Vì sao Tổng thống Trump cách chức các tổng thanh tra?

Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật CARES ngày 27-03-2020. Ông tuyên bố rằng tổng thống có quyền quyết định các thông tin nào tổng thanh tra được báo cáo Quốc hội. NYT

HIẾU CHÂN

Tổng thống Donald Trump đã bãi chức quyền tổng thanh tra Bộ Quốc phòng của ông Glenn Fine, và do đó ông Fine sẽ không thể đảm nhiệm chức chủ tịch Ủy ban Giải trình Ứng phó đại dịch – cơ  quan có nhiệm vụ giám sát việc chi tiêu 2,2 ngàn tỷ USD quỹ cứu trợ khẩn cấp coronavirus theo đạo luật CARES mới ban hành. Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ cách chức, sa thải, khiển trách các tổng thanh tra mà ông Trump quyết định trong vài ngày qua, báo hiệu một xu hướng đáng lo trong chính trị Mỹ.

Quyết định cách chức quyền tổng thanh tra Bộ Quốc phòng của ông Glenn Fine được đưa ra vào tối thứ Hai 06-04 và thông báo trong buổi họp báo sáng thứ Ba 07-04 mà không có lời giải thích.

Tối thứ Bảy tuần trước, Tổng thống cũng sa thải ông Michael Atkinson, tổng thanh tra tình báo vì ông này đã báo với Quốc hội lời khai của một người tố cáo, từ đó dẫn tới cuộc điều tra luận tội tổng thống ở Hạ viện.

Hôm thứ Hai, Tổng thống lại đặt vấn đề về động cơ đằng sau một cuộc điều tra cẩn thận tình trạng thiếu thốn trang bị y tế ở các bệnh viện đang gây trở ngại cho cuộc chiến chống coronavirus – cuộc điều tra do tổng thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh tiến hành.

Trong khi cả nước và thế giới chú tâm vào cuộc hoành hành của đại dịch Covid-19 thì thông tin về những vụ sa thải này không gây được chú ý của công luận, nhưng chúng báo hiệu một xu hướng chính trị nguy hiểm: xói mòn, dẫn tới triệt tiêu cơ chế kiểm soát quyền lực của chế độ dân chủ Mỹ.

Luật CARES và Thanh tra

Cơ chế tổng thanh tra (Inspector General) là một tổ chức mới, ra đời năm 1978 sau vụ scandal Watergate của Tổng thống Richard Nixon, nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực hành pháp. Theo cơ chế này, mỗi bộ ngành quan trọng trong nhánh hành pháp đều có một cơ quan giám sát việc tuân thủ pháp luật của bộ ngành đó và báo cáo trực tiếp cho Quốc hội. Chỗ trái khoáy (và cũng là kẽ hở) của cơ chế này là ở chỗ, tổng thanh tra báo cáo trực tiếp cho Quốc hội nhưng lại được tổng thống bổ nhiệm với sự chuẩn thuận của Thượng viện theo một quy trình gần giống như bổ nhiệm bộ trưởng hay đại sứ.

Đạo luật hỗ trợ kinh tế ứng phó với coronavirus, gọi tắt là đạo luật CARES, mới ban hành là một hoạt động pháp lý lớn, liên quan tới khoản chi tiêu ngân sách khổng lồ (2,2 ngàn tỷ USD, hơn 10% tổng sản lượng hằng năm của Mỹ) nên Quốc hội cho thành lập một Ủy ban Giải trình Ứng phó đại dịch (Pandemic Response Accountability Committee, PRAC) để giám sát việc chính phủ thực thi đạo luật CARES, tránh tình trạng lãng phí, thiên vị, lừa đảo hoặc lạm dụng tiền thuế của người dân khi phê duyệt, giải ngân các khoản cho vay, các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình.

Điều khoản về cơ chế giám sát PRAC là điểm nóng tranh cãi giữa các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa khi làm dự luật và kết quả cuối cùng là hai bên đồng ý thành lập Ủy ban PRAC để giám sát việc thực thi đạo luật. Thế nhưng Tổng thống Trump, khi ký phê chuẩn dự luật thành luật, đã đặt vấn đề về tính hợp hiến của cơ chế này và đưa vào một tuyên bố rằng hành pháp sẽ không cho phép Ủy ban PRAC cung cấp thông tin cho Quốc hội mà không có “sự giám sát của tổng thống”, gọi đó là sự vi phạm thẩm quyền của nhánh hành pháp. 

Ủy ban PRAC có ngân sách 80 triệu USD, gồm chín thành viên là các tổng thanh tra, hoặc quyền tổng thanh tra một số bộ ngành quan trọng trong chính phủ Mỹ như Quốc phòng, Tài chính, Giáo dục, Lao động, An ninh nội địa, Tư pháp, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Thương mại và Tổng cục Doanh nghiệp nhỏ, cùng với bộ máy giúp việc cho họ.

Ông Glenn Fine – người đã có bốn năm làm quyền tổng thanh tra Bộ Quốc phòng và 11 năm làm tổng thanh tra Bộ Tư pháp, được các thành viên của cộng đồng thanh tra giám sát tín nhiệm bầu làm chủ tịch Ủy ban PRAC và được Quốc hội ủng hộ. Trong cộng đồng thanh tra, ông Fine nổi tiếng là người có tinh thần độc lập và cứng rắn. Để bảo đảm các báo cáo của PRAC không gây hại cho mình, ông Trump muốn thay thế chủ tịch PRAC bằng người thân cận và trung thành với ông. Ông Glenn Fine – mà ông Trump cho là người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm – có vẻ không phù hợp với mẫu người mà ông tin cậy.

Dân chủ phản đối

Ông Glenn Fine, quyền tổng thanh tra bộ Quốc phòng, đã bị loại khỏi chức chủ tịch Ủy ban PRAC giám sát việc thực thi đạo luật hỗ trợ kinh tế chống đại dịch coronavirus. Getty Images/WSJ

Và đó có thể là lý do mà vào tối thứ Hai 06-04 vừa qua, ông Glenn Fine bất ngờ nhận được thông báo của Tổng thống, theo đó ông Fine thôi chức quyền tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, bàn giao công việc cho ông Sean W. O’Donnell, hiện là tổng thanh tra Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) sang kiêm nhiệm; ông Fine trở về công việc của ông là Phó tổng thanh tra chính Bộ Quốc phòng. Khi không còn là quyền tổng thanh tra thì mặc nhiên ông Fine không còn có chân trong ủy ban PRAC và đương nhiên không thể đảm nhiệm chủ tịch ủy ban.

Hôm thứ Hai ông Trump cũng đề cử ông Jason Abend, cố vấn chính sách cao cấp của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) làm tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, song việc đề cử này còn phải được Thượng viện phê chuẩn sau một thời gian nữa.

Việc loại ông Glenn Fine khỏi cương vị chủ tịch Ủy ban PRAC đã gây phản ứng mạnh trong đảng Dân chủ.

Hôm thứ Ba 07-04, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Quốc hội, gọi việc cách chức ông Fine là “một phần của một xu hướng trả thù đáng lo ngại của tổng thống chống lại những người giám sát độc lập đang thực thi nhiệm vụ pháp định và ái quốc của họ là thay mặt người dân Mỹ để theo dõi, giám sát chính quyền”.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Hạ viện, Dân biểu Carolyn Maloney (Dân chủ, New York) gọi vụ cách chức ông Fine là một “vụ nhục mạ trực tiếp người đóng thuế Mỹ thuộc mọi xu hướng chính trị, những người muốn bảo đảm đồng tiền đóng thuế của mình không bị phí phạm vào những công việc vô ích, bất tài hoặc thiên vị chính trị”. “Tổng thống Trump đã có một hành động tấn công vào cơ chế Tổng Thanh tra để làm suy yếu sự giám sát cách phản ứng lộn xộn và kém cỏi của ông với cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus,” bà Maloney nói.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo khối thiểu số Thượng viện, hôm thứ Ba cũng ra tuyên bố: “Tổng thống Trump đang lợi dụng đại dịch coronavirus để loại bỏ những công chức trung thực và độc lập bởi vì họ muốn nói về sự thật và bởi vì ông ta sợ bị giám sát chặt chẽ”.

Chưa thấy phía Đảng Cộng hòa có phản ứng như thế nào trước các vụ cách chức của ông Trump.

Thiên vị và chống đối?

Ông Michael Atkinson, tổng thanh tra tình báo quốc gia, bị Tổng thống Trump cách chức vào thứ Sáu tuần trước. NYT

Cựu tổng thanh tra của cộng đồng tình báo, ông Michael Atkinson, bị Tổng thống Trump cách chức vào thứ Sáu tuần trước, cũng nói rằng ông bị ông Trump sa thải vì đã làm công việc của mình. “Thật khó để nghĩ rằng Tổng thống mất lòng tin vào tôi chỉ vì tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình như một Tổng thanh tra độc lập và không thiên vị, vì tôi cam kết sẽ tiếp tục làm như thế.”

Ông Atkinson là người đã báo với Quốc hội lời khai của một người tố giác cuộc điện đàm của ông Trump với tổng thống Ukraine dẫn tới cuộc điều tra của Quốc hội và vụ luận tội tổng thống. Ông Trump hôm thứ Bảy thì cho rằng, ông Atkinson đã “làm một việc kinh khủng, hết sức kinh khủng” là “lấy một bản báo cáo giả (fake) và trình nó cho Quốc hội”, vì thế ông Atkinson không có được “sự tin tưởng hoàn toàn” của ông.

Tổng thống cũng có giọng điệu tương tự khi nói tới Phó tổng thanh tra của bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, bà Christi A. Grimm, trong cuộc họp báo thường ngày của đội đặc nhiệm chống dịch Covid-19 hôm thứ Ba 07-04.

Văn phòng thanh tra bộ này đã làm cuộc khảo sát 300 bệnh viện tại Mỹ và ghi nhận tình trạng thiếu thốn trầm trọng các trang bị bảo hộ thiết yếu cho đội ngũ nhân viên y tế. Phát hiện của thanh tra bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã đi ngược lại những đánh giá lạc quan của ông Trump rằng trong việc chống dịch Covid-19, Mỹ đã thực hiện nhiều xét nghiệm hơn bất cứ quốc gia nào và tình trạng thiếu thốn trang bị y tế không quá trầm trọng như báo cáo.

Ông Trump đã nhiều lần nhận định mà không có chứng cứ rằng báo cáo của cơ quan giám sát bộ Y tế là có động cơ chính trị khi bị cật vấn rằng tình trạng thiếu thốn “trầm trọng” và “lan rộng” các trang thiết bị y tế cần thiết đang cản trở năng lực xét nghiệm và ứng phó với đại dịch coronavirus, cản trở việc bảo vệ đội ngũ y bác sĩ.

Hôm thứ Ba ông lại lên Twitter tố cáo bản báo cáo của bà Grimm là “hồ sơ giả” (fake dossiers).

Đạo luật CARES đòi hỏi lập thêm chức vụ tổng thanh tra đặc biệt của bộ Tài chính để giám sát việc thực thi chương trình cho vay ưu đãi tới các doanh nghiệp nhỏ, có giá trị khoảng 500 tỷ USD, liên kết với Ủy ban PRAC nói trên. Tổng thống Trump đã tỏ ý sẽ bổ nhiệm ông Brian Miller, hiện là luật sư Tòa Bạch ốc, vào cương vị này. Ông Miller từng làm tổng thanh tra dưới thời các Tổng thống Bush và Obama và được cộng đồng giám sát đánh giá cao, nhưng do hiện nay ông có vai trò quan trọng trong Tòa Bạch ốc nên nhiều người hoài nghi tính độc lập của ông ở cương vị tổng thanh tra tài chính.

Như vậy chỉ trong vài ngày, Tổng thống Trump đã cách chức hai tổng thanh tra, đề cử một tổng thanh tra mới và chê trách một phó tổng thanh tra – hầu hết có liên quan tới việc ứng phó với đại dịch coronavirus và gói cứu trợ kinh tế của chính phủ. Ông Trump cũng tiết lộ rằng các tổng thanh tra bị phế truất là những người được Tổng thống Obama bổ nhiệm, do đó có tư tưởng thiên vị, không công bằng đối với chính phủ của ông. Nhưng hồ sơ cho thấy, các ông Fine, Atkinson, bà Grimm đều là những công chức lão luyện trong nghề thanh tra, được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Bill Clinton hoặc George W. Bush và đã phục vụ cho các chính phủ của Dân chủ và Công hòa.

Phải bảo vệ cơ chế giám sát chính quyền

Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của ông từ lâu đã cáo buộc nhiều quan chức hành chính trong guồng máy rộng lớn của chính phủ liên bang, đặc biệt là các tổng thanh tra, âm mưu chống lại ông Trump và đội của ông.

Sau vụ luận tội mà trong đó một số viên chức hành chính nổi bật đã ra điều trần bất lợi cho ông Trump trước Hạ viện, các cố vấn của tổng thống khuyên ông nên đưa những người trung thành vào các chức vụ chủ chốt. Đầu năm nay, ông Trump đã đưa một trợ lý tin cẩn, ông John McEntee, làm trưởng văn phòng nhân sự của Tòa Bạch ốc, với nhiệm vụ tìm và xác định những viên chức ở các cơ quan chính phủ bị nghi là chống đối chương trình hành động của tổng thống, và tìm cách thay thế họ bằng những “Trump-fan”.

Thượng nghị sĩ Angus King (Độc lập, Maine) nhận xét: “Về căn bản, có một thông điệp được truyền đạt rõ ràng trong toàn bộ chính quyền Mỹ, tới các tổng thanh tra va mọi người khác, là đừng làm phật lòng anh chàng này (this guy), nếu không bạn sẽ mất việc. Thật là một ảnh hưởng ớn lạnh”!

Irvin McCullough, một nhà phân tích an ninh quốc gia, nhận định về trường hợp bị cách chức và sa thải của các ông Fine và Atkinson là: “Thông điệp gởi tới các cơ quan giám sát là rất rõ ràng: các bạn không an toàn đâu!”. Theo ông McCullough, Quốc hội Mỹ cần tạo ra cơ chế bảo vệ các tổng thanh tra độc lập trước các áp lực chính trị.

Theo luật, tổng thống nói chung có toàn quyền cách chức hay sa thải các tổng thanh tra, nhưng theo truyền thống thì ít khi tổng thống làm như vậy, vì các tổng thanh tra được coi là những người giám sát độc lập.

Nhìn thấy trước khả năng các tổng thống sẽ lạm dụng quyền cách chức mà Luật Tổng Thanh tra cho phép, từ năm 2008 Hạ viện đã thảo luận một dự luật chỉ cho phép tổng thống cách chức hoặc sa thải tổng thanh tra sau khi thông báo cho Quốc hội bằng văn bản và có lời giải thích rõ ràng về “nguyên nhân” sa thải hay cách chức; chẳng hạn như viên chức đó lạm dụng quyền lực, hành động sai trái, phạm tội đại hình hoặc suy đồi về đạo đức tư cách. Dự luật này bị Thượng viện bác bỏ và từ đó đến nay chưa có dự luật nào khác được bàn thảo.

Những vụ cách chức, sa thải, khiển trách trong hai ngày cuối tuần qua và đầu tuần này cho thấy vấn đề bảo vệ cơ chế tổng thanh tra hiện đã trở nên cấp thiết, bởi vì các tổng thanh tra sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ giám sát của người “cầm còi” nếu như lúc nào họ cũng nơm nớp lo sợ bị mất việc hoặc bị lăng nhục.

So với các chế độ chuyên chế, ưu thế của chế độ dân chủ tam quyền phân lập là cơ chế kiểm tra và cân bằng: các nhánh quyền lực của nhà nước kiểm tra giám sát lẫn nhau để ngăn chặn tình trạng tập trung quyền lực vào một chỗ dẫn tới độc tài. Thanh tra là yếu tố quan trọng nhất trong cơ chế kiểm tra và cân bằng đó. Nếu các tổng thanh tra không được làm việc độc lập mà luôn phải chiều theo ý thích của tổng thống, ai làm trái ý lãnh đạo thì sẽ bị mất việc, thì lúc đó cơ chế kiểm tra và cân bằng đã bị trục trặc. Và đó là một dấu hiệu nguy hiểm.

(theo CNN/NYT/WP và WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: