Bức tranh tôn giáo thời suy đồi: Sự ra đời của tà đạo

Đền thờ HCM ở đỉnh núi Ba Vì (file photo)

Trong chuỗi bài về sự đánh phá Phật giáo của chính quyền Việt Nam, bài này tiếp tục cung cấp thêm chi tiết về việc “tôn giáo hóa” và thần thánh hóa ông Hồ… Câu chuyện này một lần nữa cho thấy bức tranh tôn giáo ở Việt Nam hỗn loạn và suy đồi như thế nào…

Dãy Ba Vì được xem là nơi linh thiêng bởi vì gắn liền với tên tuổi của Thánh Tản Viên và được xem là ngọn núi tổ của Việt Nam. Ba Vì gồm có ba đỉnh gồm đỉnh Vua cao 1,296m, đỉnh Tản Viên cao 1,227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1,131m. Trong đó đỉnh Tản Viên thờ Đức Thánh Tản Viên (Sơn Tinh), đỉnh Ngọc Hoa thờ Mẫu theo tín ngưỡng đạo Mẫu của Việt Nam. Đỉnh Vua thì thờ… Hồ Chí Minh.

Ít người biết rằng hàng năm Bộ Chính trị và một số nhân vật trong Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thường tụ tập về đây làm lễ giỗ ông Hồ, bởi lẽ đây mới chính là mộ chôn của Hồ, cụ thể là nơi chôn óc, tim và nội tạng lấy ra sau khi ướp xác. Đồng thời khoảng hai mươi năm trở lại đây, đền thờ còn là nơi hành hương của những tín đồ theo các đạo Hồ Chí Minh.

ĐẠO “TÂM LINH HỒ CHÍ MINH”

Đạo “Tâm linh Hồ Chí Minh” có từ năm 2001, xuất phát từ bà Nguyễn Thị Điền (sinh năm 1960), một nông dân trú quán ở thôn Bài Lâm Hạ, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Bà Điền trước đây làm ruộng, buôn bán nhỏ, sau vì thua lỗ nên bỏ nhà ra đi. Năm 2000 bà quay về nhà và… lập ra đạo “Tâm linh Hồ Chí Minh”, còn gọi là “đạo Hoàng Thiên Long”, “đạo Bác Hồ”. Bà Điền làm thơ, tập hợp thành “kinh sách” đặt tên là: Đại pháp cầu an, Công trình Đại Việt, Ban thờ người Đại Việt, Đại pháp đoàn tràng tu gia

Thờ HCM ở chùa Sôm Rông tỉnh Sóc Trăng (file photo)

Dù nhảm nhí và sặc mùi mê tín nhưng “đạo” này vẫn lôi kéo được hàng chục ngàn người theo, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi theo “đạo Bác Hồ”, tín đồ phải bỏ toàn bộ bàn thờ tổ tiên, bát hương cũ hoặc bàn thờ các tôn giáo khác để thay bằng bàn thờ mới với duy nhất một bát hương; giữa bàn thờ là ảnh ông Hồ, phía trên là cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm (cờ Đảng). Hai bên là “câu đối” (dù không hề chỉnh chu theo luật câu đối): “Phú quý vinh hoa ngàn đại sự. Ngày nay Phật ngự chính tại gia”, hoặc “Tam thiên kỳ hội nay đã đến. Y nhất trong nhà kính tổ tiên”…

Đã theo đạo này thì không đi lễ đình, chùa, không dự các lễ hội tín ngưỡng dân gian; không tham gia các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… Hàng ngày ở nhà mở băng đĩa, cầu nguyện theo lời các cuốn sách do bà Điền viết, ngồi trước bàn thờ vào buổi sáng, tối… Tuân theo vậy sẽ được ông Hồ “linh ứng, linh truyền” vào ba chén nước. Cầu nguyện xong uống hết nước và cứ làm như vậy liên tục thì sẽ… khỏi tất cả các loại bệnh tật, kể cả bệnh hiểm nghèo như ung thư.

Bà Điền lập điện thờ Hoàng Thiên Long và tuyên truyền rằng ông Hồ ngự ở điện Hoàng Thiên Long và hiển thánh truyền cho bà viết thành kinh sách cứu nhân độ thế. Nếu theo đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh thì mọi khổ đau, khó khăn trong cuộc sống đều không còn, còn nếu đã theo mà từ bỏ thì sẽ gặp họa. Bà Điền tự nhận là “Nữ thần giao liên và lương y chữa bệnh bằng tâm linh”. Ai theo đạo này đều phải đóng tiền quỹ và mua kinh sách, do vậy bà Điền nhanh chóng trở thành người giàu có bậc nhất trong vùng.

Một bàn thờ tại gia của tín đồ đạo Tâm linh HCM (file photo)

Vào các ngày lễ, đặc biệt Quốc khánh 2-9, bà Điền tổ chức cúng lễ, quay phim, tuyên truyền để khuếch trương đạo. Các cuộc lễ đều trang trí bằng cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm… Tín đồ dự lễ thì hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Để biết lời kinh của đạo “Tâm linh Hồ Chí Minh” ra sao, xin trích một đoạn, để thấy mức độ thần thánh hóa đến nhảm nhí của đạo Hồ như thế nào:

Ngày nay ta ơn – Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Một người anh cả Thiên Đình giải mê.

Nước lớn Người làm con đê,

Khi chặt Người làm con kê,

Khó khăn Người đứng. Mọi bề che dân

Tôn vinh – Người chính vị Thần

Loạn nước Người đến cứu bần thoát ra,

Xác thân Người đã đi xa,

Linh Thần Người đến – Từng nhà lo toan.

Mong sao dân thịnh tránh oan

Sách này Bác gọi – Người ngoan nghe Thần

ĐẠO “NGỌC PHẬT HỒ CHÍ MINH”

Đạo “Ngọc Phật Hồ Chí Minh” còn gọi là đạo “Thánh Minh vì dân tộc”, hoặc đạo “Vì tình dân tộc”. Người sáng lập là bà Nguyễn Thị Lương, sinh năm 1942 tại xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Bà này trình độ văn hóa 10/10, từng là kế toán xí nghiệp chăn nuôi huyện An Lão, Hải Phòng. Khoảng năm 1990, bà thành lập đạo “Ngọc Phật Hồ Chí Minh” được truyền bá ở Hải Phòng và lan sang nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Nguyễn Thị Lương, giáo chủ đạo Ngọc Phật HCM (file photo)
Bà Nguyễn Thị Lương và các tín đồ được (Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc tiếp (file photo)

Tín đồ thực hiện nghi lễ vào các ngày như 19/5 là ngày sinh của ông Hồ, 27/7 là ngày thương binh liệt sĩ ở Việt Nam và vào ngày Rằm, Mùng Một hàng tháng. Bà Nguyễn Thị Lương tự xưng là “Phật A Di Đà giáng thế”. Đạo phải tôn xưng đức Ngọc Phật Hồ Chí Minh… Nếu tại chùa thì phải đưa tượng Hồ vào thờ trong chùa. Nếu thờ tại gia đình thì lập bàn thờ riêng. Chân dung Hồ ở giữa, hai bên là cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm. “Kinh sách” thì có những cuốn thơ lục bát như: “Bác dâng hương đền ơn người dựng, giữ nước Việt Nam”, “Bản danh sách người Việt Nam được toàn dân dâng hương đền ơn trả nghĩa muôn năm”, “Đền ơn đức vua Bà Trưng Trắc” v.v…, trong đó toàn câu cú lộn xộn, tối nghĩa nhưng đầy tính tuyên truyền thần thánh hóa Hồ cũng như ca ngợi Đảng.

Hằng năm, mỗi tín đồ theo “đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh” phải đóng lệ phí 200,000 đồng. Những tín đồ luôn tuyên truyền cho nhau rằng: “Đã vào đạo thì không ai được bỏ, ai bỏ là phản lại Ngọc Phật Hồ Chí Minh, sẽ bị Phật đập chết và bản thân sinh ra ốm đau, tai họa”.

Ở một nước như Việt Nam hiện tại, chẳng người dân nào có thể sáng lập ra được một tôn giáo. Ngay cả việc tôn vinh những nhân vật lịch sử như Lê Văn Duyệt còn một thời bị kiểm duyệt và cấm đoán thì không thể có chuyện “người dân” có thể lập một giáo phái và xây một đền thờ, nếu những nhân vật được thần thánh hóa đó không thuộc “hệ phái cộng sản” như Hồ hoặc Võ Nguyên Giáp.

Tà giáo dưới bình phong tôn giáo

Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, đến cuối năm 2020, có 16 tôn giáo được nhà nước công nhận và cấp giấy phép đăng ký hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, Islam giáo, Tôn giáo Baha’i, Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam tông miếu, Bà La Môn, Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Mormon, Mặc môn), Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 40 tổ chức tôn giáo và một pháp môn tu hành (thuộc 16 tôn giáo nói trên) được nhà nước công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động.

Không nói đến những tôn giáo khác, ở đây chúng ta thấy rõ sự xuất hiện và hoạt động của “đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh” và “Tâm linh Hồ Chí Minh” có những đặc điểm riêng dễ nhận biết: Là “đạo” nhưng phi tôn giáo, mục đích là tuyên truyền sự tôn sùng lãnh tụ, đề cao một giai đoạn lịch sử, đề cao sự lãnh đạo của đảng cầm quyền…

Bên trong Điện thờ Hoàng Thiên Long của đạo Tâm linh HCM (file photo)

Việc hai đạo “Ngọc Phật Hồ Chí Minh” và “Tâm linh Hồ Chí Minh” vẫn tồn tại và phát triển trong sự kiểm soát gắt gao của nhà nước Việt Nam về tôn giáo, thiết tưởng đã nói lên tất cả. Nguyễn Thị Lương thậm chí còn được mang danh xưng “nghệ nhân tâm linh” với những bức ảnh chụp tại Văn phòng Chính phủ, từng được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước) tiếp. Nó thể hiện rõ sự ủng hộ của lãnh đạo Việt Nam đối với tà đạo Hồ Chí Minh, nếu không muốn nói chính nhà nước đảng trị Việt Nam đã đứng sau những kẻ “sáng lập” vốn chỉ là nông dân ít học.

Điều này còn cho thấy bên cạnh việc làm thoái hóa và suy đồi Phật giáo, đảng cai trị còn tạo ra công cụ để làm mê muội đầu óc người dân, đặc biệt tại những vùng mà sự cắm rễ của cộng sản vốn đã ăn sâu như Bắc Bộ và Trung Bắc Bộ, nhằm mục đích cuối cùng là củng cố sự trung thành của một tầng lớp nông dân ít học dễ dẫn dụ. Đằng sau những hoạt động nhốn nháo này không phải là tôn giáo và tín ngưỡng. Nó là một hình thái tuyên truyền, một sự lừa bịp mị dân nhân danh tôn giáo.

___________

Thời suy tàn khốc liệt của Phật giáo Việt Nam

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: