“30 năm đi kiện, còn gì là đời người?”

Ông Trịnh Dân Cường tại căn nhà chừng 10 m2 (107.64 square feet) ở Quận 6, Sài Gòn – Ảnh: VnExpress

Trong hoàn cảnh giống như “lấy trứng chọi đá” nhưng một ông ở Sài Gòn vẫn cương quyết theo đuổi vụ kiện Viện kiểm sát vì đã bắt giam oan ức ba anh em của ông, khiến một người tự tử trong tù, còn một người chết ngay sau khi ra tù vì bị nhục hình, bức cung.

Nguyên đơn là ông Trịnh Dân Cường (66 tuổi, ngụ quận 6, Sài Gòn) kiện Viện kiểm sát Quận 6 với yêu cầu được đình chỉ bị can, được xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Đơn kiện đã được tòa án cùng cấp thụ lý, theo tin VnExpress đăng ngày 29 Tháng Giêng 2023.

Theo hồ sơ vụ án, khuya 27 Tháng Hai 1985, Công an Quận 6 nhận trình báo mất trộm vàng và tiền tại nhà bà Cúc trên đường Bãi Sậy, phường 4. Ở bên cạnh nhà bị mất trộm, ông Cường cùng người anh vợ là Hồ Văn Được và người anh cột chèo Trần Đức Ẩn (anh rể vợ) bị nghi ngờ là thủ phạm, nên một ngày sau cả ba bị Công an Quận 6 bắt tạm giam.

Mặc dù cả ba anh em ông đều kêu oan, họ vẫn bị Công an Quận 6 bức cung ép nhận tội nên  đêm 8 Tháng Tư 1985, anh vợ của ông đã tự tử, chết tại trại giam Chí Hòa. Sau hơn hai tháng tạm giam anh em ông Cường, việc điều tra không có kết quả vì không tìm được chứng cứ buộc tội. Để hợp thức hoá việc bắt người trái pháp luật, thiếu tá Nguyễn Hữu Đô, đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an Quận 6 đã chỉ thị những cán bộ trong đội viết lệnh tạm giam và quyết định khởi tố bị can lùi lại một tháng trước ngày ông Được chết (ngày 9 Tháng Ba 1985), chuyển Viện kiểm sát Quận 6 phê chuẩn việc giam anh em ông Cường.

Sau cái chết của con trai, bà Đồng Thị Ba  – mẹ vợ ông Cường – đã làm nhiều đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và nhà cầm quyền. Với kết luận không có chứng cứ buộc tội, Viện kiểm sát có lệnh trả tự do cho ông Cường và Ẩn từ ngày 23 Tháng Tám 1985, nhưng mãi đến ngày 19 Tháng Chín 1985, Công an Quận 6 mới thả ông Ẩn, còn ông Cường bị chuyển lên trại giam Tống Lê Chân (Bình Dương) mà gia đình không hay biết.

Gần một năm sau khi được tha về, ông Ẩn qua đời vì bệnh. Bà Ba lại tiếp tục làm đơn khiếu nại việc các con mình bị bắt oan và tố cáo cán bộ điều tra bức cung, nhục hình khiến con trai và con rể chết oan, còn một người con rể (tức ông Cường) vẫn chưa rõ bị giam ở đâu. Ngày 3 Tháng Mười Hai 1986, Công an thành phố trả tự do cho ông Cường, với lý do ông không liên quan đến vụ trộm vàng, sau 21 tháng bị giam oan.

Sau đó, bốn công an và Viện kiểm sát Quận 6 bị Tòa án thành phố xét xử sơ thẩm năm 1989 và phúc thẩm năm 1990, tuyên phạt Nguyễn Hữu Đô 5 năm tù về các tội bắt giam người trái pháp luật; còn ba kẻ đồng phạm thì chỉ bị phạt cảnh cáo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bản án của tòa cũng xác định, ông Cường và hai người anh đã bị nhóm cán bộ trên bắt oan nhưng mãi đến nay (sau 36 năm) ông Cường vẫn chưa được các cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can, cũng như xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Ông Cường cho biết, sau khi ra tù đã gửi nhiều đơn thư khiếu nại đến các cơ quan tố tụng Quận 6 và Công an thành phố nhưng chỉ nhận được phiếu chuyển đơn chứ không cơ quan nào giải quyết.

Theo hướng dẫn của cán bộ tòa và được một số người trợ giúp, hai năm trước ông đã đi trích lục các bản án của Tòa án thành phố, liên quan đến việc xét xử các cán bộ gây oan sai cho mình, sau đó tiếp tục gửi đơn đến Viện kiểm sát Quận 6, yêu cầu bồi thường oan sai hơn 3 tỷ đồng ($127,770) và phục hồi danh dự.

Bình luận dưới bài viết, bạn đọc tungvominh1611 viết: “Quá bất công cho 1 kiếp người. Tên Đô làm tan nát 1 gia đình mà chỉ bị 5 năm tù thôi sao?”. Bạn Binhle trả lời “Chính xác là 3 gia đình, 2 mạng người!”, còn bạn đọc phuongrega thì an ủi: “Những người gây ra tội sẽ bị quả báo thôi”.

Những vụ án oan ở Sài Gòn và Việt Nam không có con số thống kê nhưng chắc chắn không chỉ có một vụ của gia đình ông Cường.

Hồi Tháng Giêng 2022, VnExpress cũng đăng bài “Giám đốc ở Sài Gòn hơn 30 năm kêu oan”, nêu thảm cảnh của ông Nguyễn Thành Công (69 tuổi, hiện trọ tại quận 10), từng là giám đốc công ty Bình Trọng Kỹ Thương (Bitroco, quận 5) chỉ vì vay nợ tiền làm ăn của Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện mà bị gài mất nhà, mất cơ nghiệp, đi tù sáu năm. Năm 1996, ông Công ra tù và bắt đầu hành trình kêu oan, đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Thành Công tại nhà trọ rộng hơn 10 m2 (107.64 square feet) tại Quận 10 – Ảnh: VnExpress

Gần 20 năm trước, Công an thành phố từng tiếp nhận đơn thư khiếu nại của ông Công và kết luận, một số cá nhân thuộc Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện và người liên quan có “dấu hiệu vi phạm pháp luật” và việc phát mãi căn nhà của ông Công là “trái luật”. Tuy nhiên đến nay, ông Công chưa được cơ quan tố tụng nào chính thức minh oan. “Ngày ra tù tôi chỉ còn hai bàn tay trắng, phải ngủ gầm cầu, xin đồ ăn sống qua ngày để đi kêu oan” – nạn nhân nói.

Người vợ hiện tại sống cùng ông từng bán bánh mì trước cổng bệnh viện Bình Dân, thấy tình cảnh đáng thương của ông đã gá nghĩa với ông và đến nay bà tiếp tục kêu oan hộ ông, sau khi ông bị di chứng đột quỵ, đi lại và nói năng khó khăn.

Bình luận dưới bài, bạn đọc Thiên Ân kêu lên: “30 năm, còn gì là đời người? Thôi thì chiến đấu đến cùng vì đời con cháu, vì danh dự. Chúc ông khỏe mạnh sớm đòi được công lý, để phần sau của cuộc đời còn được chút an ủi”. Công lý ở Việt Nam, có khi phải trả giá bằng mạng sống mà vẫn ở tận đâu đâu, kêu trời không thấu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: