Cần Thơ: Hai anh em bị liệt đôi chân vẫn ước mơ đến trường

Bà Đào đẩy xe lăn của Tân lên bậc thang với sự trợ giúp của các bạn cùng trường của con – Ảnh An Vui cắt từ video của Thanh Niên

Người mẹ tận tụy với một đứa con bị khiếm khuyết đã là vất vả, thế mà đằng này, bà có đến hai đứa con trai cùng bị khiếm khuyết như nhau là đôi chân của các con hoàn toàn bị liệt.

Câu chuyện về gia đình ông Đặng Bá Tùng và bà Đào Ngọc Đào (47 tuổi) ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ được Lao Động ngày 18 Tháng Tư 2023 và ngày 19 Tháng Tư kể lại bằng bài viết và cả video. Trước đó, ngày 22 Tháng Ba 2023, Thanh Niên cũng có video và bài viết cảm động về tình mẹ của bà Đào đối với hai con trai là Đặng Ngọc Minh Tân (12 tuổi) và Đặng Ngọc Minh Hưng (10 tuổi) khi hàng ngày bà phải 8 lượt đưa con đến trường và trở về trên chiếc xe điện, vì một bé học tiểu học, một bé học cấp 2, hai trường học ở cách xa nhau.

Bà bộc bạch với Thanh Niên: “Các con không thể đi lại nên mọi chuyện sinh hoạt, ăn uống, vui chơi đều cần mẹ giúp đỡ. Buổi sáng chỉ có Hưng tới trường, buổi chiều thì cả hai anh em đều đi học nên có phần vất vả hơn. Khoảng 12 giờ thì tôi chở Tân qua trường trước, xong gấp rút chạy về cho kịp giờ đưa Hưng đi học vào lúc 14 giờ. Hơn 16 giờ thì lại tất bật đi đón Hưng về, đến 17 giờ là tới lượt Tân”.

Thử thách lớn nhất của bà Đào là khi vào trường phải đẩy con trên xe lăn qua những bậc cầu thang của trường học. Lúc đó, các học sinh cùng trường của con sẽ chạy đến phụ với bà. Sâu thẳm trong trái tim bà Đào chỉ mong các con vui vẻ học tập nhưng vẫn có nỗi lo lắng là các con ngày một lớn còn mình thì ngày một già và yếu đi.

Bà Đào lặn lội đưa hai con đến trường trên chiếc xe điện, cả đi lẫn về là 8 lượt/ngày – Ảnh: Lao Động

Lúc các con học tiểu học, bà đẩy xe lăn đưa các con đến trường. Gần đây, dành dụm được ít tiền, vợ chồng bà mua xe điện với thiết kế khá đặc biệt để có thể chở cùng lúc hai đứa con. Sáu năm qua, bà Đào chính là “đôi chân” đưa các con đến trường thỏa chí được học hành và có bạn cùng chơi.

Hiện nay, Tân đã là một thiếu niên có số ký nặng gần bằng mẹ nên bà phải ẵm Tân vào xe lăn rồi mới đưa Tân lên xe điện; với Hưng thì bà có thể bế thẳng từ nhà lên xe điện.

Tân và Hưng đều ham học và thiết tha muốn đến trường, hai vợ chồng bà xoay xở đủ cách để tạo điều kiện cho con có cái chữ. Có lần bà nói với Tân: Giờ con lớn rồi, mẹ đưa rước con không nổi, con ở nhà nghen. Tân đã xin mẹ cho con đi học vì con đi học có bạn mới vui. Thế là bà và chồng bảo nhau phải cố.

Lấy nhau được hai năm, bà sanh Minh Tân năm 2011 trong niềm hạnh phúc. Thế nhưng khi con được ba tháng, bà Đào đau buồn lo lắng khi thấy con không thể chòi đạp chân như đứa trẻ bình thường. Sáu tháng tuổi, bà cho Tân vào xe tập đi, Tân vẫn ngồi yên và không thể vận động. Khi Tân một tuổi, gia đình cho bé đi khám tại Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ và được các bác sĩ định hướng tập trị liệu nhưng sau hai năm, Tân vẫn không đi lại được. Bà Đào kể với Thanh Niên trong nước mắt: “Đôi chân của Tân cũng phát triển nhưng không có cảm giác, ai đặt đâu thì ngồi đó. Ít vận động nên cơ thể mềm nhũn như người không xương. Lớn hơn một chút, con tập nói bập bẹ, nũng nịu và nhõng nhẽo mẹ. Thấy điều dễ thương đó, rồi nghĩ đến cảnh con phải mang hình hài tật nguyền suốt đời, lòng buồn đứt ruột đứt gan”.

Lúc Tân được hai tuổi, hai vợ chồng quyết định có thêm đứa thứ hai nhưng không ngờ bé Minh Hưng cũng bị liệt đôi chân như người anh. Thấy hai con như vậy, cha mẹ bé Tân và Hưng luôn cố gắng tìm cách chữa trị hết bệnh viện Cần Thơ đến bệnh viện Nhi Đồng ở Sài Gòn nhưng tình trạng đôi chân của hai cậu bé vẫn không tiến triển. Dẫu còn một tia hy vọng nhỏ thì vợ chồng bà Đào vẫn quyết tâm còn nước còn tát, nhưng hết kiên trì tập vật lý trị liệu cho Tân, cho Hưng, rồi đến nẹp chân giả, mang đai lưng… nhưng đôi chân hai con vẫn bất động, không thể đi lại bình thường.

Nhìn lại cả dòng họ thấy không ai bị bệnh tật như hai con, vợ chồng bà lại càng buồn rầu, thương con đứt ruột. Nhưng rồi, nhìn hai đứa trẻ lớn lên với tình cảm quyến luyến cha mẹ, hai vợ chồng cũng cảm thấy an ủi, chấp nhận lo cho các con được đến đâu hay đến đó.

Hai anh em Tân – Hưng tập “tạ nước” do cha của các con tự chế để rèn luyện các cơ cho con – Ảnh: Lao Động

Hai đứa con cùng bệnh tật, không thể gửi con cho ai để đi làm, thế là ông Tùng quyết định để vợ ở nhà lo cho hai con, còn mình kiếm việc phụ hồ ở các công trình xây dựng. Ngoài tiền công của chồng, bà Đào kể còn có tiền trợ cấp khuyết tật của hai con mà xã phát hàng tháng (Lao Động và Thanh Niên đều không nói khoản tiền này là bao nhiêu, nhưng theo quy định, mức trợ cấp xã hội cho trẻ em bị khuyết tật nặng theo quy định Việt Nam từ 720,000 – 900,000 đồng/người/tháng – tức $30.6 – $38.2/người/tháng, không rõ Tân và Hưng được hưởng mức nào).

Niềm vui của bà Đào là tuy các con bị liệt đôi chân nhưng đến trường, Tân và Hưng không mặc cảm mà hồn nhiên, hòa đồng cùng bạn học và luôn chăm chỉ học tập. Cả hai anh em qua nhiều năm học đều đạt học lực khá và hạnh kiểm tốt.

Bà nhớ lại, kể với Thanh Niên: “Lớn lên, các con đòi đi học vì muốn biết chữ và có bạn bè, vợ chồng tôi đều nghĩ là rất khó vì tay của hai con rất yếu, nhấc chai nước nhỏ không nổi thì làm sao điều khiển được bút. Nhưng không biết bằng cách nào mà chúng dần luyện được chữ viết ngày càng ngay hàng thẳng lối. Dù còn hơi nguệch ngoạc nhưng vợ chồng tôi rất tự hào vì sự cố gắng của hai con”.

Cô Phạm Thị Mộng Kha, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A của Minh Hưng (trường tiểu học Nhơn Ái 2, huyện Phong Điền) được Lao Động dẫn lời nhận xét: “Về việc học, Hưng tiếp thu rất nhanh, môn toán học rất giỏi, các môn khác ở mức khá giỏi. Hưng còn chịu khó làm bài tập khi về nhà và năng động phát biểu trong lớp. Hưng còn chia sẻ với cô “Con quyết tâm học giỏi, mai sau con lớn con chăm sóc cha mẹ”.

Chia sẻ với Lao Động, thầy Bùi Văn Hoàng, Hiệu trưởng trường tiểu học Nhơn Ái 2 cho hay, nhà trường đã chỉ thị cho giáo viên chủ nhiệm quan tâm, tạo điều kiện cho hai anh em học tập, từ nơi ngồi đến tư thế ngồi, nhằm giúp các em vui vẻ đến trường. Khi nhà trường có quà từ Mạnh Thường Quân tài trợ thì trường cũng ưu tiên tặng cho hai em.

Cô Mộng Kha hỗ trợ Minh Hưng trong các môn học trên lớp 4 – Ảnh: Lao Động

Trao đổi với Thanh Niên, thầy Trần Hữu Dư, giáo viên trường cấp 2 Tân Thới (nơi Minh Tân theo học) cho biết gia đình Tân ít ruộng đất, nguồn thu nhập chính là tiền công làm thợ hồ của cha, dù khiếm khuyết vận động nhưng Tân thông minh, chăm chỉ học tập, luôn nằm trong Top đầu của lớp. Đầu năm học, nhà trường cũng tạo điều kiện để em nhận học bổng, tập sách, đồng phục và Ban giám hiệu cũng đã định cho Tân ngồi học ở tầng trệt hết cấp 2, nhằm giúp mẹ dễ dàng đưa rước em.

Trong cả hai bài viết và hai video của Lao Động và Thanh Niên đều chỉ thấy có một mình bà Đào đưa hai đứa trẻ bị liệt chân đến trường mỗi ngày 8 lượt, trông bà hì hụi vất vả mỗi khi ẵm từng đứa con lên xuống chiếc xe điện mà không thấy bóng dáng người cha, người chồng. Thế nhưng, ông ấy chính là trụ cột gia đình, đang miệt mài ở một công trình xây dựng nào đó để kiếm tiền mang về nuôi vợ nuôi con, một mình gánh vác kinh tế để người vợ toàn thời gian ở nhà lo cho con.

Không bỏ mặc hai đứa trẻ bị liệt chân giữa cuộc đời, hai vợ chồng bà Đào chỉ mong có đủ sức khỏe để lo cho con ăn học thành tài, có được cái nghề nuôi sống chính mình…

Ước mơ bình thường như bao phụ huynh khác, đối với vợ chồng bà Đào, đang là thử thách mỗi ngày. Thử thách này đặt ra không chỉ với họ, mà với cả hai đứa trẻ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: