Cảm thán Mỹ Đình

Một góc sân Mỹ Đình (ảnh: Zing)

Hổm rày đang lâng lâng về vụ hai ông Phó bị rút thẻ đỏ, lại nghe tiếp tin buồn về sân vận động Mỹ Đình bị khán giả Đông Nam Á chê không còn chỗ… chứa. Bực quá, lên mạng tìm hiểu duyên cớ gì đến nỗi, và chỉ cần đánh vào hai chữ “Mỹ Đình” thì lập tức nguyên một nùi thông tin về cái sân vận động này hiện ra. Tức ở chỗ, không có một thông tin nào tích cực đối với bộ mặt thể thao của cả quốc gia mà chỉ là những hình ảnh lầy lội của cái sân được gọi là Mỹ Đình.

Cả thế giới đều biết tuy là nước vẫn khá “khiêm nhường” về tài năng đội bóng quốc gia nhưng mỗi lần thi đấu ở các nước thì cổ động viên Việt Nam được xem là thành phần hiếu động nhất nhì thế giới. Những đêm không ngủ, những cô gái cỡi truồng hân hoan xuống phố không một chút ngại ngùng, những dòng xe gắn máy bất tận “đi bão” mỗi khi thắng một trận banh… cho thấy một sự cuồng nhiệt ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, nó không bù đắp nổi hình ảnh nhếch nhác, dơ bẩn, nghèo nàn của cái sân bóng đá mang tiếng là đại diện bộ mặt của Việt Nam trong lĩnh vực thể thao: Mỹ Đình.

Được xây dựng để phục vụ cho SEA Games 2003, sân vận động quốc gia Mỹ Đình tiêu tốn $53 triệu, khoảng 1,300 tỷ Việt Nam đồng. Có sức chứa hơn 40 ngàn chỗ ngồi, được khánh thành vào Tháng Chín 2003, đây là sân nhà chính của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam từ năm 2003. Sân thường tổ chức các trận thi đấu hoặc giao hữu quốc tế khi có đội tuyển tham gia.

Với kinh phí lớn như thế đáng ra sân phải đẹp và bề thế so với các nước như Malaysia hay Indonesia nhưng ngược lại, trong lần tổ chức giải AFF Cup năm nay, Mỹ Đình chịu búa rìu dư luận không thể kể xiết. Tất cả đang có trong Mỹ Đình đều bất cập. Nhà vệ sinh hầu như không hoạt động vì thiếu nước và vắng bóng công nhân vệ sinh. Những hàng ghế khán giả phủ bụi và hoen ố vì không được lau chùi, dọn dẹp. Khu vực chỗ ngồi cho cầu thủ, trọng tài bên ngoài sân đấu bị gió thổi ngã lăn quay. Trong trận đấu giữa Việt Nam và Borussia Dortmund ngày 30 Tháng Mười Một 2022, xà ngang khung thành của Borussia Dortmund đã bị bật ra khiến trận đấu bị gián đoạn năm phút.

Chưa hết, cái sân cỏ mới là điều đáng xấu hổ! Ai xem bóng đá đều thấy tất cả sân bóng trên thế giới đều có màu xanh tươi của thảm cỏ, những lằn ngang và dọc thẳng tắp được cắt như bàn cờ vua. Vậy mà trong lần tranh giải AFF năm nay, Mỹ Đình được cả dư luận tặng cho danh hiệu “nhất thế giới”!

Nhất vì cỏ khô như cho bò gặm, nhất vì lồi lõm lộ cả đất ra ngoài. Khi xem TV, khán giả tưởng rằng đây là sân cỏ ở thời kỳ Pele khi mà sân bóng rất thô sơ.

Báo chí Việt Nam đăng lại những lời chỉ trích, chê bai thậm chí dè bỉu của khán giả khắp năm châu chứ không riêng gì Đông Nam Á. Chỉ cần liếc qua, người dửng dưng nhất cũng chột dạ. Những cổ động viên đến xem trận Malaysia đăng trên trang mạng xã hội của họ nào là “sân nuôi bò”, nào là “nhếch nhác, dơ bẩn chưa từng thấy”, “đây là sân bóng hay ruộng vậy?”… Khán giả không tới sân nhưng khi xem trực tiếp trên TV lại có những ý kiến rất khác: Tài khoản مواز ڤىارل từ Tây Á chế giễu: “Cảnh đẹp. Cứ như tôi đang xem đá bóng thời Pele và Maradona”. Lie Shueng Hoang từ Hong Kong nhận xét: “Lạ lắm. Cỏ ở sân Mỹ Đình không phải màu xanh thì phải? Có ai thấy giống tôi không?”; Laila Zulkifli chế giễu: “Cảm ơn đội tuyển Việt Nam đã cho tôi theo dõi trận đấu ở thập niên 1960”.

“Sân vận động quốc gia” Mỹ Đình (On Sports)

Tiếng xấu của Mỹ Đình làm chột dạ “tứ trụ” nên ông Phạm Minh Chính lên tiếng đòi phải chăm sóc cho Mỹ Đình xứng đáng hơn trước cái nhìn của thế giới.

Nhưng làm thế nào cho xứng đáng đúng như lời phán của ông Chính? Và đây là cách làm cho “xứng đáng” theo kiểu Việt Nam: Ngày 6 Tháng Một 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng yêu cầu hiệu trưởng Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh chỉ đạo lực lượng đoàn thanh niên, sinh viên nhà trường tình nguyện hỗ trợ làm vệ sinh môi trường cảnh quan cho sân Mỹ Đình!

Thưa ông Hùng, sinh viên không có bổn phận phải làm vệ sinh, dọn dẹp cho cái sân trâu gặm này. Con em chúng tôi đóng tiền cho nhà nước để tiếp thu trí thức và chuẩn bị một ngành nghề thích hợp để sau này ra trường còn giúp đỡ cho nhân quần xã hội. Thời giờ của chúng vốn đã bị Bộ Giáo dục các ông đánh cắp và bắt chúng phải “học chính trị” và “tập quân sự”, đừng ăn cắp thời giờ của chúng thêm nữa bằng ba cái câu giật gân, tuyên truyền sáo rỗng. Nhiệt huyết của chúng nếu có chỉ nên hy sinh cho vận mạng đất nước, cho niềm đau của nhân dân thay vì trang hoàng cho những chiếc ghế mà các ông đang ngồi chỉ tay năm ngón.

Bổn phận giữ gìn, tôn tạo, tu bổ sân Mỹ Đình là của chính các ông. Bằng cách nào thì mặc các ông, vì khi lĩnh tiền, lĩnh bổng lộc của nhà nước thì các ông phải căng óc ra nghĩ mà làm. Nhân dân chúng tôi đã phát cho các ông cây chổi vậy các ông phải quét sân, quét đường là bổn phận của các ông.

Theo báo Lao Động, mặt cỏ sân Mỹ Đình đã không hề được thay mới trong gần 10 năm, chủ yếu vẫn là chăm sóc trên nền đất cũ và loại cỏ cũ, nên chỉ cần thời tiết thay đổi bất thường là lập tức có vấn đề về thẩm mỹ và chất lượng. Là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao, có bao giờ ông quan tâm tới hoạt động của sân Mỹ Đình, vốn được xem là bộ mặt thể thao của Việt Nam không? Sân Mỹ Đình có khác nào người dân Việt Nam đâu, khi mà họ không bao giờ nhận được sự quan tâm của những kẻ ăn trên ngồi trốc. Tầng lớp nhân dân nào cũng chịu số phận như vậy, đặc biệt người nông dân.

Với kích thước 105m x 68m so với diện tích cả nước 331.212 km² thì Mỹ Đình chỉ là một con muỗi trong sa mạc. Nhưng con muỗi ấy đang bị mổ xẻ để tìm ra “căn nguyên xuống cấp”, trong khi không ai truy tìm lý do nào mà đến giờ hàng triệu người Việt Nam vẫn lầm than, khô héo như mặt sân bóng Mỹ Đình?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: