Chỉ có ở Đà Lạt: Giữ xe tính bằng… phút!

Nếu gửi xe qua đêm ở trung tâm Đà Lạt, du khách có thể tốn tiền ngang với tiền phòng khách sạn bình dân – Ảnh: M.V./Tuổi Trẻ

Đó có thể xem như “mô hình” gởi xe sáng tạo nhất của “giang hồ” Đà Lạt, để phù hợp với tổng mức giá đấu thầu thuê mặt bằng làm bãi giữ xe tại 7 vị trí khu trung tâm thành phố, do UBND TP. Đà Lạt phê duyệt.

Nói cách khác, đây là chiêu độc của bọn “ăn cướp có môn bài”, khiến người dân Đà Lạt và cả khách du lịch choáng váng, như bị đập vào đầu mỗi lần đưa xe vào gởi.

Giá giữ xe được niêm yết như sau: Một lượt gởi xe là 30 phút. Xe hơi dưới 12 chỗ ngồi giá 15,000 đồng/lượt (ban ngày). Nếu gởi quá 30 phút sẽ tính lượt thứ hai đóng thêm 15,000 đồng, quá 30 phút nữa qua lượt thứ ba, tiếp tục đóng thêm 15,000 đồng nữa. Tính ra, mỗi phút đậu xe tại đây sẽ tốn 500 đồng.

Sau ba lượt (90 phút), từ lượt từ tư trở đi (mỗi lượt vẫn 30 phút) bọn “ăn cướp có môn bài” này sẽ giảm giá cho nạn nhân xuống còn 10,000 đồng/lượt.

Vào buổi tối và ban đêm (sau 18h đến 6h sáng hôm sau), giá giữ xe dưới 12 chỗ ngồi được áp dụng theo khung 30,000 đồng/lượt. Sau 2 lượt (1 tiếng) khách gởi xe đã mất 60,000 đồng, lúc này giá của các lượt tiếp theo sẽ hạ xuống còn 10,000 đồng/lượt.

Với cách tính này, nếu du khách đến Đà Lạt, mỗi đêm gửi xe (từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau) sẽ tương đương với tiền thuê khách sạn bình dân: 60,000 + (10,000 x 22 lượt) = 280,000 đồng!

Đà Lạt hiện nay không còn không gian thoáng đãng để du khách có thể nghĩ dưỡng nữa – Ảnh: Người Lao Động

Bởi thế, dân du lịch mới nói với nhau rằng, khi đến Đà Lạt, hỏi thuê luôn cái phòng nữa cho xe nó ở, nhiều khi rẻ hơn, an toàn hơn gởi xe bên ngoài.

Điều này tưởng nói giỡn, mà lại đúng! Vì mặc dù áp giá giữ xe cao nhưng ở nội quy niêm yết, bãi xe tuyên bố không có trách nhiệm đối với xe gửi tại bãi.

Cụ thể, nội quy ghi: “Quý khách đậu xe tự chịu trách nhiệm đối với sự cố cháy nổ xe (nếu có), thiệt hại, mất mát phụ tùng và đồ vật để bên trong và ngoài xe; khách đậu xe tự trông coi xe và tài sản của mình”.

Đã có người kêu gọi tẩy chay Đà Lạt trên mạng xã hội vì cách tính “như ăn cướp” này.

Tài khoản Trọng Nguyễn gọi đó là “bài học vặt lông”. Nguyễn Thành Trí viết trên Facebook: “Thành phố du lịch mà không có được mỗi bãi đỗ xe miễn phí. Ngay trung tâm hồ Xuân hương còn giăng dây treo bảng giữ xe nhếch nhác. Khách du lịch muốn tản bộ hóng gió phải gởi xe. Thử hỏi khách có muốn quay lại lần nữa không?”

Vụ áp dụng giá gởi xe như ăn cướp này do người trúng thầu quyền thuê mặt bằng làm bãi giữ xe đưa ra.

Trước đó, UBND TP. Đà Lạt đã phê duyệt kết quả đấu giá quyền thuê mặt bằng làm bãi giữ xe tại 7 vị trí khu trung tâm thành phố.

Các bãi xe được đấu giá với tổng mức gần 28 tỷ. Người trúng đấu giá thanh toán phân kỳ 1 năm trong 5 năm. Mức giá trúng thầu cao gấp nhiều lần giá khởi điểm khiến người dân bất ngờ và vui mừng vì tính minh bạch trong việc khai thác tài sản công của TP. Đà Lạt.

Quảng trường Lâm viên ngay Hồ Xuân Hương buổi tối nào cũng chật cứng người – Ảnh: Zing News

Người dân chưa kịp vỗ tay thì nhận được một cú tát tai choáng váng đầu óc. Người ta xì xào do giá đấu thầu bị nâng lên cao quá, nên bọn trúng thầu phải tìm cách lấy lại. Tài khoản Thắng Lê phân tích:

“Thực ra giá trúng thầu 28 tỷ không phải là cao, nhưng người trúng thầu phải kiếm ít nhất gấp 3 lần như thế mới có lời, vì phải trả tiền nhân công, bảo hiểm, chi phí quản lý, và nặng nhất vẫn là chi phí ‘hụi chết’ cho các xếp trên thành phố. Đâu phải cứ có tiền nhiều là trúng thầu đâu, quan trọng là có biết chung chi hay không”.

Theo quy định về giá giữ xe của UBND TP. Đà Lạt, vào ban ngày, xe hơi dưới 12 ghế ngồi là 12,000 đồng/lượt; từ 12 – 30 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có giá là 15,000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên và xe tải từ 4 tấn trở lên là 20,000 đồng/lượt.

Vào ban đêm, 3 khung giá trên lần lượt là 25,000 đồng, 30,000 đồng và 40,000 đồng/lượt.

Thành phố không quy định một lượt là bao nhiêu phút, mà chỉ quy định khi mang xe ra khỏi bãi là hết lượt.

So sánh giá cả giữa nhà nước và đơn vị trúng thầu giữ xe mới thấy người dân và khách du lịch bị “chém đẹp” như thế nào.

Trước áp lực của dư luận, UBND TP. Đà Lạt cho biết họ sẽ làm việc với đơn vị trúng thầu về giá cả và cách tính lượt để bảo đảm quyền lợi của người gởi xe, và đúng quy trình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: