Công an tung chiến dịch dùng người tố cáo giả

Trong phiên tòa của thầy giáo Bùi Văn Thuận, có hai nhân chứng giả là Lê Quốc Quyền (trái) – Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường Mai Lâm và Lê Anh Cường (phải) – chủ tịch UBND phường Mai Lâm.

Nhiều nơi có người bị bắt và đang điều tra, báo động phương thức công an đang dùng người tố cáo giả như một phương thức để bắt và sau đó là bỏ tù bất kỳ ai mà họ cảm thấy khó chịu về thái độ bất đồng chính kiến.

Mới đây, trong tin tức qua lại giữa các gia đình của giới hoạt động, tù nhân lương tâm ở Ban Mê Thuột đang khẩn báo cho nhau tình trạng công an đang dùng những người thân quen của gia đình có người đang bị công an điều tra để ép lấy chữ ký xác nhận là vi phạm luật 117 hay 331 của CSVN.

Hay nói cách khác, để ép tội cho người đang bị điều tra, công an đi tìm những người có quan hệ hàng xóm hay trên Facebook có nhắn tin qua lại, ép họ phải tham gia vào vai trò vu cáo.

Một trong những trường hợp được nêu ra, là vụ án của thầy giáo Đặng Đăng Phước, (59 tuổi, trú tại số nhà 19/6 đường Giải Phóng, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột). Ông Phước bị bắt ngày 8 Tháng Chín 2022 về vi phạm “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Một trong những lý do chính là ông Phước tham gia giúp đỡ nhiệt tình các gia đình tù nhân lương tâm và giới TPB Việt Nam Cộng Hòa.

Thầy Đặng Đăng Phước, người đang bị công an tổ chức cho “quần chúng” tố cáo giả

Ông Đặng Đăng Phước là một người ủng hộ tam quyền phân lập, theo đó hạn chế sự lạm quyền bằng việc không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước vào một cơ quan nhất định. Tam quyền phân lập được các nước phương Tây sử dụng rộng rãi, vì họ tin rằng mô hình này không chỉ để nhà nước làm việc hiệu quả mà còn ngăn ngừa thâu tóm quyền lực.

Quan trọng là ông Phước là nhân vật được giới sinh viên và học sinh ở Buôn Ma Thuột yêu mến. Ông có sức hút trong vị trí là người thầy của trường Đại học Sư phạm tỉnh Đắk Lắk.

Theo cảnh báo từ một người quen biết ông Phước, có tên là Nguyễn Đức Quốc, liên tiếp nhiều ngày vừa qua, các Facebooker có kết bạn với Facebook Đặng Phước bị cơ quan an ninh công an tỉnh Đắk Lắk triệu tập làm việc, tất cả các Facebooker đều bị ép buộc ký vào biên bản do an ninh soạn sẵn với cáo buộc chia sẻ, hay được gắn thẻ các bài viết từ Facebook Đặng Phước, nhằm kết tội thầy giáo Đặng Đăng Phước.

Giấy triệu tập, ép làm nhân chứng tố cáo giả

Facebook của ông Nguyễn Đức Quốc cũng nói cho biết nhiều Facebooker vì lo sợ khi bị hăm dọa từ an ninh điều tra tỉnh Đắk Lắk, đã buộc lòng đặt bút ký vào biên bản do an ninh đã soạn sẵn, hầu hết đều tâm sự rằng họ hiểu đó là những thủ đoạn của công an, nhưng vì bị hăm dọa cuộc sống thường ngày, họ phải ký vào biên bản dưới sự hướng dẫn của nhân viên an ninh tỉnh Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Đức Quốc cũng khẳng định ông là một trong những người bị công an yêu sách, buộc ký vào giấy tố cáo thầy giáo Đặng Đăng Phước.

Dường như dùng người tố cáo, ngụy tạo chứng cứ là một chủ trương được tổ chức trong thời gian gần đây trong công an điều tra CSVN, vì để buộc tội một ai đó, lúc này không dễ dàng đặt tội trước công luận như trước, nên công an đã phải dùng đến thủ đoạn này để đạt mục đích.

Trong một phiên tòa gần đây, diễn ra vào ngày 17 và 18 Tháng Mười Một 2002, nhà bất đồng chính kiến Bùi Văn Thuận cũng đã bị công an Thanh Hóa dùng đến 12 người tố cáo giả để buộc tội điều 117, tương tự như thầy giáo Đặng Đăng Phước. Ở buổi xử, chỉ duy nhất có một nhân chứng giả xuất hiện, sau khi được đối chất đã không trả lời được được nguồn cơn tiếp xúc và tố cáo. Thế nhưng chủ tọa phiên tòa đã ra mặt bảo vệ nhân chứng giả này. Dù không có chứng cứ nào được chứng minh, nhưng ông Bùi Văn Thuận – cũng là thầy giáo – đã bị tuyên 8 năm tù và 5 năm quản chế để phục vụ cho chuyên đề bắt người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: