Có thật lư hương của Đức Thánh Trần sẽ được trả lại?

Qua việc giới cầm quyền thành Hồ đã tùy tiện dời mất cái lư hương dưới bệ tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, nhiều trí thức và dư luận cộng đồng mạng xã hội đã lên án. Và khi thành phố rơi vào cảnh chết chóc, đau thương vì đại dịch COVID-19, thì cộng đồng mạng xã hội lại tiếp tục lên tiếng với xác tín: Việc chính quyền tước mất cái lư hương là một trong các nguyên nhân gây họa.

Khi kẻ vô lễ tùy tiện tước mất cái lư hương thì dù không bàn tới việc phạm Thánh; việc bất nghĩa, vô ân đó cũng là tước đoạt niềm tin vào chư vị Thánh linh dân tộc của tập thể người dân xứ Sài Gòn- Gia Định, rộng hơn là của cả dân tộc.

Vậy hỏi hậu quả là gì? Đương nhiên là hiệu ứng dư luận chân chính sẽ trở thành quyền năng khiến chính các kẻ vô lễ phải trả giá. Các trường hợp mất chức, đi tù, chết… của các quan chức cộng sản thành phố này vừa qua, theo dư luận là có liên hệ với việc vô lễ, khinh thường Đức Thánh Trần.

Tin tức về những người cộng sản, kể cả cán bộ cao cấp vẫn cung phụng thầy bói, thầy địa lý, lên đồng… đó là việc của họ. Nhưng phủ nhận, đoạt mất cái lư hương phương tiện cắm nhang thể hiện lòng thành với vị Thánh chủ niềm tin của cộng đồng, việc đó, chính là tạo môi trường cho thứ ngày nay gọi là năng lượng xấu hoành hành mà dân lành phải gánh chịu. Cũng rất đúng khi cho là: Năng lượng xấu vô hình như coronavirus và các kẻ xấu hữu hình tước mất đức tin của tập thể là một cặp năng lượng xấu đang hoành hành tàn hại xứ này.

Văn hóa truyền đời của người Việt là tối kị tùy tiện vô lễ động mồ mả ông bà người thân, đập phá lư hương, bàn thờ. Vậy mà vừa qua các ông cộng sản ngang nhiên, ngạo ngược tước mất cái lư hương của nhân dân phụng thờ Đức Thánh Trần. Luật pháp cai trị của các ông không xử các ông tội hủy hoại văn hóa, nhưng sự nguyền rủa của dư luận là bản án có sức mạnh hơn hẳn.

Trong dân gian, câu nói cửa miệng nhưng rất đúng của người sưu tầm cổ vật là: Cổ vật luôn có hồn! Phần hồn của cổ vật chính là nguồn năng lượng tích tụ qua nhiều năm tháng theo cổ vật. Nó tốt hay xấu tùy theo sự biết giữ lễ tôn trọng hay vô lễ khinh thường. Một cổ vật dù tầm thường nhỏ bé thì cũng làm chủ không gian hiện hữu của nó; từ đó hiểu rộng ra cái lư hương dẫu chỉ là chỗ cắm nhang bày tỏ niềm tin nhiều thế hệ với Đức Thánh Trần, cái lư hương dẫu chỉ là cốt xi măng, tô đá mài, đó há chẳng phải là đã làm chủ của không gian niềm tin truyền đời của cả cộng đồng đô thị này sao!

Hôm nay nghe tin các ông lãnh đạo thành phố này. Dự kiến cuối Tháng Chín hoặc đầu Tháng Mười 2021, sẽ công bố phương án thiết kế, tôn tạo tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Sau khi công bố sẽ mời người dân góp ý phương án trùng tu tượng, phù điêu, màu sắc, lư hương…

Dư luận quan tâm đến việc này chỉ cần các ông minh bạch: Có trả lại cái lư hương của Đức Thánh Trần hay không? Có trả lại không gian mà vật linh lư hương từng chuyển tiếp lòng thành của người yêu nước đến oai linh Đức Thánh Hưng Đạo Vương của nhiều thế hệ người dân xứ Sài Gòn- Gia Định không? Và nếu cộng đồng người Việt yêu nước khác chính kiến với các ông lại đến thắp hương Đức Thánh Trần, các ông có lại tước mất cái lư hương một lần nữa không?

Đọc lại tài liệu thì biết ở xứ Sài Gòn-Gia Định dưới chính thể VNCH, có hai di sản tôn thờ Đức Hưng Đạo Vương:

1- Đền thờ Đức Trần Hưng Đạo ở đường Hiền Vương nay là đường Võ Thị Sáu. Đền thờ này do Hội Bắc Việt Tương Tế xây dựng, năm 1958 hoàn thành.

2- Tượng đài Đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng. Tượng đài xây dựng được xem như là Thánh tổ của binh chủng Hải Quân VNCH. Từ năm 1966 đến năm 1967 hoàn thành. Tượng đài do điêu khắc gia Phạm Thông, quê Thái Bình sáng tác.

Người miền Nam tự do, dù thuộc lòng các bài học lịch sử vàng son giữ nước, dựng nước của triều đại nhà Trần và Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; nhưng có thể lòng tự hào, tôn kính ở góc độ tâm linh khác với người miền Bắc. Nhưng họ vẫn nhận thức minh bạch: Từ địa vị anh hùng dân tộc tôn kính, Đức Hưng Đạo Vương được tâm thức đại chúng chuyển hóa thành vị Thánh linh của con dân nước Việt từ đời này qua đời khác, sự chuyển hóa Thánh linh đó là thực chứng tập thể qua suốt các thời kỳ lịch sử.

Với dân xứ Sài Gòn-Gia Định, tin vào sự hiển linh của Đức Thánh Trần và tín ngưỡng Đức ông Lê Văn Duyệt, cùng các vị anh hùng lịch sử dân tộc được tôn thờ khác, là cốt cách tinh hoa văn hóa truyền đời.

Đọc thêm:

Bí thư thành Hồ lặng lẽ đi thắp hương cầu nguyện Đức Thánh Trần

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: