Ăn chưa hết chén cháo…

Xuân Bắc (ảnh: VTV)

Kẻ đó là Xuân Bắc, một Đảng sĩ của chế độ cộng sản Việt Nam.

Ngày mùng 2 Tết, một mẩu đăng trên trang Facebook do anh này viết như một “truyện ngụ ngôn” tân thời có tên “Cái tát của mẹ” ngụ ý xỉ vả những người chê chương trình Táo quân, giống như người con trai không biết gói bánh chưng nhưng năm nào cũng chê bánh chưng mẹ mình gói, dù vẫn ăn “tụt lưỡi”. “Ngụ ngôn” của Xuân Bắc đăng tải hai ngày sau khi chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2023 được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Mặc dù đang “bận rộn” việc Tết nhất nhưng cộng đồng mạng vẫn bị cái sự “ăn cháo đá bát” của Xuân Bắc làm cho phẫn nộ. Anh ta đã trịch thượng ngồi trên đầu khán giả, đa phần là miền Bắc, và dạy dỗ cách biết ơn người đã mang đến cho mình việc giải trí hàng năm trong khi chê bai vai diễn, kịch bản của anh ta và đồng bọn là hành động mà anh ta gọi là “ăn cháo đá bát”.

Vấn đề lớn nhất ở đây là anh ta nói ngược, mà dân gian thường gọi là ăn nói ngược ngạo. Cháo ở đây là anh ăn từ người xem ban phát, cái chén anh ta đang cầm là thời gian vàng ngọc của người xem. Việc anh ta lên sân khấu vốn được người xem chấp nhận và trả tiền còn vỗ tay hay chê bai là do sự rèn luyện, động não của chính anh ta chứ không ai khác.

Khi nghe được thông tin này, không ít người miền Nam vốn hiếm khi xem cái kịch bản sặc mùi cộng sản tuyên truyền này đã tòm mò vào YouTube mở lại chương trình “Gặp nhau cuối năm 2023 Quý Mão” để xem tại sao khán giả lại chê bai đến như thế, thì hỡi ơi, chê như vậy là nương tay, là còn nhân đạo, còn miễn cưỡng và nhất là còn thương hại cho cái êkíp làm chương trình kia, nếu không chỉ cần mỗi một chữ “vất”.

Một kịch bản dài đúng hai giờ đồng hồ nhưng không xuyên suốt, quàng xiên hết râu ông nọ cắm cằm bà kia tới hổ lốn tả pí lù. Những mẩu chuyện ngăn ngắn không ra đầu ra đũa được thể hiện với cách diễn phùng mang trợn má, hét toáng thô thiển, tấu hài không cần nội dung, xiêm y rặt mùi… Bắc Kinh. Toàn bộ kịch bản được chắp vá vụng về và nội dung hầm bà lằng chẳng ra đầu ra đuôi gì cả. Đáng lý nó phải nhắm vào hai câu chuyện lớn nhất trong năm là “Chuyến bay giải cứu” và “Test kit” thì người xem bị dẫn dắt tới những chuyện phấn son, đàng điếm.

Vậy làm sao mà khán giả không phản đối cho được! Rất may cho khán giả miền Nam vì họ còn nhiều show khác tương đối “lành mạnh” hơn trong những ngày cuối năm, nếu không thì không biết cơn hồng thủy còn dữ dội đến bao nhiêu nữa. Người dân vốn dĩ hòa vi quý nhưng cũng thắc mắc tìm hiểu xem Xuân Bắc là ai mà dám ngạo nghễ đến như vậy. Nếu biết vài chi tiết về nhân thân anh hề này, chắc không ai trong chúng ta lại bỏ công phản biện, thậm chí chửi bới anh ta đến thế. Anh ta là một Đảng viên cao cấp, một Đảng sĩ trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam, một con cưng của Ban Tuyên giáo và cũng là một dư luận viên tầm cỡ.

Đảng viên vì anh ta là một Ủy viên của Hội đồng Trung ương khóa VIII Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Anh ta cũng là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII. Đảng sĩ vì anh ta được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2016; rồi sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.

Với những chức vụ “quan trọng” như thế làm sao anh ta nín nhịn được khi bị khán giả chê bai kịch bản Táo quân năm Quý Mão do anh ta biên soạn? Anh ta giống như rất nhiều quan lại khác càng cao chức tước càng khinh bỉ dân. Anh ta theo gương chửi dân của Tổng Bí Thư khi ông này nói “Đất nước ta có bao giờ được như thế này chưa?”. Ai cũng biết đất nước đang gặp biết bao khó khăn tụt hậu nhưng ông TBT nói ngược lại với thực tế, vậy không phải là chửi dân hay sao! Xuân Bắc không phải là trường hợp ngoại lệ. Bên cạnh anh ta là rất nhiều những vai “diễn” đang được hệ thống chính trị nâng đỡ, hay ít ra cũng tạo cơ hội nâng đỡ. Họ là những Đảng sĩ đầy kinh nghiệm trong việc loan tải những cung bậc ru ngủ người dân bằng những kịch bản được che đậy qua cách tấu hài rẻ tiền, những kịch bản không hơn Táo quân là mấy.

Nhưng bọn này không hề sợ khán giả tẩy chay vì suy cho cùng chúng không kiếm tiền từ khán giả mà kiếm tiền từ nhà nước. Những chương trình trên VTV không ai phê duyệt độ chấp nhận của khán giả mà chỉ chú trọng “mục tiêu chính trị” của chúng có làm ảnh hưởng đến nhận thức của quần chúng hay không. Chúng luôn muốn dạy dỗ người khác nhưng chúng lại là những kẻ mất dạy nhất trong số những kẻ mất dạy trong hệ thống của chúng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: