Anh điều tra vụ bà Thảo VietJet tặng $186 triệu cho ĐH Oxford

Một góc trường Linacre College thuộc hệ thống Đại học Oxford. Để nhận được 155 triệu bảng Anh từ tỷ phú Việt Nam Nguyễn Phương Thảo, trường Linacre phải đổi tên thành Thảo College. Ảnh facebook trường Linacre College.

Tờ Telegraph của Anh hôm nay đưa tin Bộ Đại học Anh đang điều tra vụ trường Cao đẳng Linacre thuộc Đại học Oxford danh tiếng nhận món quà 155 triệu bảng Anh ($186 triệu) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ công ty hàng không VietJet Air của Việt Nam – mà tờ báo gọi là hãng hàng không “bikini” – trong bối cảnh lo ngại về mối liên hệ của bà này với chính phủ cộng sản ở trong nước.

Vụ tặng quà hào phóng này diễn ra năm ngoái khi bà Thảo tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Anh quốc dự hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu, nhưng tin tức về vụ việc nhanh chóng bị chìm lấp dưới vô số thông tin về vụ “ăn thịt bò dát vàng” của Bộ trưởng Công an Tô Lâm – một thành viên khác trong phái đoàn của chính phủ Việt Nam.

Khi đó, trường Cao đẳng Linacre thông báo để đổi lấy “món quà mang tính bước ngoặt” trị giá 155 triệu bảng Anh từ tập đoàn Sovico – công ty mẹ của hãng hàng không VietJet – trường sẽ đổi tên thành trường Cao đẳng Thảo, được đặt theo tên của nữ chủ tịch công ty, Nguyễn Thị Phương Thảo. Hai bên đã ký một Biên bản ghi nhớ (Memorandum of Understanding – MoU), theo đó việc đổi tên trường sẽ được thực hiện ngay sau khi bên Sovico chuyển cho trường 50 triệu bảng Anh đầu tiên của khoản biếu tặng.

Đang “tích cực điều tra” 

Bà Michelle Donelan, Bộ trưởng các trường đại học Anh, cho biết việc đóng góp hiện đang được Chính phủ Anh “tích cực điều tra”. 

Thông tin của bà Donelan được đưa ra trong một cuộc họp của Viện Thứ Dân – Commons, tức Hạ viện Anh – tranh luận về dự luật giáo dục đại học. Nghị sĩ Julian Lewis, của đảng New Forest East, đã nêu lên mối lo ngại về khoản đóng góp và tác động có thể có của nó đối với quyền tự do ngôn luận trong đại học Anh và việc đổi tên một trường đại học thuộc hệ thống Oxford sang tên của người phụ nữ chủ một công ty “hết sức gần gũi với chính phủ cộng sản Việt Nam”. Ông Lewis chỉ ra rằng việc đổi tên trường đại học phải được Hội đồng Cơ mật của Anh chấp thuận và ông không rõ liệu Chính phủ đã có quan điểm về việc đổi tên này hay không.

Bà Donelan cho biết gần đây bà mới được “cảnh báo” (alert) về khoản quyên góp và nói thêm: “Tôi đang tích cực điều tra việc này và có thể cập nhật thông tin tới các nghị sĩ đáng kính trong vài ngày tới.”

Nghị sĩ Lewis – người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo, nhưng phát biểu với tư cách cá nhân – nói với báo The Telegraph rằng không thể có “các công ty thực sự độc lập hoạt động trong các nước cộng sản toàn trị… Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chế độ cộng sản đã thành công hơn rất nhiều trong việc lật đổ các xã hội phương Tây bằng cách sử dụng những khoản tiền khổng lồ để giành các vị trí kiểm soát hơn là sự xâm nhập ý thức hệ. ” 

Sửa luật để bảo vệ các “giá trị Anh”

Hôm Thứ Hai 13 Tháng Sáu, Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi đã đề xuất với Viện Thứ dân các điều khoản sửa đổi mới trong luật Giáo dục Đại học (Tự do Ngôn luận), nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đối với các trường. Theo điều khoản sửa đổi, các trường đại học sẽ bị trừng phạt nếu cho phép các tổ chức nước ngoài tác động đến những gì được nói và không được nói trong khuôn viên trường.

Các tổ chức đại học sẽ phải báo cáo các liên kết tài chính của họ với các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài, hoặc bị phạt theo các điều luật bảo đảm quyền tự do ngôn luận chống lại các chế độ độc tài.

Ông Zahawi nói rằng ông không muốn các trường đại học cảm thấy “bị áp lực” phải thỏa hiệp về quyền tự do học thuật vì sự tài trợ từ các quốc gia như Trung Quốc.

Luật mới cũng quy định, các khoản tài trợ từ nước ngoài có giá trị từ 75,000 bảng Anh trở lên phải được các trường đại học và hiệp hội sinh viên tuyên bố là bảo đảm “các giá trị của Vương quốc Anh” không bị tổn hại.

Một phát ngôn viên của Cao đẳng Linacre cho biết rằng tất cả các khoản đóng góp cho trường đều “phù hợp với hướng dẫn của chính phủ và luật pháp”. “Các khoản quyên góp lớn đã được Hội đồng quản trị của trường phê duyệt cùng với Ủy ban đánh giá các khoản quyên góp và tài trợ nghiên cứu của trường, cả hai đều tuân theo một quy trình mạnh mẽ, độc lập, xem xét các vấn đề pháp lý, đạo đức và danh tiếng”, phát ngôn viên này nói thêm.

Trường Cao đẳng Linacre được thành lập năm 1962 và được đặt theo tên của nhà nhân văn và bác sĩ nổi tiếng Thomas Linacre, người được sinh ra ở Canterbury vào giữa thế kỷ XV.

Bà Nguyễn Phương Thảo, CEO của Sovico và VietJet Air. Ảnh VJC

Bà Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, miền Bắc Việt Nam. Bà bắt đầu gây dựng tài sản ở tuổi 21 khi đang theo học tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov ở Moscow. Năm 2007, bà thành lập VietJet Air như là hãng hàng không tư nhân giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, được biết đến với tên gọi “hãng hàng không bikini” do thực hiện các chiến dịch quảng cáo với các tiếp viên mặc bikini. Một thập niên sau, bà niêm yết công ty trên sàn chứng khoán và trở thành nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á. Bà Thảo cũng là Chủ tịch của Sovico Holdings, công ty mẹ của VietJet Air, chuyên đầu tư vào một số dự án bất động sản và năng lượng.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: