V-280 Valor, trực thăng mà không phải trực thăng

V-280 Valor (Bell Helicopter)

Loại trực thăng mới V-280 Valor của công ty Bell sẽ trở thành phương tiện vận chuyển tấn công thế hệ tiếp theo của Lục quân Mỹ (Army). Đây là phiên bản mới nhất của loại máy bay dùng công nghệ cánh quạt nghiêng để thay thế hoàn toàn thế hệ trực thăng UH-60 Blackhawk không còn thích nghi với chiến tranh hiện đại.

Cột mốc 2030          

V-280 Valor sẽ trở thành máy bay tấn công tầm xa trong tương lai của Lục quân Mỹ. V-280 đánh dấu một bước nhảy vọt về khả năng so với trực thăng tấn công hiện có UH-60 Blackhawk. Nguyên mẫu Valor đầu tiên sẽ bay vào năm 2025 và chính thức đưa vào tác chiến từ năm 2030. Lục quân Mỹ đã chọn loại máy bay cánh quạt nghiêng (tiltrotor aircraft) để đáp ứng chương trình Máy bay tấn công tầm xa tương lai (Future Long Range Assault Aircraft-FLRAA) mà mục tiêu là nâng cao hiệu suất chiến đấu và giành lợi thế trước đối phương so với UH-60 Blackhawk hiện có.

V-280 Valor bay nhanh hơn và xa hơn Blackhawk, tăng khả năng cơ động của Lục quân Mỹ trên chiến trường. Trong hơn 40 năm, Lục quân Mỹ phải dựa vào UH-60 Blackhawk làm máy bay trực thăng tấn công hạng trung.

Được phát triển từ năm 1979 để thay thế cho trực thăng UH-1 Iroquois cũ thời Chiến tranh Việt Nam, UH-60A Blackhawk lần đầu tiên xuất kích trong cuộc đổ bộ của lực lượng Mỹ vào Grenada năm 1983 và sau đó có mặt trong mọi cuộc xung đột có Mỹ can dự mà nổi tiếng nhất là trận phục kích đẫm máu của phiến quân Somalia, trở thành đề tài cho bộ phim “Blackhawk”. Phiên bản hiện đại phổ biến nhất hiện nay của Blackhawk là UH-60M chở được 11 binh lính và bay với tốc độ 163 dặm/giờ trong cự ly tối đa 225 dặm đi và về. Nhưng UH-60 không tải có thể bay xa 1,071 dặm để di tản binh lính.

Được phát triển từ năm 1979 để thay thế UH-1 Iroquois thời Chiến tranh Việt Nam, UH-60A Blackhawk lần đầu tiên xuất kích trong cuộc đổ bộ của lực lượng Mỹ vào Grenada năm 1983 (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Xa hơn và nhanh hơn

Sau bốn thập niên lệ thuộc vào Blackhawk, Lục quân Mỹ quyết định đã đến lúc cần có một loại trực thăng tấn công tầm xa mới. Để tận dụng những tiến bộ mới nhất trong công nghệ hàng không, Lục quân nhận ra cần phải chuyển sang một thiết kế mới, một thiết kế không dành cho trực thăng theo khái niệm cũ.

Popular Mechanics cho biết, chương trình FLRAA xây dựng mẫu thiết kế mới thay thế cho UH-60 Blackhawk thậm chí không còn sử dụng từ “trực thăng” vì tính hạn chế và không chính xác của cách gọi này. Hai ứng cử viên hàng đầu là máy bay Sikorsky-Boeing SB-1 Defiant (mang tính truyền thống hơn, với hai cánh quạt chính đồng trục và một động cơ đẩy phía sau); và máy bay cánh quạt nghiêng V-280 Valor (tương tự V-22 Osprey của Thủy quân lục chiến, Hải quân và Không quân). Cuối cùng V-280 chiến thắng, được chương trình FLRAA chọn.

Bell Boeing V22 Osprey cũng là loại trực thăng quân sự dữ dằn của quân đội Hoa Kỳ (ảnh: Mindy Schauer/MediaNewsGroup/Orange County Register via Getty Images)

V-280 cất cánh và hạ cánh với các cánh quạt nghiêng lên phía trên, giống như trực thăng, nhưng sau đó xoay 90 độ về phía trước, giống máy bay cánh cố định chạy bằng cánh quạt truyền thống. Cách vận hành này cho phép V-280 cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, tương tự trực thăng, nhưng bay nhanh hơn và tận dụng hiệu suất nhiên liệu cao hơn của máy bay cánh cố định. Kết quả, hiệu suất tác chiến của V-280  tăng lên đáng kể.

V-280 có số 280 vì hãng Bell muốn đạt được mục tiêu của Lục quân về tốc độ bay 280 hải lý/giờ, gần gấp đôi so với UH-60. Nhưng nó thực sự đạt tốc độ 305 hải lý/giờ. Ngoài ra, V-280 chở được 14 binh sĩ, tăng đáng kể so với giới hạn ba người của UH-60 và có phạm vi tác chiến từ 500 đến 800 hải lý (còn phạm vi tự triển khai không tải là 2,400 dặm), tức là nhanh và xa gấp đôi so với Blackhawk.

Những lợi thế của V-280

Tốc độ và phạm vi hoạt động của V-280 sẽ giúp tăng khả năng tấn công trên không của Lục quân trên chiến trường. Máy bay nhanh hơn nên đến đích sớm hơn, cho phép lực lượng tấn công trên không giành thế chủ động từ kẻ thù. Hãy tưởng tượng V-280 đến mục tiêu 322 dặm nhanh như thế nào với tốc độ 280 hải lý (322 dặm/giờ). Trong khi lực lượng cơ giới địch dùng xe tăng T-90 và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 di chuyển với tốc độ 32 dặm/giờ phải mất 10 giờ mới đến mục tiêu ở cùng một khoảng cách.

Rõ ràng, Valor đến mục tiêu trước 9 giờ. Phạm vi hoạt động tăng cũng là một điểm cộng lớn. V-280 bay xa hơn nên cần ít điểm tiếp nhiên liệu hơn. Để chống lại kẻ thù dùng vũ khí tầm xa, như hệ thống tên lửa phóng loạt BM-27 Uragan của Nga, V-280 có thể vọt khỏi ngoài tầm bắn của hỏa tiễn địch trong khi vẫn thực hiện hoàn hảo các nhiệm vụ được giao.

Phạm vi hoạt động của máy bay tăng lên cũng sẽ cho phép V-280 thực hiện các nhiệm vụ trên Biển Đông, di chuyển nhanh từ hòn đảo này sang hòn đảo khác hoặc xuyên châu Âu một cách nhanh chóng. V-280 cũng có thể được điều khiển tự động theo yêu cầu. Năm 2020, một chiếc V-280 thử nghiệm tự động đã hoàn tất đầy đủ chế độ bay, từ khi cất cánh đến hạ cánh mà phi công không phải điều khiển gì cả. Lục quân Mỹ tin rằng bay tự động sẽ cho phép máy bay tự thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế thông thường trong lúc phi hành đoàn nghỉ ngơi.

Những chiếc Blackhawk già nua đã đến tuổi nghỉ hưu (ảnh: Michael Ciaglo/Getty Images)

Trực thăng có còn là vũ khí nguy hiểm trên mọi chiến địa?

Cuộc chiến ở Ukraine chứng tỏ các máy bay trực thăng kiểu cũ đã mất ưu thế trên chiến trường, với tổng cộng 81 chiếc bị phá hủy dễ dàng ở cả hai bên. Vậy có bất kỳ điểm mạnh nào của V-280 sẽ tạo đà phát triển các loại máy bay trực thăng/máy bay tấn công thế hệ mới trong chiến tranh hiện đại? Tổn thất trực thăng cho thấy tiền tuyến đã trở nên quá nguy hiểm đối với chúng, do các tên lửa phòng không vác vai như FIM-92 Stinger.

Lực lượng tấn công trên không sẽ phải chuyển sang vai trò truyền thống của kỵ binh trên chiến trường: Đổ bộ xuống cách mục tiêu vài dặm, ngoài tầm bắn hỏa tiễn, thay vì đổ bộ trực tiếp xuống mục tiêu. Trước yêu cầu này, phạm vị hoạt động xa và bay nhanh của V-280 là lợi thế rõ ràng; vì xét cho cùng, nếu lính Mỹ có thể đến gần mục tiêu trước kẻ thù 9 giờ, họ vẫn còn nhiều thời gian để đi bộ đến mục tiêu.

Ba chiếc V-280 có thể chở 42 lính và bay nhanh hơn cũng như xa hơn gấp đôi UH-60 Blackhawk (Bell Helicopter)

Phiên bản tác chiến của V-280 sẽ hoàn tất việc tiếp quản công nghệ cánh quạt nghiêng ưu việt của quân đội Hoa Kỳ. Thủy quân lục chiến, Hải quân và Không quân đã có các phiên bản cánh quạt nghiêng V-22 Osprey. Lực lượng Mỹ duy nhất chưa có là Lục quân (Army) và V-280 sắp trám chỗ trống. Ưu điểm của cánh quạt nghiêng lớn đến mức có thể Ngũ Giác Đài sẽ không bao giờ mua một trực thăng có cấu hình thông thường nào nữa, ngoại trừ dùng cho Cảnh vệ biển (Coast Guard).

V-280 Valor có thể sẽ không giữ tên gọi V-280 vì tên gọi không đúng với hiệu suất. Nó cũng sẽ không giữ tên Valor vì theo truyền thống của quân đội Mỹ, các máy bay trực thăng được đặt tên theo các bộ lạc bản địa, với sự đồng ý của bộ lạc đó. Có lẽ V-280 sẽ có tên mới vào năm 2025 khi chiếc nguyên mẫu đầu tiên cất cánh như dự kiến.

____________

V-22 Osprey ra đời như thế nào?

F-35 – Đỉnh của đỉnh!

Blog quốc phòng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: