Ba người ngộ độc botulinum đã bị liệt vì không có thuốc giải

Điều dưỡng đang chăm sóc một bệnh nhân bị ngộ độc botulinum trong phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Sài Gòn hết thuốc BAT giải độc, cũng không tỉnh/thành nào còn, nên ba người đàn ông bị ngộ độc botulinum mới đây đã bị liệt.

Trong ba người này, có hai người 18 và 26 tuổi là hai anh em ruột, cùng ngụ TP.Thủ Đức, ngộ độc botulinum do ăn chả lụa không rõ nguồn gốc; một người đàn ông (45 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) ngộ độc botulinum do ăn mắm để lâu ngày.

Sau khi ăn một ngày, đến ngày 14 Tháng Năm, cả ba bệnh nhân bị rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng và tiêu chảy.

Ngày 15 Tháng Năm, bệnh nhân bắt đầu nhìn đôi, khó nuốt nên được đưa đến bệnh viện. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận 90% bệnh nhân bị ngộ độc botulinum có nguồn gốc từ thức ăn.

Ba bệnh nhân cấp cứu ở ba bệnh viện khác nhau (Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định và Bệnh Nhiệt Đới) nhưng sáng Chủ Nhật 21 Tháng Năm, hai bệnh nhân từ Nhân Dân Gia Định và Bệnh Nhiệt Đới đã được chuyển qua hết Chợ Rẫy để các bác sĩ có kinh nghiệm về chứng bệnh này điều trị.

Như vậy trong vòng hai ngày (14 Tháng Năm – 15 Tháng Năm 2023), bệnh viện Sài Gòn đã tiếp nhận 7 người bị ngộ độc botulinum, trong đó có 6 người là nam và tất cả đều cư ngụ tại TP.Thủ Đức.

Vụ ngộ độc botulinum hiếm khi xảy ra, gần nhất từ 13 Tháng Bảy – 18 Tháng Tám 2020, Việt Nam có tổng cộng chín bệnh nhân bị ngộ độc botulinum từ sản phẩm pate Minh Chay của công ty Lối Sống Mới, trong đó có hai ca ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), năm ca ở bệnh viện Chợ Rẫy và hai ca ở bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (Sài Gòn).

Vì thuốc BAT giải độc đã hết (hai lọ BAT cuối cùng đã được truyền cho ba anh em ruột (10-14 tuổi) bị ngộ đọc botulinum trước đó), hiện tính mạng ba người đàn ông này đang nguy kịch.

Vì không có thuốc giải độc kịp thời, hiện ba người đàn ông ngộ độc botulinum đang điều trị ở Chợ Rẫy đã bị liệt – Ảnh cắt từ video của Lao Động

VTC News khuya 22 Tháng Năm cho biết hiện ba người đàn ông ngộ độc botulinum đều phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0.5 – 1.5, tức bị liệt hoàn toàn.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn), nguyên nhân khiến bệnh nhân bị liệt là do độc chất botulinum.

Trong trường hợp có thuốc giải độc BAT, khi bệnh nhân rơi vào yếu liệt thì đây là thời điểm hiệu quả để thuốc phát huy tác dụng kháng độc tố, trung hòa chất độc, khiến bệnh ngưng tiến triển, còn nếu không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân.

Bác sĩ Hùng lý giải, các chất độc botulinum tấn công vào hệ thống thần kinh cơ, từ đấy làm cho việc dẫn truyền của thần kinh cơ không còn nữa, làm cho các cơ không được điều khiển, dẫn tới tình trạng liệt. Nếu chỉ liệt tay, liệt chân thì chưa nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu liệt cơ hô hấp sẽ dẫn tới suy hô hấp cấp và tử vong.

Tại sao thiếu thuốc? Video Lao Động ngày 21 Tháng Năm phỏng vấn TS.BS. Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, ông cho biết:  Việt Nam chưa có tỷ lệ lưu trữ thuốc hiếm, nguồn thuốc này phải do Bộ Y tế quản lý và điều phối, chẳng hạn như thuốc giải độc (thực phẩm hay rắn cắn). Loại thuốc hiếm này giá rất đắt.

Do những loại thuốc hiếm này rất ít khi có bệnh nhân phải sử dụng, giá lại quá cao, nên các bệnh viện thường không dự trữ sẵn, sợ lưu lâu ngày thì hết hạn sử dụng, đâm ra lãng phí.

Trao đổi với Sức Khoẻ & Đời Sống sáng 22 Tháng Năm, đại diện Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, do mỗi năm cả nước chỉ có vài ca nhiễm độc tố botulinum nên các bệnh viện thường không dự trữ, tuy nhiên nguồn cung thuốc giải độc tố botulinum vẫn có.

Cục quản lý Dược đã liên hệ với công ty CPC1 và được biết bệnh viện Chợ Rẫy đã đặt hàng. Nhà nhập cảng đã liên hệ với nhà cung ứng ngoại quốc để làm thủ tục nhập cảng. Đại diện Cục quản lý Dược cũng cho biết đã liên hệ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong trường hợp không mua được thì nhờ WHO trợ giúp.

Thuốc giải độc botulinum (BAT) do một hãng dược ở Canada sản xuất, giá lên đến $8,000/lọ. Ở Việt Nam, thuốc này không có trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Thuốc giải độc botulinum BAT được sản xuất tại Canada với giá $8,000/lọ nên không bệnh viện nào ở Việt Nam dám dự trữ. Loại thuốc này không có trong danh mục bảo hiểm y tế – Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

Đợi đến khi có thuốc, không biết tình trạng liệt của ba người đàn ông có cứu được không, không báo nào đề cập.

Mẫu chả lụa mà hai anh em ở Thủ Đức ăn thuộc một cơ sở sản xuất thực phẩm mới mở, chưa có giấy phép hoạt động, hiện đã được ngành y tế TP.Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm.

Nhân câu chuyện bị ngộ độc botulinum từ chả lụa liên tiếp (ba anh em từ 10-14 tuổi và hai anh em 18 và 26 tuổi), Lao Động ngày 22 Tháng Năm khảo sát trên thị trường thấy có rất nhiều loại chả lụa không nhãn mác được bày bán online lẫn offline, kiểu “mua bán bằng niềm tin”, “hàng nhà làm thủ công”, rất khó đo lường hậu quả.

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay thông thường những thức ăn được ủ, gói kín, nếu làm không sạch, để càng lâu càng có nhiều độc tố. Còn bác sĩ Trương Ngọc Phú, bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo phụ huynh cần chú ý đến vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống.

Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng. Khi phát hiện thực phẩm có màu và mùi lạ, không nên ăn và thông báo với nhà bán hàng, nơi cung cấp, hoặc cơ quan chức năng can thiệp.

Cuối cùng, Lao Động khuyên bạn đọc nên “thông thái khi chọn lựa và chế biến thực phẩm”. Một lời khuyên không có gì mới!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: