Vàng: câu chuyện bị che giấu về nguy cơ kinh tế Việt Nam vỡ vụn?

(VNeconomy)

Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp Quốc Hội thứ 8, khoá 15 diễn ra vào sáng ngày 11 Tháng Mười Một vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã khuyến cáo người dân không nên tích trữ vàng, đặc biệt là vàng miếng có giá trị lớn. Theo Thống đốc, “Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất, đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán…”.

Cũng tại kỳ họp này, bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn đại biểu Ninh Bình, đã nêu lên một trong những hạn chế của thị trường vàng hiện nay là chưa khuyến khích người dân chuyển đổi vàng sang tiền đồng (VND) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

“Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế”.

Quan điểm cho rằng việc người dân mua và tích trữ vàng là “vàng chết”, khiến dòng vốn không được luân chuyển vào đầu tư sản xuất, đã tồn tại như một định kiến. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là một quan niệm sai lầm và lý lẽ đánh lạc hướng cho một hệ quả tai hại hơn mà chính phủ Việt Nam thường tìm cách né tránh.

Tại sao dân giữ vàng thì thị trường không thiếu vốn?

Để hiểu rõ hơn tại sao người dân mua vàng không làm thị trường thiếu vốn đầu tư sản xuất, chúng ta cần phân tích dòng chảy tiền tệ trong quá trình mua bán vàng. Khi người dân mua vàng từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng như SJC hay vàng trơn PNJ, tiền từ tài khoản ngân hàng của họ được chuyển vào tài khoản của các doanh nghiệp này. Mặc dù các doanh nghiệp vàng cần trích lập quỹ dự phòng để đối phó với biến động giá vàng, nhưng tất cả số tiền thu được vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng và tiếp tục tham gia vào hoạt động tín dụng và lưu thông tiền tệ. Do đó, việc người dân mua vàng không trực tiếp làm giảm lượng tiền cung cấp cho nền kinh tế, mà chỉ là sự chuyển đổi hình thức lưu trữ tài sản.

Thêm vào đó, động lực chính khiến người dân tích trữ vàng thường là nhu cầu bảo toàn giá trị tài sản và phòng ngừa rủi ro lạm phát. Họ chủ yếu sử dụng tiền nhàn rỗi để mua vàng, không phải là vốn đầu tư sản xuất. Khi cần vốn cho kinh doanh, họ hoàn toàn có thể bán vàng để thu hồi tiền mặt hoặc dùng vàng làm tài sản thế chấp để vay ngân hàng.

Như vậy, việc tích trữ vàng không đồng nghĩa với việc “chôn vốn” hay làm giảm dòng vốn cho sản xuất. Thậm chí, lập luận này còn mâu thuẫn với thực tế đầu tư vào bất động sản – một loại tài sản có giá trị cao hơn nhiều so với vàng nhưng lại có thanh khoản thấp hơn. Nếu theo luận điểm của bà Thống đốc ngân hàng cho rằng tích trữ vàng làm giảm vốn sản xuất, thì việc đầu tư vào bất động sản cũng nên bị hạn chế tương tự.

So sánh với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, hay các nước Châu Âu, nơi vàng được giao dịch tự do và dễ dàng tiếp cận, ta càng thấy rõ sự phi lý của quan điểm trên. Tại Hàn Quốc, vàng thậm chí từng được bán rộng rãi tại các cửa hàng tiện lợi như GS25, thể hiện sự thuận tiện và phổ biến của kênh đầu tư này. Tại Mỹ, sự ra đời của các quỹ ETF (quỹ ủy thác) vàng cho phép nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và giao dịch vàng với chi phí thấp. Sự tồn tại và phát triển của thị trường vàng ở các nền kinh tế này chứng minh rằng việc giao dịch vàng tự do không gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn sản xuất.

Vì vậy, việc người dân tích trữ vàng không phải là nguyên nhân chính gây giảm dòng vốn sản xuất. Thực tế, việc này phản ánh một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là sự mất niềm tin vào đồng nội tệ và sự lo ngại về lạm phát.

Sợ dân giữ vàng vì làm tiền đồng mất giá

Giá vàng toàn cầu chịu tác động đa chiều từ các yếu tố vĩ mô như tình hình kinh tế thế giới như chính sách tiền tệ của Mỹ (đặc biệt là lạm phát và lãi suất), các cuộc xung đột địa chính trị và biến động giá dầu. Sự tăng giảm giá vàng trên thị trường quốc tế, minh chứng là các giai đoạn giảm giá từ 2011-2015 và 2021-2022, phản ánh chính xác sự biến động này. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước lại thể hiện một bức tranh khác biệt. Giá vàng trong nước hàng năm đều tăng bất chấp diễn biến giá vàng thế giới, phản ánh một thực tế đáng lo ngại là niềm tin vào đồng nội tệ đang dần suy giảm. Sự gia tăng mạnh mẽ và liên tục của giá vàng trong nước, bất kể xu hướng kinh tế toàn cầu, không chỉ là vấn đề thị trường đơn thuần mà là biểu hiện sâu sắc hơn của sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và thiếu niềm tin vào khả năng quản lý kinh tế của chính phủ.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2024 càng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Sự suy thoái kinh tế do lạm phát cao sau đại dịch COVID-19, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, đã tạo ra hiệu ứng domino trên toàn cầu. Và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này khi buộc phải tăng lãi suất để ổn định tỷ giá hối đoái, gây ra hậu quả nặng nề cho thị trường bất động sản. Lãi suất tăng cao khiến cho thanh khoản Bất Động Sản bị đóng băng, dẫn tới nợ xấu tăng cao và hệ quả là sự sụp đổ của nhiều “ông lớn” bất động sản cùng nhiều đại án kinh tế như Tân Hoàng Minh, FLC và Vạn Thịnh Phát. Ngay cả những tập đoàn lớn như Novaland và Vingroup cũng phải đối mặt với thua lỗ và thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng.

Trước tình hình khó khăn này, Chính phủ Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy thanh khoản và giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản. NHNN đã liên tục hạ lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, dòng tiền được giải phóng không đổ vào bất động sản như kỳ vọng, mà lại tập trung vào các kênh đầu tư an toàn hơn như chứng khoán, vàng và các tài sản bất động sản có pháp lý chắc chắn. Cộng hưởng với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu vàng khi Trung Quốc thu mua vàng với quy mô lớn trên thị trường quốc tế, đã đẩy giá vàng quốc tế tăng cao càng thúc đẩy người dân trong trong nước đổ xô mua vàng khiến cho giá vàng trong nước lên mức cao kỷ lục khi có thời điểm giá vàng SJC lập đỉnh cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng ở mức giá 92 triệu đồng/lượng,

Dù NHNN đã nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp can thiệp, nhưng vẫn không thể kiểm soát đà tăng chóng mặt của giá vàng trong nước. Cuối cùng, NHNN buộc phải bán vàng dự trữ quốc gia thông qua 4 ngân hàng thương mại lớn và công ty SJC để bình ổn thị trường. Hành động này, tuy hiệu quả trong ngắn hạn, lại gây ra những hệ lụy lâu dài. Việc sử dụng dự trữ ngoại hối để mua vàng nguyên liệu ở thị trường thế giới đã làm gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái, đẩy đồng nội tệ mất giá nhanh chóng. Mặc dù Việt Nam có cán cân thương mại xuất siêu, nhưng xuất khẩu chủ yếu tập trung vào hàng hoá gia công và nông sản có giá trị gia tăng thấp. Sự mất giá của đồng nội tệ do đó càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và làm trầm trọng thêm lạm phát. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi chính phủ đang phải cần rất nhiều tiền để nuôi bộ máy quản lý kém hiệu quả, buộc Chính phủ phải tăng lãi suất trái phiếu chính phủ để bù đắp cho sự mất giá và hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, dẫn đến khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng. Có thể thấy, sự tăng giá vàng không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà phản ánh những yếu kém trong quản lý kinh tế vĩ mô và những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều mâu thuẫn và bất cập, tạo nên một bức tranh kinh tế “nửa nạc nửa mỡ” chịu sự chi phối sâu sắc từ Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua việc ngân sách nhà nước ưu tiên phân bổ nguồn lực đáng kể cho hai lực lượng vũ trang là công an và quân đội, trong khi các khoản đầu tư cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội lại bị hạn chế. Sự mất cân bằng trong phân bổ ngân sách này không chỉ gây ra những hệ lụy tiêu cực về mặt xã hội mà còn tạo ra những rủi ro đáng kể cho sự ổn định kinh tế.

Trong bối cảnh đó, đà tăng phi mã của giá vàng không chỉ đơn thuần là một biến động thị trường mà còn là dấu hiệu báo động về sự bất ổn sâu xa trong nền kinh tế. Giá vàng tăng cao phản ánh sự suy giảm niềm tin vào đồng nội tệ, khiến người dân tìm đến vàng như một kênh bảo toàn tài sản. Điều này gây áp lực lên dự trữ ngoại hối, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế hiện hữu. Hơn nữa, khi nền kinh tế chịu sự chi phối quá lớn từ chính trị, việc hoạch định và điều hành chính sách kinh tế thường thiếu tính khách quan và minh bạch, dễ dẫn đến sai lầm và tạo ra những hệ lụy khó lường.

Sự kết hợp giữa một nền kinh tế “nửa nạc nửa mỡ” với đà tăng phi mã của giá vàng tạo nên một “cơn bão” hoàn hảo có thể nhấn chìm nền kinh tế. Và có thể đẩy Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ Cộng sản. Nền kinh tế Việt Nam, với những rủi ro tiềm ẩn và sự thiếu minh bạch trong quản lý, đang đứng trước nguy cơ trở thành một quả bom nổ chậm, chực chờ thời khắc bùng nổ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: