Ukraine, Đóa Hoa Quỳ Bất Khuất

Ảnh: Pixabay
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Đóa Hoa Quỳ Bất Khuất
/

1/

Mấy hôm nay trên mạng người ta truyền nhau đoạn video, với câu chuyện giữa bà cụ người Ukraine và người lính Nga. Theo bản dịch của Alex Abramovich [1], bà cụ nói thế này:

“You’re occupiers. You are fascists. Why the fuck did you come here with your guns?”

“Chúng bây là kẻ chiếm đóng. Chúng bây là đồ phát-xít. Mắc giống gì mà chúng bây mang súng đến nơi này?”…

“Take these seeds and put them in your pocket so, at least, sunflowers will grow on your graves.”

“Cầm lấy nắm hạt này và bỏ vào túi cất đi, ít ra, hoa hướng dương sẽ mọc trên nấm mộ của chúng bây.”

Không biết họ nói với nhau bằng ngôn ngữ nào. Tiếng Ukraine hay Nga? Đa số người Ukraine ở thành phố lớn đều biết tiếng Nga. Tiếng Ukraine phổ biến hơn ở phía Tây và miền giữa của Ukraine. Cứ coi như người này hiểu người kia nói gì, tại sao bà cụ không sợ hãi anh lính Nga, kẻ xâm lăng súng đạn đầy người như thế kia? Họ không xem nhau như là thù địch à? Công nhận bà cụ là người can đảm, cùng lúc chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, ít ra, anh lính Nga cũng là người lành tính. Phải chăng anh đến Ukraine không ôm mộng xâm lăng?

2/

Dư luận trên mạng nói rằng, lính Nga bị cấp lãnh đạo của họ dối gạt. Họ tưởng là họ được đưa sang Belarus để tập trận, chứ không biết bị đưa đi đánh chiếm Ukraine. Tại sao bà cụ đưa nắm hạt hoa hướng dương? Tại sao không là hạt hay hoa nào khác? Nói về những giọt máu đổ trên chiến trường, thường người ta nghĩ đến các hoa màu đỏ, như hồng, carnation, hoặc uất kim hương. Câu nói “hoa hướng dương sẽ mọc trên nấm mộ của mi” khiến tôi nghĩ đến những câu chuyện khác. Chẳng hạn như bài hát Bella Ciao; và vài câu thơ của một nhà thơ Việt nổi tiếng:

Lòng anh như đóa hướng dương.
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời [2]

Bà cụ đưa nắm hạt hướng dương cho anh lính Nga, có lẽ vì cụ có sẵn trong túi. Ukraine có sản lượng dầu hướng dương nhiều nhất thế giới, hơn cả Nga. Đến Ukraine bạn sẽ gặp những cánh đồng hoa hướng dương nối tiếp chân trời. Gom một nửa cánh đồng hoa hướng dương đang mùa nở rộ và một nửa bầu trời xanh ngắt vào một khung ảnh, bạn sẽ nhìn thấy màu cờ của Ukraine. Tôi nhìn thấy màu cờ này lần đầu tiên trong một cuốn phim du lịch bằng ẩm thực của Anthony Bourdain. Ông Bourdain đứng giữa quảng trường Kyiv trong ngày lễ có diễn hành trọng đại. Bong bóng màu vàng và màu xanh được thả lên trời, trong khi dưới đất quân đội diễn hành mặc đồng phục trắng tinh.

Ảnh: Max Kukurudziak/Unsplash

3/ 

Tôi cũng nhìn thấy cánh đồng hoa hướng dương tít tắp chân trời trong phim Everything is Illuminated. Từ cái hộp nhựa đựng DVD, đến tấm ảnh của Elijah Wood diễn viên chính, đều lồng với hình ảnh cánh đồng hướng dương bất tận. Phim nói về một thanh niên Mỹ gốc Ukraine tên Jonathan Safran Foer, đi tìm dòng họ của mình dựa vào tấm ảnh của ông nội chụp với một cô gái trẻ tên Augustine ở Trachimbrod.

Khi Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái ở Ukraine, thị trấn Trachimbrod cũng bị xóa tên trên bản đồ. Hầu như không ai còn biết hay nhớ đến thị trấn này, ngoại trừ những người lớn tuổi như ông tài xế lái xe du lịch; người này cũng là ông nội của thông dịch viên Alex được Jonathan thuê để giúp anh trong chuyến đi. Ông nội của Alex đưa Jonathan đến một ngôi nhà nhỏ, trơ trọi giữa cánh đồng vàng bát ngát hướng dương. Căn nhà này chứa đầy tro tàn lịch sử của Trachimbrod. Chủ ngôi nhà là chị của Augustine, người may mắn thoát chết dưới họng súng lính Đức.

Hoa hướng dương có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Từ năm 3000 trước Công nguyên, hướng dương được người bản địa (Indians) trồng để làm thức ăn và thuốc. Thậm chí nó còn được dùng làm sơn để tô vẽ lên thân người. Trong những buổi lễ tôn giáo ở Peru xưa, người ta dâng lễ vật bằng hoa hướng dương. Những cái áo che ngực cũng được đúc thành khuôn hình hoa hướng dương bằng vàng. Người bản địa khi bị tuyệt chủng, những món ăn và phương thuốc bào chế từ hoa hướng dương cũng bị thất truyền. Đến cuối thế kỷ 19, di dân Nga mang hoa này trở lại Mỹ bằng dầu lấy từ hạt hướng dương.

4/ 

Hoa mang tên hướng dương, một phần vì tròn như Mặt trời và cánh hoa như những tia sáng phát ra. Khi hoa còn bé, chúng cần hơi ấm để phát triển, vì vậy hoa luôn hướng về phía Mặt trời. Khi trưởng thành, hoa quay về phía Đông, nơi Mặt trời lên, để nhận nguồn hơi ấm và ánh sáng. Ở Anh quốc, hướng dương tượng trưng sự nương tựa lẫn nhau giữa quốc vương và thần dân. Trong Công giáo, hướng dương tượng trưng cho lòng tin của giáo dân hướng về Giáo hội. Vào thế kỷ 17, chẳng mấy họa sĩ danh tiếng đưa hướng dương vào tranh vẽ. Vincent van Gogh là người biến hoa hướng dương trở nên chói ngời bằng những bức tranh bất tử của ông.

Người Ukraine yêu hoa và trồng hoa khắp nơi, trong vườn ngoài ngõ. Trong truyện cổ dân ca, người ta thờ hướng dương vì hoa này tượng trưng cho hơi ấm và ánh sáng Mặt trời. Ukraine trở thành quốc gia xuất khẩu hạt và dầu hướng dương nhiều nhất thế giới không phải nhờ những câu chuyện thần thoại dân gian của người theo đạo Pagan (Paganism) mà phần lớn nhờ Chính thống giáo. Vào mùa lễ Lent, giáo dân không được phép dùng bơ hay mỡ động vật để nấu ăn. Dầu hướng dương lúc ấy còn mới mẻ nên chưa bị ngăn cấm. Từ đó dầu hướng dương trở nên thịnh hành.

Vào thập niên 1800, hướng dương được trồng trên những cánh đồng rộng lớn khắp nơi Ukraine và một phần phía Tây của Nga. Hoa hướng dương sau đó trở thành quốc hoa của Ukraine. Bà cụ Ukraine khi đưa nắm hạt hướng dương cho anh lính Nga nói rằng để hoa mọc trên nấm mồ khi anh ngã xuống không chỉ vì bà có sẵn trong túi, mà bởi vì hướng dương là quốc hoa của Ukraine.

Ảnh: pexels-engin-akyurt

5/ 

Báo Washington Post đưa tin, năm 1996, Ukraine tự nguyện bãi bỏ kho vũ khí nguyên tử lớn hàng thứ ba thế giới. Kho vũ khí này Ukraine thừa hưởng từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Mùa Hè năm 1996, quan chức Ukraine trồng hoa hướng dương ở căn cứ quân sự Pervomaysk để đánh dấu ngày từ bỏ loại vũ khí nguy hiểm này. Hoa hướng dương, với người Ukraine, do vậy còn là biểu tượng của hòa bình.

Ukraine khởi nguồn từ sắc dân Cossack, du mục và thiện chiến, không phải là một dân tộc dễ bị khuất phục trước sức mạnh của quân xâm lăng. Nhiều năm Ukraine bị chia tam xẻ tứ, dưới ách cai trị của Ba Lan, Đức, và Liên Xô. Nhưng họ vẫn trỗi dậy. Cuối thập niên 1920 và đầu những năm 1930, Ukraine nằm trong chính sách kỹ nghệ hóa của Liên bang Sô Viết. Theo chính sách tập trung nông nghiệp của Stalin, nếu nông dân không nộp đủ lượng nông sản tính theo đầu người, họ sẽ không được cấp gạo và nhu yếu phẩm.

Thêm vào đó, họ bị ngăn không được phép rời chỗ ở và không được cấp thuốc men khi đau yếu. Chính sách này gây nên trận đói kinh hoàng gọi là Holodomor vào khoảng 1932-1933. Số người Ukraine chết đói lên đến hàng triệu. Từ năm 1945, Ukraine là thành viên Liên Xô. Ngày 26 tháng Tư 1986, nhà máy sản xuất điện bằng năng lượng nguyên tử ở Chernobyl bị nổ. Những người không rành thời sự (như tôi) nghĩ rằng Chernobyl là của Nga.

Thật ra, Chernobyl nằm trong lãnh thổ Ukraine. Ngày 21 Tháng Giêng 1990, ba trăm ngàn dân Ukraine nắm tay nhau làm thành chuỗi người, nối liền từ Kyiv đến Lviv, để đòi quyền độc lập. Ngày 16 Tháng Bảy 1990, Bản Tuyên ngôn chính quyền Ukraine được công bố và từ đó bắt đầu có xung đột với Liên Xô. Tháng Tám 1991, sau cuộc đảo chính hụt Mikhail Gorbachev, Ukraine tuyên bố độc lập. Ngày 24 Tháng Tám 1991, Quốc Hội Ukraine đưa ra Bộ Luật Quốc gia Độc lập.

6/

Trong một dịp thắp nhang tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở một ngôi đền, nhà thơ Nhật Basho đã làm một bài haiku, nhìn cỏ xanh mùa Hè mà nghĩ đến những samurai đã ra người thiên cổ. Và tại Ukraine, bà cụ nhìn thấy máu xương sắp đổ trên quê hương đã nghĩ đến hoa hướng dương. Dù lời nói của bà ra chiều chửi mắng nhưng nó vẫn mang một hình ảnh đẹp. Một cái đẹp rất xung đột và đầy mâu thuẫn trong sự khắc nghiệt của chiến tranh. Tôi nhìn thấy cái đẹp này trong bài hát Bella Ciao, với những câu như thế này:

Và nếu tôi có chết làm một kháng chiến quân
Bella ciao, bella ciao, giã từ người xinh đẹp
Hãy chôn tôi trên ngọn núi kia
Dưới bóng của một đóa hoa

Để cho tất cả mọi người, những người đi ngang qua
Bella ciao, bella ciao, giã từ người xinh đẹp
Tất cả mọi người, những người đi ngang qua
Có thể nói rằng: Đóa hoa đẹp làm sao

Đây là đóa hoa / của một kháng chiến quân
Bella ciao, bella ciao, giã từ người xinh đẹp
Đây là đóa hoa / của một kháng chiến quân
Kẻ đã chết vì tự do [3]

Vâng. Những câu hát này không để ca tụng anh lính Nga trong cuộc đối thoại với bà cụ Ukraine. Nhưng từ cuộc xâm lăng của Putin, sẽ có những người Ukraine kháng chiến và những câu hát này dành cho họ. Người Nhật tin rằng linh hồn từ những ngôi mộ hoang sẽ mọc lên những đóa hoa khi họ siêu thoát. Dẫu sao, nơi thân xác của người ngã xuống khi chiến đấu cho quê hương dân tộc, hay của người phải bỏ xác nơi xứ người theo mệnh lệnh kẻ độc tài, đóa hoa nở trên nấm mộ sẽ là dấu hiệu của sự chấm dứt chiến tranh, hay niềm hy vọng hòa bình tái lập cho những người còn sống. Hoa hướng dương, với người Ukraine, là nguyện vọng hòa bình.

Ảnh: pexels-k-zoltan

_________

Người Việt còn gọi hoa hướng dương là hoa quỳ. Nhà thơ Từ Thế Mộng có một bài thơ như sau:

Đơn giản vậy mà sao lòng anh lạ
Nghiêng theo em như thể đóa hoa quỳ
Ôi màu vàng đâu thể dễ phải đi
Màu vàng không phai
Mặt trời vẫn ướt
Nên phương em lẽo đẽo một phương quỳ [4]

Chữ quỳ làm tôi nghĩ đến chữ quì với ý nghĩa của qui hàng. Tuy vậy, chữ quỳ ở đây có nghĩa là hướng về. Tâm hồn nhà thơ hướng về người thiếu nữ đẹp, như đóa hoa hướng về mặt trời. Hoa thường được ví với người con gái mềm yếu mỏng manh, nhưng hoa quỳ thì không như thế. Nó giống như một phụ nữ vững chãi cứng cáp sẵn sàng bảo vệ người thân yêu. Hoa có thể mọc cao bốn mét. Người đứng đối diện với hoa sẽ thấy hoa to như cái mặt khổng lồ, nhìn xuống loài người. Bà cụ Ukraine, nếu là một loài hoa, bà sẽ là một đóa quỳ. Một đóa hoa quỳ bất khuất.

New Jersey

Ngày 8 Tháng Ba 2022

__________

[1] Nguồn: xem

[2] Nguyễn Bính.

[3] Bella Ciao. Italian traditional; Arranged by Marc Ribot & Tom Waits; Translated by Marc Ribot. Nguyễn Thị Hải Hà dịch từ bản tiếng Anh.

[4] Từ Thế Mộng, thơ đời thường – Diễn Đàn Forum (diendan.org)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: