Cúp điện luân phiên ở Hải Phòng, ba cha con gặp nạn khi ngủ trong xe hơi

Bệnh viện đa khoa Kiến An (TP.Hải Phòng) đang cấp cứu cho ba cha con bị ngạt khí trong xe hơi – Ảnh: Facebook bệnh viện Kiến An

Không chỉ tăng tiền điện vào mùa hè nóng gay gắt, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) bất nhân còn cúp điện luân phiên ở từng khu vực, gây ra cái chết thảm cho một cô gái tuổi 20.

Mất điện, máy lạnh không chạy, cô gái này (ngụ thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP.Hải Phòng) cùng với cha và em gái đã chui vào xe hơi, bật máy lạnh để ngủ vào tối 1 Tháng Sáu 2023. Rạng sáng 2 Tháng Sáu 2023, cả ba phải cấp cứu trong bệnh viện Kiến An (TP. Hải Phòng) vì bị bất tỉnh trong xe hơi.

Hậu quả là cô gái 20 tuổi (Phạm Minh H.), sinh viên một trường đại học ở Hải Phòng đã tử vong, người cha (Phạm Văn T. 49 tuổi) và em gái (Phạm Ngọc K. 15 tuổi) hôn mê, nay tạm thời qua cơn nguy kịch.

Chiếc xe mà ba cha con ông T. ngủ là loại Toyota Camry đời cũ, sản xuất hơn 30 năm trước, để trong gara, bên trong nhà của gia đình.

Trao đổi với VietnamNet chiều 2 Tháng Sáu, bác sĩ chuyên khoa I Đào Vũ Hà, trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Kiến An, người trực tiếp cấp cứu cho ba nạn nhân ngộ độc khí khi ngủ trong xe hơi, chia sẻ khoảng 3:30 sáng cùng ngày, khoa Cấp cứu tiếp nhận ba bệnh nhân bị ngạt khí do ngủ trong xe hơi.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân Phạm Minh H. (20 tuổi) đã ngừng tuần hoàn. Bác sĩ đã cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện. Khoảng bốn tiếng sau, dù tim bệnh nhân đập trở lại một lần nhưng tình trạng rất nặng nên gia đình đã xin về.

Còn bệnh nhân Phạm Ngọc K. (15 tuổi) bị hôn mê sâu, thở ngáp cá, suy hô hấp nặng. Bác sĩ nhanh chóng hỗ trợ kiểm soát đường thở, cho bệnh nhân thở máy, nâng huyết áp, thuốc vận mạch và các biện pháp hồi sức tích cực khác. Sau ba tiếng, tình trạng sức khỏe của K. tiến triển tốt hơn, nồng độ oxy trong máu cao hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn.

Người cha Phạm Văn T. tỉnh táo hơn hai người con, cũng được hỗ trợ thở máy.

Theo bác sĩ Hà, sau khi cấp cứu cho hai bố con ông T. qua cơn nguy kịch, bệnh viện Kiến An đã hội chẩn toàn viện và nghi ngờ ngoài ngộ độc CO, bệnh nhân còn có thể bị ngộ độc chì do nổ máy xe trong gara kín.

Nếu chỉ ngộ độc CO thông thường, bệnh nhân có thể chuyển sang Viện Y học biển Hải Phòng để xử trí. Tuy nhiên, bác sĩ nghi ngờ có yếu tố ngộ độc chì nên bệnh viện Kiến An đã liên hệ với bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) để hai cha con ông T. tiếp tục điều trị.

Khi chuyển viện, bệnh nhân T. đã tỉnh hoàn toàn nhưng vẫn phải thở máy. Bệnh nhân K. còn kích thích, đã được sử dụng thuốc an thần, huyết động và oxy trong máu đã ổn định. Gặp tai nạn bất ngờ, nữ sinh Phạm Ngọc K. đã lỡ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hải Phòng, được tổ chức ngày 2 – 3 Tháng Sáu 2023.

Qua sự việc này, bác sĩ Hà khuyến cáo, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc ngạt khí vì nằm trong xe hơi tránh nóng, nên khi nhà bị mất điện, người dân không nên để xe hơi trong nhà (phòng kín) nổ máy và chui vào nằm ngủ.

Trong ba cha con bị ngạt khí CO trong xe hơi, cô gái 20 tuổi, một sinh viên của trường ĐH Hải Phòng, bị nặng nhất và đã tử vong sau đó – Ảnh: Facebook bệnh viện Kiến An

Tuổi Trẻ chiều 3 Tháng Sáu thông tin thêm, mặc dù Phòng Giáo dục huyện An Lão xin Sở Giáo dục TP.Hải Phòng đặc cách cho nữ sinh lớp 9 Phạm Ngọc K. được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập, nhưng Sở Giáo dục TP.Hải Phòng cho biết nữ sinh này không đủ điều kiện được tuyển thẳng.

Nếu nữ sinh có nguyện vọng tiếp tục học lên lớp 10 trung học ngay trong năm học 2023-2024, Sở sẽ đề nghị các trường tư thục tiếp nhận em, đồng thời hỗ trợ tối đa về học phí và các khoản thu trong quá trình học tập.

Nếu học sinh có nguyện vọng tiếp tục học lên lớp 10 trường công lập thì sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vào năm sau, niên khóa 2024-2025.

Ngày 2 Tháng Sáu 2023, trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết trong trường hợp này có thể cha con ông T. đã bật chế độ máy lạnh lấy gió trong của xe hơi.

Bác sĩ Hoàng phân tích: Chính việc lấy gió trong, không có lưu thông không khí với bên ngoài, khí CO2 từ hơi thở ra tăng, tuy nhiên khí CO2 này không phải nguyên nhân chính gây hôn mê.

Nguyên nhân khi động cơ xe hơi hoạt động, sinh ra nhiều loại khí, trong đó có CO và metan. Đặc biệt khí CO không có mùi, biểu hiện nhiễm độc CO cũng từ từ, không gây ra bất kỳ cảnh báo nào đối với cơ thể.

Khi nồng độ CO cao, hồng cầu của người ở trong môi trường nhiễm độc không chở oxy được nữa, khiến bệnh nhân lịm dần đi.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc khí CO có thể gây ra cái chết “êm dịu”, bởi bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó biết.

Khi hít phải CO, khí này sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong, nhất là phụ nữ mang thai, trẻ em, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.

40% số người bị ngạt khí CO sẽ có di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Bác sĩ Hoàng khuyên để phòng tránh nguy cơ ngộ độc khí khi sử dụng máy lạnh trong xe hơi, cần chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu; lấy gió ngoài bằng cách mở hé cửa để lưu thông không khí tốt.

Ngoài ra, xe hơi lúc đó phải đậu chỗ thông thoáng, trao đổi khí tốt, không phải trong phòng kín.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: