Bóp nghẹt không gian sống trên mạng ảo

XÃ LUẬN CUỐI TUẦN
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh lên Facebook phản đối luật An ninh mạng. Hiện bà đang bị giam giữ tại Hà Nội vì những bài viết kêu gọi giúp đỡ gia đình các gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Ảnh Facebook Nguyễn Thúy Hạnh, đăng lại từ VOA
Thời Sự
Thời Sự
Bóp nghẹt không gian sống trên mạng ảo
/

Không gian sinh tồn của người Việt ở trong nước ngày càng bị thu hẹp một cách thảm hại, không chỉ phố thị ngày càng đông đúc chật hẹp ô nhiễm và ngập nước mà cả “không gian ảo” cũng bị bóp nghẹt do thường xuyên bị theo dõi và đàn áp, lơ mơ là bị phạt, bị tù một cách oan ức chỉ vì đôi câu bình phẩm trên mạng xã hội.

Hôm 26 Tháng Tám, có một bản “tin lạ” khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên: “Nói lãnh đạo ‘đầu hói vì xem phim 18+’, nữ streamer Việt Nam bị Bộ Công an ‘truy tìm’” (VOA), “Nói ‘Chủ tịch nước hói do xem phim 18+’, nữ streamer bị xem xét xử lý” (RFA). Báo trong nước thì rụt rè: “Cục An ninh mạng truy tìm nữ streamer nổi tiếng xúc phạm lãnh đạo cấp cao” (Người Lao động).

Chuyện chỉ là một cô gái, một tay chơi game trực tuyến khá có tiếng trên mạng xã hội tại Việt Nam đang bị Cục An ninh mạng của Bộ Công an truy tìm sau khi cô đưa ra những lời bình luận được cho là “xúc phạm lãnh đạo” trong một buổi phát hình trực tiếp trên nền tảng Facebook Gaming. 

Cô gái được xác định là streamer Milona (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Loan), sau khi đọc bình luận của một tài khoản nói những người bị hói đầu là do xem nhiều phim dành cho người lớn, đã trả lời: “Chứ chắc mấy bác chủ tịch nước toàn chả làm cái mẹ gì suốt ngày ở nhà toàn xem phim 18+ nên là bác hói hết. Đầu đ* còn tóc luôn, đầu còn vài sợi lơ hơ đúng không? Tại làm ăn đ* gì đâu, chả làm ăn gì, suốt ngày ở nhà xem phim 18+”. 

Nhưng bình tĩnh mà đọc, câu nói trên chỉ là suy luận vu vơ, chuyện trò dung tục với bạn bè trong lúc chơi điện tử, chẳng có gì hệ trọng. Có trách chăng là trách cô gái dùng ngôn từ tục tĩu khi trò chuyện nhưng đó không phải là việc của công an. Cô có nói đến “mấy bác chủ tịch nước”, nhưng nước nào, ở đâu, tại sao lại suy diễn rằng đó là “lãnh đạo cấp cao”, sao có người lại vơ vào mình làm gì, tại sao từ Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội đến Cục An ninh mạng Bộ Công an lại “phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer trên để phục vụ cho việc điều tra về những phát ngôn ‘xúc phạm lãnh đạo cấp cao’” của cô gái cứ như đây là một vụ trọng án tối nguy hiểm cho an ninh quốc gia! Thật là một cách hành xử ấu trĩ và lạm quyền khủng khiếp.

Trong một vụ việc tương tự, sáng Chủ Nhật 28 Tháng Tám, báo Tiền Phong đưa tin công an huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An đang củng cố hồ sơ, xử lý một tài khoản Facebook về hành vi đăng tải một bài viết xúc phạm lực lượng cảnh sát giao thông. Bản tin cho biết đó là một cô gái 16 tuổi, bị lập biên bản xử phạt vì lái xe mô tô khi chưa có giấy phép, bực tức, cô lên mạng Facebook đăng bài “xúc phạm”, nhưng xúc phạm như thế nào thì không thấy công an hay báo Tiền Phong nói tới.

Cứ cho rằng trong cơn nóng giận, cô gái đã viết ra những lời chửi mắng những kẻ xử phạt cô, nhưng cô viết trên trang Facebook cá nhân Quỳnh Nail của cô thì đã có gì nghiêm trọng. Huống nữa, đây chỉ là một thiếu niên 16 tuổi, suy nghĩ và hành động nông nổi là chuyện thường tình. Làm gì mà công an huyện phải “củng cố hồ sơ xử lý” như báo nói?

Tình trạng công an lạm dụng cái gọi là luật An ninh mạng để bóp miệng người dân ngày càng xảy ra thường xuyên; hầu như trên báo không ngày nào không có người sử dụng mạng xã hội bị bắt, bị phạt vì những chuyện rất phi lý. Chỉ cần tìm trong Google cụm từ “bị phạt vì đăng mạng xã hội” đã có ngay hơn 18 triệu kết quả, với vô số vụ việc xảy ra gần đây từ Lạng Sơn tới Cà Mau mà nạn nhân bị phạt hàng chục triệu đồng có khi chỉ là các bác nông dân, các chị tiểu thương buôn gánh bán bưng vốn không quen với việc viết lách, nghĩ sao nói vậy.

Trước đây, công an chìm nổi – một bộ máy đông như quân Nguyên, chỉ chăm chăm theo dõi những nhà  văn, nhà báo, trí thức các loại để phát hiện những người có tư tưởng chống đối chế độ, viết bài phê phán chính quyền đăng trên báo chí hải ngoại hoặc trên mạng internet, hoặc trả lời phỏng vấn các “đài địch” không hợp ý đảng, ý chính quyền.

Nhưng từ khi mạng xã hội, nhất là mạng Facebook, truyền vào Việt Nam thì người dân có một môi trường thuận lợi để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc. Đảng cầm quyền toàn trị không thích chuyện “mở mạng lên là thấy chửi” nên phải tìm cách bóp miệng người dân, thủ tiêu những ý kiến chống đối từ lúc manh nha. Luật An ninh mạng, mặc dù bị người dân biểu tình phản đối trên khắp cả nước, được ban hành năm 2018 để làm căn cứ pháp lý cho chính sách bóp miệng dân.

Một nghị định mới cụ thể hóa luật này quy định “phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng đối với hành vi làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm, thông tin bịa đặt, sai sự thật, làm nhục, vu khống… xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Người phát tán, tàng trữ những thông tin đó cũng bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng”. 

Đạo luật phi lý và phản động ấy đã trao quyền cho bộ máy công an – thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng – có toàn quyền sinh sát đối với tư tưởng và lời nói của mọi người dân, không riêng gì trí thức hay nhà văn nhà báo. Hầu hết những vụ án xử tù rất nặng những người bất đồng chính kiến gần đây đều lấy những bài viết, những hình ảnh trên mạng xã hội làm “bằng chứng” buộc tội mà trường hợp ông Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội là một ví dụ. 

Ông Thắng là người vận động dân chủ, nhân quyền hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội và những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng ông đã “rửa tay gác kiếm” từ lâu để tập trung lo gia đình, nhất là từ khi ông có con nhỏ. Ấy vậy mà ngày 5 Tháng Bảy vừa qua, ông bị bắt khi đang trên đường đi uống cà phê, bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” mà bằng chứng là những bài ông viết trên mạng xã hội vài năm trước.

Luật An ninh mạng của Việt Nam là bản sao của luật Trung Quốc nhằm kiểm soát và đàn áp xã hội. Ảnh RFA

Thủ đoạn đàn áp, “hình sự hóa” những thông tin trên mạng xã hội đã gieo một nỗi sợ hãi sâu rộng trong toàn xã hội. Rất nhiều người dùng Facebook phải rất thận trọng, nhìn trước ngó sau “tự kiểm duyệt” khi bày tỏ một ý nghĩ, một tâm sự nào đó lên trang nhà của mình, thậm chí không dám chia sẻ (share) hoặc thích (like) những hình ảnh hay bài viết về những vấn đề xã hội mà mình tâm đắc, kể cả bài viết của bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Không muốn rắc rối với công an trong một chính quyền toàn trị sắt máu.

Ở Việt Nam Facebook đã biến tướng thành một không gian khoe mẽ: Khoe nhà, khoe xe, khoe con cháu, khoe những chuyến du lịch, khoe tất tật những thứ gì khoe được cho thiên hạ biết mình là ai… mà mất đi cái tính năng giao tiếp xã hội, chia sẻ cộng đồng mà nó vốn có. Không thể trách người dùng, cũng không thể trách Facebook mà đây là chủ trương của nhà cầm quyền, dùng một guồng máy đàn áp khổng lồ để thực hiện. 

Một câu bình luận tào lao, không nêu đích danh ai trong lúc chơi điện tử của một cô gái mà đã có cả guồng máy công an và văn hóa thông tin truy tìm xử lý, coi đó như tội “phạm húy” thời các vua chúa xa xưa thì thử hỏi còn ai dám lên mạng để chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng thật của mình?

Bao giờ thì người Việt nhận ra cái không gian sinh tồn của mình càng lúc càng bị thu hẹp một cách thảm hại, không chỉ phố thị ngày càng đông đúc chật hẹp mà cả không gian ảo trên mạng internet toàn cầu cũng bị nhà cầm quyền bóp nghẹt một cách tàn bạo. Quyền tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp chỉ là một thứ xa xỉ đã bị triệt tiêu bởi vô số những điều luật dã man, trong đó có luật An ninh mạng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: