Bảo mẫu lương 60 triệu đồng vẫn… bạo hành bé sơ sinh

Nữ bảo mẫu trẻ, đã từng làm mẹ, khi chăm sóc con cho người khác với giá cao lại có hành vi rung lắc mạnh bé sơ sinh hơn một tháng tuổi – Ảnh cắt từ video trên mạng

Đứa bé sinh non, mẹ yếu không chăm được con, đành thuê bảo mẫu chăm con trong tháng đầu tiên. Thế mà cô gái trẻ 21 tuổi đã bế xốc, lắc mạnh bé nhiều lần khiến cháu khóc thét rồi ném bé xuống giường.

Sự việc xảy ra rạng sáng 31 Tháng Năm 2023, tại chung cư HH2C Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Khi người mẹ của bé ngủ bên ngoài nghe tiếng con khóc đã chạy vào phòng ngủ (nhường cho bảo mẫu nằm với bé sơ sinh) thì thấy bảo mẫu có hành vi mạnh tay với con mình. Tuy nhiên, cô gái lại phân trần với bà mẹ là đang dỗ bé rồi đặt nằm xuống vì cháu khóc.

Sáng 31 Tháng Năm 2023, khi hai vợ chồng xem lại camera thì mới tá hoả, liền đưa bé đi bệnh viện Nhi Trung Ương khám và mời công an. Gia đình này cũng đăng hai đoạn video có thời lượng gần ba phút lên mạng để cảnh báo mọi người khi thuê bảo mẫu chăm sóc con nhỏ và hiện nay đã gỡ, nhưng clip vẫn lan truyền.

Ngoài đoạn video cô bảo mẫu lắc mạnh cháu bé nhiều lần, còn có đoạn video gia đình ông N.V.B. (31 tuổi, cha đứa bé) và cô bảo mẫu làm việc cùng công an. Khi người cha cháu bé uất ức nói: “Con anh mới một tháng mà em hành hạ với một đứa bé như thế”, cô bảo mẫu phân trần rằng bản thân “bị trầm cảm” và xin tha thứ nhưng gia đình cháu bé kiên quyết muốn công an làm sáng tỏ vụ việc.

Nữ bảo mẫu áo vàng liên tục bật khóc xin tha thứ trong lúc làm việc với công an tại nhà của ông N.V.B. – Ảnh cắt từ video trên mạng

Cô bảo mẫu 21 tuổi tên Vũ Khánh Chi (ngụ huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được gia đình ông N.V.B. thuê thông qua công ty môi giới, để chăm sóc con mới sanh trong một tháng với giá 60 triệu đồng ($2,554), theo Báo Tin Tức ngày 1 Tháng Sáu 2023.

Báo Tin Tức không nêu rõ là khoản tiền này gia đình ông B. trả cho công ty môi giới hay trả trực tiếp cho cô Chi.

Dẫn lời ông P.V.T., trưởng tầng 23 chung cư HH2C Linh Đàm,  Báo Tin Tức cho biết gia đình bà H. (mẹ cháu bé) mới chuyển đến tầng 23 thuê nhà được khoảng bốn tháng nay. Cô gái bảo mẫu trông cháu bé được một tháng. Cách đây khoảng 10 ngày, tầng 23 tổ chức liên hoan sớm mừng ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1 Tháng Sáu cho trẻ em thì mẹ cháu bé cùng cô bảo mẫu đã bế cháu bé vừa tròn một tháng ra gặp mọi người.

Sau khi sự việc xảy ra, ông T. đã sang nhà cháu bé để hỏi thăm và bảo ông không dám xem hết clip, vì không tưởng tượng nổi sao cô gái trẻ lại bạo hành đứa bé mới hơn một tháng tuổi.

Khi đưa vào Nhi Trung Ương, bác sĩ cho biết bé sơ sinh tỉnh táo, trên da không có xây xát bầm tím và sáng 1 Tháng Sáu đã được xuất viện về nhà. Mừng vì con vẫn khỏe mạnh, ông B. nói với truyền thông trong nước không yêu cầu công an xử lý hình sự bảo mẫu này mà chỉ muốn răn đe để cô này không tái phạm và nhận thức được lỗi của mình.

Theo lời ông B., nếu không có việc bạo hành xảy ra, hôm 31 Tháng Năm cô Chi sẽ kết thúc công việc trông trẻ ở nhà ông vì gia đình chỉ thuê chăm sóc con tháng đầu tiên. Hiện Vũ Khánh Chi đã bị công an quận Hoàng Mai tạm giam.

Bên trái ảnh: căn hộ chung cư nhà ông N.V.B. ở tầng 23 HH2C Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nơi xảy ra sự việc – Ảnh: Dân Trí

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho VnExpress biết dù gia đình cháu bé không có đơn yêu cầu xử lý nhưng cô bảo mẫu vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác”, theo điều 140 Bộ luật Hình sự. Tội danh này không phụ thuộc vào yêu cầu của bị hại.

Tuy nhiên, Thanh Niên cùng ngày dẫn lời Công an quận Hoàng Mai cho biết cô Vũ Khánh Chi có thể bị trầm cảm sau sanh (?). Cô này đã có con trai hơn một tuổi, để con lại quê nhà (Nam Định) cho thân nhân chăm sóc và xin đi làm bảo mẫu chăm con cho người khác.

Công ty môi giới đã giới thiệu cô Chi cho gia đình ông N.V.B với giá rất cao nhưng không tìm hiểu kỹ hoàn cảnh và nhân thân của bà mẹ trẻ này. Mặt khác, thường trầm cảm sau sanh chỉ kéo dài vài tháng sau sanh và nảy sinh trục trặc trong giao tiếp giữa bà mẹ và em bé mới sanh, còn cô bảo mẫu này đã có con hơn một tuổi, lại chăm con cho người khác để lấy tiền thì viện vào lý do đó xem chừng không hợp lý.

Trẻ em Việt Nam bị người lớn bạo hành không còn là chuyện hiếm, nhưng đứa bé trong câu chuyện này là nhỏ nhất, mới hơn một tháng tuổi. Mới đây, một bé gái gần ba tháng tuổi ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng bị người tình của mẹ bạo hành đến đa chấn thương trong tình trạng thờ ơ của người mẹ.

Tên người tình ác nhơn đã bị bắt, còn bé gái sau chín ngày điều trị trong bệnh viện đã được xuất viện hôm 29 Tháng Năm, và các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã trả bé cho người mẹ với những ràng buộc về trách nhiệm chăm sóc trẻ em.

Trích bình luận của người đọc về việc bảo mẫu lương 60 triệu đồng/tháng hành hạ trẻ sơ sinh – Ảnh chụp màn hình của Báo Tin Tức

Lao Động ngày 18 Tháng Năm 2023 dẫn lời của ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – cho biết: Tình trạng bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình.

Trong bốn tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em, số điện thoại 111, liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022.

Bà Tăng Thị Duyên Hồng, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Coins4Change chuyên hoạt động trong lãnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, nói rằng con số 2,000 trẻ em ở Việt Nam bị bạo hành năm 2021 chỉ là phần nhỏ.

Mặc dù Việt Nam có đường dây nóng 111 để phản ảnh bạo hành trẻ em, có các tổ chức bảo vệ trẻ em này nọ, nhưng đều xa rời thực tế, theo bà Hồng: “Như xóm nhà tôi mới có đường dây 111. Hôm trước nhà hàng xóm đánh con thì tôi gọi thử. Chờ mãi mà không thấy ai đến”.

Bà Hồng phàn nàn Việt Nam không thiếu nhân sự “bảo vệ trẻ em” trong cái gọi là Hội Bảo Vệ Trẻ Em, Hội Phụ Nữ, nhưng mà họ làm cái gì, thì là chuyện khác. Họ được đào tạo ở đâu, được đào tạo cái gì để mà thực hành công việc của họ, cũng là chuyện khác!

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê và UNICEF năm 2021 cho thấy tỷ lệ bạo lực không chỉ phổ biến mà còn trên đà tăng  cao với 70.5% trẻ em trong độ tuổi 1-14 được báo cáo từng phải chịu đựng một số hình thái bạo lực, bạo hành mà cha hay mẹ hay người chăm sóc các em là thủ phạm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: