Chỉ 40% du học sinh bồi hoàn học bổng nhà nước khi không trở về 

Biếm họa về việc thu hồi tiền ngân sách của những du học sinh đi học bằng tiền ngân sách rồi không trở về nước làm việc của Lao Động

Trong số du học sinh đi học bằng tiền ngân sách không trở về Việt Nam làm việc như cam kết, chỉ có 40% số người chịu bồi hoàn. 

Tiền Phong ngày 28 Tháng Hai 2023 dẫn lời của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong danh sách du học sinh phải bồi hoàn tiền đi học từ ngân sách hiện nay, tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo chỉ khoảng 40%. Số 60% còn lại không có khả năng hoàn trả hoặc xin hoàn trả dần. 

Đối với trường hợp chưa thu hồi được chi phí, Bộ thường xuyên có văn bản nhắc nhở cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh, phối hợp với tòa đại sứ Việt Nam nước sở tại, địa phương nơi du học sinh cư trú, cung cấp thông tin cho Cục A03 – Bộ công an để yêu cầu du học sinh bồi hoàn.

Trước đó, cử tri tỉnh Lâm Đồng phản ảnh du học sinh được hưởng học bổng từ ngân sách nhà nước đi du học ở ngoại quốc phần lớn đều ở lại ngoại quốc để sinh sống. Với hiện trạng như vậy, nhà nước có ban hành quyết định thu hồi kinh phí đào tạo không và tỷ lệ thu hồi như thế nào? 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị quan chức Việt Nam bổ sung quy định cho phép du học sinh hoàn trả chi phí theo nhiều đợt, đồng thời bổ sung thêm việc xử phạt đối với trường hợp không chấp hành quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần có giải pháp thu hút du học sinh về nước làm việc, trong đó cần cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước và có nguồn thu nhập thỏa đáng kiểu đãi ngộ nhân tài như lương và phụ cấp cao, cấp nhà ở, tạo mọi điều kiện để họ làm việc.

Thống kê niên khóa 2019 – 2020 của Bộ giáo dục và đào tạo cho biết có khoảng 190,000 du học sinh Việt Nam đang học ở nhiều nước, trong đó tỷ lệ du học sinh tự túc và có học bổng từ nguồn khác (ngoài ngân sách) chiếm khoảng 97%. Như vậy, chỉ có 3% du học sinh đi học bằng tiền ngân sách, họ là ai?

Ngày 9 Tháng Mười Hai 2019, VietnamNet đưa tin bốn người con của lãnh đạo cấp, ngành của tỉnh Quảng Ngãi đi du học bằng tiền ngân sách, nhưng sau khi tốt nghiệp lại không về như cam kết, bị yêu cầu trả lại hơn 9 tỷ đồng ($378,788). Cụ thể, bốn trường hợp vi phạm đều là con của cựu và đương chức trưởng ban Tổ chức, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ngãi; giám đốc Sở Tài chính tỉnh và chủ tịch TP.Quảng Ngãi.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2022 tại Hà Nội – Ảnh: Tuổi Trẻ

Được biết, bốn trường hợp trên đi theo diện đề án thu hút nhân tài hết sức hấp dẫn của tỉnh Quảng Ngãi, dựa theo Quyết định 89/QĐ-UBND mang tên “Đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Đề án có tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2011-2015 là 150 tỷ đồng ($6.3 triệu), trong đó, kinh phí đào tạo sau đại học ở trong nước là 30 tỷ ($1.2 triệu), đào tạo ngoài nước là 118.5 tỷ đồng ($4.98 triệu). 

Tuy nhiên, đâu phải bị nhà cầm quyền tỉnh yêu cầu trả lại kinh phí đào tạo ở ngoài nước là bốn người con của quan chức tỉnh Quảng Ngãi lập tức thi hành?

Ngày 27 Tháng Tư 2021, Người Lao Động đưa tin bốn người con của bốn cán bộ đã nghỉ hưu ở Quảng Ngãi vi phạm cam kết khi đi du học bằng ngân sách, chỉ mới hoàn trả 2.8 tỷ ($117,845) trong số 9.8 tỷ đồng ($412,458).

Lao Động ngày 16 Tháng Mười Hai 2019 đã phân tích nhiều trường hợp cho thấy việc đòi du học sinh đi học bằng tiền ngân sách sau đó không trở về làm việc như cam kết phải bồi thường không phải dễ. Bài báo viết: “Học viên đi học theo đề án thì việc không trở về sẽ gây tổn thất cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng một người nhưng việc bồi hoàn kinh phí đào tạo gần như “bất khả thi”.

Lao Động dẫn lời hiệu trưởng một trường đại học lớn cho biết: “10 năm nay, trường tôi có khoảng 20 người đi học theo ngân sách mà không trở về, cũng chẳng xử lý được, cứ “ùn ứ” ở đó. Học viên đi học theo đề án 322 hay 911 thì việc không trở về sẽ gây tổn thất cho ngân sách nhà nước nhưng việc bồi hoàn kinh phí đào tạo gần như là “bất khả thi””. 

Năm 2016, “cuộc chiến” giữa các nhân tài và nhà cầm quyền TP.Đà Nẵng nổ ra đã lộ những bất cập của mô hình chi tiền ngân sách cho cán bộ đi học nước ngoài. Thế nhưng, nhiều học viên hoàn thành khóa học ở lại ngoại quốc định cư hoặc tiếp tục học lên cao khiến TP.Đà Nẵng phải phát đơn khởi kiện.

Một vụ việc khác xảy ra khi ĐH Cần Thơ khởi kiện một giảng viên ra tòa án quận Ninh Kiều (Cần Thơ), đòi giảng viên này bồi hoàn kinh phí đào tạo 600 triệu đồng ($25,252) đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa “ngã ngũ”, vì bà V.T.N cho rằng, mình đi học theo học bổng của chính phủ Nhật Bản nên toàn bộ chi phí do phía nước bạn cấp. Bà N. cũng cho rằng suốt ba năm đi học tiến sĩ chỉ nhận được 30% lương cơ bản nên không chấp nhận mức bồi hoàn kinh phí nói trên. Phía nhà trường sau đó phải rút lại đơn khởi kiện để thu thập, bổ sung thêm các chứng cứ pháp lý liên quan đến nguồn học bổng.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng: Luật pháp không cấm việc phá cam kết này và đương nhiên người được cử đi học phải bồi thường. Tuy nhiên, theo luật sư Ứng, cần phải xem lại khâu tuyển chọn người đi học. Khi chọn người đi học bằng tiền ngân sách thì việc lựa chọn phải khách quan, cần phải có hội đồng đánh giá để tìm được người có tâm huyết, muốn cống hiến sau khi đào tạo, tránh tình trạng người được cử đi học là con ông, cháu cha.

Nguyên nhân khó thu hồi tiền bồi hoàn là đây chứ đâu: Toàn “con ông, cháu cha” được cử đi học ngoài nước bằng tiền ngân sách – gọi chung là học bổng nhà nước, thế nên làm sao xử cho đến nơi đến chốn được?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: