6,000 công nhân gia công sản xuất giày ở Sài Gòn sẽ bị mất việc

Công nhân làm việc ở khu C của công ty PouYuen Việt Nam, nơi có nhiều lao động bị cắt giảm – Ảnh: Vnexpress

3,000 công nhân sẽ bị sa thải và 3,000 công nhân khác sẽ không được gia hạn hợp đồng vì “rất ít đơn hàng sản xuất trong năm 2023”.

Đó là tin buồn từ PouYuen Việt Nam, một chi nhánh của Tập đoàn Pou Chen có trụ sở chính tại Đài Loan, chuyên sản xuất giày cho Nike và adidas tại quận Bình Tân, Sài Gòn. Công ty này có hơn 50,000 công nhân viên, có nguồn lao động lớn nhất ở Sài Gòn. Quyết định sa thải và chấm dứt hợp đồng sẽ hiệu lực từ cuối Tháng Hai 2023 nhưng số công nhân này vẫn sẽ được trả lương cho đến khi họ nhận được trợ cấp thất nghiệp.

Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ PouYuen cho biết số lao động bị cắt giảm thuộc nhóm phải nghỉ chờ việc, nghỉ luân phiên, do một nhãn hàng giày ngưng đơn hàng từ năm 2022. Dù đã nỗ lực, công ty vẫn không có đủ công việc cho số lượng lớn lao động, cũng không dự báo được tình hình đơn hàng, nên buộc phải giải tán một số dây chuyền thuộc khu C và D.

Thời điểm đại dịch Covid-19, công ty PouYuen Việt Nam cũng đã giảm khoảng 2,000 lao động. Công ty đã trả trợ cấp cho mỗi năm làm việc của người lao động một tháng lương, kể cả thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, từ năm 2009 đến 2020.

Về chính sách cho 3,000 lao động sắp bị nghỉ việc cuối Tháng Hai, công ty cũng dự định chi trả trợ cấp thôi việc cho công nhân tương tự như năm 2020. 

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong Quý 4/ 2022, các đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ giảm từ 30 – 40% và từ châu Âu giảm 60% so với năm ngoái. Sự cắt giảm chi phí sinh hoạt của châu Âu và Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động Việt Nam – quốc gia vốn dựa vào tiềm năng xuất cảng từ các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc (FDI). 

Theo Bộ Lao động- thương binh & xã hội Việt Nam, trong năm 2022 có hơn 630,000 lao động trong nước bị mất việc làm hay bị giảm giờ làm.

Đồ họa của Vnexpress về số lao động Việt Nam đang bị các công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội, khiến nhiều người lao động bị mất việc không lãnh được tiền trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp 1 lần sau một năm nghỉ việc

Vnexpress ngày 21 Tháng Hai 2023 cho biết theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022, Việt Nam có hơn 2.13 triệu lao động bị công ty chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440,800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213,400 người bị “treo” quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp vì công ty đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH không thu hồi được. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17.4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. 

Tổng cộng, cả nước có 2.79 triệu lao động đang bị công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ một tháng trở lên. Hà Nội dẫn đầu về tỷ lệ công ty chậm đóng BHXH, kế đến là Sài Gòn, Hải Phòng, Cà Mau và Đăk Nông.

Các công ty FDI vốn là “xương sống” của nền kinh tế dựa vào xuất cảng của Việt Nam, đang bộc lộ những điểm yếu. 

Dân Việt ngày 16 Tháng Giêng 2023 cho biết Lotte, PouYuen và Long Well là ba công ty FDI lỗ nặng trong hai năm 2020-2021, theo báo cáo tài chính năm 2021 về doanh nghiệp FDI của Bộ Tài chính.

Trong số đó, mặc dù doanh thu cao, PouYuen Việt Nam vẫn bị lỗ sau thuế, số lỗ năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2020, số lỗ của PouYuen Việt Nam là 811 tỷ đồng ($34 triệu), sang năm 2021 số lỗ của doanh nghiệp này là hơn 1,131 tỷ đồng ($47.5 triệu).

Vì thế, nộp ngân sách nhà nước của PouYuen Việt Nam năm 2020 là 99 tỷ đồng ($4.1 triệu), sang năm 2021 chỉ còn 29 tỷ đồng ($1.2 triệu).

Theo Bộ Tài chính, dù có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn sử dụng vốn bằng vay nợ, đóng góp ngân sách chưa cao.

Cụ thể, dù tăng trưởng tổng tài sản của doanh nghiệp FDI năm 2021 so với năm 2020 tăng trên trên 13%, song tốc độ tăng của nợ phải trả của doanh nghiệp FDI cũng cao 14.7%. Bộ Tài chính nhận định sự mở rộng tài sản của doanh nghiệp FDI đến từ khoản nợ nhiều hơn là từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, dù số nộp ngân sách năm 2021 của khu vực FDI tăng 9.3% so với năm 2020 song tốc độ tăng nộp ngân sách của FDI chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận sau thuế, cho thấy: Mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: