn nữa.

Chưa tới một nửa số người Mỹ cho rằng ông Trump nên bị buộc tội, theo thăm dò dư luận của ABC News/IPSOS. Ảnh chụp màn hình.

Nhưng trong một nền chính trị bị chia rẽ theo đảng phái trầm trọng hiện nay của Mỹ, vụ truy tố ông Trump có thể có những hệ lụy khó lường. 

Khi đối mặt với pháp luật, ông Trump luôn sử dụng thủ đoạn biến mình thành nạn nhân của một nền tư pháp bị “chính trị hóa” ngoài tầm kiểm soát. Cũng như ông luôn miệng cáo buộc vô căn cứ cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 là gian lận, ông tố cáo các vụ điều tra nhằm vào ông là các cuộc “săn phù thủy” của đảng Dân chủ với mục đích ngăn cản ông quay trở lại Tòa Bạch Ốc và phá hủy nước Mỹ. Ông lợi dụng tư cách “nạn nhân bị đối xử bất công” đó để kích động người ủng hộ ông đóng góp tiền bạc cho chiến dịch tranh cử tổng thống và chi trả cho đội luật sư đông đảo của ông, thậm chí ông kêu gọi họ biểu tình “giành lại nước Mỹ” cho ông, cứ như không phải bản thân ông bị truy tố mà chính nước Mỹ sắp bị xét xử!

Thủ đoạn đó, đáng lo ngại, là được các chính trị gia Cộng hòa ủng hộ và nhiều nghị sĩ, dân biểu đã lập tức nhảy ra bênh vực ông Trump ngay cả khi chưa ai biết ông ta bị truy tố tội trạng gì và thủ tục pháp lý được thực hiện ra sao, có tuân thủ quy định của pháp luật hay không. Luận điểm chung của các chính trị gia này là tố cáo đảng Dân chủ “vũ khí hóa” ngành tư pháp, “chính trị hóa” một sai sót cỏn con để triệt hạ một đối thủ chính trị tầm cỡ. Hạ Viện do đảng Cộng hòa kiểm soát còn đòi điều tra Chánh Biện lý quận Manhattan Alvin Bragg – một đảng viên đảng Dân chủ và là người da màu, người chủ trì vụ truy tố ông Trump. Hành vi triệu tập ông Bragg – một quan chức dân cử – và toàn bộ hồ sơ tài liệu của vụ án ra trước Hạ Viện đang vi phạm rõ ràng nguyên tắc tam quyền phân lập của chế độ dân chủ và cơ chế cân bằng của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Nhưng việc lên án ngành tư pháp và bảo vệ ông Trump đang xói mòn niềm tin của công chúng vào sự nghiêm minh và vô tư của luật pháp. Những người ủng hộ Trump đang nhìn hệ thống tư pháp như là một guồng máy bất hợp pháp trong khi những người phản đối ông ta than phiền hệ thống đó quá chậm chạp, cồng kềnh và làm việc kém hiệu quả.

Vụ truy tố ông Trump liên quan đến một yếu tố pháp lý mà ít người để ý nhưng tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai. Dù ông Trump đang phải đối mặt với nhiều vụ điều tra từ Bộ Tư pháp cấp liên bang đến các quận hạt cấp tiểu bang, nhưng vụ truy tố hình sự đầu tiên về cáo buộc “tiền bịt miệng” là từ Biện lý quận Manhattan, một phần căn cứ vào luật lệ của tiểu bang New York. Nên để ý nước Mỹ có 50 tiểu bang với 50 hệ thống luật lệ khác nhau và theo các chuyên gia luật pháp, truy tố một cựu lãnh đạo liên bang dựa vào luật tiểu bang sẽ đặt các nhà lãnh đạo tương lai vào thế khó xử. 

Ở New York, làm sai lệch hồ sơ tài chính là một tội hình sự (crime), nhưng chỉ là một lỗi (misdemeanor) ở những tiểu bang khác. Để buộc tội ông Trump tội hình sự hoặc trọng tội (felony), các công tố viên của Văn phòng Biện lý Manhattan cần chứng minh rằng, hành vi “hạch toán” khoản tiền chi cho cô đào Stormy Daniels vào chi phí pháp lý của công ty Trump là nhằm “bịt miệng”, từ đó dẫn tới hành vi “cố ý lừa đảo” nhằm che giấu hành vi vi phạm luật bầu cử… Nhưng cũng có thể suy diễn rằng hành vi dùng tiền “bịt miệng” của ông Trump không có ý định lừa đảo khi tranh cử mà chỉ nhằm ngăn thông tin xấu đến với gia đình ông v.v… Để ông Trump “tâm phục khẩu phục” nhận tội trong vụ truy tố này do đó không phải là chuyện dễ. Và từ chuyện này, có thể thấy các nhà lãnh đạo tương lai phải thận trọng như thế nào khi nhất cử nhất động đều bị sự theo dõi của hàng ngàn biện lý liên bang, tiểu bang và quận hạt thuộc các quan điểm chính trị và học thuyết pháp luật, hành xử theo nhiều bộ luật khác nhau.  

Dù sao thì ông cựu tổng thống đã chính thức bị truy tố và phải trải qua những thủ tục tố tụng như một thường dân. Chỉ riêng việc đó đã là một chỉ dấu cho thấy cuối cùng nhà nước pháp quyền của Mỹ đã hành động. Ít có khả năng xảy ra bạo loạn vì vụ truy tố như ông Trump mong muốn nhưng không nên coi nhẹ những hệ lụy mà sự kiện này gây ra.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: