Cắt điện triền miên, Hạ Long đón du khách kiểu gì?

Du khách đang đợi làm thủ tục lên tàu tham quan vịnh Hạ Long trưa 4 Tháng Sáu – Ảnh: Lao Động

Thủ phủ du lịch của tỉnh Quảng Ninh là TP.Hạ Long đang rơi vào cảnh cắt điện luân phiên nhiều nơi và có khi không báo trước, đến nỗi du khách phải hủy tour, hủy khách sạn và có những trải nghiệm tồi tệ như bị “hành xác”.

Truyền thông trong nước hai hôm nay liên tục kêu ca dùm Hạ Long, từ những câu chuyện thực tế của du khách. Trao đổi với VietnamNet ngày 4 Tháng Sáu, một du khách có con nhỏ là bà Đoàn Liên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết gia đình bà bốn người, đến Hạ Long thuê một căn hộ chung cư ở cao ốc New Life Tower (Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) với giá 2 triệu đồng/hai đêm.

Nhưng vừa nhận phòng thì căn hộ mất điện một tiếng rưỡi, đến sáng hôm sau lại mất điện, không thể nấu nước pha sữa cho con nhỏ 2 tuổi, cũng không đặt đồ ăn gì được vì “mất điện toàn thành phố”, cả nhà phải xuống quán gần đó kiếm đồ ăn và ngủ trưa vạ vật dưới sàn nhà.

Đến chiều có điện trở lại, khi ra biển chơi, cả nhà dự định sẽ ở thêm một đêm nữa vì cảnh đẹp, đồ ăn ngon. Nhưng sáng ngày thứ ba thì điện lại cúp, thế là cả nhà bà sợ quá liền đưa hai con về Hà Nội.

Còn cô giáo Thanh Nga (Thanh Trì, Hà Nội) cùng đoàn giáo viên nhà trường tới Hạ Long du lịch ba ngày hai đêm từ 31 Tháng Năm đến 2 Tháng Sáu. Sáng ngày đầu tiên cả đoàn vừa đi tắm biển về thì điện cúp, cả đoàn của bà Nga phải ngồi vạ vật ngoài cửa khách sạn để bớt nóng, chờ cả tiếng sau mới có điện đi thang máy lên phòng.

Buổi trưa, cả đoàn đi ăn thì đến nhà hàng cũng cúp điện, nhà hàng có máy phát điện nhưng chỉ đủ bật đèn và quạt trần, ai cũng… toát mồ hôi, không còn tâm trạng thưởng thức. Sáng ngày hôm sau, đoàn đi thưởng thức sữa chua trân châu Hạ Long nhưng vừa bắt đầu ăn thì lại mất điện đột ngột, nhân viên quán phải treo biển đóng cửa, thế là cả đoàn lại ăn vội vàng để rời đi, chuyến du lịch thành ra chuyến đi “hành xác”.

Cả đoàn du khách ngồi vạ vật chờ đợi có điện bên ngoài một khách sạn ở Hạ Long – Ảnh: VietnamNet

Đại diện Vivudi Travel, đơn vị vận hành nhiều căn hộ nghỉ dưỡng thuộc khu đồi Beverly Hills Villa and Resort, khu Vinhomes Dragon Bay… than với VietnamNet, suốt tuần qua Hạ Long bị mất điện không báo trước.

Có ngày mất điện từ 17 giờ hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau, có ngày mất từ 8 giờ sáng tới 16 giờ chiều, dù có máy phát điện thì đơn vị này cũng bị khách hàng khiếu nại, đồng loạt đòi hủy phòng, hoàn tiền.

Ông Nguyễn Minh Hải, chủ căn hộ cao cấp tại tòa Cintadines Hạ Long cũng “ăn ngủ không yên” vì mất điện kéo dài, khách yêu cầu hoàn tiền, trả phòng gấp. Ông Hải đã phải thuyết phục khách, xin tặng gói giảm giá 20% với hy vọng khách không đánh giá thấp trên các app trực tuyến.

Than thở với VietnamNet, ông Hải nói: “Căn hộ homestay của chúng tôi nằm trong một tòa nhà nên việc trang bị máy phát điện là không thể. Tòa nhà này cũng khá bị động do không biết trước lịch cắt điện. Đây thực sự là giai đoạn khó khăn với những người kinh doanh dịch vụ du lịch”.

Lao Động ngày 4 Tháng Sáu cũng phản ảnh mất điện triền miên đang là nỗi ám ảnh không chỉ đối với người dân Hạ Long mà còn đối với cả du khách. Nhiều du khách đến Hạ Long đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ, vì có khi đang giữa đêm phải thu dọn hành lý chuyển từ khách sạn nhỏ sang khách sạn lớn để có điện, nhưng có phòng hay không lại là chuyện hên xui.

Chiếc máy phát điện đi thuê trước cửa khách sạn Green Suites, TP.Hạ Long – Ảnh: VnExpress

VnExpress ngày 5 Tháng Sáu cũng mô tả cả du khách lẫn các cơ sở lưu trú ở Hạ Long đều đang khốn đốn vì mất điện luân phiên!

Một du khách đến từ Sài Gòn là Nguyễn Thanh Đan, dự định nghỉ hai tuần ở Hạ Long với gia đình đã đặt một khách sạn năm sao mới ở Hùng Thắng, Hạ Long. Ngay trong ngày đầu tiên, khách sạn đã mất điện buổi đêm, đứa con nhỏ không chịu được nóng quấy khóc mãi nên bà Đan phải tìm thuê một khách sạn có điện khác.

Còn Hoàng Anh, nữ du khách Hà Nội, đặt phòng khách sạn ở Hạ Long vào cuối tuần này, khi được yêu cầu “đóng thêm 300,000 đồng mỗi đêm nếu khách sạn dùng máy phát”, cô đã phải đặt chỗ khác.

Đâu chỉ khách khổ, cơ sở lưu trú cũng khổ vì khách hủy phòng, đại diện khách sạn Green Suites cho biết: “Việc mất điện không thấy có thông báo trước. Khách sạn tôi khi đó đã nhận khách ở 70 phòng. Chúng tôi gọi điện đến cơ quan chức năng hỏi cũng không có câu trả lời khi nào có điện”.

Vì mất điện, toàn bộ khách hủy phòng và ngoài tiền phòng (khoảng 600,000 đồng/phòng), cơ sở này còn mất thêm một khoản tiền đền bù cho khách. Sáng ngày 5 Tháng Sáu, khách sạn này đã đi thuê một máy phát điện lớn đặt ngay trước cửa, đề phòng mất điện đột ngột như hôm trước.

VnExpress cũng dẫn lời một chủ khách sạn ở đường Phan Bội Châu, phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long cho biết: “Máy phát điện mua hẳn thì khoảng một tỷ. Tiền thuê máy khoảng 25 đến 30 triệu một tháng. Mỗi ngày xài thì tốn vài triệu tiền xăng dầu. Chạy cả ngày, nhiều máy không chịu nổi”.

Đại diện khách sạn ba sao Phương Thảo Marina Square than: “Cứ tiếp tục cúp điện kiểu này, chúng tôi chẳng còn lãi”. Khách sạn này có 56 phòng, tốn khoảng 700,000-800,000 đồng một giờ nếu chạy máy phát điện. Riêng trong tuần qua, khách sạn đã tốn thêm hàng chục triệu đồng do mất điện 40-50 giờ. Trong ngày 5 Tháng Sáu, khu vực khách sạn này tọa lạc đã mất điện từ sáng tới tối.

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đều đang rất khó khăn, việc lắp thêm máy phát điện sẽ tốn thêm khoản lớn chi phí tiền dầu để chạy máy.

Thiếu điện, phải cắt điện khẩn cấp thì không cần thông báo cho khách hàng chuẩn bị, chỉ có thể là EVN – Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ Tháng Năm đến Tháng Bảy) rất khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1,600-4,900 MW, vì hạn hán, thiếu nước kéo dài làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm; còn công suất và sản lượng các nhà máy điện gió giảm sâu do gió kém (?)

Còn theo điện lực Quảng Ninh, những ngày qua, miền Bắc thiếu hụt hơn 2,000 MW điện nên các công ty trực thuộc phải giảm công suất. Ngày 1 Tháng Sáu, công ty phải cắt giảm luân phiên 78/128 đường dây trung áp trên địa bàn, từ Đông Triều đến Đầm Hà. Ngày 2 Tháng Sáu, công ty cắt giảm 186 MW và ngày 5 Tháng Sáu là 236 MW.

Nhưng tại sao lịch cúp điện lại không báo trước cho khách hàng, để họ tự chuẩn bị phương án khác?

Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ công ty Điện lực Quảng Ninh ngày 4 Tháng Sáu biện minh: vì toàn miền Bắc những ngày qua đang thiếu hụt công suất trên 2,000MW nên các công ty trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc buộc phải điều tiết giảm công suất KHẨN CẤP theo lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1).

Việc cắt giảm diễn ra trong tình trạng KHẨN CẤP nên tại một số thời điểm, ở một số khu vực, công ty không kịp gửi tin nhắn thông báo qua SMS và Zalo cho khách hàng sử dụng điện (?!).

EVN là tập đoàn của nhà nước, kinh doanh điện độc quyền nên thế đấy: giá không chỉ tăng mãi (chưa hề giảm), lại tính kiểu “chơi cha”, càng xài nhiều thì giá bán càng tăng, đã vậy khi thiếu hàng (điện) bán thì không chịu xoay sở để có đủ điện cung cấp cho khách hàng, mà chỉ biết… cúp, bất chấp ý muốn của khách hàng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: