Chín công trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân đang bị “đắp chiếu”

Sau gần một năm động thổ, dự án nhà ở xã hội ở khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM) chỉ có hơn chục cọc bê tông – Ảnh: Người Lao Động

Nhà ở xã hội dành cho công nhân ở Sài Gòn không còn là ước mơ mà đã trở nên giấc mơ, vì quá xa tầm tay của họ.

Tháng Mười 2021, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban thành phố (Sài Gòn) đề cập sẽ nghiên cứu xây dựng một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và lao động nhập cư để “giữ chân” họ. Sau hơn ba tháng phong tỏa kinh hoàng vì dịch Covid-19, Sài Gòn đã bộc lộ khiếm khuyết nghiêm trọng, khi các khu nhà trọ (do tư nhân xây dựng) của công nhân cũng là những điểm nóng bùng phát dịch vì điều kiện sống chật chội, chung đụng của họ trong những căn phòng trên dưới 10m2. Những cuộc “dọn nhà” ồ ạt của công nhân với quyết tâm rời khỏi Sài Gòn để về quê, bất chấp lệnh phong tỏa trong thời gian đó đã cho thấy Sài Gòn không còn là “miền đất hứa”!

Sau hơn một năm, lời hứa của ông chủ tịch được thực hiện đến đâu rồi?

Dân Việt ngày 2 Tháng Tư 2023 đã cho biết ở Sài Gòn hiện có chín công trình xây dựng nhà ở xã hội sau khi khởi công “lấy ngày” đã gần như bỏ hoang, không ai làm gì cả.

Tại phiên họp tình hình kinh tế – xã hội quý I/2023 do Ủy ban thành phố Sài Gòn tổ chức ngày 1 Tháng Tư vừa qua, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở xây dựng thành phố cho biết Sài Gòn đặt mục tiêu có khoảng 35,000 nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân nhưng chỉ mới có một công trình hoàn thành với 260 căn.

Trong 18 công trình xây dựng nhà ở xã hội mà các công ty đăng ký, có chín dự án khởi công, động thổ nhưng đến nay vẫn im lìm. Thử kể tên vài dự án:

Thứ nhất là công trình xây dựng Khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) khởi công cuối Tháng Tư 2022, do Sở Xây dựng thành phố phối hợp với tập đoàn Nam Long. Công trình có khu đất rộng gần 3,700 m2 với quy mô xây dựng 242 căn vừa bán vừa cho thuê, nhưng sau gần một năm, vẫn chỉ trơ các móng cọc và cỏ dại mọc đầy.

Giấc mơ có căn hộ chung cư kiểu “nhà ở xã hội” xa vời với người lao động ở các tỉnh đang làm việc ở Sài Gòn – Ảnh: Tuổi Trẻ

Thứ hai là nhà ở xã hội MR1 thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) cũng trong tình trạng “đắp chiếu”, dù khởi công từ ngày 30 Tháng Tám 2022. Công trình này do Sở Xây dựng thành phố phối hợp cùng công ty Xuân Mai Sài Gòn xây dựng trên khu đất rộng 7,000 m2, dự định cung cấp 712 căn hộ cho 1,400 người lao động có thu nhập trung bình…trên bản vẽ!

Thứ ba là công trình nhà ở xã hội ở số 23 đường Lý Tự Trọng (quận 1, đối diện bệnh viện Nhi Đồng 2) vẫn chưa động đậy gì cả và thứ tư là công trình nhà ở xã hội số 350 đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), đang quây tôn kín mít bên ngoài, bên trong không động tĩnh.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty Lê Thành cho biết, hầu hết các dự án khởi công xong để đó là do thủ tục pháp lý chưa hoàn chỉnh, chủ yếu là “khởi công để lấy ngày”, sau đó sẽ hoàn thiện các bước giấy tờ để thi công. Ngoài ra, theo ông Nghĩa, vấn đề chi phí cũng là một rào cản lớn đối với các chủ đầu tư. Làm nhà ở xã hội chỉ được lãi 10%, nhưng thời gian làm mất khoảng 5 năm, như vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%, thua xa tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng! Có lẽ đây là điểm chính yếu không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trước đó, trong hội thảo “Đột phá nhà ở xã hội” do Người Lao Động tổ chức hôm 28 Tháng Ba 2023, ông Nguyễn Trọng Nhân, văn phòng Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, Sài Gòn) chia sẻ, ông rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp đã 22 năm, mức lương hiện nay là 10 triệu đồng/tháng ($425), chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, điện nước… nên việc mua nhà ở là một ước mơ, nói đúng hơn là một giấc mơ, bởi ước mơ có thể thực hiện được, còn giấc mơ thì rất khó!

Đồng ý với ông Nhân, bà Lê Thị Hằng, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Thuận (quận 7, Sài Gòn) cho biết, bà làm công nhân đã 20 năm nhưng hiện tại vẫn đang ở nhà trọ với nhiều bất tiện, nên cũng mơ đến nhà ở xã hội khoảng chừng 40-50m2 (430-538 square feet) giá bán khoảng 1 tỷ đồng ($42,580), cho trả trước 20%, còn lại được trả góp trong 20 năm.

Cafe F ngày 2 Tháng Chín 2022 dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA) cho biết,  Sài Gòn có 122,111 công chức, viên chức nhưng mới chỉ có hơn 5,000 cán bộ được trợ vốn vay ưu đãi với lãi suất 4.7%/năm trong 20 năm để mua nhà; khoảng ba triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân và người lao động tự do, với mong muốn được thuê hoặc mua trả góp nhà ở xã hội.

Sài Gòn có 285,000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân, vì thế, 85% phải thuê nhà trọ tư nhân.

Để phục vụ nhu cầu thuê trọ, Sài Gòn có khoảng 60,470 nhà trọ của cá nhân hoặc gia đình với 560,219 phòng trọ, đáp ứng chỗ ở cho 1.4 triệu công nhân và người lao động tự do. Giá tiền thuê phòng trọ từ 800,000 – 1.5 triệu đồng/tháng ($34-$63), đã chiếm đến khoảng 20% thu nhập của người công nhân.

Số nhà trọ tư nhân dành cho công nhân phân bổ ở Sài Gòn, nhiều nhất là quận Bình Tân, quận 12, Tân Bình và Gò Vấp – Ảnh: Tuổi Trẻ

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố (Sài Gòn) đối với công nhân ngành may mặc cho thấy, thu nhập trung bình của họ khoảng 6.8 triệu đồng/tháng ($289). Trong đó có 40% thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng ($212-$340); 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng (dưới $212); 16% có thu nhập 8-12 triệu đồng/tháng ($340-$510) và  3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng (trên $510).

Với mức lương này, sống tại Sài Gòn, một trong ba địa phương có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước (theo thứ tự 1-2-3 là Hà Nội-Quảng Ninh-Sài Gòn), 41% công nhân cho biết không đủ sống; 15.8% cho biết đủ sống; 22.3% cho biết có dư chút ít và 21.9% cho biết có dư khá.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận, có đến khoảng 56.8% công nhân có thu nhập rất thấp và trên 60% công nhân nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội hoặc phòng trọ để sau 10-15 năm làm việc, hy vọng tích lũy được chút ít “lận lưng” rồi trở về quê sống già.

Thực trạng là thế, nhưng trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn “ru ngủ”: “Về địa vị chính trị, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là đảng Cộng sản Việt Nam; là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Mỉa mai thay khi “giai cấp lãnh đạo” mải miết làm việc cật lực cả đời không vói tay được đến nhà ở xã hội, còn “đội tiên phong” thì thừa tiền sắm đầy những “biệt phủ” khắp Việt Nam và cả trời Tây!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: