Bạo hành con cái đến chết: Vấn nạn bùng phát ở Việt Nam

Thắp nến tưởng niệm bé 8 tuổi bị mẹ kế đánh chết (Ảnh: Zing)

Dư luận ở Việt Nam ngày càng lo ngại về nạn bạo hành trẻ em trong gia đình, vốn đang xảy ra ở nhiều nơi như một khuynh hướng ứng xử sai lầm trong gia đình không được chú ý đến. Mới nhất, là tin về một bé trai 18 tháng tuổi ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã tử vong vào khuya 1 Tháng Sáu, thân thể có nhiều vết thương được thấy là do bị bạo hành đến chết. Người cha nhận được tin, đến bệnh viện thì thấy con trai 18 tháng tuổi đã chết. Được biết, trước đó bé trai sống với mẹ ruột và người tình của mẹ.

Rạng sáng ngày 1 Tháng Sáu, anh T. nghe tin con mình phải vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức. Khi anh T. chạy đến thì các bác sĩ cho biết con anh đã chết trước khi đưa vào bệnh viện với nhiều chấn thương trên cơ thể. Cơ quan điều tra đã khám nghiệm tử thi, xác định trên cơ thể bé P. xuất hiện nhiều vết bầm tím ở vùng đầu, tay, chân nên nghi ngờ bé bị bạo hành dẫn đến tử vong.

Từ năm 2021 đến nay, ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Tin tức liên tiếp theo từng tuần cho thấy bên trong xã hội Việt Nam đang có một hiện trang ung nhọt về bạo lực gia đình, ý thức làm cha mẹ và trách nhiệm với trẻ em. Hầu như cứ vài ngày ở Việt Nam lại xuất hiện xảy ra một vụ bạo hành dã man, thậm chí dẫn đến cái chết đối với trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa kẻ thủ ác nào phải chịu mức án cao nhất như chung thân, tử hình.

Nhưng ghê sợ nhất, thủ phạm vẫn là cha hoặc mẹ của đứa bé. Thủ đoạn hành hạ nhiều khi giới điều tra và bác sĩ cũng bàng hoàng khó tin: Đóng đinh vào đầu con, đánh bằng gậy đến chết, bỏ đói đến suy dinh dưỡng…

Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, trong sáu tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171,019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp, tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước.

Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51.27%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3.36%; 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17.28%, tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca.

Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là điều đáng báo động về phương pháp giáo dục của cha mẹ, người chăm sóc đối với trẻ em.

Đối với các ca bị xâm hại tình dục, có 71 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 58.2% (tăng 16 ca so với cùng kỳ 2020), 51 ca dâm ô trẻ em, chiếm 25.4%, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen chiếm 31.1%; bởi người thân trong gia đình vẫn tương đối cao, chiếm 23.8%, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo chí CSVN không bàn về nguyên nhân tổng thể, mà thường xét về thủ phạm có dùng ma túy hay tâm thần, bản chất bạo lực. Thực chất, nền giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa hàng chục năm nay chỉ tập trung vào tuyên truyền chính trị, đào tạo nhân lực phục vụ chế độ mà quên các phần quan trọng về đạo đức công dân-xã hội, các giá trị về nhân-nghĩa-lễ-trí-tín vốn từng được đặt làm trọng tâm trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra ở trên, cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo ông Nam, nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra hơn 3/4 những đứa trẻ ở Việt Nam đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách, hoặc về tinh thần, hoặc về thể chất, thậm chí là cả hai.

Theo giải thích về tình trạng bạo hành con cái, các chuyên giá tâm lý và xã hội học Việt Nam cho rằng một phần cũng do cha mẹ quá căng thẳng và kiệt sức trước và  sau đại dịch, chịu nhiều áp lực liên quan đến an sinh xã hội, nghề nghiệp, tài chính… Do đó, thay vì chia sẻ cùng con, nhiều người đã phản ứng với trẻ bằng thái độ tức giận, mắng mỏ, thậm chí dùng đòn roi.

Thế nhưng, áp lực đời sống thì ở quốc gia nào cũng có. Riêng Việt Nam, những chỉ số và hiện trạng về bạo hành trẻ em thì giống một cách kỳ lạ, như lặp lại vấn nạn xã hội đang có ở Trung Quốc.

Ở một góc nhìn khác, Việt Nam hôm nay  giống như một Trung Quốc thu nhỏ, bao gồm cả về tính chất của các nhà lãnh đạo, sự cai trị xã hội cũng như vấn nạn sản sinh của con người từ một đất nước không còn chiều sâu. Theo dữ liệu từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, văn phòng Tổng công tố Trung Quốc, cũng có đến 171,000 vụ án vì bạo lực với trẻ vị thành niên, từ năm 2018 đến năm 2020. Còn theo số liệu của Bộ Công an CSVN, năm 2020 có gần 2,000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân. Cả hai quốc gia này đều rất giống nhau về thủ phạm các vụ bạo hành trẻ em.

Tạp chí Nghiên cứu Môi trường Quốc tế và Sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc năm 2019 đã làm một cuộc khảo sát với 1,500 trẻ em ở miền Tây nước này cho thấy 12% trong số đó từng bị lạm dụng thể chất. Trong cuộc khảo sát trẻ em 10-15 tuổi đến từ các tỉnh Tứ Xuyên và Sơn Tây. Những đứa trẻ được khảo sát nói rằng họ đã phải chịu nhiều hình thức ngược đãi, bao gồm bị lạm dụng về thể chất, tinh thần, tình dục và bị bỏ rơi. Nhiều sự việc đau lòng khi trẻ em bị chính cha mẹ đẻ bạo hành tàn bạo, đến mức tử vong đã khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ.

Theo một nghiên cứu năm 2011 của Liên Hợp Quốc, 52% đàn ông tại một địa phương của Trung Quốc thừa nhận từng đánh đập vợ mình, và 47% cho biết đã từng đánh con mình. Nghiên cứu này đã đưa ra kết luận: “Những người lúc nhỏ từng chứng kiến mẹ mình bị đánh thì khả năng đánh con mình sau này sẽ cao gấp ba lần những người không chứng kiến cảnh bạo hành gia đình”. Cũng trong các trường hợp như vậy, báo chí và các chuyên gia Trung Quốc cũng lý giải không khác Việt Nam, là bởi “do chịu nhiều áp lực liên quan đến an sinh xã hội, nghề nghiệp, tài chính” của cuộc sống hiện đại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: