Cò trái phiếu

Ảnh: VTV

Cách đây ít lâu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là Đỗ Anh Dũng bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì phát hành chín đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của người đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành.

Không lâu sau đó là vụ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo trong việc phát hành, mua bán trái phiếu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông. Mức độ sai trái của tập đoàn này trong lãnh vực chứng khoán lớn hơn Tân Hoàng Minh nhiều, với ba lô trái phiếu phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỉ đồng.

Người mua trái phiếu của cả hai tập đoàn này mất trắng số tiền mà họ bỏ ra và không ai có trách nhiệm trả lại cho họ. Khi được hỏi, một nhân vật trong Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết “Ai phát hành người đó trả”! Câu trả lời này chứng tỏ sự vô trách nhiệm của nhà nước nói chung và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói riêng.

Theo Bộ Tài Chính thì State Securities Commission of Vietnam, viết tắt SSC, là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Trong sự việc trái phiếu hai công ty Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát mất trắng khả năng hoàn vốn cho người đầu tư, đáng lẽ SSC phải lường trước và có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Sở dĩ Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát có cơ hội dùng thủ thuật phù phép qua miệng lưỡi của người trung gian (bond broker), nói nôm na là “cò trái phiếu”. Những tay cò này bằng nhiều cách, rỉ tai, vận động cho một tập đoàn hay công ty nào đó với lập luận cho rằng tập đoàn họ lớn, uy tín, khả năng hoàn vốn cho người mua trái phiếu là “triệt để”, lợi nhuận đưa ra cao hơn hẳn ngân hàng…, người có ít tiền dành dụm trong nhiều năm sẵn lòng bỏ ra vài tỷ để mua trái phiếu và rồi mất trắng khi sự cố xảy ra. Vấn đề này, với hầu hết các nước đều khó thể xảy ra, ngoại trừ Việt Nam.

Những tay cò này có card visit làm việc cho thị trường chứng khoán, cho ngân hàng hay cho tập đoàn mà họ đang giới thiệu. Việc giới thiệu sai trái này cho tới nay chưa bị pháp luật chú ý bởi không có quy chuẩn nào cho vai trò này. Giống như bất cứ loại cò nào khác, dư luận chú ý nhưng không hề có biện pháp. Cò trái phiếu tươm tất hơn, cổ cồn, cà vạt, xe hơi đưa đón và vì thế lời giới thiệu của cò này “uy tín” hơn hẳn, cho tới khi mọi điều vỡ lỡ.

Bất cứ nước nào cũng có biện pháp ngăn chặn tệ nạn này vì thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các loại lừa đảo qua môi giới. Ở Mỹ có SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ); ở Anh có FCA; còn Hong Kong có SFC. Thay vì là cò trái phiếu như Việt Nam, những chuyên viên tư vấn tài chính cho khách hàng của các nước phải có bằng cấp tư vấn tài chính do cơ quan quản lý công nhận. Mọi việc tư vấn của họ đều chịu trách nhiệm trước pháp luật khi người đầu tư trái phiếu kiện họ ra tòa việc giới thiệu sai trái cho họ đầu tư, vì vậy không ai dám hy sinh bằng hành nghề của mình vì một số hoa hồng kiếm được từ gian trá.

Bên cạnh chuyên viên tư vấn tài chính cần phải có bằng cấp đúng chức năng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn phải giúp người đầu tư trái phiếu dễ dàng khi tìm kiếm thông tin của các chuyên viên trên cổng thông tin dân dụng. Ở Mỹ, khi cần tìm một chuyên viên tư vấn uy tín, người đầu tư chỉ việc vào website www.finra.org/brokercheck thì mọi chi tiết đều hiện ra, không ai có thể làm giả được.

Bên cạnh thông tin về chuyên viên tư vấn, hầu như những nước có nền thị trường chứng khoán mạnh đều công khai thông tin của những tập đoàn muốn bán trái phiếu cho người muốn mua trái phiếu, có hay không qua chuyên viên tư vấn. Bảng xếp hạng tín dụng được các cơ quan ấn định dựa trên đánh giá của họ về rủi ro công ty có thể vỡ nợ đối với trái phiếu luôn được thường xuyên cập nhật, và nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi để quyết định nên mua trái phiếu của công ty mà họ tin vào hay không. Ở Mỹ chẳng hạn, website  www.investor.gov có thể truy cập bất cứ lúc nào.

Trong nhiều năm, thị trường chứng khoán Việt Nam tỏ ra theo kịp các nước trong khu vực do kinh tế phát triển nhưng những tháng gần đây sàn chứng khoán luôn có một màu đỏ rực, sau khi các đại gia lần lượt vào tù. Phản ứng của thị trường luôn là thước đo chuẩn xác những gì đang xảy ra phía sau thị trường của nó.

Một yếu tố khác giúp cho việc quản lý thị trường chứng khoán giảm thiểu mối lo của người mua trái phiếu là doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có bảo lãnh của ngân hàng. Hiện nay, tuy nhà nước Việt Nam đã đề xuất nhưng không bắt buộc nên một số doanh nghiệp lờ đi việc làm này, vì ngán chi phí bảo lãnh thì ít mà ngại phải bỏ tiền ra “thế chân” cho nhà nước thì nhiều. Do nhà nước không có biện pháp mạnh nên “lừa trái phiếu” xem ra vẫn còn được các tập đoàn “bất chính” áp dụng trong một thời gian dài nữa.

Những ngày gần đây hàng loạt ngân hàng bị nghi đang cố gắng che giấu sự vỡ nợ âm ỉ. Nếu sự thật như tin đồn từ những người mua trái phiếu thì nguy cơ hiệu ứng domino sẽ làm cho người đầu tư sụp đổ toàn diện, từ tiền bạc tới niềm tin. Tiền bạc thì còn có thể trông cậy vào những nhà đầu tư khác nhưng niềm tin khi đã mất thì không nhà đầu tư nào còn tiếp tục tin vào những tập đoàn, kể cả tập đoàn lớn nhất nước là Vingroup mà Phạm Nhật Vượng đang ngồi ghế Tổng giám đốc Hội đồng quản trị.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: