55% số tiền kiếm được nhờ gian lận trên YouTube là từ Việt Nam

10 kênh YouTube Việt Nam có nhiều khán giả, trong đó có kênh Thơ Nguyễn nằm trong Blacklist của Bộ 4T – Ảnh chụp màn hình vn.noxinfluencer cập nhật ngày 28 Tháng Năm 2023

Người Việt Nam hiện “đứng đầu” thế giới về lạm dụng không gian mạng để gian lận, vi phạm luật, đó là thừa nhận của thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông (4T) Nguyễn Thanh Lâm.

VnExpressVietnamNet đưa tin ông Lâm công bố điều này tại hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN) sáng 27 Tháng Năm 2023 ở Sài Gòn.

Nguyên văn ông Nguyễn Thanh Lâm nói: “Cứ 100 đồng kiếm được từ hành vi gian lận trên YouTube, có 55 đồng của người dùng Việt Nam. Chúng ta đứng đầu danh sách vi phạm bản quyền. Có kênh livestream bóng đá lậu như Xôi Lạc TV. Có kênh lại mua phim đồi trụy của Nhật Bản, cắt thành nhiều phim ngắn rồi đóng gói, bán cho khán giả Mỹ”.

Ông Lâm còn cho biết quốc gia đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng cũng chỉ kiếm được 5% thu nhập vì gian lận, bằng một phần mười Việt Nam, có nghĩa đây là một kỷ lục chả có gì vẻ vang, vì phơi bày thực trạng người dùng Việt đang lạm dụng không gian mạng để vi phạm đạo đức, pháp luật với mục đích kiếm tiền hoặc mục đích khác.

Ví dụ, người Việt sản xuất nội dung vi phạm bản quyền, lấy nội dung người khác làm ra rồi đăng tải lại lên YouTube; mua phim sex Nhật Bản, chia thành những clip nhỏ, lập kênh YouTube, rồi bán cho khán giả Mỹ; hoặc livestream trận bóng đá có bản quyền thuộc về các đài truyền hình, từ đó thu hút lượt xem, để quảng cáo cờ bạc.

Một quảng cáo thuốc sai phạm xuất hiện trên YouTube tại Việt Nam – Ảnh chụp màn hình của VnExpress

Như vậy, người Việt đang làm ăn, kiếm sống, xây dựng tên tuổi, tương lai cho mình trong một hệ sinh thái thật giả lẫn lộn. Một phần trách nhiệm thuộc về các nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook khi không kiểm soát được nội dung, người dùng trên nền tảng. Nhưng các công ty cũng có trách nhiệm khi vẫn chi tiền quảng cáo trong những video có “nội dung bẩn”.

Theo ông Lâm, Việt Nam cần có trách nhiệm “làm sạch hệ thống này” bằng cách tăng cường xử phạt các nhãn hàng đưa nội dung quảng cáo lên những kênh xấu độc. Còn đại diện một số công ty quảng cáo cho rằng rất khó nhận biết kênh nào được phép gắn quảng cáo, kênh nào không.

Do đó, họ cần một danh sách những kênh “đã được xác thực” (Whitelist) trên mạng, để có thể quảng cáo mà không bị phạt. Ông Lâm hứa hẹn sẽ công bố cả “Whitelist” lẫn “Blacklist” trên YouTube để các công ty cân nhắc lựa chọn. Đây là một trong những giải pháp mới của Bộ 4T nhằm tăng cường việc quản lý quảng cáo trên internet.

“Whitelist” mới được Bộ 4T công bố vào trung tuần Tháng Ba 2023. Trước đó, năm 2022, Bộ 4T đã công bố hơn 170 website vi phạm pháp luật, nằm trong “Blacklist”, đa số là website cá độ bóng đá, casino trực tuyến và vi phạm bản quyền.

Đáng chú ý, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ 4T đang làm việc với các hãng Samsung, LG, Sony, TCL, Casper… để yêu cầu nhà sản xuất tivi thông minh không cài đặt ứng dụng vi phạm pháp luật. Ông Lâm đe dọa: Nếu YouTube không chặn, hạ nội dung xấu độc, tin giả mà cứ để trẻ em, người già ở nhà bấm xem thì Bộ 4T sẽ cấm đưa YouTube lên tivi thông minh bằng cách vô hiệu hóa nút bấm YouTube trên điều khiển của tivi.

Tuần trước, Apple thông báo gỡ hơn 8,000 ứng dụng vi phạm có nguồn gốc Việt Nam, trong đó, có 2,800 ứng dụng là gian lận, không ít ứng dụng về nội dung.

Các bộ phim nổi tiếng của Hollywood xuất hiện trên các website cho xem phim miễn phí của Việt Nam – Ảnh chụp màn hình của Vneconomy

Vneconomy ngày 27 Tháng Chín 2022 cho hay, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang các website thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Theo đó, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.

Các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như: Thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; copy nguyên trạng nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên internet.

Theo báo cáo của Media Partners Asia, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra doanh thu $249 triệu năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.

Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15.5 triệu năm 2022, làm thất thoát $348 triệu, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: