Bắt cóc, buôn người rộ lên ở Việt Nam

Ông Hương trình báo chuyện con gái mất tích (Ảnh: Lao Động)

Chuyện một thiếu nữ ở Phú Yên vào Sài Gòn theo lời mời làm việc nhẹ nhàng lương cao, rồi mất tích khiến mạng xã hội Việt Nam đang rầm rộ bàn tán. Hiện công an cũng đang tham gia để tìm kiếm cô gái này. Thông qua câu chuyện đó, người ta cũng phát hiện rằng chiêu bài dụ dỗ những cô gái ở thôn quê vào thành phố làm việc để kiếm thêm thu nhập, nuôi gia đình, thay đổi cuộc đời… đang là một trong những mồi câu hấp dẫn của các đường dây bắt cóc hay buôn người tại Việt Nam.

Sáng 13 Tháng Sáu 2022 ở Việt Nam, tin tức tràn khắp các mặt báo về ông Nguyễn Văn Hương, 53 tuổi, ngụ thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cha của một cô gái 16 tuổi vào TP.HCM tìm việc làm nhưng mất tích hơn một tuần qua, cho biết con gái mình đã gọi video liên lạc, song chỉ cho thấy mặt mà không nói đang ở đâu. Gia đình sau đó gọi lại nhưng không được.

Theo mô tả của ông Hương, thì con ông, cô Nguyễn Thị Thu Ngọc có một lần gọi điện thoại về nhà, nói đang làm ở một công ty nhưng không nói cụ thể địa điểm ở đâu. Cách nói của cô Ngọc mập mờ giống như là được hướng dẫn của bọn bắt cóc để gia đình không quá lo lắng nhưng đồng thời lại không tiết lộ bất kỳ điều gì. Sau đó ông Hương thử gọi lại thì điện thoại của cô Ngọc không thể liên lạc được. Hiện ông Hương vẫn đang nhờ cơ quan chức năng và một số người đi tìm tung tích của Ngọc.

Cô Ngọc, 16 tuổi, vào Sài Gòn đi tìm việc bị mất tích (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Trước đó, Công an phường 13, quận Bình Thạnh cho biết đã tiếp nhận tin trình báo của ông Nguyễn Văn Hương về việc gia đình bị mất liên lạc với con gái 7 ngày qua sau khi Ngọc vào TP.HCM.

Theo ông Hương, chiều 5 Tháng Sáu, Ngọc đón xe khách của nhà xe Minh Cường từ thị xã Sông Cầu vào TP.HCM. Sáng 6 Tháng Sáu, khi xe đến bãi tại số 537 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh thì Ngọc xuống xe. Đến chiều cùng ngày, Ngọc gọi điện về gia đình và cho biết đã tìm được việc. Sau cuộc gọi trên thì Ngọc mất liên lạc cho đến nay.

Những vụ mất tích như vậy thường không phải là tin tức gây chú ý trên mạng. Từ năm 2021 đến nay đã có khoảng bảy vụ mất tích như vậy được đăng trên báo chí, nhưng rồi sau đó không ai nhớ đến nữa. Phần lớn những vụ mất tích là các cô gái trẻ đến từ nông thôn. Họ nhận được những lời mời bí ẩn đi làm ở Sài Gòn sống, mà cách nói thường là “việc nhẹ lương cao”. Cuộc sống khó khăn tại Việt Nam  đang trở thành những cái bẫy khiến rất nhiều người trẻ bị lường gạt, mà không biết rồi số phận của họ về đâu.

Trên các hệ thống truyền thông nhà nước vẫn quảng bá về một Việt Nam phát triển và an toàn. Nhưng thực chất ở phía dưới đó là vô số những câu chuyện đen tối không khác nào như ở đường phố Brasil hay Thái Lan.

Một trong những sự việc tương tự, gây chấn động cho cả Việt Nam, đó là vào Tháng Tư năm 2021, Công an huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) phối hợp với lực lượng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi giải cứu thành công tám thiếu nữ bị nhốt, bị đánh đập, tra tấn ép phục vụ tiếp khách, bán dâm cho khách khi khách có nhu cầu trong một quán karaoke trên địa bàn.  Những cô gái này cũng được lời mời gọi đến làm “việc nhẹ lương cao”, rồi sau đó đột nhiên bị giam nhốt và trở thành nô lệ mại dâm.

Luật pháp Việt Nam đang rất sơ hở về việc xử phạt các vụ buôn người, bắt cóc lạm dụng. Báo cáo về Nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 2021, liên quan đến tình hình Việt Nam có ghi rõ ràng “không thống nhất với pháp luật quốc tế. Chẳng hạn việc kết tội buôn người đối với trẻ em từ 16 tuổi đến 17 tuổi lại đòi hỏi phải có chứng cứ về thủ đoạn ép buộc, lừa gạt, hoặc cưỡng bức thì mới cấu thành hành vi buôn người vì mục đích tình dục; do đó, quy định này không tội phạm hóa tất cả các hình thức buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục”.

Cũng theo báo cáo trước đây của xã hội dân sự, điều này dẫn đến sự lúng túng về cách thức xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em 16 tuổi và 17 tuổi, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến buôn bán người lao động, và dẫn đến hậu quả là các nạn nhân bị đối xử như người đã thành niên. Trong năm 2021, hồ sơ của công an Việt Nam cho biết đã điều tra 110 vụ buôn người, bắt 144 đối tượng bị cáo buộc buôn bán người trong kỳ báo cáo, giảm so với 175 vụ buôn người được điều tra trong kỳ báo cáo trước.

Cũng theo báo chí nhà nước, hồi Tháng Ba 2022, đã có một trường hợp tại Bình Dương, cô gái 22 tuổi từ An Giang, được rủ rê lên làm việc tại một quán karaoke. Sau đó cô bị gài bẫy mắc nợ, bị đe dọa phải ngồi bàn tiếp khách ở quán karaoke, nên leo lầu bỏ trốn, rồi té và bị thương nặng. Nhưng công an thì kết luận rất nhanh chóng rằng đây là một người tự leo lầu và tự té chứ không liên quan gì đến vấn đề hình sự.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: