35 người ở An Giang bị ngộ độc vì ăn chè phát miễn phí trong ngày rằm

Một trong 4 ca ngộ độc nặng vì ăn chè từ thiện nhân rằm Tháng Giêng đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang – Ảnh: Vietnamplus

Nhân rằm Tháng Giêng, một bà nấu chè phân phát miễn phí cho dân trong thôn xóm và cuối cùng có 35 người bị ngộ độc phải cấp cứu ở bệnh viện.

Chuyện xảy ra ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong số 35 người, có 31 bệnh nhân (8 nam, 23 nữ) điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới; 4 bệnh nhân bị nặng phải chuyển lên bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, trong đó có 2 bệnh nhân suy đa cơ quan, phải lọc máu và điều trị hồi sức tích cực, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Số người có triệu chứng nhẹ phải mua thuốc uống điều trị tại nhà là 53 người.

Triệu chứng ngộ độc của họ là đau bụng, tiêu chảy, ói mửa và sốt,  sau khi ăn chè đậu trắng do bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (44 tuổi, ngụ xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) nấu vào chiều ngày 3 Tháng Hai. Sáng 4 Tháng Hai (nhằm ngày 14 Tháng Giêng âm lịch) bà phát miễn phí cho người dân ấp Long Hòa 2, không rõ số lượng, như một kiểu từ thiện nhân rằm Tháng Giêng. Theo bà Tuyết, nguyên liệu nấu chè gồm: Đậu trắng, nếp,  dừa nạo sẵn và đường cát.

Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới đã lấy mẫu chè kiểm nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân gây ngộ độc. Trong các thành phần của chè đậu trắng, thứ đáng nghi ngờ nhất là nước cốt dừa, vì chỉ cần bảo quản không đúng cách là bị ôi thiu.

Đây không phải lần đầu tiên các món ăn phát miễn phí (hay còn gọi là đồ ăn từ thiện) gây ngộ độc cho người nhận (hầu hết là người nghèo). Cuối năm 2019, hơn 100 người tại Lâm Đồng (trong đó có 85 trẻ em dưới 10 tuổi, nhỏ nhất 13 tháng tuổi) đã phải cấp cứu tại bệnh viện vì ngộ độc thực phẩm… sau khi ăn đồ từ thiện. Zing News đưa tin chiều 30 Tháng Mười Hai 2019, 250 người dân thôn Thực Nghiệm, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nhận đồ ăn của một nhóm từ thiện đến từ Sài Gòn, bao gồm cháo dinh dưỡng, mì tôm, xúc xích, trứng ốp la, rau cải ngọt, sữa và dầu ăn.

Hơn 100 người, trong đó có 85 trẻ em dưới 10 tuổi, bị ngộ độc thực phẩm do một đoàn từ thiện phân phát ở Lâm Đồng hồi cuối Tháng Mười Hai 2019 – Ảnh: cand.com.vn

Zing News dẫn lời ông Đinh Đức Chí, Phó chủ tịch ủy ban huyện Lâm Hà, cho biết đoàn từ thiện ở Sài Gòn đã tự liên lạc với một người dân ở thôn Thực Nghiệm để nấu đồ ăn và cho trẻ em uống sữa, không báo cho nhà cầm quyền địa phương.

Ngày 4 Tháng Mười Hai 2020, 150 người thuộc hai làng nghèo, có bệnh nhân phong cùi ở xã  La Phang và La Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cũng bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu tại bệnh viện sau khi ăn xôi được phân phát từ đoàn từ thiện đến từ Cần Thơ. Phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ huyện, đoàn từ thiện đã tặng gạo, mì tôm, sữa, bột ngọt, mền và quần áo cho người dân, trong đó có một phần xôi được nấu trưa ngày 3 Tháng Mười Hai (trước một ngày) bao gồm nếp, đậu xanh, nước dừa, đường, muối và lá dứa.

Ngày 14 Tháng Giêng 2021, 100 học sinh ở trường tiểu học dân tộc bán trú Hữu Vinh (xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) bị đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, đau đầu… sau khi ăn đồ ăn do đoàn từ thiện đến từ Hà Nội phát. Đồ ăn từ thiện được chuẩn bị từng phần, bao gồm: Bánh chưng, chả lụa (heo), bánh gạo Tràng An, sữa hộp nhãn hiệu Milo.

Làm từ thiện mà không kỹ lưỡng chọn lựa quà tặng như thế này đúng là mang thêm tội vào người.

Ở Việt Nam nhiều năm nay có rất nhiều cá nhân ở các thành phố lớn tự hình thành các hội, nhóm… đi quyên góp tiền, thực phẩm, thức uống… để tặng cho dân nghèo sống tại những tỉnh, thành xa xôi. Đó là ý định tốt nhưng phần lớn đều không có quy chuẩn chung về quà tặng, mà theo kiểu xin được cái gì thì cho cái nấy (phần lớn các công ty tài trợ quà từ thiện thường chỉ cho những loại bán ế hoặc còn hạn sử dụng thấp – dưới 6 tháng). Phần quà mà đoàn từ thiện tự đi mua, tự chuẩn bị… thì họ cũng chọn loại rẻ tiền để có số lượng lớn phân phát cho nhiều người. Đây là lý do mà các phần ăn phân phát miễn phí không kiểm soát được phẩm chất, gây ngộ độc.

Một trong những bệnh viện ở Sài Gòn đón nhận nhiều quà từ thiện nhất cho trẻ em hơn 10 năm nay là bệnh viện Ung Bướu thành phố ra quy định rõ ràng: Không nhận thực phẩm và thức uống nấu nướng thủ công, không có nhãn hiệu và bao bì; các loại quà ăn uống phải có nhãn hiệu, đóng bao bì kín và hạn sử dụng trên 6 tháng. Trước khi phát cho trẻ em bị ung thư, các đoàn từ thiện phải đem quà đến phòng công tác xã hội kiểm tra, không đạt là phải mang về. Chính vì đặt ra tiêu chuẩn về quà tặng, bệnh viện bảo vệ các bé bị ung thư khỏi chứng ngộ độc thực phẩm, một loại bệnh bất chợt có thể làm gián đoạn tiến trình chữa trị của các bé.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: