Cần nghĩ kỹ trước khi thắt ống dẫn tinh

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật nối ống dẫn tinh cho bệnh nhân – Ảnh: Bệnh viện

Một bệnh viện tư nhân ở Sài Gòn vừa phẫu thuật nối ống dẫn tinh thành công cho một Việt kiều 32 tuổi sống tại Hoa Kỳ, vì tâm nguyện muốn có con của cặp vợ chồng mới cưới này.

Trước đó một năm, chiều lòng bạn gái cũ không muốn có con, ông H. đã “hy sinh” bằng cách đi thắt ống dẫn tinh triệt sản tại Mỹ. Sau khi chia tay bạn gái cũ, ông cưới vợ và cả hai người đều mong muốn có con, ông trở về Việt Nam tìm nơi có thể nối ống dẫn tinh.

Bệnh viện đã đưa ra ba lựa chọn: Phẫu thuật nối ống dẫn tinh rồi chờ đợi để có con tự nhiên; lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); phẫu thuật nối ống dẫn tinh kết hợp trữ tinh trùng dự phòng (trong trường hợp nối ống dẫn tinh thất bại thì sử dụng tinh trùng trữ đông để thực hiện IVF). Sau khi cân nhắc, gia đình ông H. quyết định chọn phương án ba.

Sau một tuần nối lại ống dẫn tinh, ông H. đã có tinh trùng trở lại, tuy nhiên số lượng tinh trùng nhiều nhưng khả năng di động lại kém vì mối nối còn mới.

Giải pháp bác sĩ đưa ra là hai vợ chồng nên tăng cường giao hợp để tống tinh trùng cũ, kích thích tái tạo lứa tinh trùng mới và tăng độ di động, từ đó, khả năng mang thai tự nhiên sẽ cao hơn.

Hai vợ chồng Việt kiều mới cưới trở về Việt Nam để tìm cách có con, sau khi người chồng thắt ống dẫn tinh – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Dân Trí ngày 6 Tháng Năm dẫn lời thạc sĩ, bác sĩ Lê Đăng Khoa, trưởng đơn vị Nam học Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện này cho biết, ông H. là ca thắt ống dẫn tinh hiếm, vì chưa từng có con mà lại chọn phương pháp này. Thông thường, những người đàn ông chọn lựa phương pháp này đều đã có con.

Bác sĩ Khoa nhận định: “Trong khoảng 16 năm tôi điều trị hiếm muộn, rất hiếm người chưa có con quyết định triệt sản như bệnh nhân trên. Có lẽ do ảnh hưởng văn hóa phương Tây vì ở Mỹ, phương pháp thắt ống dẫn tinh diễn ra khá phổ biến (khoảng 500,000 ca/năm). Bệnh nhân cũng thường có tâm lý thắt được thì chắc sẽ tháo ra dễ dàng”.

Thắt ống dẫn tinh để triệt sản có hiệu quả tránh thai cao nhất (gần như 100%), nhưng điểm yếu của phương pháp này là tính chất vĩnh viễn. Khi muốn có con, việc khôi phục ống dẫn tinh trở về ban đầu sẽ khó khăn và tốn kém.

Bác sĩ Khoa cho biết thêm: Tỷ lệ thành công nối ống dẫn tinh (90-95%) phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Phương pháp thực hiện, vị trí nối, thời gian triệt sản, các bệnh lý nam khoa kèm theo, trang thiết bị y tế và trình độ tay nghề bác sĩ.

Vì thế, bác sĩ Khoa khuyên nam giới không nhất thiết phải triệt sản bằng cách này mà nên chọn phương pháp tránh thai khác. Nếu quyết định thắt ống dẫn tinh, đàn ông nên trữ tinh trùng trước. Tuy nhiên, cũng Dân Trí ngày 24 Tháng Tư 2023 cho hay nhiều ông chồng tuổi 30 ở Hà Nội chọn phương pháp ngừa thai bằng cách đến bệnh viện thắt ống dẫn tinh.

Tờ báo này dẫn nguồn tin từ bác sĩ Phạm Minh Ngọc, Trung tâm Hiếm muộn và Y học giới tính Hà Nội cho biết trong vòng hai năm trở lại đây, số lượng nam giới đến Trung tâm này thắt ống dẫn tinh tăng đáng kể.

Hiện nay, mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận 15-20 trường hợp đến thắt ống dẫn tinh, trong khi hai năm trước, mỗi tháng chỉ có vài trường hợp. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, thì độ tuổi các ông có nhu cầu thắt ống dẫn tinh cũng ngày càng trẻ hơn.

Lúc trước, đa phần là trung niên, nhưng hiện nay có nhiều bạn trẻ 30, thậm chí là 25 tuổi, sau khi đã có 2-4 con, đến thắt ống dẫn tinh.

Bác sĩ Ngọc nhận xét: “Triệt sản nam hiện cũng đang là xu hướng ở nhiều nước trên thế giới. Số liệu thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ thắt ống dẫn tinh đã tăng từ 6% đầu năm 2022 lên 9% vào cuối năm”.

Thắt ống dẫn tinh là tách ống dẫn tinh ra khỏi thừng tinh, sau đó cắt bỏ một đoạn rồi bịt hai đầu ống đã cắt – Ảnh: bacsigioi.vn

Giải thích sự gia tăng về nhu cầu thắt ống dẫn tinh của nam giới Hà Nội thời gian gần đây, bác sĩ Ngọc nhận định: Thứ nhất, đây là phương pháp an toàn, không ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý, vết mổ nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, không phải nằm viện; thứ hai, nam giới và xã hội đã có tư tưởng thoáng hơn về việc triệt sản ở nam.

Ngày trước, khi đàn ông có ý định thắt ống dẫn tinh để triệt sản thường sẽ vấp phải sự phản đối rất quyết liệt từ gia đình, họ hàng, vì nỗi e sợ đàn ông sẽ không còn mạnh mẽ nữa. Tuy nhiên, sự tiến bộ trong các kỹ thuật giúp khôi phục chức năng sinh sản sau khi thắt ống dẫn tinh đã khiến nam giới thay đổi quan niệm.

Bác sĩ Ngọc cho biết  sau khi thắt ống dẫn tinh, nếu gia đình muốn có con trở lại, các bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật nối ống dẫn tinh với tỷ lệ thành công lên đến 60-70%. Nếu không may rơi vào trường hợp không thành công, gia đình vẫn có thể có con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như thụ tinh ống nghiệm.

Về mặt y học, bác sĩ Ngọc khẳng định: Thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến tinh hoàn, lượng testosterol vẫn được bài tiết bình thường, đi vào máu và thể hiện tác dụng, nên các chức năng sinh lý, cương dương, việc phát triển cơ bắp, sự nam tính… của người đàn ông thắt ống dẫn tinh vẫn như bình thường.

Do 75% tinh dịch đến từ tuyến tiền liệt, túi tinh chỉ đóng góp 25% thành phần của tinh dịch, nên sau khi thắt ống, tinh dịch trong tuyến tiền liệt vẫn xuất ra khi quan hệ như bình thường, chỉ là không có tinh trùng từ túi tinh.

Một nhận định khác của bác sĩ Ngọc là phần lớn các ông chồng đến thắt ống dẫn tinh đều… rất thương vợ. Vì các phương pháp tránh thai của nữ như tiêm thuốc, uống thuốc, dùng que cấy… đều ít nhiều có tác dụng phụ như tăng cân, rậm lông, mụn trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng nội tiết tố…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: