Báo chí Việt Nam viết về cuộc chiến Ukraine: “Hệt như báo Tàu”!

Trang nhất ba tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Người Lao Động ra ngày 26 Tháng Hai 2022

Những biểu hiện rất bất thường trên báo chí Việt Nam về sự kiện Nga tấn công Ukraine cho ta thấy điều gì? Một anh bạn là thư ký tòa soạn một tờ báo lớn buồn rầu nói với tôi: “Như báo Tàu!”.

Tôi nhớ hồi chiến tranh vùng Vịnh, rồi cuộc chiến Afghanistan, rồi vụ 11 Tháng Chín 2001 ở Mỹ…, tất cả đều là những đề tài nóng hổi trên mặt báo Việt Nam (trong nước). Khoan nói đến chuyện quan điểm, nhìn nhận từng cuộc chiến dưới góc độ nào; trước hết, đó là những sự kiện mà báo chí không thể bỏ qua. Vậy mà, kỳ này, khi mà cả thế giới, ngay cả ở trong lòng nước Nga, cuộc tấn công phi nghĩa được khởi xướng bởi nhà độc tài Putin vào ngày 24 Tháng Hai, báo chí Việt gần như đều ngó lơ.

Thật ra, nói cho chính xác hơn thì ngay sau khi Putin phát lệnh tấn công Ukraine, các trang báo điện tử Việt Nam đều đặt sự kiện này ở vị trí vedette, và đồng loạt xuất hiện trên trang nhất báo giấy ngày hôm sau. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, “hiện tượng lạ” đã xảy ra. Trong khi cuộc chiến vẫn còn nóng rực thì trên mặt báo điện tử ngày 25 Tháng Hai hay báo giấy ngày 26 Tháng Hai đều rụt rè một cách khó hiểu. Tôi thử điểm ba tờ báo lớn:

1-Tờ Tuổi Trẻ tuyệt nhiên không có một chữ nào trên trang nhất.

2-Tờ Người Lao Động thuộc Thành ủy TPHCM đưa một cái tít be bé ra đầu trang nhất (sky box): “Cuộc chiến ở Ukraine: Hệ lụy khôn lường”.

3-Tờ Thanh Niên thì làm vedette, nhưng với cái tựa rất hiền: “Nga-Ukraine tìm khả năng đàm phán”.

Một “mật lệnh” của Tuyên giáo (gửi đến các sếp báo chí qua tin nhắn điện thoại) chỉ đạo báo chí Việt Nam về vấn đề Nga-Ukraine

Tôi gọi điện hỏi một số người bạn làm báo ở Việt Nam thì đều nghe những lời than thở giống nhau “ chán”, “nản”, “báo gì mà báo”… Thậm chí, có anh còn bảo “Giờ mình giống như một tỉnh của Tàu. Tàu ủng hộ Putin, ta tuy chưa dám nói thế nhưng chủ trương là phiếu trắng”… Có anh còn chuyển cho xem cả tin nhắn chỉ đạo của Tuyên giáo: “Liên quan tình hình Ukraine, yêu cầu báo chí thực hiện nghiêm chỉ đạo định hướng thông tin, nêu rõ quan điểm của Việt Nam qua phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao (ha ha, thế là chẳng có quan điểm gì cả, với những câu nói chung chung kiểu “các bên hãy kiềm chế”…); yêu cầu giảm liều lượng, tần suất, không tường thuật trực tiếp, hạn chế hiển thị trang chủ đối với báo điện tử, trang nhất báo in…”!

Ở đây cũng cần nói thêm. Tại sao tờ Thanh Niên vẫn làm vedette trang nhất số báo ngày 26 Tháng Hai? Nói về chuyện này thì phải phân tích sâu hơn một chút. Đối với dân làm báo ở Việt Nam, ai cũng biết cái bệnh “bảo hoàng hơn vua” của Tuyên giáo TPHCM. Ví dụ Tuyên giáo Trung ương cấm năm phần, về đến Tuyên giáo TPHCM thì tăng lên thành tám phần cho chắc ăn. Hai phần còn lại, những ông nhát gan như Tuổi Trẻ thì nâng lên thành 10 phần cho an toàn mà làm báo, khỏi sợ kỷ luật, mặc kệ tờ báo ngày càng mất bản sắc. Riêng với Thanh Niên, họ không bị nằm trong cái vòng kim cô của Tuyên giáo TPHCM, mà thuộc báo trung ương nên nhận chỉ đạo trực tiếp, không bị nâng cấp độ sợ hãi. Vì vậy, họ vẫn làm được vedette sự kiện Nga-Ukraine, dù dư luận “ngứa” ở đầu, lại đi gãi cái tay! Còn báo Người Lao Động, có dũng cảm hơn Tuổi Trẻ chút xíu, nên chỉ nâng nỗi sợ lên thành chín phần, do đó còn đưa đưa cái tít be bé ra trang nhất!

Những “nhận định” và “bình luận” đều tránh “nói xấu” Putin và thậm chí bào chữa gián tiếp cho Nga bằng cách nghiêng về việc đổ lỗi cho Ukraine

Từ câu chuyện của báo chí với tuyên giáo ở Việt Nam, nếu nhìn sâu hơn, chúng ta sẽ thấy nó để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, cản đà phát triển của đất nước một cách khủng khiếp. Ví dụ, với những cuộc chiến liên quan Mỹ và các nước phương Tây, báo chí cứ tha hồ mà chửi, thoải mái. Nhưng miệng thì chửi song chân thì vẫn cứ lết qua Mỹ, qua các nước tư bản; đầu óc chỉ tơ tưởng đến các nước phương Tây. Đố ai tìm được các quan chức cộng sản đưa con đi học, hay mua nhà cửa ở Nga, Trung Quốc, mà toàn là Mỹ, Úc, Canada, Anh…

Thậm chí còn không dám nói tên lửa của ai!

Điều này ngày càng công khai, khiến cho dân chúng mất lòng tin một cách nghiêm trọng. Cách doanh nghiệp vào loại “khởi nghiệp” sau khi thành công đều bán để ôm một số tiền khổng lồ sang các nước phương Tây kiếm quốc tịch, mua nhà cửa, đưa con cái đi. Việc nói và làm đi ngược với nhau từ Nhà nước nên không chỉ khiến cho người ta cười cợt, mà còn dẫn đến những tác hại kinh khủng. Đó là mất sạch niềm tin. Người ta thấy một Ukraine tí hon đang kiên cường chống trả Putin độc tài là nhờ vào việc người dân đặt trọn niềm tin vào vị tổng thống dân cử của mình, khi ông ta từ chối chuyến bay di tản theo lời đề nghị từ phía Mỹ. Nói và làm đi đôi với nhau thì dân mới tin, chứ kiểu lãnh đạo Việt Nam nói một đường làm một nẻo thì…

Và nữa, TPHCM hiện mơ mộng xây dựng nơi đây thành trung tâm tài chính của khu vực – một giấc mơ khó thể thực hiện, khi mà chính quyền này quản lý báo chí kiểu bảo hoàng hơn vua. Chả mấy nhà đầu tư tử tế muốn vào nơi mà chính quyền bịt mồm báo chí tàn bạo!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: